Hồi còi ký ức
VNTN - Đó là tiếng còi dài nhất trong đời mà tôi được nghe. Khi vang lên, nó ngân dài đến mức, trên suốt chặng đường lùa trâu từ bãi thả về nhà, tôi dõi nghe mà cứ nghĩ không biết bao giờ nó dứt. Vẫn tiếng còi phát ra từ cây còi trên đỉnh Đồi Thông quen thuộc, nhưng hôm nay sao nó khác thường, không vào giờ báo ca, tan tầm, không ngân lên đủ độ vang rồi ngắt như bao nhiêu lần trước, lần này nó dõng dạc, vang, to và kéo dài tưởng như không bao giờ muốn dứt. Cùng hòa với nó là muôn vàn những tiếng hô, tiếng hò reo muốn vỡ tung lồng ngực, những đôi mắt lấp lánh niềm vui vô bờ của hàng vạn người, nhiều người nhảy cẫng lên, ôm chầm lấy nhau, họ là những công nhân, nhân dân lao động trong và xung quanh khu công nghiệp luyện kim này, chào mừng sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử đấu tranh và giải phóng dân tộc, hồi còi HÒA BÌNH. Đó là buổi chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Ngày đó, thông tin không nhanh nhạy như thời đại 4.0, người dân lao động nói chung chỉ biết tin tức thời sự qua đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, và chỉ ở những nơi như trung tâm thành phố, các khu tập thể mới có hệ thống loa truyền thanh để nghe, còn đài của cá nhân trong các gia đình, là các đài bán dẫn thì còn quý và hiếm hơn cả siêu xe của các đại gia bây giờ. Đài phát thanh ngày đó cũng chỉ phát trên một kênh tổng hợp duy nhất (không kể đến các kênh đối ngoại phát tiếng nước ngoài và kênh binh vận dành riêng cho các binh sĩ phía bên kia giới tuyến), lại phát trong một khung giờ nhất định trong ngày, vì thế thông tin thời sự khi đến với công chúng thường có độ trễ. Đất nước đã thống nhất, lá cờ mặt trận đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập từ lúc 11 giờ 30 phút cùng ngày, nhưng niềm vui ấy không phải đến với tất thảy mọi người ngay được. Chỉ khi được nghe hồi còi lạ lùng bất thường, trầm ấm, đĩnh đạc, vang xa, như tiếng hò reo được phát ra từ lồng ngực vạm vỡ của một chàng trai khổng lồ, mang hơi thở hừng hực của chiến thắng, báo tin hòa bình, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tới đông đảo nhân dân, niềm vui tột độ khi ấy mới lan tỏa, mới vỡ òa tới hết thảy mọi người. Tôi dám chắc những người lớp tuổi như chúng tôi trở lên, biết đến đội mũ tự bện bằng rơm để hạn chế tác hại của mảnh đạn, bom, biết hầm kèo, hang địa đạo, biết những đêm lưới lửa phòng không giăng sáng trời và những âm thanh rền đục kéo dài rùng rợn của B52, thì tiếng còi ấy khắc sâu mãi vào trong tâm khảm đến suốt đời, không thể nào quên được - tiếng còi khẳng định và reo vang chiến thắng.
Ngược thời gian về trước, ngẫm lại về âm thanh của tiếng còi, bao nhiêu cảm xúc trái chiều cùng ùa về sống động khôn tả. Chúng tôi được sinh ra và lớn lên ở khu công nghiệp luyện kim đầu tiên của đất nước, nơi có hàng vạn công nhân từ mọi miền Tổ quốc, nhiều người là bộ đội sau giải phóng Điện Biên, trong đoàn quân chiến thắng, về xây dựng công trường và chuyển ngành, ở lại làm công nhân, không ít trong số ấy là các chiến sĩ con em của miền Nam ruột thịt. Ngày ấy, cả khu công nghiệp này chung một hàng rào, chung các cổng ra vào. Trong công trường khổng lồ rộng tới hơn 160 héc ta vẫn còn đan xen cả những khu ruộng của HTX nông nghiệp, ruộng canh tác vỡ hoang của nông dân và của cả những người công nhân nữa. Đường vào nhà máy cũng là đường đi làm đồng của nông dân, đi học của chúng tôi, chung cả một tiếng còi tầm vào ca quen thuộc, để mọi người cùng vào nhà máy, thay ca và nghỉ ngơi.
Ngày đó đồng hồ là một cái gì đó rất xa xỉ, nên tiếng còi tầm còn có tác dụng như cái đồng hồ chung cho cộng đồng. Để tiếng còi đến được mọi khu tập thể của công ty, cây còi này cũng to hơn, công suất lớn hơn những cây còi khác. Khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá ra miền Bắc, nó kiêm thêm nhiệm vụ kéo những hồi còi báo động và báo yên cho mỗi trận đánh, mỗi lần máy bay địch bay vào oanh tạc nhà máy và những mục tiêu phụ cận. Thời gian đầu, khi chiến sự chưa ác liệt, vị trí cây còi nằm trên đỉnh nóc tòa nhà ba tầng, trụ sở chính của Khu Gang thép. Ngoài nhiệm vụ kéo một hồi thong thả lúc thay ca, mỗi khi có báo động, nó rúc lên gấp gáp, giục giã ba hồi liên tiếp, hối thúc mọi người xuống hầm, vào nơi trú ẩn, gọi các lực lượng vũ trang, tự vệ của các đơn vị về vị trí chiến đấu. Cây còi như một con người, trở thành người bạn trung thành, cảnh tỉnh mỗi lúc nguy nan và mang niềm vui tạm thời mỗi khi ngân lên một hồi báo yên. Nó là nhân chứng, người trong cuộc và cũng là nạn nhân của cuộc chiến thảm khốc này. Bình thường, tiếng nó đĩnh đạc, trầm ấm, vang xa ngay từ ban đầu, nhưng hình như nhiều lần sau các trận oanh tạc của kẻ thù, tiếng còi cũng bị thương. Nó phải lấy đà, rè rè gượng gạo, tới gần phút sau mới đạt được tới cao độ thường ngày.
Lớp tuổi đang lớn như chúng tôi ngày đó, chỉ nghe qua tiếng còi hàng ngày rất đỗi thân quen ấy, cũng biết phần nào mức độ của cuộc chiến. Sau này lớn lên, làm lính, làm thợ, vô tình chính chúng tôi lại là những người trực tiếp chế tạo ra những cây còi, là hậu duệ của cây còi đại thụ thời chiến xưa kia, mới biết lý do tại sao ngày xưa, sau mỗi lần bị thương, tiếng còi lại rền rĩ, bi thương đến vậy. Tiếng còi vốn được tạo ra khi một loạt các miệng loa được xếp liên tiếp kề nhau thành một vòng tròn, nhận được luồng gió thổi từ một cánh quạt, thông qua một mô tơ, khi đủ nguồn điện, dây cu - roa đúng chuẩn, thì tiếng còi được dõng dạc ngân lên đủ cao độ chỉ sau vài giây khởi động, nhưng khi phải phơi lưng ra cùng chia lửa, gánh bom, mang trên mình bao nhiêu thương tích, tiếng còi cũng vì thế mà dường như đang phải gắng sức. Cùng với các bậc cha mẹ, lũ trẻ chúng tôi ngày đó cùng ăn, cùng ngủ, cùng lo, tim thắt lại thương cho mỗi tiếng còi trong chiến trận. Để đảm bảo an toàn cho mỗi tiếng còi, sau đó cây còi được di chuyển đến địa điểm mới, trên đỉnh Đồi Thông, đối diện tòa nhà năm tầng, nằm ngoại vi nhà máy, ở đó ít hiểm họa hơn, và tiếng còi lại trở lại chất giọng dõng dạc vốn có ban đầu.
Sau hiệp định Pa - ri, Khu Gang thép cùng cả miền Bắc tập trung vào hàn gắn vết thương chiến tranh và chi viện cho chiến trường miền Nam, lớp lớp công nhân nối bước lên đường. Trong trái tim mình chắc chắn còn vang mãi tiếng còi uy nghiêm, như một lời nhắn gọi thiêng liêng của quê nhà.
Ngót nửa thế kỷ đã đi qua, kể từ sau hồi còi lịch sử đó, vạn sự, vạn vật đã đổi thay. Nhưng Đồi Thông vẫn còn đây, những cây thông non xanh bên cây còi ngày xưa, giờ đã thành rừng thông, lá phổi xanh của khu công nghiệp, ngày ngày vi vu, reo vui những điệp khúc muôn đời của gió. Mỗi lần có dịp đi qua, tôi lại đi chậm lại, ngước về kỷ niệm xưa, nghe trong từng tiếng vi vu, như còn đó những hồi còi của một thời máu lửa, bi thương. Và trong tim lại ngân lên, vang mãi hồi còi báo yên hùng tráng, hồi còi chấm dứt chiến tranh.
NGUYỄN MINH TRỌNG
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...