Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:16 (GMT +7)

Hoa mướp bên hiên nhà

Một ngày ngồi trong hiên nhà, nhìn giàn mướp soi bóng xuống mặt ao, giữa gam màu lục trầm trầm của lá già, là màu vàng tươi sáng của hoa mướp. Những bông hoa xòe năm cánh xinh xinh như bàn tay em bé, kiêu hãnh nhìn lên bầu trời rồi soi bóng xuống mặt ao. Hoa mướp có mùi thơm nhè nhẹ, thứ mùi thơm của đồng nội, phảng phất trong bốn bề nắng gió, tạo lên mảng lặng yên, an tĩnh đến nức lòng.

hhhhhhhhhhhhhhh
Nguồn ảnh: Internet

Những ngày thanh thản được ngồi dưới giàn mướp thơm, lòng tôi dậy lên đủ mùi của món ăn ngày cũ, một bữa ăn giản dị như bao bữa cơm nhà. Đó là bát canh dền cơm hái vội ngoài vườn, mấy lát cà pháo muối xổi, đôi quả mướp hương đầu mùa xào với lạc ngầy ngậy.

 Bỗng có tiếng lao xao ngoài ngõ, rồi tiếng bà Thuấn vọng vào: 

- Tôi mang cho cô một nắm rau hoa mướp đây.

Cầm bó rau được buộc bằng sợi rơm thơm, từ đôi bàn tay thô tháp của người phụ nữ nông thôn. Tôi nghĩ đến những điều đẹp đẽ mà mình luôn phải dừng lại đủ lâu mới cảm nhận được. Đó là tình đất, tình quê, là những hương ước, những quy định bất thành văn. Ở đây, người ta cho nhau đôi khi chỉ là trái đu đủ chín cây hoặc cái măng hái vội ngoài vườn. Nhà nào có đám vui đám buồn, các anh, chị, cô chú nhà tôi, cứ thế đến làm, làm không cần ai nhờ vả, cũng không cần ai cảm ơn, làm như phận sự của người thân. Những thứ tưởng như bé mọn như thế, nhưng kết dệt thành ân tình sâu nặng, thành hồn cốt của làng quê.

- Mưa như vậy bá cũng xuống vườn hái rau ạ?

- Mấy hôm mưa, rau tốt quá cô à,  nên tôi xuống hái chia cho mỗi người một ít.

Bà Thuấn trả lời.

- Vâng em xin bá. Lần này bá phải để em gửi tiền nhé.

Vừa chấm khăn lau mồ hôi trên trán, bà Thuấn xua tay:

- Không, không cần đâu. Cải tạo đất trồng rau vừa có niềm vui, vừa để hoạt động chân tay, lại có rau biếu mọi người. Một công đôi ba việc!

Bà Thuấn uống hết cốc nước vối, úp cái nón mê lên đầu, rồi lại tất tả ra vườn.

Năm nay sắp sang tuổi 70, nhưng bà Thuấn vẫn nhanh nhẹn, hay lam hay làm. Sinh ra lớn lên từ mảnh đất Ninh Bình toàn nắng gió khắc nghiệt và những núi đá vôi trắng xoá, nơi mà từ nhà này sang nhà kia cũng phải dùng ghe, dùng xuồng, nơi cái nghèo đeo đẳng mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày như tiền duyên đã định. Chồng bà nhập quân ngũ và đi chinh chiến bên tận Campuchia, nghe đâu hy sinh từ những năm 80. Một mình bà tự xoay sở làm thuê, cuốc mướn, đánh nơm, đánh dậm, gồng gánh nuôi con. Rồi nhân duyên đưa đẩy mà sinh cơ, lập nghiệp trên đất Thái Nguyên này. Anh con trai theo chân cha cũng vào quân ngũ, giờ đây đeo hàm Đại uý, đồng lương thu nhập rất ổn định.

Với bà Thuấn còn có niềm hạnh phúc lớn hơn, cũng là mong muốn ấp ủ trong sâu thẳm tâm hồn bà từ bao lâu nay. Đó là ân tình, nhân nghĩa với người chồng quá cố. Năm 2023, được sự giúp đỡ của anh em đồng chí, anh con trai bà đã chuyển hài cốt của bố tận từ Tiền Giang về quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Sông Công. Hôm đưa ông về có đủ cả cán bộ Thành phố dự, thiêng liêng và trang trọng. Bà bằng lòng lắm, thôi coi như đó là phần thưởng sau bao ngày thân cò lặn lội. Giờ Nhà nước lại cho bà hưởng trợ cấp liệt sĩ, cuộc sống không còn lấn bấn như xưa nữa.

Nhưng với một người nông dân, thuần hậu và nguyên thuỷ như bà Thuấn thì vườn là tài sản quý giá. Tôi đồ rằng, nếu phải chọn một tài sản duy nhất, hẳn bà sẽ chọn vườn, giống như tất cả những người sinh ra từ gốc lúa, bờ tre hồn hậu yêu cây, yêu vườn đến độ không khi nào để đất trống. Vườn với bà là rau trái, mùa nào thức đấy, Đông thì xu hào, bắp cải, súp lơ, Hạ về thì mùng tơi, rau muống, rau đay… Bà sống thuận theo những triết lý giản dị của người nông dân, cần mẫn giãi nắng dầm sương để cho những mùa rau nối tiếp những mùa rau.

Theo bà, mướp nhất định phải gieo đúng đêm giao thừa thì cây sẽ sai hoa, nhiều trái. Điều này, tôi không tìm thấy ở bất cứ cuốn sách nào, nó là kinh nghiệm sống, là trải nghiệm ngay từ thực tiễn của cả một đời lam lũ chăng. Chỉ biết mướp nhà bà năm nào cũng vậy, dù chỉ gác vào bờ rào, bờ dậu hay chỉ là cái giàn lúp xúp thôi, chúng cũng xanh mướt mát và những quả mướt như những đàn lợn con, lớn như thổi trên giàn. Đến mùa, những bông hoa, những quả mướp lại được bà xếp ngay ngắn trong cái rổ sề, chia cho bếp ăn của mỗi gia đình trong xóm.

                                               ***

Ngồi trong hiên nhà nhìn ra bốn bề rau trái xung quanh, tôi nghĩ về những mùa rau, mùa hoa, về vòng quay thời gian không nghỉ. Nghĩ về những người phụ nữ nông dân như bà Thuấn, cả người sực nức mùi lúa gạo, mùi mồ hôi, mùi mưa nắng suốt những tháng ngày cặm cụi. Nghĩ về bữa cơm nhà giản dị với bát canh hoa mướp và đôi bìa đậu phụ chần nước sôi… Khi bạn tha thiết nghĩ đến những điều gì đó trong thâm tâm, bạn sẽ chỉ thấy những gì bạn chờ đón, bất kể ở đâu, bất kể khi nào!

Trưa nay, nắng Hạ sau mưa dường như gắt gỏng hơn, chói chang hơn. Bà Thuấn vẫn ra đồng như mọi ngày, những bông hoa mướp bên hiên vẫn rực rỡ, tôi nom chúng như những nàng công chúa của chốn miệt vườn, quê kiểng…

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Son môi

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Chí đại dương

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Lối nhỏ vào đời

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Bố và nắng

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Nhà có hai chị em

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ai chạy nhanh nhất?

Xem tin nổi bật 1 tháng trước