Hoa nhằng diên
Hôm nay Phà đi chăn trâu trên núi Bố. Phà đã hẹn với Pú rồi. Phà dắt trâu qua nhà Pú rồi cùng đi. Từ sáng sớm bà đã dậy đồ xôi trong cái chõ gỗ rồi gói vào mo cau cho Phà ăn cả ngày, cho cả Pú ăn nữa. Gạo nếp Nà Ngần trồng trên cánh đồng Tòng Láo mà đồ xôi, rồi chấm với chẳm chéo thì dù bụng no bung cả cúc áo chàm thì miệng vẫn thèm ăn thêm một nắm nữa. Mùi xôi thơm nức đi khắp ba gian nhà ngấm vào cột lim đen bóng rồi tỏa ra mái ngói nâu trầm đã đánh thức Phà dậy.
Phà tung chăn con công, vươn vai ngáp một cái, rồi gấp cái chăn thật gọn gàng, xếp cái gối bông gạo cho ngay ngắn trên cái đệm bông lau nẹp đỏ trải trên giường. Gối ở trên, chăn ở dưới, phải có tôn ti, trật tự, như cái kim, sợi chỉ cũng có đầu, có đuôi, bà đã dạy thế rồi. Đệm bông lau này mẹ làm từ hồi chưa lấy bố. Mỗi người con gái phải dệt đủ chín cái đệm trước khi về nhà chồng. Giường ông, giường bà, giường anh trai, giường chị gái, giường cho khách, giường bố mẹ. Hồi còn bé thì Phà ngủ với bố mẹ, lớn thì ngủ với anh trai, anh trai lấy vợ ở riêng thì Phà ngủ một mình. Những cái đệm thừa mẹ cất trên gác mái. Thừa thì thừa nhưng chị gái vẫn phải làm chín cái đệm khác trước khi về nhà chồng. Tục lệ là thế, không khác được. Bà gọi Phà đi đánh răng, rửa mặt đi còn thồi thừ ra ở đấy à. Mặt trời sắp lên đỉnh núi Bố rồi đấy. Bà chạy vội ra máng nước.
Loáng một cái, Phà mở gióng chuồng để dắt con trâu đen ra đến cổng cũng là lúc bà dúi nắm xôi mo cau vào tay. Phà nắm chạc dắt trâu đi trên đường làng. Phà chưa cưỡi trâu vì sợ nó mới ngủ dậy còn mệt. Con trâu đen mắt bi ve, sừng trăng khuyết, tai lá mít, đít lồng bàn, đuôi bông chít. Nó ngoan ngoãn đi theo Phà, vừa đi vừa nhai một cây ngô khô. Ngôi nhà Phà đã ở sau đuôi trâu nhỏ như một cái nốt ruồi mọc dưới chân núi Mẹ. Đi một đoạn rất xa, Phà ngoái lại không thấy bà đứng ở cổng nữa, nhưng vẫn thấy khói bay lên từ bếp nhà mình, mảnh như một sợi chỉ trắng.
Con trâu đen gõ móng xuống mặt đường ướt. Hình như đêm qua trời mưa, Phà ngủ say không biết gì, sáng nay tha hồ là cỏ non. Tiếng mõ trâu khua lốc làm tan màn sương giá. Gió bấc từ cánh đồng Tòng Láo thổi lên làm Phà thoáng rùng mình dù đã mặc cái áo bông chần dày sụ. Phà thấy tỉnh táo hẳn, máu trong người chảy mạnh. Phà đưa mắt nhìn xa, trời như sà xuống thấp và những nhà dưới chân núi Bố trông rõ rệt như gần. Nhà Pú đây rồi. Cái cổng tre già đanh với hàng rào cúc tần xanh biếc. Pú đã dắt con trâu trắng đứng đợi từ bao giờ. Con trâu trắng phe phẩy cái tai đuổi muỗi và vung vẩy cái đuôi với gió rét. Pú bảo, sao lâu thế, con trâu nhà tớ đói meo rồi, nó không chịu ăn rơm khô, nó thèm cỏ tươi đấy, chúng mình đi thôi.
Cánh đồng Tòng Xiếng trải ra bát ngát dưới chân núi Bố với thảm cỏ mật xanh mướt vừa mọc lên sau cơn mưa đêm qua. Cỏ mật ngọt như mật ong nên trâu thích ăn. Phà hít căng lồng ngực mùi hương cỏ mật, trong lúc Pú đang tháo cái cặp sách buộc trên lưng trâu. Rồi hai đứa kệ cho con trâu đen và trâu trắng gặm cỏ. Con trâu đen gặm cỏ thong thả vì đã ăn một ít cây ngô khô còn con trâu trắng gặm cỏ hùng hục vì từ sáng đến giờ chưa có gì lót dạ. Tiếng gặm cỏ sừn sựt lẫn với tiếng thở ra phì phò của hai con trâu hòa trong tiếng mõ khua lốc cốc. Sương mai đã tan hẳn như bà vén cánh màn tuyn gọi Phà dậy đi học mỗi sáng và mặt trời đang lên trên đỉnh núi Bố như chú Dín ném quả còn đỏ trong ngày hội xuống đồng.
Pú lấy sách trong cặp ra bảo, chúng mình học thuộc lòng bài thơ Chăn trâu cô giáo giao về nhà đi. Phà gật đầu. Phà nghe Pú đọc rồi đọc theo chỉ một lúc là thuộc. Pú đọc đi đọc lại mà khi gấp sách lại vẫn đọc ngắc ngứ như gà mắc tóc. Phà nói, để tớ đọc lại xong cậu nhìn sách soát chữ xem tớ đã thuộc chưa nhé “Cái đuôi dài bông chít/ Vẩy heo may vừa sang/ Cưỡi trâu như cưỡi gió/ Hồn bay qua cổng làng”. Pú đáp, ừ, thuộc như cháo chảy luôn rồi, giờ đến lượt tớ, cậu không được nhắc tớ nhé. Thế rồi Pú cũng thuộc bài thơ, nhưng đọc không hay như Phà. Pú chỉ thích học môn Toán và làm tính với những con số thôi. Còn Phà môn gì học cũng nhất nhì lớp, đúng là giỏi thật.
Phà rủ Pú đi tìm cỏ gà để chọi. Những cái đầu gà to mập, tím ngắt với mào dũng mãnh và cổ dẻo dai luôn trốn rất kĩ khỏi ánh mắt soi mói của hai đứa. Tìm được gà rồi tay phải bứt cho khéo, nếu gà đứt đầu trước khi vào sới thì chỉ có vứt đi. Trên tay hai đứa chi chít những con gà nòi lớn bé sẵn sàng nghênh chiến. Pú chọi trước. Con gà của Phà vẫn trơ mặt đáng ghét. Đến lượt Phà. Con gà của Pú đầu rơi lủng lẳng nhưng chưa lìa khỏi cổ. Phà bảo thua rồi nhé. Nhưng đầu gà vẫn chưa rơi hẳn, Pú cãi. Thế đến lượt cậu chọi đấy, Phà bảo. Pú cầm con gà vung lên rồi giáng xuống con gà của của Phà. Đầu gà bay đâu mất còn mỗi cái cổ trên tay đang rung rinh trên tay Pú. Hai đứa cười như nắc nẻ. Ván sau Pú thắng Phà thua. Ván sau nữa Phà lại thắng Pú thua.
Chơi chọi gà chán, hai đứa rủ nhau đi bắt chuồn chuồn. Chuồn chuồn kim chăm chỉ khâu áo cỏ may. Chuồn chuồn tương ăn vụng ngã vào chum tương. Chuồn chuồn ớt đỏ chót cay xè nắng sớm. Chuồn chuồn ngô cánh mỏng cõng cả ráng chiều. Phà nhớ ra câu tục ngữ mà bà thường nói thì đọc luôn “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng bay vừa thì râm”. Pú nghe thấy liền thắc mắc, tớ thấy con bay cao, con bay thấp, con bay vừa, chẳng biết hôm nay trời nắng hay mưa hay là râm nhỉ. Phà láu cá đáp, sáng nắng, chiều mưa, giữa trưa râm mát nhé. Trưa nắng vỡ đầu thì có, Pú cũng tinh quái không vừa đáp trả. Thì bọn mình vào gốc cọ tránh nắng để ăn xôi rồi đánh một giấc là xong chứ gì, Phà đánh trống lảng. Một con chuồn chuồn ớt đậu xuống bông hoa dong riềng. Pú nhón gót thật khẽ, lưng hơi khom, và giơ tay ra, ngón cái và ngón trỏ thành một cái gọng kìm sau đuôi con chuồn chuồn ớt. Pú nín thở, mắt không chớp, chỉ sợ nếu chớp mắt một cái, con chuồn chuồn ớt sẽ phát hiện ra mình và bay mất. Pú tưởng chừng trong người máu đã ngừng chảy, tim đã ngừng đập. Hai ngón tay của Pú vừa khóa lại thì con chuồn chuồn ớt bay vụt đi nhanh bằng một cái chớp mắt. Hai ngón tay Pú bắt vào cánh hoa dong riềng đỏ thắm như nhung. Con chuồn chuồn ớt lượn một vòng tít trên cao như muốn nói ê ê… tẽn tò chưa, cậu bé. Pú nheo mắt nhìn theo con chuồn chuồn ớt vẻ tiếc nuối. Nắng đã lên trên đỉnh núi Bố. Núi Bố còn sợ rét, nên cổ vẫn quàng khăn mây trắng. Hai đứa cầm trên tay những con chuồn chuồn vừa bắt được buộc vào sợi cỏ may nhỏ như sợi lanh tím ngắt. Phà bảo, thôi giờ chúng mình thả ra cho chuồn chuồn về nhà với mẹ, nhỡ mẹ nó đi tìm đấy. Pú bảo, ừ, mẹ nó tìm không thấy lại khóc. Hai đứa thả chuồn chuồn về với trời xanh, mây trắng. Mây trắng như những cánh buồm khổng lồ đang trôi qua khoảng trời xanh như mặt biển trên đầu Phà và Pú.
Ra xem trâu húc nhau đi chúng mày ơi, có đứa nào vừa hét rất to. Phà và Pú nghe thấy thế vội bỏ miếng xôi ăn dở xuống mo cau, rồi từ trong gốc cọ chạy ra phía cánh đồng Tòng Xiếng. Bọn trẻ quây vòng thành sới vật trong tiếng reo hò như lũ ống đầu hè. Phà và Pú chen mãi mới vào được. Trước mặt hai đứa là hai con trâu mộng đang đấu đầu và ngoắc sừng vào nhau, chân choãi ra phía sau để lấy đà hết sức đẩy đối phương lùi lại. Không con nào chịu thua con nào. Mắt chúng vằn lên những tia máu giận dữ. Một vùng cỏ mật bị hai con trâu quần nát trơ cả đất bãi đỏ ối. Mùi cỏ ngọt lịm quyện với mùi đất tanh nồng. Thôi chết, là con trâu đen của Phà đang húc nhau với con trâu sừng cụt của Thàng. Con trâu đen mà bị húc lòi ruột thì bố đánh nát mông. Cái roi mây bố vẫn giắt trên mái hiên đáng sợ hơn cái lừ mắt của bố. Phà giương cái súng cao su vừa đeo trên cổ đã lên đạn hạt xoan vừa lấy trong túi về phía con trâu đen bắn một cái căng đét. Con trâu đen đang đà thắng bị trúng đạn giật mình bỏ chạy về phía núi Bố. Con trâu đen của thằng Phà thua rồi, thằng Tả gào lên như bị dại. Pú bực mình vỗ đét một cái vào lưng nó rồi bảo, có mà con trâu cụt sừng của thằng Thàng đang thua í, Phà bắn súng cho nó khỏi húc nhau. Tả tiu nghỉu như cơm nguội chan nước lã những vẫn cố cãi, bỏ chạy là thua nhé. Thôi, chơi đánh trận giả tiếp đi chúng mày ơi, có tiếng đứa nào rủ rê. Bọn trẻ chăn trâu giờ tan tác như ong khoái bị châm lửa đốt. Pú buộc con trâu trắng vào gốc cọ. Phà ăn nốt miếng xôi vừa bỏ dở mà như nhai rơm. Phà thấy trong bụng như có kiến bò. Hai đứa lên núi Bố tìm con trâu đen. Không biết bây giờ nó đang ở đâu nữa.
Leo hết cái dốc này là sắp lên đến đỉnh núi Bố. Đã qua năm cái dốc rồi. Núi Bố có bảy dốc còn núi Mẹ có chín dốc. Dốc núi Mẹ không dài và dựng đứng như dốc núi Bố nên leo cũng đỡ mệt hơn. Phà thấy miệng và mũi tranh nhau thở, cũng có khi Phà thấy thở ra bằng hai lỗ tai. Cái áo chàm Pú mặc mồ hôi ướt đẫm rồi gió lại thổi cho khô cong đi đến mấy lần. Mồ hôi trên đầu Pú bốc hơi nghi ngút như khói bếp. Pú bảo, nghỉ tí đã, tớ mỏi chân quá. Bỗng Phà chỉ tay và reo lên mừng rỡ, nhìn kìa. Trước mặt hai đứa hiện ra một chiếc cầu vồng bảy sắc lung linh như vầng hào quang trên đầu Quan Âm Bồ Tát bắc từ đỉnh núi Bố sang tận đỉnh núi Mẹ. Mây từ trong khe núi chảy ra như một dòng sông trắng xóa như sữa luồn dưới cầu vồng. Cánh đồng Tòng Xiếng bên dưới dòng sông mây lúc mờ lúc tỏ với các ô ruộng vuông vắn như bàn cờ tiên và những ngôi nhà bé tí như những quân cờ. Hai đứa đồng thanh thốt lên, đẹp quá. Gió từ trên đỉnh núi tràn xuống mát rượi như có hàng trăm, hàng nghìn cái quạt hầu. Phà và Pú bỗng quên hết mệt mỏi. Đỉnh núi Bố đã gần lắm rồi.
Hình như có tiếng chân bước trên lá khô phía sau. Bà bảo trên đỉnh núi Bố có đàn dê trắng. Người nào may mắn sẽ được trông thấy như anh tiều phu trong câu chuyện cổ bà kể. Phà kéo Pú nấp vào bụi trúc ven đường. Hai đứa hồi hộp nín thở, máu trong người chảy mạnh. Một người đàn ông trung niên đội mũ nồi mặc áo tà pủ đeo túi dết bước qua rất nhanh như một cơn gió. Phà căng mắt nhìn, đúng là ông Xảo, nhà ở giữa bản Đá Đinh. Phà không thể nhầm được. Ông Xảo lên đỉnh núi để làm gì nhỉ. Phà nói thầm với Pú, mình đi theo rình xem ông ấy làm gì nhé. Pú bảo, đi thôi, ông Xảo đi nhanh mình theo không kịp lại mất dấu. Thì ra Pú đã nhận ra ông Xảo từ trước rồi. Trong lòng hai đứa dâng lên một nỗi lo sợ mơ hồ.
Ông Xảo rẽ vào mảnh nương được quây kín bằng lưới đen và lá cọ khô. Ông Xảo làm nương tận trên đỉnh núi Bố đầy sương mù và gió lạnh. Chẳng biết ông trồng thảo quả hay sa nhân. Hai đứa tò mò khẽ vén ra và cùng ghé mắt nhìn. Ôi hoa gì đẹp quá. Phà suýt thốt lên may mà kịp lấy tay bịt miệng. Pú cũng ngạc nhiên không kém. Những bông hoa mỏng manh như cánh bướm sặc sỡ bay rập rờn trong gió xuân hây hẩy. Những bông hoa trắng muốt như băng tuyết, những bông hoa đỏ au như mặt trời, những bông hoa tím ngắt như hoàng hôn đang trải ra chật kín cả mảnh nương bạt ngàn. Ở góc nương, một vạt hoa đang rụng cánh tơi tả như mưa và quả non bé xíu vừa nhú lên bằng đầu ngón chân cái của Phà. Ông Xảo lấy trong túi dết ra một con dao như dao bổ cau của bà rạch từng đường nhỏ lên những quả đã chín già chuyển sang màu vàng sậm như nắng thu. Từ chỗ vết khía, nhựa ứa ra trắng đục như mủ đặc. Nhiều quả đã rạch lâu rồi nhựa bầm lại như cục tiết đông. Ông Xảo lấy những cục tiết đông gói vào giấy bản rồi lại bỏ vào túi dết. Pú cứ mải mê nhìn ngắm những bông hoa lạ ngỡ như đang lạc vào cảnh tiên. Phà vội cầm tay Pú kéo đi trước khi ông Xảo phát hiện ra hai đứa.
Trên đường xuống núi, Pú hỏi hoa gì mà đẹp thế nhỉ. Phà chợt nhớ ra câu chuyện bà kể về hoa nhằng diên mọc trên đỉnh núi Bố, liền kể lại cho Pú nghe. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một người đàn bà góa chồng ở vậy nuôi con. Cô gái chịu khó sớm chiều lên núi Bố kiếm củi bán nuôi mẹ. Một hôm trên đường lấy củi, trời oi bức nên cô xuống suối Tà Bỏ để tắm cho đỡ mệt. Không ngờ dòng suối kia khiến cô trở nên xinh đẹp tuyệt trần. Về nhà mẹ đã không nhận cô gái, cô phải vào buồng lấy chiếc kim và cái áo đang vá dở lúc sáng ra đưa cho mẹ, bấy giờ bà mẹ mới tin chính là con mình. Hai mẹ con hết sức ngạc nhiên và không thể hiểu nổi tại sao.
Năm đó, hạn hạn kéo dài, mẹ lâm bệnh ốm nặng. Cô gái hiếu thảo đã ngày đêm lo chạy thuốc thang cho mẹ nhưng bệnh tình của mẹ ngày một nặng hơn. Nhớ đến dòng suối đã làm cho mình trở nên xinh đẹp thì ở đó phải có phép nhiệm màu. Nghĩ vậy cô đã vội vượt qua bảy cái dốc và đến trước đầu nguồn dòng suối Tà Bỏ trên đỉnh núi Bố. Cô chấp tay khẩn cầu xin thần núi rủ lòng thương cứu mẹ cô qua cơn hiểm nghèo. Lời khẩn cầu của cô đã thấu đến chín tầng trời, thần núi đã hiện ra và nói, ngọn núi Bố trước mặt có một loài cây tên gọi nhằng diên. Hoa của nó bảy màu có thể chữa khỏi mọi bệnh tật. Nhưng khi lên đỉnh núi, con chỉ được hái một bông và tuyệt đối không được động vào lá và thân cây. Nếu trái lời thì không những không lấy được thuốc mà con cũng không thể trở về. Nói xong thần núi biến mất.
Nhớ lời dặn của thần núi, cô gái đã vượt qua cái dốc thứ bảy dựng đứng trên vách đá để lên tới đỉnh núi Bố. Nhưng vì quá mừng rỡ khi nhìn thấy cây nhằng diên để chữa bệnh cho mẹ, cô đã vô tình hái phải lá cây. Thế là thuốc cũng không thể lấy được mà cả thân thể cô đã hóa đá bên những cây nhằng diên nở hoa bảy màu trên đỉnh núi Bố. Nhiều người, nghe lời mách bảo của thần núi trong câu chuyện cổ, cũng lên đỉnh núi Bố để tìm hoa nhằng diên để chữa bệnh nhưng không thấy trở về. Có lẽ họ đã quên mất lời dặn của thần núi nên đã mãi mãi ở lại trên đỉnh núi Bố cao vọi cùng với loài hoa nhằng diên huyền thoại. Bây giờ trên đỉnh núi Bố vẫn còn những tượng đá hình người. Ngày nắng ở dưới chân núi nhìn lên còn trông thấy rất rõ.
Nếu đấy là hoa nhằng diên thì sao ông Xảo không hóa thành đá giống những người đi tìm thuốc chữa bệnh, Pú thắc mắc. Tớ cũng không biết nữa, để hái một bó hoa về hỏi bà tớ xem nhé, Phà gãi đầu gãi tai. Nhưng nhỡ…, Pú lấp lửng. Nếu hóa đá thì ông Xảo đã thành tượng trong nương hoa luôn rồi, Phà quả quyết. Thôi chết, mình con phải đi tìm con trâu đen nữa, Phà kêu lên. Ừ, mải nghe cậu kể chuyện tớ cũng suýt quên đấy, Pú tỏ ra lo lắng. Hai đứa đi sâu vào trong rừng trúc nhưng chẳng thấy tăm hơi con trâu đen đâu cả. Lúc trở ra, Phà bảo Pú đứng ngoài nương hoa canh chừng, còn Phà vào hái một bó đem về. Những bông hoa mỏng manh như cánh bướm đang rung rinh trong tay Phà theo mỗi bước đi xuống dốc.
Hai đứa đi ngang qua ruộng nhà bà Phiêu thì tìm thấy con trâu đen đang đứng nhai đậu tương ngon lành ở trong ấy. Nhìn Phà, đôi mắt nó mừng rỡ vì gặp chủ nhưng lại cụp xuống có vẻ biết lỗi vì đã húc nhau. Trán nó có một vết xước rớm máu còn lưng thì bê bết bùn đất. Những thửa ruộng này đã dọn sạch cỏ, trồng toàn ngô và đậu tương. Giờ sắp sang chiều, con trâu đen đói quá nên đã ăn đậu tương trong ruộng nhà bà Phiêu. Thôi chết, mẹ đã dặn đi chăn phải để ý không được để trâu vào ăn lúa hay phá hoại hoa màu nhà người ta. Lần này thế nào Phà cũng bị bố đánh. Nhưng cũng may vì đã tìm thấy con trâu đen. Để mất trâu hoặc trâu húc nhau lòi ruột thì tội còn to hơn nữa, lúc ấy mới gọi là no đòn roi mây của bố. Phà một tay dắt con trâu đen, còn một tay vẫn cầm bó hoa lạ gói kín trong lá dong rừng, trong đầu suy nghĩ vẩn vơ trong lúc chờ Pú cởi chão buộc con trâu trắng ở gốc cọ. Con trâu trắng chén no căng cỏ mật và đánh một giấc trưa khoan khoái. Thấy con trâu đen, mắt nó sáng lên lạ thường. Hai đứa cưỡi lên lưng hai con trâu trôi trong ráng chiều vừa buông xuống từ đỉnh núi Bố. Bà bảo ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa. Chiều gió lộng thế này, có khi đêm mưa rào. Sắp sang hè rồi mà. Mưa đi cho cánh đồng Tòng Xiếng lại mọc đầy cỏ non. Mùi khoai lang nướng theo gió từ dưới cánh đồng đưa lên làm Phà thấy đói cồn cào. Chắc bọn thằng Thàng, thằng Tả đang gom rạ nướng khoai đấy, Pú nuốt nước bọt rồi nói. Nắm cơm nếp đã biến mất trong dạ dày háu đói của hai đứa từ bao giờ không biết.
Một người đàn ông đeo kính râm, bịt khẩu trang nhưng không đội mũ bảo hiểm lái xe máy phân khối lớn phanh kít ngay trước đầu con trâu đen đi trước rồi hất hàm hỏi giọng lấc láo, này, hai thằng mày cho tao hỏi, nhà ông Xảo ở đâu cái. Phà thấy thái độ như thế không nói gì rồi chỉ tay về ngôi nhà gỗ nghiến rất to có giàn hoa giấy đỏ như giấy điều ngoài cổng phía trước mặt. Người đàn ông phóng xe với tốc độ rất nhanh. Ống xả nhả khói khét lẹt lẫn với bụi đường mù mịt. Tiếng động cơ nhỏ dần, tan loãng rồi rơi tõm vào hoàng hôn tĩnh lặng. Phà nháy mắt với Pú một cái. Pú khẽ gật đầu.
Phà cưỡi con trâu đen đi mau hơn sợ không kịp. Pú cũng giục con trâu trắng theo rất sát. Hai con trâu biết có chuyện quan trọng nên đi gấp gáp. Vẻ sốt ruột lộ rõ trên khuôn mặt hai đứa. Vẫn con đường Phà đi học, đi chăn trâu mà hôm nay Phà thấy nó dài gấp nhiều lần. Nhà ông Xảo đây rồi. Chiếc xe máy xanh lét vẫn dựng ngoài sân khiến nỗi nghi ngờ càng dâng lên trong lòng Phà. Phà dặn Pú ở ngoài cổng trông hai con trâu để mình vào trong nhà. Phà đi qua sân không để ý giẫm phải thanh củi nứa vứt chỏng chơ tạo ra tiếng “bốp” giòn tan như bẻ bánh đa. Tim Phà đập thình thịch như trống hội xuống đồng giờ muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Con chó xích ở dưới bếp thấy người lạ liền giằng dây xích sủa lên lép bép từng tràng như pháo nổ. Những cái nanh nhọn hoắt, trắng ởn nhe ra trông thật dữ tợn. Bọt trào ra hai bên mép như trứng ếch. Phà thấy ba hồn bảy vía bay đâu mất. Ông Xảo từ trong nhà chạy ra vẻ mặt hốt hoảng, ai đấy, có việc gì không. Cháu chăn trâu về mót quá, ông cho cháu đi nhờ với ạ, Phà nhanh trí ôm bụng giả vờ nhăn nhó. Nhà xí ở cuối vườn, vào mà đi, nhanh lên không vãi hết ra sân bây giờ, qua bếp tránh con chó ra không nó cắn cho đấy, ông Xảo đáp giọng khó chịu. Vâng, Phà thở phào nhẹ nhõm như trút được tảng đá vừa đè trên ngực. Phà giả vờ vào nhà xí rồi quay ra thật nhanh đứng sát chái nhà lắng nghe. Đèn điện trong nhà vàng vọt hắt qua vách nứa. Ông Xảo và người khách hẹn nhau sẽ giao nhận hàng vào chín giờ sáng chủ nhật tại quán ăn của bà Mắn béo trước cổng chợ Hợp Thành. Hàng gì nhỉ, Phà có thấy ông Xảo bán hàng gì bao giờ đâu, lạ thật. Người khách ra về. Phà bước từng bước dài ra ngõ. Con chó lại sủa lên ăng ẳng như cắn ma. Cháu về đây ông ạ, Phà chào rõ to nhưng trong nhà không thấy tiếng ông Xảo đáp lại.
Phà lùa trâu về đến cổng thì trời đã tối hẳn. Mùi xôi nếp đồ chõ gỗ quyện với mùi cá nướng hạt sẻn theo khói từ trong bếp ùa ra vây quanh khiến Pù thấy bụng đói cồn cào như xát muối ớt. Mẹ nghe thấy tiếng đóng gióng chuồng thì bảo, Phà rửa chân tay rồi ăn cơm con ơi. Vâng ạ, Phà đáp rành rọt. Phà chưa thấy mẹ nhắc gì về vì tội để trâu ăn đậu tương nên cũng vững dạ. Phà khum hai tay vốc nước máng lên rửa mặt. Nước máng được chú Dín dẫn về từ trên đỉnh núi Mẹ sau nhà. Nước máng trong vắt, mát lành xua tan mệt nhọc sau một ngày chăn trâu vất vả. Phà uống một ngụm nước ngọt lịm và thấy lòng đã phơi phới trở lại. Phà bước vào nhà đã thấy bố ngồi khoanh chân trên chiếu cọ chờ sẵn, nhưng trông mặt bố chẳng có vẻ gì là giận dữ. Vừa lúc đó thì mẹ bưng mâm cơm lên. Phà hỏi bà đi đâu hả mẹ. Mẹ đáp bà sang nhà chú Dín vì hôm nay thằng Sì bị ấm đầu con ạ. Hèn gì từ lúc Phà về không thấy bóng bà như mọi lần. Ngôi nhà năm gian vắng bà như rộng thành mười gian. Bếp lửa than đỏ thiếu bà thì tro tàn nguội lạnh. Phà ra khép cửa mà gió bấc vẫn thổi vào ngăn ngắt, dù cuối xuân trời không còn rét đậm nữa. Bà là hơi ấm, là bếp lửa sưởi ấm cho ngôi nhà của Pù dù là mùa nào đi nữa. Bố ôn tồn bảo, con trâu đen ăn cây đậu tương trong nương nhà bà Phiêu, bà ấy vừa sang bắt đền đấy. Con chăn trâu phải cẩn thận chứ Phà à.
Vâng ạ, Phà lí nhí không thành tiếng trong lúc tay vân vê bó hoa mới hái. Lại mải chơi hái hoa gì mang về nhà thế này, bố tiếp lời. Con không biết bố ạ, hoa này con hái trên trên đỉnh núi Bố lúc chiều, con đem về hỏi bà xem có phải là hoa nhằng diên trong chuyện cổ không, Phà thẽ thọt. Bố nhìn thật kĩ bó hoa trên tay Pù, dưới ánh điện vàng vọt, mắt chợt tối đen lại rồi thốt lên, ôi trời ơi, hoa ma… túy, hoa thuốc phiện mà. Nhà ai còn dám trồng thế. Người này xấu bụng quá, đi gieo cái chết cho người khác. Lần sau con đừng hái nữa nhé. Phà nghe bố nói thế sợ quá đánh rơi bó hoa xuống nền nhà. Mẹ vội nhặt bó hoa ném vào bếp lửa đang đun nồi cám lợn. Lửa thè lưỡi đỏ nuốt chửng bó hoa, khói um lên khét lẹt. Thì ra đây là hoa thuốc phiện chứ không phải hoa nhằng diên như trong sự tích.
Phà kể lại câu chuyện đi tìm trâu cho bố nghe, rất rõ ràng và rành mạch. Bố nghe xong, rút điện thoại ra bấm số gọi chú Cường, Trưởng Công an xã. Trên trời, đàn sao đã say giấc, mắt khép lại không còn lấp lánh nữa. Ngoài cửa sổ, núi Bố tỏa bóng đen thẫm xuống bản Đá Đinh sương giăng trắng xóa. Bà bảo, đêm nào trời có sương mù thì ngày mai trời sẽ nắng to. Phà buồn ngủ, hai mí sắp rơi xuống sau một ngày mệt nhọc, nhưng Phà tin ngày mai trời sẽ nắng to, thật đấy…
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...