Hoa gáo mùa xuân
Chúng mày đâu. Hai ba. Chú Sùng nhát tóc. - Hai ba. Chú Sùng đầu trọc. - Hai ba. Chú Sùng Lựu say. Lũ trẻ con trong xóm Chiềng vừa nhìn thấy Sùng đã rủ nhau đồng thanh ầm ĩ. Sùng mắt đỏ lừ vì rượu, tay chân lảo đảo, cúi xuống, vơ vội được mấy viên sỏi nhỏ, yếu ớt ném về phía bọn trẻ: - Tiên sư chúng mày. Láo…toét. Bọn trẻ con xong nhiệm vụ hò hét, chạy tán loạn. Bỏ lại giữa đường làng anh Sùng và men rượu nồng nặc, ngồi dựa lưng vào bờ tường gạch trước cổng. Chẳng biết Sùng giống ai mà cứ nhìn thấy tóc rụng trên nền nhà, trên bàn, hay trong nhà tắm là Sùng cảm thấy ghê cổ. Anh sợ đến nỗi người lập tức nôn nao, khó chịu như đàn bà bị nghén. Thế nên, đầu anh lúc nào cũng gọt trọi hói. Mẹ anh bảo: Ngày bé, khi cai sữa, bà đã quấn tóc vào ti mình cho con nhai, nên giờ nhìn thấy tóc là nó thành ra thế. Lúc nào, bà cũng phải vo viên thật kĩ mỗi khi chải đầu, để vứt đi, mà Sùng vẫn không bớt sợ. Bởi vậy, đã ba mươi tư tuổi, Sùng vẫn ế vợ. Được cái khoẻ mạnh, nết làm ăn hơn người. Cha mất sớm. Nhà có hơn mẫu ruộng, Sùng cày bừa, lo hết. Lại thêm công việc làm gạch, Sùng một tay đảm đương, không ngại nắng mưa. Mỗi năm, Sùng cho ra lò bao nhiêu vạn gạch, ngói đẹp. Làm ăn giỏi, nhà Sùng có của ăn của để. Chỉ là, cái duyên đến với anh hơi muộn một chút mà thôi. Mọi người bảo: “Khi nào lấy vợ, nó sẽ hết sợ. Đàn ông đàn ang, chẳng sợ cái gì, lại sợ cái tóc”. Mối lái thế nào mà Sùng đến hỏi được Lựu, hỏi được cô vợ trẻ đẹp trong làng. Lựu trẻ lắm, mới đôi mươi thôi. Để rồi, anh chàng Bách thợ mộc trong xóm, mới có ý, chưa kịp mang cau trầu sang ngỏ lời với Lựu, bỗng dưng mất lượt. Ngày cưới Lựu, Bách đến ngồi giữa rạp, tu rượu ừng ực. Mừng cưới xong, Bách lịch sự chào ra về: “Chúc em hạnh phúc. Nhớ là phải hạnh phúc đấy, nghe chưa? Phải làm cho chồng yêu được bộ tóc dài này đấy”. Lựu thoáng động lòng: “Em biết rồi”. *** Sùng lấy được Lựu về, mái tóc dài của Lựu là niềm ao ước của bao người thì lại trở thành nỗi ám ảnh đối với Sùng. Tóc Lựu đẹp thật. Tóc dài ngang hông, đen mượt lại không bị chẻ ngọn. Cũng chỉ tại cái tật của Sùng làm Lựu khổ. Chứ lỡ yêu Sùng rồi, yêu cái nết chăm chỉ, thật thà, nếu không Lựu đã chẳng về làm vợ. Cô tự nhủ sẽ cố gắng chiều chồng và tránh tối đa việc làm vương tóc rụng. Ấy vậy mà, không tránh nổi sơ suất. Một lần đứng trước gương, Sùng giẫm phải sợi tóc dài của Lựu khiến anh mặt mũi tái xanh, tái mét. Có lần, chăn gối, vô tình Sùng nhá phải một sợi tóc của Lựu khiến Sùng phải bỏ cuộc. Lấy nhau đã được nửa năm, Lựu vẫn chưa có gì, bụng vẫn thon thả. Nhiều đêm, hoang mang về chồng, Lựu buồn bã trở dậy, xuống nhà đi xay thóc. Lựu trút nỗi phiền muộn vào tiếng cối xay ù ù. Còn Sùng tự ti, mặc cảm. Thời gian đầu, anh còn nhẹ nhàng khuyên vợ xén tóc. Lựu tiếc, lần lữa mãi không cắt. Lâu rồi, mặc cảm lớn dần, không chịu được chính mình, Sùng trút nỗi buồn vào những chai rượu. Rượu vào, lời ra, Sùng gầm gừ cả ngày, rồi cả đêm: - Xén ngay mớ tóc quái quỷ của cô cho tôi nhờ. Cái thứ đàn bà, tóc tai rũ rượi, trông chẳng khác gì ma trơi. Có khi thì: - Cô mê tôi ở cái gì? Thấy nhà tôi nhiều thóc, nhiều đất, nên về ăn bám chứ gì. Biết tôi không bằng một thằng trẻ ranh, có cái tật sợ tóc mà vẫn lấy. Cô đúng là đồ đàn bà hám của. Cũng có khi: - Một là cô xéo đi, hai là cô cút khỏi nhà này. Nhìn thấy cái bộ tóc của cô là tôi muốn ói rồi. Anh bắt đầu đổ đốn, lôi vợ ra đánh. Tiếng khóc trong đêm không nghe rõ nhưng tiếng đầu Lựu va vào cửa cồm cồm. Nhà bỗng chốc trở thành phường chèo. Hàng xóm, ban đầu còn chạy đến can ngăn. Lâu dần, phát chán, họ mặc. Mẹ Sùng cũng chẳng có cách nào khuyên bảo con, suy nghĩ nhiều, đau yếu, lâm bệnh… Trước khi mất, bà mong Lựu yêu thương Sùng, khuyên Lựu đi cắt tóc, cho bà yên lòng. Lựu rấm rứt khóc. Mọi thanh âm ấy theo gió bay sang bên kia sông, thổi vào nhà Bách. Bách còn yêu Lựu lắm. Ai bảo Lựu vội vàng lấy chồng, không để Bách có thời gian được quan tâm, lo lắng. Những đêm như thế, Bách trở dậy, ra thềm đốt thuốc nhìn sang. Ban đầu Lựu không để ý. Lâu dần, vì mất ngủ nhiều đêm, có lần đưa mắt sang thấy bên kia sông có những tàn thuốc lập loè, Lựu mới biết. Dạo gần đây, Bách không ngủ, dậy đục chạm làm đêm cứ canh cách. Rượu vào, chửi xong, đánh xong là Sùng lăn ra ngủ. Còn Lựu, không ngủ được nữa, Lựu cũng trở dậy đi làm. Lựu hết xay ngô, xay thóc lại giã gạo cho đến khi mệt. Có những đêm, nghe tiếng đục chạm bên nhà Bách vang lên, Lựu đau đớn trở dậy. Lựu cần một âm thanh gì đó đồng cảm trong đêm. Lựu tìm thấy rồi. Những vết bầm trên má bớt rưng rức hơn. Vết đau tươi rói trong lòng bớt nhức nhối hơn. Có những đêm, không nghe thấy âm thanh ấy, Lựu mở cửa, lên đồi cây, kiếm tìm, nghĩ ngợi. Chỉ có ánh trăng từ vườn cây sau nhà trải êm ái như lụa. Trăng vẫn dịu dàng trong lòng Lựu như thế. Lựu đi qua hàng cây bạch đàn, chạm nhẹ vào thân cây. Lựu chạm cả vào những con sâu bạch đàn dài mềm nhũn đang ngủ đứng. Chúng sướng thật. Đứng mà cũng ngủ say như chết. Chẳng như Lựu, vò võ nhiều đêm. Lựu nhìn sang bên kia sông, qua những hàng cây bạch đàn, ngôi nhà Bách êm đềm trong đêm. Dưới trăng, cây cau bên ấy bình yên trổ nõn cao vút. Lựu bỗng nhớ nhà cồn cào. Nhà Lựu cũng có cây cau như thế. Hôm sau, Lựu về nhà mẹ dưỡng thương, nức nở. Mẹ Lựu cũng chỉ biết khuyên con chịu chấp nhận. Có khó gì đâu, xén đi là xong, rồi gia đình hoà thuận, yên ấm làm ăn. *** Nghĩ nhiều rồi Lựu quyết định trở về với Sùng. Lựu chọn giải pháp xén tóc mình thành tóc tém như bà Lủng dở trong xóm ở tuổi đôi mươi, để hạn chế nỗi sợ hãi trước những sợi tóc rụng dài lượt thượt cho chồng. Lựu tự tay xén tóc. Những sớm tỉnh rượu, Sùng thấy cơm nước sẵn sàng. Sùng ngồi ngắm vợ đang ngồi giặt đống chăn chiếu, vỏ gối mà hồi đêm Sùng đã trút đủ mọi thứ tạp uế trên đời lên nó. Chỉ vì thương mình mà Lựu xén tóc đi ngắn ngủn. Trông đầu Lựu không khác những quả gáo mùa hè, chỏm tóc lơ thơ như tóc của mấy đứa trẻ mới lớn. Chỉ thiếu nước bôi vôi nữa là thành sư. Mỗi lần tỉnh rượu, Sùng lại ngoan ngoãn như con mèo mướp trong nhà. Anh thủ thỉ với vợ: - Hay bỏ tôi mà đi lấy chồng khác. Ở với tôi khổ lắm? - Anh lại lảm nhảm cái gì thế? Không xuống mà ăn cái gì cho ấm bụng. Lựu không dùng ánh mắt trách móc nhìn chồng nữa. Ăn uống xong, anh ra bờ ao nhào đất sét, chuẩn bị đóng gạch. Lựu vội đi sang bên sông, vớt rêu về băm cho lợn, rồi tiện sang bên đồng, hớt mẻ cá về kho. Lựu làm nhanh như máy, rồi về cùng chồng xếp gạch vào lò. Đầu nhà, những quả gáo đã bắt đầu chuyển màu vàng, trông thật xinh xắn. Trước khi làm, Sùng đã khêu sẵn cho vợ vài quả làm bữa cá kho ngon lành. Giá mà ngày nào cũng như thế thì tốt biết mấy. Giá Sùng đừng quá sợ tóc rơi. *** Tưởng đã êm ả, nào ngờ, mùa sương, tóc Lựu rụng nhiều, càng ngắn lại càng khó nhặt. Cảm giác bị căng thẳng đầu óc, càng ngày, Sùng càng hay cấm cảu. Một chuyện tưởng như cỏn con mà gia đình lại chẳng ngày nào được yên. Bát cá kho, có mắc một sợi tóc nhỏ mà Sùng hất hẳn mâm cơm đi. Sùng như con thú. Chiều ấy, gió mùa về trên cánh đồng. Những đám lá ngô run rẩy, va vào nhau xoàn xoạt. Đầu trần, Lựu len vào giữa luống tước lá về cho bò ăn, nước mắt lã chã. Lúc Sùng tìm được cái gậy đuổi đánh Lựu, là lúc cô đã mất hút khỏi cổng nhà. Những lúc chồng say, tốt nhất là Lựu chạy. Thế nên, phấn ngô giờ đây có cơ hội bám đầy tóc Lựu, đầy áo Lựu như mưa bụi. Giá mà, phấn ấy là mưa thật, có thể như bàn tay mềm mại của ai đó vuốt ve lên má Lựu thì tốt biết mấy. Tiếc thay, chúng chỉ là phấn nhặm, làm rát thêm những vết bầm tím bên má phải của chị. Cào cào trên từng phiến lá chưa nhấm xong bữa tối của mình, hoảng hốt bay ràn rạt tìm nơi trú rét. Có con giơ càng đạp cả vào mặt Lựu để bay lên. Lòng Lựu trĩu nặng. Đến cả chúng cũng chĩa đòn vào mặt Lựu, thì còn chỗ nào bình yên cho Lựu nữa. Bách đi đắp bờ ruộng trên ruộng nhà Lựu. Có mỗi cái bờ con con mà Bách cứ đắp đi đắp lại. Bách lên tiếng: - Lựu đi tước lá ngô à? Không có tiếng trả lời. - Lựu làm sao thế? Tôi biết hết rồi. Tiếng thút thít của Lựu lại càng to: - Để tôi đến cho cái thằng ôn vật ấy một trận. Giàu có để mà làm gì? Sao để Lựu khổ thế? - Mặc em. Lựu cố lắm mới thốt ra được một câu. Sướng khổ gì, em tự chịu. Bách nhăn nhó nhìn mặt Lựu không khác mặt hề. Tóc tai thì lộn xộn, còn xấu xí hơn cả con mèo tam thể nhà anh. Lòng trĩu nặng, Bách không đắp bờ nữa, bỏ về. Lựu cũng căn giờ về nhà. Thường sau những trận say xỉn, gầm gào khoảng ba mươi đến bốn mươi lăm phút, Sùng sẽ lăn ra ngủ. Lựu thu lá ngô, về qua bên ngòi, xuống bãi muống hái rau bữa tối. Sang đông, hoa muống bắt đầu nở trắng. Hoa đồng quê thường làm cho lòng Lựu nhẹ nhõm hơn. Chúng mỏng mảnh như thế, còn nằm ngoan chịu từng cơn gió. Mình vạm vỡ thế này, cớ gì phải buồn vì những chuyện đâu đâu. Về gần đến ao làng, Lựu đã nghe tiếng con bò nhà mình đánh toang cành cạch, rồi kêu lên ò ò vì bị nhốt cả chiều, nước chưa được uống, rơm chưa được sợi nào để nhai. Trong lúc say, Sùng chửi Lựu không bằng cả con bò. Nó còn sinh được cho nhà một con bê con xinh xắn. Nghĩ đến đường con cái, Lựu lại ứa nước mắt. Không chỉ có con bò đang réo rắt trong chuồng. Trên hiên nhà, cạnh đống ngô tẻ chưa kịp bóc vỏ còn chất chềnh ềnh, Sùng nằm ngáy ò ò như sấm. Tiếng gà chiều tối đòi thóc cục tác, xơ xác cả góc vườn. Tiếng lợn kêu eng éc đòi cám. Tiếng vịt quàng quạc đòi Lựu xua vào chuồng. Tất cả những âm thanh ấy, khiến đầu Lựu muốn nổ tung. Trong nhà, mâm cơm mùa đông nguội ngắt, Lựu ngồi cùng nỗi buồn của mình. Sùng gầy như hạc vì rượu, nằm co quắp bên thềm. Lựu đứng dậy, dìu chồng vào nhà, rồi ra thềm ngồi bóc lá ngô, bỏ cả ăn. Đêm mùa đông, mưa phùn lạnh buốt, tay Lựu nứt nẻ và xấu xí. Lựu trông già nua, gầy gò. Đôi mi cong vút cũng không còn đẹp nữa, có chăng nó chỉ còn thoáng nét dịu hiền ngày xưa. Đôi mắt Lựu mệt mỏi. Những khi tỉnh rượu, Sùng đều chê Lựu thế. Ngày xưa, Lựu đâu có thua kém ai. Những trận đòn của Sùng đã tẩy trang hết nét đẹp trên mặt Lựu rồi. Bức bối, Lựu quyết định sẽ ra chợ gọt đi nhẵn thín rồi trùm cái khăn con quạ lên. *** Sáng sớm, Lựu qua bên kia sông, lên chợ, sang quán nhà thằng Bính gọt tóc: - Muốn làm sư hả bà chị? Được. Bảy phút. Cái nhìn ái ngại của thằng Bính làm Lựu đau lòng. Chả nỗi khổ nào giống cái nỗi khổ nào. Chưa đầy năm phút, chỏm tóc hoa gạo của Lựu đã bị hô biến. Đưa tay lên sờ tóc, Lựu giật mình. Rơm rớm nước mắt, Lựu chào Bính ra về. Quên cả cái khăn đội đầu bên quán. - Chúng mày đâu. Hai ba. Cô Lựu trọc tóc. - Chúng mày ơi. Hai ba. Cô Lựu nhẵn đầu. Lũ trẻ con trong xóm lại hò hét ầm ĩ khi trông thấy Lựu. Bách đã ngồi bên bờ tre khi nào, quát trẻ con rần rần. Bách cảm thấy thương Lựu. Nhưng, Lựu lại thấy thương Sùng. Bấy lâu nay, Sùng thiệt thòi là vậy. Sợ tóc đâu phải là cái tội: - Đẹp mặt nhỉ? Bách xót xa. - Kệ em. Em chẳng cần đẹp. - Một cặp đôi đầu trọc trong xóm ở với nhau. Nay mai, có con cái ra, chúng nó có trọc hết. - Cũng được. - Đi với anh đi. Đừng tự làm khổ mình nữa. Bách năn nỉ. - Em yêu chồng. Em không bỏ cuộc đâu. Mong anh sớm tìm được hạnh phúc cho mình. Lựu vội vã bước. Thêm một lần nữa, Bách thất bại trở về. Còn Lựu, chưa khi nào cô thấy mình tự tin với tình yêu của mình đến vậy. Lựu đi gọt tóc, mà như mang được gánh nặng hàng tấn đi trút. Sùng đi đám cỗ ngoài làng chưa về. Trưa nắng nhẹ tênh. Hôm nay, Lựu mong chồng về thật sớm. Tiếng đục chạm bên nhà Bách vang lên gần hết đêm hôm ấy. Cái đêm mà chẳng có sợi tóc nào rụng trên gối của hai vợ chồng nhà Lựu nữa. Sùng mừng quýnh như đứa trẻ. Bách dời làng đi làm ăn xa xứ. Nhóc con đầu tiên của vợ chồng Lựu ra đời và tiếng khóc của thằng bé làm Sùng cảm động đến chảy nước mắt. Dẹp hết những lỉnh kỉnh rượu chè. Căn nhà chỉ còn những tã, ỏm, mùi thơm sữa mẹ trên môi thằng bé. Sùng lấy hết can đảm, đưa môi hôn lên tóc của thằng bé con. Những sợi tóc mềm như nhung khiến Sùng có cảm giác thật lạ. Chúng đâu có đáng sợ như Sùng vẫn tưởng tượng. Thằng bé đưa mắt chậm rãi nhìn Sùng, miệng chúm chím hóng chuyện u ơ. Đêm ấy, mưa xuân lất phất bay. Sùng nhìn mái tóc lởm chởm như hoa gáo của Lựu, trầm ngâm. Lựu như đoán được ý chồng: - Để hết kiêng cữ, em sẽ đi gọt. Sùng xua tay, chưa bao giờ Sùng thấy yêu vợ đến thế: - Em lại để dài nhé. Anh không sợ tóc nữa đâu. Nói rồi, Sùng đưa tay lên vuốt mái tóc xác xơ như lông con gà mái vừa xù ra trong trận chiến: “Mùa xuân mà có hoa gáo nở trong nhà. Anh thấy đẹp lắm”. Một sợi tóc lọt vào kẽ tay, Sùng run rẩy, tim đập mạnh, cổ họng như nghẹn lại, nhưng anh kiên quyết trấn tĩnh: “Phải rèn luyện dần cho quen. Đã đến lúc, mình phải rèn luyện chính mình, hy sinh cho người khác. Lựu hy sinh hẳn một mái tóc đẹp cho họ tộc mình, thế là phúc mấy đời nhà Sùng rồi”. Nghĩ rồi, Sùng nhẹ nhàng ôm vợ con ngủ. Trong mơ, Sùng thấy nắng sớm mai lọt qua mầm lá non trên cây gáo, óng mềm như những sợi tóc tơ của con trai và Lựu đang ngồi bên thềm bóc lá ngô, hé môi cười.
Truyện ngắn. Trần Thị Nhung
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...