Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
05:10 (GMT +7)

Hoa tay người thợ

VNTN - Tôi có nhiều nét giống cha, giống nhất có lẽ là hai bàn tay với những ngón tay dài, hơi thô và khỏe mạnh. Nếu tôi là con trai, hẳn bàn tay ấy sẽ được khối cô bạn cùng lớp để ý, mượn cớ cầm lên mà xem bói. Nhưng tôi lại là con gái. Bàn tay con gái cần mảnh mai, có chút gì yếu đuối. Bàn tay tôi không gợi chút nữ tính nào. Nó có vẻ phù hợp với những việc nặng nhọc hơn là những việc đòi hỏi sự khéo léo nhẹ nhàng, càng không phải là bàn tay của người hoạt động nghệ thuật.

Ngày nhỏ, tôi cũng có chút tủi hờn khi nhìn lũ bạn ngồi cùng bàn, đứa thì khoe ngón tay mình búp măng, đứa thì khoe ngón tay mình tháp bút, đến lượt tôi, xòe bàn tay ra, chúng ngắm nghía một lúc chả biết gọi là gì, mãi lâu sau một đứa hạ giọng: tay bút.

Bàn tay cha có 8 hoa tay, mỗi bên bốn cái. Tôi cũng có 8 hoa tay, bốn cái cho mỗi bên. Người ta bảo, người có tám hoa tay thường thực thà trung hậu nhưng không phải là người khéo léo, càng không phải người tài. Chín hoa mới tốt. Mười hoa tuyệt vời. Một hoa là cực tài.

Nhưng tôi không thể không yêu hai bàn tay mình, vì chúng là của tôi, luôn đồng hành cùng tôi. Và vì chúng rất giống cha.

Bàn tay cha chỉ có tám hoa tay. Với tôi, đó là những hoa tay tài hoa và tình nghĩa. Hoa tay của người cha hiền, người chồng tốt, người con hiếu thuận, người thầy giỏi, người bạn thủy chung, và đặc biệt, cha còn mang hoa tay người thợ.

Ngoài nghề dạy học được đào tạo bài bản dưới mái trường sư phạm, đem lại cho cha những người học trò thành đạt nghĩa tình, thì cha còn tự học và làm được bao nhiêu nghề khác: nghề làm ruộng, nghề đánh cá, nghề nấu ăn, nghề thợ điện, thợ xây, thợ mộc, nghề giã giò, gói bánh… Chưa hết, tự tay cha còn làm bao nhiêu việc khác: làm bột đao, làm bánh đa bánh tráng, làm mía đường, rồi làm long nhãn, long vải. Việc gì cũng thành thục, khéo léo.

Những tháng ngày làm thợ của cha dội về trong kí ức tôi là quầng sáng chập chờn trong giấc ngủ: quầng sáng hắt ra chiếc đèn dầu thắp lên từ 3- 4 giờ sáng hay lúc đêm khuya, khi vạn vật xung quanh chìm trong tĩnh mịch thì cha mẹ vẫn thức khuya dậy sớm cần mẫn làm việc để không ảnh hưởng đến giờ lên lớp, là ánh lửa hồng rực từ bếp lò đang bận rộn tráng bánh, nấu mật; hay âm thanh xào xạo từ những dụng cụ thủ công làm bánh đa, làm đường, làm bột đao.

Thời đó, mọi việc chưa có máy móc hỗ trợ nhiều như bây giờ, phần lớn đều bằng sức người, do sức người đảm nhiệm. Sản phẩm làm ra an toàn, không hóa chất, nhưng năng suất lao động thấp, lấy công làm lãi, mà công sá thì nhọc nhằn vô kể. Tôi còn nhớ, để làm đường mía, thì toàn bộ công đoạn như ép mía, rồi nấu mật, cán đường (làm đường thủ công, đường đỏ - đường cát để tơi hoặc đóng thành từng khuôn to như viên gạch), cả nhà tôi với bố mẹ, các dì các bác, các anh chị lớn đều phải vào cuộc, lấy sức người làm sức kéo để quay đẩy cần ép mía. Đến khi nấu mật - công đoạn quan trọng nhất, một mình cha loay hoay bên chiếc chảo gang to đùng đựng hàng trăm lít mật đang sôi sùng sục trên bếp lò đỏ rực. Sơ sẩy một chút, mật sôi quá độ là hỏng cả mẻ đường. Trong khi cha nóng bức và mệt mỏi bên bếp lò, thì anh em tôi chỉ biết ăn những đĩa kẹo kéo vừa được lấy ra từ chảo mật sôi, thả vào chum nước cho nguội bớt. Anh em tôi chỉ biết trèo lên đống mía cao ngất chạm mái nhà cấp bốn, chọn những cây mía ngon nhất, phạt đầu phạt đuôi, rồi đưa lên miệng tước ăn ngon lành. Tuổi thơ ngọt ngào có lẽ cũng vì vị ngọt của mía, của đường, của mật đó chăng!

Một hình ảnh khác cũng găm vào trí nhớ, ấy là dáng cha xoay trần bên lò sấy nhãn, trong cái nắng giữa trưa hè tháng sáu, tháng bảy. Ngày này sang ngày khác, không biết bao nhiêu dòng mồ hôi thấm ướt những chiếc áo đông xuân cha mặc. Còn anh em tôi chỉ biết chọn từng quả nhãn mọng nhất, to nhất để ăn, có khi còn tị nạnh nhau, cãi cọ nhau, có khi ném bỏ mà không hề thấy tiếc.

Dường như, trong suốt bao nhiêu năm làm con, tôi chưa bao giờ hỏi cha có mệt không, hay cha đang nghĩ suy gì đang mong ước gì, trong khi tôi đã đọc bao nhiêu cuốn sách, phân tích bao nhiêu bài thơ, đi tìm bao nhiêu vui buồn nhân vật. Tôi cũng chưa bao giờ cầm bàn tay cha, để nhận ra bàn tay ấy đã nhăn nheo, đã yếu đi nhiều. Hai bàn tay qua thời khỏe mạnh vẫn chăm chút cho tôi, vẫn nấu cho tôi bát canh bánh đa nóng hổi mỗi khi tôi trở về nhà, vẫn mắc màn trải đệm cho tôi có giấc ngủ ngon. Hai bàn tay đi qua thời vất vả, nhưng vẫn còn nguyên vệt chai cứng cáp. Và tôi tin tám hoa tay trên mười đầu ngón tay ấy càng trở nên rõ nét hơn, tròn và đẹp hơn bao giờ hết.

Tản văn. Anh Thư

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước