Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
09:51 (GMT +7)

Hội làng Giữa

VNTN - Khi gặt mùa xong xuôi, rơm lên cây, thóc vào bồ, nhà nhà no ấm, như bao làng quê có từ lâu đời, làng Giữa, nay là xóm Hiệp Đồng, cũng có một ngày hội làng vào ngày 24 tháng 10 âm lịch.

Làng Giữa xưa kia gồm cả làng Chùa, làng Phố Đông, thuộc thôn Cầu Đông, tổng Hoàng Long, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Thời còn Hợp tác xã nông nghiệp, cả ba làng cũng đều cùng trong hợp tác xã Đông Quang Hồng, một hợp tác xã điển hình tiên tiến của huyện Phổ Yên.

Hiện nay, làng Giữa được gọi là xóm Hiệp Đồng, còn làng Chùa là xóm Chùa, làng Phố Đông là xóm Đông Sinh. Cả ba làng đều thuộc xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên. Và cũng từ lâu, ba xóm đã có mối quan hệ gắn bó, thân thiết. Tháng 10 âm lịch, ba ngày hội của ba xóm cùng diễn ra vào những ngày cuối tháng. Cứ hai năm một lần, một trong ba xóm lại mở hội to, hai xóm kia đến giao lưu văn hóa, văn nghệ, tưng bừng cả một vùng.

Như ý thức được giá trị nét đẹp của các nghi lễ truyền thống, năm nay, làng Giữa mở hội làng to nhất từ trước đến nay, mời tất cả con, cháu của làng ở gần, xa cùng về dự hội.

Hội làng, ai cũng rạng rỡ, tíu tít, tay bắt mặt mừng, bởi đây cũng là dịp để các thế hệ những người trong xóm đi làm ăn xa lâu ngày về gặp mặt. Có cụ đã bảy, tám mươi tuổi đi lấy chồng xa, được con cháu đưa về dự hội, mắt rơm rớm xúc động. Các chị em lấy chồng làng khác nay cũng về theo đoàn, vui vẻ, náo nức. Những lời thăm hỏi sức khỏe và những câu chuyện thời chăn trâu cắt guột, hái sim, được ôn lại rộn ràng… Ai cũng có quà mang về dự hội, tặng làng như tấm lòng thơm thảo của “những đứa con” xa quê: người thì tặng hoa, người tặng quà, người lại tặng bài thơ, cuốn sách, bài hát tự sáng tác… như những món quà thơm thảo. Đặc biệt, một số cá nhân, gia đình, doanh nghiệp, còn tặng làng những chiếc ghế đá rất đẹp, kê trước sân Nghè...

Ban tổ chức Hội làng đón tiếp mọi người chu đáo, long trọng. Nhiều người vài năm không về quê đều ngỡ ngàng trước cảnh làng quê ngày một thay da đổi thịt. Đường liên thôn mở rộng đổ bê tông, kè gạch hai bên. Trong xóm, rất nhiều nhà cao tầng, nhiều người có ô tô tải, ô tô con và nhà nào cũng có tiện nghi sinh hoạt khá đầy đủ. Chị em phụ nữ váy áo thướt tha, trang sức lấp lánh. Cứ nhìn dân làng đi hội ai cũng tươm tất là thấy rõ đời sống người dân đang khá giả lên nhiều.

Nhà văn hóa mới của làng, rộng và đẹp ngay cạnh nhà văn hóa cũ vẫn còn chắc chắn, khang trang. Cả khu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của xóm rất rộng, có ngôi Nghè cạnh rừng rợp bóng xanh tốt. Đền thờ Bác Hồ và Đài ghi công các liệt sĩ của làng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đều có sân lát gạch rộng vững chắc… Sân, bãi của khu sinh hoạt văn hóa tâm linh của làng, đủ chỗ cho hàng nghìn người trong mỗi dịp lễ hội.

Trong trí nhớ của lớp người cao tuổi của làng, thì Nghè làng Giữa vô cùng linh thiêng. Nghè nằm ở khu rừng, gọi là rừng Nghè. Khu rừng rậm rạp, bí ẩn, với nhiều truyền thuyết lung linh. Những người già thường kể lại, Nghè làng Giữa có từ lâu lắm. Nghè thờ Cao Sơn Quý Minh (Danh tướng thời Lý) và thờ Ông Nghè (Có lẽ là thờ Tiến sĩ Nguyễn Cấu và Tiến sĩ Đỗ Cận, thời Lê, quê ở Phổ Yên?). Những năm 60 của thế kỷ trước, rừng Nghè bị phá, để trồng chè. Nghè cổ cũng bị đổ vì mục nát. Những điều đó cũng như sự mất mát, hoang hoải trong tâm trí dân làng. Đến những năm cuối của thập kỷ 90, thời kỳ đổi mới, dân làng mới góp công, góp của xây lại ngôi Nghè. Tuy không còn giữ được những sắc phong của vua, không còn những bức tượng cổ, nhưng thực sự việc xây lại Nghè như phục hồi lại những đời sống tâm linh của người dân. Rừng Nghè cũng được trồng lại và Đền thờ Bác Hồ, bia tưởng niệm các liệt sĩ cũng được xây dựng trong thời kỳ này.

 

Có cả những trò chơi phục vụ các cháu thiếu nhi

Vào dịp Tết Nguyên Đán và bốn kỳ Xuân, Hạ, Thu, Đông, hàng năm dân làng đều tổ chức lễ Nghè, lễ Bác Hồ và các liệt sĩ. Hội Khuyến học của làng, mỗi năm một lần trao thưởng cho các cháu học sinh, vinh danh những người con hiếu học của làng, đều làm lễ báo cáo với các bậc tiền bối ở Nghè, báo công với Bác Hồ. Ngày sóc vọng hàng tháng, ai có tâm thì mang lễ cúng Nghè. Có con cháu thành đạt cũng ra Nghè trình báo thần linh.

Khu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của làng cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao đủ các môn bổ ích như: cầu lông, bóng chuyền hơi, tập dưỡng sinh, bãi đá bóng, cờ tướng, cờ vua...

Hội làng 2019 mở hai ngày. Cụm dân cư đồi Dứa rước lễ vào Nghè còn có cả đội múa sư tử. Bên cạnh các trò chơi truyền thống, còn có các trò chơi hiện đại, làng còn thuê cả nhà phao, thuê trò chơi tàu lượn cho các cháu thiếu nhi. Cả xóm, cả vùng náo nức. Ngày 23, thi đấu các môn thể thao, tổ chức các trò chơi. Sáng 24, dành cho các gia đình, dòng tộc, cá nhân dâng lễ, tùy tâm, tùy điều kiện của mỗi người. Chiều 24, đón tiếp đại biểu, tổ chức hội làng với các tiết mục múa của đội dưỡng sinh người cao tuổi. Có chương trình văn nghệ chào mừng hoành tráng... Đặc biệt phần vinh danh trao thưởng cho những tập thể, cá nhân xuất sắc; tặng quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn… ai cũng vui mừng xúc động.

Nhìn các sinh hoạt văn hóa của Làng Giữa - xóm Hiệp Đồng ngày càng phong phú, được duy trì thường xuyên càng thấy rõ tinh thần đoàn kết cộng đồng ngày càng chặt chẽ, từ đó các tệ nạn, hủ tục cũng được đẩy lùi, người dân phấn khởi xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương giàu đẹp văn minh.

Mai Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy