Hoa sưa đỏ
1.
Đêm vời vợi, mênh mang. Sương thì thầm, khe khẽ dắt díu nhau, dềnh dang theo gió xuân trôi về bản, ùa vào căn nhà sàn năm gian trống vắng. Dưới ánh trăng khi mờ, lúc tỏ, em không nhận ra đấy là sương hay mây nữa. Bởi, màu trắng quyến rũ nhẹ nhàng, hết lớp này đến lớp khác, từng đám, từng vầng lành lạnh, ẩm ướt, lũ lượt tỏa ra rồi chụm lại, bủa vây bao bọc quanh người em.
Tiếng gió ràn rạt gọi thời khắc sang canh, đập xuống mặt sông dập dồn sóng vỗ. Bản đồng ca rì rầm muôn thủa của bầy côn trùng, hòa trong thanh âm miên man đả đớt của lũ ếch tìm gọi nhau cuối mùa xuân tràn ngập hương hoa… làm em bồn chồn, váng vất.
Từ trong miền sương trắng tinh khôi, chập chờn ánh trăng thao thiết, thôi miên. Từ trong dàn thanh âm hoang dã cổ tích, anh cùng mây trời, gió núi, sương giăng trở về ngôi nhà ăm ắp kỷ niệm buồn vui… Anh về với em và con sau bao ngày biền biệt đi xa.
Em nghe tiếng anh gọi nhẹ bẫng: “Hai mẹ con ngày nghỉ có khác, lại ngủ nướng rồi, dậy thôi!”. Tiếng anh du dương như tiếng vọng từ nơi nào rất xa, như là anh không ở cõi thực, mà ở cõi mơ hằng hà miên man ảo giác.
Nhưng sao hôm nay nước da trên gương mặt vuông chữ điền cương nghị của anh lại tai tái, không hồng hào, khỏe khoắn như những ngày trước?Ánh mắt anh thăm thẳm buồn đến nao lòng. Đôi mắt anh đâu có buồn như vậy. Từ ngày chúng ta yêu nhau, đến lúc về chung một nhà, kể cả lúc anh thoáng chút nhíu mày, khi em thoắt vui, chợt buồn vô cớ, thì mắt anh vẫn tràn ngập những tia vui, ấm áp. Em run rẩy nhận ra, bộ sắc phục công an anh đang mặc, sao có nhiều vệt loang lổ thẫm màu huyết dụ như màu máu khô thế? Sự khác lạ đột ngột của anh làm em giật mình thảng thốt. Em ào đến bên anh, muốn ôm anh hít hà mùi mồ hôi nồng nồng, pha hương lá cây rừng ngai ngái mà không thể? Anh chợt ẩn, chợt hiện, thoắt gần bên em, rồi nhẹ lướt trong miền sương mê miên trắng, đùng đục màu sữa của hạt lúa non trên nương gần, nương xa…
Em chới với chạy theo bóng hình hư ảo của anh, chìm ngợp giữa rừng hoa sưa đỏ rực, dập dờn bay trên những nương ngô đang trổ cờ hé bắp, tới bờ sông Nậm Re lấp loáng ánh trăng… Bất chợt, anh lướt trên mặt nước huyền diệu, vừa đồng hiện, vừa thoáng qua, vừa chậm rãi trôi đi, đến giữa sông giơ tay vẫy vẫy, như mỗi lần anh đi công tác tạm xa em và con… Em muốn gọi anh hãy quay trở lại với mẹ con em. Nhưng, miệng em không thể cất lời. Tai em ù đặc. Mắt em thôi miên, hút theo bóng hình anh từ từ trôi, giữa ngút ngàn lá xanh và những cánh hoa sưa đỏ lìa cành, chấp chới chao lượn, trong biển sương trắng mê mải, trên mặt sông mênh mang loang loáng trăng vàng…
Mồ hôi hay nước mắt em túa ra trên gương mặt buồn rượi. Thấm đẫm, ướt dượt chiếc gối. Ướt cả chiếc vòng gỗ sưa đỏ trên cổ tay em. Em tiếc nuối giấc mơ ngắn ngủi. Em ao ước, giá như đừng vội thức dậy giữa màn đêm đang trôi về sáng, có lẽ sẽ được ở bên anh lâu hơn. Tim em buốt nhói, quặn thắt nỗi đau chất chứa buồn tủi. Bên cạnh em, con của chúng mình đang say sưa ngon giấc. Miệng nó nhoẻn cười như thể con cũng đang mơ gặp anh.
Anh à, con mình còn bé quá, nó chưa thể nhận ra điều khủng khiếp, rằng bố nó mãi mãi không trở về.
Em tan nát, bất lực trước sự ra đi đường đột của anh. Có lẽ nào niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của em với anh và con lại mãi dang dở thế này? Anh từng nói với em, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, gia đình chúng mình cố gắng vượt qua, cùng nhau vui vẻ đi trên con đường hạnh phúc, tới lúc em và anh đầu bạc răng long, các con trưởng thành. Vậy mà… giờ đây, trong gian nhà trống trải, chỉ còn hai mẹ con. Anh ở đâu đó trên cao xanh vời vợi hãy chỉ cho em biết, em phải làm gì để trụ vững trước giông gió cuộc đời? Em phải làm sao để vừa làm mẹ, vừa làm cha, trông nom săn sóc, nuôi con trưởng thành?
Bé Bình con mình, dù chưa đầy ba tuổi, nhưng nó quá đỗi giống anh. Giống anh từ khuôn mặt chữ điền, đến vầng trán cao, cùng đôi mắt to sáng luôn nhìn thẳng. Giống từ dáng đi, đến nết ăn uống dễ dàng, không cầu kỳ. Những ngày tháng qua, chính thằng con bé bỏng tiếp thêm cho em nguồn sinh lực, để em gắng gượng không gục ngã.
***
2.
Trước mắt em là cảnh tượng tan nát của buổi chiều ấy. Một chiều giá buốt như muốn đông đặc thành đá, trong cơ thể mảnh mai của em.
…Chiều chạng vạng. Từng cơn gió nhún nhảy vũ điệu hồng hoang trên vô vàn khóm lau, bụi chít. Gió oằn mình, bươn bả trôi trượt xuống mặt sông dập dềnh sóng nước. Gió túm mặt nước đẩy vào bờ đá tạo nên dòng thanh âm “ùm… oạp… ùm … oạp” mãi không ngưng.
Những cơn gió đầu đông mang theo cái lạnh se sắt, lôi tụi sương từ trên núi xuống, đẩy dưới mặt sông lên. Sương ùa ập, ôm ấp mấy chục căn nhà sàn trong bản Nà Bung. Lúc này, bản Nà Bung như đang trôi trong miền cổ tích huyền diệu. Thanh trong. Tĩnh lặng.
Sương chiều phả lạnh vào nhà mình cũng là lúc em chấm điểm xong tập bài kiểm tra của học trò. Vừa mở laptop, định xem lại giáo án cho buổi lên lớp sáng hôm sau thì bỗng dưng bụng em cồn cào, nóng sực như thể có ai đó đổ rượu vào đốt. Hơi nóng tỏa từ trong bụng ra, làm người em toát mồ hôi. Ô! Sao thế này? Trời rõ ràng đang gió lạnh mà em lại túa mồ hôi. Có chuyện gì thế? Chân em lúc chạy ra ngoài sàn phơi ngóng nhìn xuống mặt sông, khi lại ngập ngừng chân trên, chân dưới ở cầu thang gỗ. Em thấy lo lắng. Vì lý do gì mà lo thì em không dám nghĩ đến. Em rất sợ khi phải nghĩ quẩn quanh về chuyện không lành. Mắt em nhìn thôi miên xuống con đường qua ngõ…
Lúc này, tụi chim Nộc Chích lông vàng, không cất tiếng hót ríu rít gọi nhau về tổ giống những chiều đã qua. Chúng kêu hốt hoảng, bay nhảy loạn xạ trên cây mác mật như báo hiệu điềm gì mà em không hiểu nổi. Bỗng nhiên, hai con chim Nộc Chích bay vù vào trong nhà, chúng sà xuống chỗ bé Bình, đang mê mải chơi xếp hình, kêu nháo nhác. Bé Bình giật mình nhưng không sợ, giơ tay ra muốn sờ vào tụi chim. Hai con chim sóng đôi, rời phản gỗ, lượn mấy vòng quanh ban thờ, rồi chao cánh vụt bay lên đầu hồi nhà, kêu thảm thiết.
Mặt em tái đi vì sợ. Tụi chim này hôm nay cất giọng da diết, khắc khoải, thảng thốt, tựa như hôm bà nội bé Bình, bỏ vợ chồng mình đi theo tiên tổ trên núi. Mắt em cay xè như ngàn vạn bụi ớt khô bay vào, miệng em đắng ngắt…
Tiếng hú còi, rú ga ầm ầm leo lên dốc của mấy chiếc ô tô cắt ngang ý nghĩ. Mắt em nổ hoa cà, hoa cải nghiêng ngả khi nhìn chiếc xe cứu thương màu trắng, mang hình chữ thập đỏ của bệnh viện. Những chiếc xe dừng khựng trước cổng nhà mình. Từ trong xe, các chiến sĩ mặc sắc phục công an bước ra. Họ lặng lẽ mở cánh cửa xe cứu thương…
…Anh nằm bất động trên cáng. Gương mặt anh trắng bệnh, biến dạng, bầm dập. Đầu anh sưng phồng bởi vết thương, ở đấy máu vón đọng, vo tóc thành từng mảng, từng vệt đặc quánh màu nâu sậm. Bộ quân phục trên người anh không lành lặn, bê bết máu. Trong ráng chiều sẫm đỏ, những tia hồi quang phút cuối trên vòm trời cao vời vợi rực lóe màu cờ… thảng thốt, em kêu lên: “Anh Thàng ơi…” và ngã khụyu xuống bất tỉnh…
Không biết bao nhiêu lần, em chìm trong vô thức, rồi tỉnh lại vì nghe tiếng khóc gọi mẹ ời ời của thằng con. Mắt em trống rỗng, vô hồn, nhuốm một màu đỏ sẫm khi nhìn vào những vết máu khô loang lổ trên người anh. Dường như màu đỏ cứ thế chập chờn lúc ập vào, khi tản ra xa loạn xạ trước mắt em. Buổi chiều nhuốm sắc đỏ. Trời đỏ. Núi đỏ. Đất đá, cỏ cây đỏ. Những gương mặt người bản và đồng đội của anh mang màu đỏ.
Mắt em sưng phồng đỏ mọng, khô như ruộng nẻ tháng chạp. Môi cắn chặt, khóa những tiếng nấc nghẹn…
Đầu đội khăn trắng, mặc áo xô trắng, em ôm con trôi theo bà con họ hàng, người bản và đồng đội anh vào trong rừng mả họ Lý, giữa khoảng trời giăng đầy mây xám, nặng trĩu thanh âm ùng oàng ghê rợn của sấm chớp, khi những cơn gió gầm rít, bứt lá xanh bay lả tả rụng tràn mặt sông, trong tiếng kêu rít khắc khoải, rền rĩ của lũ chim Nộc Chích…
Mùi nhang trầm, những tiếng khóc ai oán kể lể kéo dài, dài mãi như nước dưới dòng sông kia. Và em tròng trành, xiêu đảo ôm lấy bia đá khắc tên anh, khi trời đổ nước như trút…
Em chìm vào cõi mê, trôi theo bóng hình anh trong bạt ngàn mờ ảo sương giăng. Gió thổi. Em lặng lẽ thấy mình trở lại quá khứ. Luồng tâm tưởng em ngược chiều thời gian…
Em quen anh giữa trời mưa gió khi bản Khên Liển bị lũ quét, sạt núi. Anh cùng đồng đội trên cơ quan Công an huyện và Công an tỉnh đi giúp dân, đào bới tìm người dân giữa đống đất đá ngổn ngang, bị núi cao mấy trăm mét vùi lấp. Em và các thày cô giáo trong đoàn tình nguyện của nhà trường cõng gạo, mì tôm, thuốc men… băng rừng, vượt lũ đến với đồng bào và các em học sinh trên điểm trường Khên Liển…
Mưa trắng trời, trắng đất. Nước lũ cuộn dâng, réo ù ù dưới vực sâu trong khi hoa sưa đỏ nhưng nhức, hoa mua, hoa sim nở tím rừng.
Một tuần cứu dân trong mưa gió đã cho em gặp anh. Để rồi sau đó, như là định mệnh em đã yêu anh.
Lời yêu thương nồng cháy anh dành cho em ở nơi rừng già hoang dã, trong tiếng suối reo, chim hót rộn giã. Giữa ngàn vạn tiếng lao xao của lá, trùm ngợp hương thơm dịu ngọt của hoa sưa đỏ, anh nhẹ nhàng ôm em, khẽ mơn man, ướt át đặt nụ hôn lên đôi môi trinh trắng của em hổn hển. Gấp gáp. Vòng tay siết chặt vòng tay, trong bụi phấn hoa sưa đỏ bay bay cùng trăm ngàn tiếng chim rừng tấu ca, giữa ngàn trùng cánh chim chao liệng.
Em bay bổng, lâng lâng giữa màu đỏ của những cánh hoa sưa. Anh cài lên mái tóc đen dày của em một bông hoa, quàng vào cổ em một dây hoa sưa đỏ thơm ngan ngát và thì thầm sẽ mãi thương yêu em mặc cho tháng ngày trôi.
Tiếng cười hoan hỉ của họ hàng, đồng nghiệp, những tiếng hát bay bổng vang âm mặt sông, ngày anh đón em về làm dâu họ Lý em vui đến rơi nước mắt. Mé anh đứng chờ em từ cổng, cầm tay em dắt lên cầu thang theo nghi thức dòng họ và người Tày mình. Trong tiếng cười hoan hỉ, khi trao cho em vòng tay, bộ xà tích bằng bạc cùng chiếc vòng hạt gỗ sưa đỏ, mé khẽ nói với em: “Con là con dâu nhưng mé có thêm đứa con gái”…
Giờ thì anh đã theo chân mé đi xa rồi, đến miền non cao thăm thẳm, xa vời. Nơi ấy chỉ có hương thơm và sương khói. Em muốn gặp mé và anh nhưng còn thằng bé Bình. Nó còn bé quá anh à.
Không biết em nằm bệt giường bao lâu mà mái tóc dài dày mượt của em thưa thớt, rụng lả tả.
Không có bé Bình níu gọi, thì có lẽ giờ này em vẫn còn mê mệt mộng mị giữa dòng sông mê lú của đôi bờ thực và ảo. Giữa cõi tạm và nơi vĩnh hằng. Em phải chăm nom, dạy dỗ con sao đây?…
Trong nỗi cô đơn trống vắng đến tận cùng, trí óc em nhảy nhót nỗi đau kinh hoàng em vĩnh viễn mất anh. Qua lời đồng đội anh, giờ thì em biết, sự hy sinh của anh bắt nguồn từ những cây gỗ sưa đỏ hàng trăm năm tuổi trên núi Phja Kháo.
***
3.
Không biết, cây gỗ sưa đỏ trên núi có từ bao giờ. Người già quanh vùng núi Phja Khao, trong xã Văn Hiểng, ở bản Nà Bung nói với con cháu, rừng gỗ sưa đỏ có từ đời tổ tiên ông bà xa xưa. Theo tục lệ, mỗi năm khi mùa xuân về, bà con trong vùng, bản trên, xã dưới, chọn ngày mùng sáu tháng Giêng làm lễ cúng thần rừng. Sau lễ cúng, dân trong vùng nhắc nhau, bảo vệ những cây gỗ quí đại ngàn, đặc biệt là cây gỗ sưa đỏ.
Cây sưa đỏ có một vị thế linh thiêng của tộc người nơi đây.
Ở vùng này, lứa đôi yêu nhau, hẹn ước về chung một nhà, ai cũng cùng người mình thương nhớ, trao nhau những lời nồng nàn, êm ái dưới tán cây sưa đỏ.
Đứa bé gái, từ lúc sinh ra nhìn thấy mặt trời, mẹ cha đã chuẩn bị vòng làm từ cành gỗ sưa, đựng trong chiếc túi thổ cẩm bé xíu gọi là túi vía. Chiếc túi vía cùng vòng tay cùng bé gái lớn lên, cho tới khi đến lớp học chữ thì được đeo vòng vào tay. Khi người con gái đi lấy chồng, mang theo trên cổ tay vòng gỗ sưa có chín hạt tượng trưng cho chín vía.
Còn với những bé trai ở đây, khi cất tiếng chào đời, cha mé làm nắp dao chạm khắc chim muông, con thú… dưới bầu trời rực rỡ của hoa sưa đỏ tràn ngập nắng. Nắp dao này theo suốt cuộc đời người con trai. Nắp dao càng sáng bóng thì người trai đó càng khỏe mạnh. Chiếc vòng theo suốt cuộc đời người phụ nữ.
Mỗi gia đình đón dâu quí, mẹ chồng trước lúc dắt con dâu lên bậc cầu thang, trao vòng tay hạt gỗ sưa là trao phúc phận.
Tương truyền trong mỗi gia đình, nếu nắp dao của người đàn ông và hạt vòng gỗ sưa óng màu huyết dụ tươi sáng, thì người trong gia đình luôn khỏe mạnh. Còn nếu nắp dao hay vòng gỗ đổi màu sẫm lại, thì sức khỏe yếu kém, hoặc điềm báo trong nhà có chuyện xảy ra…
Thế nhưng, hơn năm trời nay, không biết từ phương trời nào, tụi người trai mặt mũi dữ tợn, mắt láo liên gian xảo, chân tay người ngợm xăm trổ hình thù quái dị, xuất hiện nhiều lần trên đôi bờ sông Nậm Re, tại những khúc sông vắng vẻ ít người qua lại. Chúng lén lút thoắt ẩn, thoắt hiện trên những con đường mòn trong rừng, lên núi Phja Kháo. Chỉ nhìn chúng nghênh ngang, nói cười hô hố, văng lời tục tĩu, đủ biết là lũ người xấu rồi. Già bản Nà Bung nhắc con cháu, tối đến phải cài then cửa thật chắc, kẻo tụi này bất thình lình gây chuyện.
Công an xã Văn Hiểng nắm chắc tình hình, phối hợp với lực lượng dân quân, kiểm lâm… tuần tra liên tục, báo cáo thường xuyên lên Công an huyện Pác Miến theo dõi, nắm bắt tình hình tụi người lạ.
Công an huyện cử lực lượng trinh sát, phối hợp với các xã Văn Hiểng, Vân Lênh, Pù Sáy… theo dõi tình hình, đề phòng bất trắc xảy ra. Theo nhận định của cán bộ công an, bây giờ gỗ sưa đỏ đắt lắm, nghe nói chỉ một khúc cây thôi đã có tiền tỷ rồi.
Tụi người xấu chắc chắn rình mò, nhằm vào những cây gỗ sưa. Thế nên không được chủ quan, phải sát sao từng giờ, từng ngày, không để tụi nó lấy trộm những cây gỗ sưa linh thiêng ra khỏi rừng.
Thế nhưng, sự việc trôi đi, đã qua cái tết lâu rồi, bây giờ sang đến đầu mùa đông mà tụi người xấu chưa thấy động tĩnh làm gì hại dân bản, hại rừng. Chúng thi thoảng luồn rừng, lên núi như là người du lịch đi phượt bộ. Dựng lều, ngủ nghỉ, ăn ở trong rừng vài ngày rồi lại ra. Cứ vào rồi ra như thế nhưng cây rừng qua kiểm tra vẫn không thấy bị chặt trộm. Dân các xã theo dõi mãi thì cũng tỏ ra lơ là, chủ quan. Người ta không động đến mình thì mặc người ta thôi. Họ có chân thì cứ vào rừng nhìn ngắm, chơi bời, thăm thú.
Là người dân nghĩ thế, nhưng cơ quan công an huyện Pác Miến thì đề cao cảnh giác. Bám nắm địa bàn chặt chẽ. Lực lượng trinh sát tinh nhuệ, trong đó có đội trưởng Thàng theo dõi sát sao tụi người lạ.
Tuy nhiên, làm thế nào không để tụi trai lạ biết mình bị theo dõi mới là khó. Đến sát gần thì không được, dễ bị lộ. Ở xa canh chừng thì rừng núi, cây cối chằng chịt rậm rạp, không thể quan sát. Vậy nên, đội trưởng Thàng cùng các trinh sát viên ngoại tuyến, tính toán cự ly quan sát và đề ra các phương án, sao cho hợp lý, không để mất dấu vết người lạ, không để bị động. Đúng là khó đấy, nhưng phải làm tốt nhiệm vụ, để núi rừng và người dân bình yên.
… Đêm mùa đông tối như bưng lấy mắt. Gió rét ào ạt kéo cái lạnh cấu vào thịt da.
Vùng rừng núi đại ngàn Phja Kháo âm u, ăm ắp lời côn trùng rỉ rả, trôi trong tiếng gió rú rít.
Gió đêm rét thế này, người bản cửa kín, then cài ngủ ấm trong chăn, không ai ra khỏi nhà làm gì. Có việc cũng chờ đến sáng thôi.
Không ai ngờ, đây là thời điểm tụi người xấu đốn hạ những cây gỗ sưa đỏ.
Mấy ngày nay, tụi người lạ từng tốp vào rừng mà không thấy ra. Lẽ nào rét thế này lại ngủ đêm ở trong ấy? Đây là sự lạ.
Thượng úy Thàng cùng đồng đội nửa đêm bí mật luồn rừng.
Ngược núi chừng hơn hai giờ đồng hồ thì nghe tiếng cưa cắt cây “… xoèn xoẹt…xoèn xoẹt…” ầm ĩ. Không phải tiếng cưa bình thường mà là tiếng cưa điện. Thàng biết được điều này bởi nghe tiếng cành cây rơi nhanh, cây đổ rầm rầm. Theo phán đoán của Thàng, tụi này đông người. Lực lượng công an quá mỏng. Nơi đây không có sóng điện thoại, thế nên phải cử người quay lại báo cáo huyện, xã phối hợp lực lượng bộ đội, dân quân, kiểm lâm… đến ngăn chặn tụi phá hoại.
Một giờ, hai giờ trôi qua. Tiếng gà rừng gáy dập dồn báo sang canh ba. Gió thổi ù, ù. Trời càng về sáng càng lạnh. Sương rơi thẫm ướt vai áo.
Chờ đợi tăng cường lực lượng mới hành động thì tụi trộm gỗ triệt hạ nhiều cây gỗ sưa quí hiếm. Thế nên, dù các trinh sát viên số lượng không đông, nhưng không thể nấp kín mà nhìn cây gỗ quí đổ xuống. Đau xót lắm. Chúng cưa cây nhanh thế này, đến sáng thì cây ngã xuống như ngả rạ. Phải hành động thôi.
Mà kìa, không riêng gì tụi cưa cây. Có nhiều, rất nhiều tụi người đang khuân gỗ xuống núi. Không hiểu chúng huy động người ở đâu ra mà đông thế?
Dưới sự chỉ huy quyết đoán của Thàng, các chiến sĩ công an trinh sát hình sự, bằng bản lĩnh và kinh nghiệm, nhanh chóng tiếp cận tội phạm phá rừng. Thàng lao vào trói được hai tên, thế nhưng tụi tội phạm đông, manh động và liều lĩnh, có vũ khí nóng. Lợi dụng đêm tối, chúng bắn xối xả như vãi đạn về phía Thàng. Nhiều tên liều lĩnh cầm dao lăn xả đâm chém các chiến sĩ.
Thàng ngã xuống bất tỉnh trong tiếng truy hô bắt tội phạm của đồng đội. Không hiểu, trong mê man Thàng có biết, lực lượng phối hợp ứng cứu, vây bắt tội phạm của huyện đã nhanh chóng ập đến, tóm gọn bọn gỗ tặc với số lượng đông lên đến vài chục tên.
…Dòng máu nóng mằn mặn từ đầu xối xuống ngực Thàng. Dòng máu của mẹ cha đã cho anh hình hài sự sống, tạo nên anh là người trai bản dũng mãnh. Anh hít thở hương trời, sương núi, uống nước đầu nguồn sông Nậm Re, đi đôi chân trần trên đá… Giờ thì, trong thời điểm phần ngàn tích tắc, có một điều gì đó thình lình ngưng sững lại. Máu đỏ chảy mãi từ trong cơ thể anh trào ra ngoài, mãi không ngưng. Sức mạnh bình sinh trong anh ngưng lạnh, hóa đá… Anh như thoáng nghe hồn mình buông tiếng thở trĩu nặng…
Thàng nằm giữa vòng tay đồng đội di chuyển trên đường rừng núi khấp khuỷu, xa xôi, bốc mùi lá mục ngai ngái… Anh bay bổng trong miền sương trắng cổ tích. Trôi bồng bềnh giữa ngàn vạn hoa sưa đỏ. Những đóa hoa sưa kết thành lá cờ thắm đỏ, bay trên người anh. Quanh lá cờ, đàn chim Nộc Chích nhiều vô kể, sải cánh nâng lá cờ lên cao, cao mãi ngược chiều gió thổi, ngược chiều thời gian… Thàng bay trên dòng sông mênh mang thời thơ ấu, vươn tới cõi xa xăm ngoài tư duy. Anh lướt nhẹ trên những nếp nhà sàn sum vầy đầm ấm trong bản làng non cao, trong đó có ngôi nhà sàn năm gian của gia đình anh. Anh như thấy hiển hiện rõ gương mặt đẹp nhưng buồn đến nao lòng, đong đầy nước mắt của vợ anh đang ôm bé Bình thơ trẻ, ngơ ngác… chơi vơi giữa đất trời muôn vàn bụi sương tinh khôi, vô biên, cuồn cuộn trôi…
***
Em thở dài nuối tiếc giấc mộng mị đêm qua gặp anh. Giá như em có thể gặp anh được lâu hơn thì tốt biết mấy. Là em nghĩ thế thôi, nhưng dù sao thì anh cũng đi xa tới tận chân trời góc bể nào đó, trong cõi niết bàn rồi. Em đang sống trong cõi thực này cùng bé Bình phải không anh? Em phải rắn rỏi, tiếp tục gieo chữ cho tụi trẻ trên vùng núi quê mình như anh hằng mong đợi. Thật sự, điều em ước muốn khôn cùng, bé Bình lớn lên vững chãi, thành cây to, cột chắc, tiếp bước anh giữ yên bản làng.
Trời sáng rồi anh ạ. Những ngọn gió mang theo cái lạnh làm em tỉnh táo. Mặc cho gió thổi không ngừng, em bước qua bậu cửa, ra đầu cầu thang nhìn về dãy núi Phja Kháo cao xanh vời vợi.
Giữa sóng lá non xanh trập trùng, núi Phja Kháo khoác áo choàng đỏ rực rỡ, huyền ảo.
Tấm áo choàng rộng lớn ấy, kết dệt bằng hoa sưa đỏ, lan rộng, chảy dài ngút ngát tầm mắt, leo tít lên vòm trời ngập tràn nắng ban mai của mùa xuân, trong muôn vàn tiếng chim rừng hánh hót ngân vang.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...