Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
01:19 (GMT +7)

Hội giã cốm trông trăng

Sau những tháng ngày oi bức, nắng nóng ngột ngạt, kéo theo mưa rào ầm ầm trút nước, lũ lụt, lở đất rình rập những người dân trên vùng cao… bỗng nhiên, sáng nay núi rừng choàng trên mình tấm khăn voan trắng tinh khôi, rủ gió heo may lạnh se se, dún dẩy la đà sà xuống bản, gọi lũ gà trống lúc cúc xòe cánh gáy vang bản làng quê em đón thu sang.

Ảnh minh họa: Q.K

Đất trời vào thu, bản em chuẩn bị vào mùa cốm rộn ràng náo nức. Mùa cốm là mùa ở bản mở hội giã cốm đón trăng. Nhà nhà, người người hân hoan. Nhưng vui nhất có lẽ là tụi trẻ con lau nhau và nam nữ tuổi nụ, tuổi hoa.

Em yêu những mùa thu tỏa đầy hương cốm ngọt thơm, theo vòng quay thời gian, gối nhau đi qua bản, để rồi đôi bàn chân nhón nhẩy, phổng phao của tụi trẻ theo từng vệt nắng vàng mật mía, ngút ngát trên cung đàn ruộng bậc thang. Nhớ sao những sáng mùa thu, em cùng tụi trẻ lón cón, theo chân mé cùng các bà, các cô tung tăng lên nương cao, nương thấp trồng lúa nếp. Lúa đang vào thời kỳ hạt ngậm sữa đặc sền sệt, khum ngọn, trĩu bông, hoe hoe sắc vàng. Sương sớm từng đám, từng bầy lũ lượt quây lấy người âm ẩm lành lạnh. Lũ trẻ nắm tay nhau dung dăng, cười hớn hở đứng bên vạt cỏ, hò reo đợi các mé, các bà thu hái lúa bằng tan khấu mà tiếng phổ thông gọi là cái hái. Từng ngọn, từng bông lúa tươi tắn theo tay người bản lúc cúc, xúm xít đứng sát nhau thành từng cum tròn trịa.

Lũ trẻ ở bản đứa nào cũng thích đứng giữa trời ràn rạt gió heo may, dày đặc sương, trên cung đàn nương cao, nương thấp, nếm vị thơm thảo sữa lúa nếp, trước khi sánh quyện kết tinh thành lõi gạo ẩn mình trong hạt thóc. Em ngắt hạt lúa tròn mẩy, đưa lên miệng nhấm nháp. Ôi chao, sau cái dằm dặm ở đầu lưỡi là hương vị thơm man mát, ngọt ngào của sữa lúa, từ từ tan trong miệng… thật thú vị biết bao!

Thường thì các nhà trong bản hái lúa non từ lúc mặt trời chưa hé mắt. Mé em bảo, lúc ấy tụi lúa tích tụ tròn căng dưỡng chất tinh túy hương đất, khí trời. Khi nắng thu nhẹ nhàng lan tỏa, các bà, các cô tong tả quẩy những cum lúa bó tròn trĩu nặng về nhà. Bóng người đổ dài trên đường đá, theo vệt nắng hanh hao.

Vui lắm, những mùa cốm ngày thơ bé, em len lén ngồi cạnh bà và mé, bên chiếc nong to, hào hởi dùng bát mà tuốt lúa. Từng bông to, bông nhỏ được đôi bàn tay khéo léo của bà và mé tuốt cẩn trọng, nhẹ nhàng. Bàn tay nhỏ yếu mềm của em cầm chiếc chén sứ nhỏ mà tuốt thôi. Thanh âm lạo xạo của hạt nếp non rời bông, khiến em thích thú hớn hở, luyên thuyên những câu chuyện không đầu, không cuối của trẻ con.

Lúa non tuốt sẵn, mé em dùng chiếc dần, sảy bỏ hạt lép, giữ lại hạt mảy trong đôi nong to mà bà em vẫn quen bảo là nong đực và nong cái. Nong đực đan bằng cật những cây tre già trên núi đá. Nong cái đan bằng cây tre bánh tẻ, có tuổi đời trẻ hơn nong đực. Khi đan nong bao giờ cũng đan một cặp đôi, để rồi nong cái, nằm lọt thỏm trong lòng nong đực. Đôi chiếc nong nhà em ngoài cạp quấn bằng những vòng dây mây già bóng loáng theo thời gian, sau bao mùa thóc lúa đi qua, nong đực ngày càng lên nước nâu vàng óng ả, nong cái ngả màu vàng nhẹ thanh thoát. Nong dùng để phơi đỗ tương, đỗ xanh, lạc vừng… và khi mùa cốm về, nong đựng thóc nếp non. Tụi thóc đông đúc, quây quần nằm yên bình trong đôi nong, tựa như chúng say sưa giấc ngủ, sau những tháng ngày phơi nắng dầm sương trên nương cao, nương thấp chờ làm cốm.

Chiều. Nắng rút vào bụng núi phía tây. Sương theo gió heo may tràn từ trên núi xuống mang theo cái lạnh se se. Mé em bắc chảo gang to lên bếp than hồng rực, cho thóc vào rang lên. Đôi tay mé như múa trong lòng chảo khiến tụi thóc đi từ trái sang phải, rồi ríu rít kéo nhau ngược lại, có lúc mé xoay tròn tay, cho thóc chạy rào rào vòng quanh chảo thật vui mắt. Thóc rang xong thì đổ vào những chiếc thúng tròn, ủ ấm chờ trăng lên cho vào cối giã.

Bố em đi bộ đội nơi xa, nhà không có bóng đàn ông, thế nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do bà với mé làm. Nhưng đến ngày hội cốm, gọi là tăm khảu mẩu thì các anh chị nam nữ trong bản đến giúp. Khoảng sân trước cửa nhà sàn là nơi để cối giã. Cối giã cốm người bản gọi là đuống. Đuống làm từ cây gỗ trắc hồng mộc khoét lòng, lấy về từ trên núi. Bà em bảo, chiếc đuống này do ông nội làm từ ngày bà mới về làm dâu. Mấy chục năm qua đi, ông nội em đã khuất núi, nhưng đuống nhà em vẫn mới đẹp, ngày càng óng sậm nước da nâu đỏ, nhiều đường vân đan xen chạy vòng quanh, tựa như mây hồng vờn trên đá đỏ thật vui mắt. Đi cùng với đuống là tụi chày giã cốm tám chiếc dài chừng hơn một mét, làm bằng gỗ nghiến đá chắc nịch.

Khi nàng trăng ngồi trong mâm vàng, cưỡi mây tỏa ánh sáng khắp núi rừng, làng bản thì bản em mở hội giã cốm. Đêm hội năm nào cũng thế, khởi đầu là tiếng chày náo nức, khua vang lòng đuống từ nhà trưởng bản, dội vào vách đá, lan xa, mời gọi.

Lúc ấy, dưới sân nhà em, thóc nếp rang đổ vào lòng đuống, các anh chị tuổi trăng tròn từng cặp, từng đôi hồ hởi, rộn ràng giã cốm. Vào lúc hội giã cốm lên cao trào, từng cung bậc xúc cảm cũng tràn theo dòng thanh âm bay cao. Dưới trăng, những cánh tay khỏe khoắn khi dâng cao, lúc hạ thấp nhịp nhàng, ấm áp. Hòa trong dòng âm hưởng lúc thủ thỉ nhẹ nhàng, khi dạt dào giòn giã, có lúc lại ào ào tựa nước chảy xối xiết… đó là giai điệu huyền bí giã cốm của người bản. Theo như lời bà em giảng giải, giã cốm có làn điệu thanh âm độc đáo của nhịp chày trầm bổng, dội xuống tụi thóc non trong lòng đuống.

Từng nhịp chày đều đặn, âm điệu rộn vang do đôi nam nữ cầm trịch đầu đuống, sau đó từng cặp, từng đôi đua nhau dồn dập khua chày vào lòng đuống náo nức, tưng bừng, âm vang... Nhịp đầu ba nhịp vang vọng gọi là kéng mưởn (giã mướn). Giai điệu tiết tấu dập dồn, gấp gáp,… nói lên tâm tình thân quí, gần gũi của người bản chung vui hội cốm cùng gia chủ.

Chuyển làn sang nhịp tiếp nối, thanh âm du dương, ngọt ngào, êm ái, nhịp nhàng là tăm húc (dệt vải) như miêu tả đôi bàn tay khéo léo, cần mẫn, chăm chỉ, đảm đang của người phụ nữ ngồi trước khung cửi nhịp nhàng thoi đưa, dệt lên những tấm vải mềm mại, êm ái theo thời gian. Dệt vải là dệt tình yêu, hạnh phúc gia đình êm ấm…

Âm thanh rộn ràng, nhịp thứ ba tình tứ, thánh thót, dồn dập đó là khắp kha (kẹp chân). Qua âm hưởng tiết tấu nhanh, nhịp chày khẩn trương dội vào lòng đuống, thể hiện tình cảm lứa đôi, cùng lời hò hẹn tình yêu nồng ấm, dưới ánh trăng thao thiết… Em như mê chìm vào lời bà, trong tâm trí thơ dại của đứa bé vẫn hiển hiện, thấm sâu, ngày hội giã cốm trông trăng.

Cứ thế, từng đôi nam nữ giã cốm ba nhịp một, tạo nên điệp khúc lặp đi lặp lại, chuyển làn đều đặn. Họ vừa giã, vừa thủ thỉ tâm tình với nhau những lời êm ái, mắt chìm trong mắt giữa lênh loang ánh trăng... đến khi mẻ cốm bong vỏ thì người bản cũng theo nhịp chày giã cốm, sang dự vui cùng gia đình em. Mé em lấy cốm vừa giã xong ra từ lòng đuống để sảy vỏ trấu vụn. Dưới trăng, tụi vỏ trấu lũ lượt bay về phía trước sau mỗi tiếng “soát… soạt… soát… soạt” liên hồi, trên mặt sàng còn lại vô vàn hạt cốm xanh màu lá cây bơ khinh non (lá gừng non)… Mẻ cốm đầu giã xong là lúc trăng sáng rực rỡ. Ánh trăng miên man chảy quanh nhà, tràn ngợp sân… lúc này, bà em lấy chiếc đĩa to, trong lòng đĩa có bông hoa tròn năm cánh được mé em cắt từ tàu lá xanh to. Bông hoa xanh trên đĩa dùng đựng mẻ cốm đầu mùa, dâng lên ban thờ. Bà em mặc áo chàm mới, lưng đeo bộ xà tích, thắp hương mời trời phật, thần núi, thần rừng, ông bà tiên tổ chứng giám để gia đình có một năm mùa màng tốt tươi, bội thu.

Những mẻ cốm sau, bà và mé mời người bản vui chung. Vừa ăn cốm, uống nước, vừa nói chuyện nhà, chuyện bản, chuyện ngày mùa… trong ánh trăng thao thiết. Hương cốm quyện vào những tâm tư, tâm tình nối kết tình nghĩa thêm bền chặt. Từng câu chuyện nối tiếp nhau, dài tựa như nước con suối chảy không dừng.

Thinh không ướp đẫm hương cốm, đám nam thanh, nữ tú ríu rít kéo nhau đến nhà người khác. Để rồi tiếng chày khua lòng đuống trong từng mẻ cốm lại vang ngân, kéo dài thâu đêm, suốt sáng. Hội cốm trông trăng dường như là hội xe duyên, bởi sau mỗi mùa cốm, nhiều đôi nam nữ bén duyên nhau, xây tổ ấm.

Trẻ con bản em háo hức thưởng thức những hạt cốm dẻo thơm, thấm đẫm mồ hôi của bà và mé, của làn điệu giã cốm độc đáo lớn lên theo vũ điệu thời gian.Từng mùa cốm đi qua, tâm hồn em và tụi trẻ thấm đẫm cái bản sắc độc đáo đó. Ôi! Những nương lúa nếp nồng hậu, thơm thảo, cùng biết bao mùa cốm đong đầy mơ ước đi qua tuổi thơ. Nhớ lắm! Mùa thu về ngát hương cốm bay.

Như Lan

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 4 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 4 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 5 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 1 tuần trước