Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
21:18 (GMT +7)

Hoa đại trắng

 

Hoa đại trắng
Minh họa: Nguyễn Lộc

Cây đại đã mấy trăm năm? Không ai rõ tường tận. Chỉ biết từ khi có nếp chùa nhỏ kề sát ao sen, cây đã ở đó rồi, ngay bên bậc cửa. Đã từ lâu, bóng cành xòa ôm trọn mái chùa.

Hoa nở trắng, bốn mùa, hương ngào ngạt. Mùa hạ hương loang đêm rười rượi. Mùa đông hương se sắt âm thầm. Có khi lá rụng trụi trơ mà cành vẫn chi chít nụ hoa miên man nở trắng.

Hoa bền như nước, như trăng.

Ngôi chùa nhỏ trong con ngõ mang tên họ Cao - Chu Thần Cao Bá Quát. Họ Cao vừa là tội nhân triều đình vừa là chứng nhân lịch sử. Đáng trọng nhất ở họ Cao là tiết tháo và trước tác thi ca.

Sư cô trụ trì cổ tự đã ở đây từ sau ngày giải phóng Thủ đô. Nghe nói, ngày trước từng là biệt động thành, sau không hiểu oan trái gì, xuống tóc. Tiếng mõ đêm đêm vẳng đều lốc cốc. Bên thềm sương, hoa đại rụng trắng sân.

Bóng một thí chủ khẽ vén nhành cây lòa xòa nơi cổng, thong thả tiến vào khoảnh sân gạch nhỏ.

“Nam mô a di đà Phật! Sư thầy có nhà không?”.

Một cụ vãi già tóc bạc trắng hiền hậu bước ra.

“Bà thẩm phán! Sư thầy đang đợi bà đến ạ”.

“Cảm ơn cụ vãi Tâm!”.

Nơi trai phòng nhỏ, khói trà quánh quyện thoảng hương sen. Không biết hương từ lác đác nụ hoa ao chùa thoảng lên hay từ bình sen trắng hôm trước phật tử bên Ngọc Hà dâng Tam bảo. Có khi từ ấm trà ướp sen mà vãi Tâm vừa ủ loang lên.

Nhấp chút trà nóng, thong thả đặt tách xuống mặt kỷ, vị nữ thẩm phán khẽ mỉm cười.

“Bạch thầy! Trước Tam bảo chứng lòng. Hôm nay, con xin thầy định cho một việc”.

Vị sư cô khuôn mặt tươi nghiêm.

“Thẩm phán Phùng! Có gì xin cứ nói. Nhà chùa đây có thể giúp được gì?”.

Nữ thẩm phán họ Phùng trang nghiêm nói:

“Bạch thầy! Lãnh đạo Tòa giao cho vụ Tạ Đình Đề. Luôn mấy hôm nay, con như ngồi trên đống lửa”.

Vị sư cô chợt sững sờ. Chén trà trong tay sóng sánh.

“Người ta bắt ông ấy rồi ư? Thảo nào hơn năm nay, nhà chùa không thấy người đến tự”.

“Ông Tạ bị cách chức điều tra mười bảy tháng nay rồi. Hồ sơ Viện Kiểm sát chuyển sang hơn nghìn trang bút lục”.

“Nam mô a di đà Phật! Nhà chùa giúp gì được thẩm phán đây?”.

Vị nữ thẩm phán chợt thở dài:

“Người ta muốn tuyên tội anh Đề! Là người hiểu anh ấy nhất, sư thầy hãy giúp con trả lại sự công bằng cho anh ấy”.

“Nhà chùa ư? Kiếp nạn này do ông ấy gây ra? Tự gây tự chịu. Ta đã lánh bụi trần, làm sao lại chường mặt ra cho người đời đàm luận”.

Thấy vẻ đắn đo hờn dỗi của sư cô, đột nhiên, nữ thẩm phán họ Phùng đanh giọng:

“Chị Cúc! Sao chị thấy chết mà không cứu? Người ta khép anh Đề ba tội. Tội thứ ba, chỉ có chị mới giúp được chúng tôi. Dẫu anh Đề ngày trước có lỗi với chị thế nào, nhưng đây là danh dự đội biệt động thành, không được phép để người đời vấy bẩn”.

Vị sư cô nghe tới đâu người run lên tới đó. Giọng sư cô thảng thốt:

“Chị Phùng! Nhà chùa đã nói rồi. Đừng nhắc lại chuyện ngày xưa nữa. Nhà chùa sẽ không tới làm chứng cho họ Tạ kia đâu. Ta cũng đang phải gánh kiếp nạn của mình”.

Nữ thẩm phán buông tiếng thở dài, lặng lẽ đứng lên.

***

Khoảng sân nhỏ trước chùa đêm nào hoa đại cũng rơi trắng vuông gạch cổ. Đêm nào, tiếng mõ cũng lốc cốc đến tận canh khuya.

Sư cô luôn mấy đêm liền trằn trọc trong góc nhỏ trai phòng. Gió thổi cành sen xào xạc. Thi thoảng mơ hồ từng cách hoa đại rời cành đậu xuống mảnh sân rêu.

Chuyện xảy ra cách đây cũng đã ba mươi năm có lẻ...

... Mùa đông năm 1946.

Cả Hà thành rền vang tiếng súng. Đêm đêm loang loáng nước sông Hồng. Bộ đội, du kích vượt sông ra chiến khu, vào nội đô thực thi nhiệm vụ. Khi quân Pháp khóa chặt các cửa ô Hà Nội, cũng là lúc bọn chỉ điểm ngóc đầu dậy hòng tìm lợi lộc cho mình. Có kẻ chỉ để trả mối thù riêng.

Chi đội biệt động Long Biên do Hà Văn Thuận chỉ huy từ trước cách mạng đã lập nhiều chiến công. Mười bảy tên quan Pháp và Việt gian khét tiếng vùng Long Biên - Gia Lâm đã bị xử gọn. Tên quan tư De Saly vô cùng căm tức. Bản thân hắn đã phải bỏ nửa vành tai từ phát súng nhanh như điện xẹt của đội trưởng Hà. Hắn thề sẽ báo thù cho bọn tay chân.

Khi quân chủ lực của ta đã rút an toàn lên chiến khu, trong một buổi họp đội biệt động thành Hà Nội liên khu Đồng Xuân - Long Biên - Gia Lâm, với chức trách chỉ huy chung, Tạ Đình Đề nói rõ mệnh lệnh của cấp trên:

“Anh Thuận cùng các anh Tư Sơn, Dũng, Khánh đã lộ diện nhiều, hãy rút sang bên kia sông Đuống rồi theo ngả Sóc Sơn, Phố Nỉ lên chiến khu. Nhất là anh Thuận. Tên De Saly đang săn lùng anh rất gấp”.

Mấy anh em đều im lặng, duy Hà Văn Thuận đứng lên.

“Mẹ kiếp! Tôi sẽ lấy đầu tên chó De Saly”.

Cuộc họp đột ngột căng thẳng. Có lẽ nào không theo mệnh lệnh cấp trên? Riêng các vụ tự ý in thêm tờ cảnh cáo hình bàn tay bóp cò súng gài lên ngực bọn Việt gian, ác ôn tây trắng, tây đen mỗi khi biệt động Long Biên - Gia Lâm xử tử chúng đã có ý kiến cho rằng phô trương không cần thiết. May có Tạ chỉ huy đứng ra nhận lãnh trách nhiệm mới tạm yên. Cấp trên cũng đã mấy lần nhắc họ Tạ phải siết chặt kỷ luật với chi đội Hà Văn Thuận đã có ý tự kiêu và tự hành động khi chưa có lệnh.

Như hiểu được nỗi lòng người anh em quả cảm, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, Tạ Đình Đề chìm giọng nói:

“Mệnh lệnh là mệnh lệnh! Tuy nhiên, cách mạng là tự nguyện. Tổ chức không ép các anh. Kháng chiến còn dài. Nôn nóng trả thù không phải cách hay đâu”.

Cuộc họp giải tán. Ánh mắt chi đội trưởng Hà nhìn chỉ huy Tạ Đình Đề rất lạ.

Nhưng không thể ngờ được, tên quan tư De Saly đã ra tay trước.

Khi có nguồn tin một số chiến sĩ ưu tú của đội biệt động thành đã rút lên chiến khu. De Saly quét một mẻ lưới lớn, hơn mười cơ sở của ta ở Long Biên bị bắt giữ, giết chóc dã man. Cay đắng nhất là vợ người chi đội trưởng họ Hà đã bị gã quan tư bắt đi tuyệt tích.

Hà Văn Thuận như ngồi trên đống lửa. Khi nghe tin tên quan tư sai người bế đứa con gái mới hơn hai tuổi trả về gia đình vợ, ông như đã phát điên trước sự thâm độc, táng tận của De Saly.

Chi đội trưởng Hà mau chóng lập kế hoạch trừ khử tên quan tư cùng thuộc hạ hiện được bảo vệ dày đặc trong sân bay lên cấp trên.

Ba tuần liền không có hồi âm, dù chỉ là một tín hiệu nhỏ.

Báo chí bù nhìn Hà Nội đưa tin, ảnh viên quan tư De Saly cưới người phụ nữ xinh đẹp nguyên là vợ của một biệt động thành khét tiếng. Có cả ảnh cô dâu chú rể khoác tay nhau.

Hà Văn Thuận gần như phát điên. Họ Hà bảo với hai đàn em thân tín đi theo ông từ thời mãi võ ở bến xe lửa Gia Lâm đã nhiều lần cùng vào sinh ra tử:

“Tổ chức đã bỏ anh em ta. Anh thù nhà không báo còn mặt mũi nào? Các chú có dám giúp anh không?”.

Hai con dao găm sáng loáng cùng lúc cắm phập lên bàn. Hai khẩu bro - ninh lạnh lùng đặt cạch xuống.

“Bọn em sống chết theo đại ca rửa nhục!”.

Cuộc báo thù bất thành. Đơn thương độc mã. Hai cậu em đã phải bỏ mình ngay cửa phòng tên quan tư với vô số vết đạn thù. Vốn võ nghệ cao cường và lòng căm thù chất ngất, Hà Văn Thuận đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần với một vết thương sâu.

Không còn tin vào tổ chức. Như con sói đơn độc bị săn lùng, Hà Văn Thuận quyết định hành xử một mình. Có những cuộc giết người chỉ là để trả mối thù đã ăn vào xương tủy gây chấn động Hà thành.

Và đã có nhiều ý kiến trong đó có cả ý kiến của cấp trên rằng Tạ Đình Đề đã dung túng đàn em trả tư thù. Làm cách mạng không thể đặt thù nhà trên nợ nước.

Tạ Đình Đề chỉ biết im lặng.

Ông rất hiểu nỗi uất hận của người thuộc cấp, huynh đệ của mình.

Cho đến khi Hà Văn Thuận bị bắt đi tù Côn Đảo, cũng chẳng có tổ chức nào ghi nhận kẻ đã vượt ra ngoài vòng cương tỏa.

Họ Tạ chỉ biết lặng im chôn chặt trong lòng.

Vậy mà hơn ba mươi năm sau, câu chuyện lại được bới ra.

Sư cô suốt mấy ngày bồn chồn, bồi hồi, thơ thẩn.

Đột nhiên, khi sáng sớm thoáng thấy bóng vãi Tâm, sư cô bèn bảo:

“Nam mô a di đà Phật! Phiền cụ Tâm tới mời thẩm phán Phùng đến nhà chùa”.

***

Luôn mấy hôm, phiên tòa Tạ Đình Đề diễn ra vô cùng căng thẳng.

Cáo trạng dày như núi cuối cùng gút lại ba tội chính.

Hai tội đầu “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định về kinh tế của nhà nước gây thiệt hại nặng nề” và “Tự ý dùng tiền mua máy móc thiết bị, tự ý phân chia quyền lợi bất hợp pháp cho nhiều người gây bức xúc dễ dẫn đến địch lợi dụng” cũng đã được kết luận rõ ràng.

Phiên tòa đã kéo dài sang ngày thứ năm.

Tội trạng cuối cùng là phần quyết định để kết án Tạ Đình Đề và bảy bị can sẽ diễn ra trong ngày thứ sáu.

Đó là tội cấu kết phần tử phản động. Bao che dung túng kẻ bất mãn ngầm chống đối. Nuôi dưỡng kẻ xấu đợi thời cơ nổi loạn. Nhất là uẩn khúc của vụ án Z120.

Vụ án Z120 đến nay vẫn còn là một bí ẩn.

Sau năm 1946, theo chỉ thị của cấp trên, biệt động thành Hà Nội dần rút vào hoạt động bí mật và thu gọn. Thời gian cấp trên im lặng không phê duyệt cho chi đội trưởng họ Hà giết tên quan tư khiến Hà Văn Thuận tự ý hành động đã dẫn đến đổ vỡ một số cơ sở của ta. Cấp trên nhiều lần nhắc ông Đề phải có biện pháp quản lĩnh họ Hà nhưng đều thấy ông không tỏ bất cứ xử lý gì. Khi Hà Văn Thuận bị bắt đày đi Côn Đảo một thời gian đã xảy ra một số vụ bắt bớ, khủng bố cơ sở cách mạng cấp cao. Nghi ngờ việc Hà Văn Thuận bất mãn lao tù đã khai ra, cấp trên quyết định cử Bạch Cúc - một điệp viên giỏi đồng thời là bạn học từ nhỏ của Hà Văn Thuận cũng là em kết nghĩa với Tạ Đình Đề bí mật điều tra manh mối. Nếu phát hiện Hà Văn Thuận hoặc Tạ Đình Đề thông đồng giặc sẽ lập tức giết ngay.

Vốn rất giỏi nghiệp vụ, lại rất muốn minh oan cho người bạn họ Hà, Bạch Cúc đã bí mật điều tra mọi việc hết sức tỉ mỉ. Càng đến gần sự thật, Bạch Cúc càng căm phẫn và kinh tởm tên quan tư pháp De Saly. Chính hắn đã lập kế sách cưỡng đoạt vợ Hà Văn Thuận, ly gián họ Hà với Tạ Đình Đề. Kích động họ Hà manh động và cố tình cho bắt bớ để hổng các đầu dây vu tội cho Hà Văn Thuận, Tạ Đình Đề để cách mạng sẽ từ đó loại bỏ hai ông.

Dẫu có trong tay nhiều bằng chứng, song kẻ mấu chốt nhất là De Saly và vợ đã sợ hãi tìm cách trốn về Pháp trước khi Thủ đô được giải phóng.

Vụ việc đành phải gác lại.

Sau năm 1954, người tù từ Côn Đảo trở về không được minh oan.

Năm lần bảy lượt, Bạch Cúc kiến nghị cấp trên đều rơi vào im lặng. Ngay cả Tạ Đình Đề, ông cũng hiểu tình thế của mình và chỉ biết lặng im.

Với tính cách con nhà nho, bà đã nói thẳng với Tạ Đình Đề:

“Anh Thuận bị oan! Tôi được giao điều tra về anh ấy, song họ chẳng tin tôi. Người gan cóc tía như anh sao cũng chỉ biết im lặng? Từ nay, anh đừng tìm tôi nữa”.

Người nữ biệt động thành xinh đẹp năm xưa đã chọn nương tựa nơi cửa chùa.

Lại rộ lên tin đồn Tạ Đình Đề cậy tài cậy công lăng nhăng tình ái với nữ đồng chí đến mức bị hại đi tu.

Với bản tính của mình, ông Đề không hề giải thích.

Mọi chuyện cũng đã trôi qua mấy chục năm rồi.

***

Phiên tòa Tạ Đình Đề, ngày thứ sáu.

Bên ngoài tòa nhà lớn, nhân dân Thủ đô kéo đến chật kín hành lang, bãi sân, lòng đường, vỉa hè bàn tán xôn xao.

“Ông Đề làm sao có tội được? Ông ấy cứu đói hàng nghìn cán bộ công nhân. Tết họ còn có cân thịt, tấm khăn, cặp bánh?”.

“Thì máy móc chiến tranh vứt đầy đường, ông ấy đã xin về cải tạo làm ra hàng hóa xuất khẩu đi chín nước anh em. Làm sao lại có tội được?”.

“Ông Đề ngày trước bảo vệ Cụ Hồ. Tài bắn bách phát bách trúng, giỏi võ nghệ xuất quỷ nhập thần mà giam giữ gần hai năm ông có trốn đâu? Không thể nào có tội được!”.

Hoa đại trắng
Minh họa: Nguyễn Lộc

“Nhưng còn tội cấu kết phần tử phản động. Nghe đâu ông Đề còn dính đến vụ Z120, vụ gián điệp cài lại từ xưa. Cấp trên đã tóm được gáy rồi. Án tù chung thân là cái chắc”.

Ngồi ghế chủ tọa, năm hôm liền thẩm phán Phùng Lê Trân lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Bà nhớ như in trước hôm xử chính thức, đã có tới bảy người trước sau tìm đến tận căn hộ nhỏ của bà. Dù mỗi lời mỗi khác nhưng ai cũng bảo đi đến là ý của cấp trên.

“Chị Phùng! Viện đã báo cáo trên rồi. Anh Đề cứng đầu lắm, vô nguyên tắc lắm. Ta đang đánh tàn dư Tư bản ở trong Nam. Phải xử hai mươi năm để nêu gương”.

Vị nữ thẩm phán như không tin ở tai mình.

Lại một người đến nói:

“Tạ Đình Đề phức tạp lắm! Có phải thần tiên đâu mà ba năm gây dựng cả cơ đồ. Không móc ngoặc, tham ô, hủ hóa thì tiền ở đâu ra? Phải xử kịch khung làm nghiêm phép nước”.

Bà thẩm phán chỉ biết lặng lẽ gật đầu.

Một người đàn ông vẻ trí thức nói rất ngang tai:

“Chị Phùng! Chị còn chồng, còn con chị đấy. Con chị quan hệ rộng lắm đấy”.

Họ đi rồi, bà thẩm phán chỉ biết gọi con đến nói:

“Họ đã nói như thế. Từ nay, con hãy cẩn thận mới được”.

Họ cũng thừa biết, bà thẩm phán cũng từng là nữ biệt động, từng bị bắt giam ở Hải Phòng, Quảng Ninh, từng bị bẻ hết răng ở trong tù.

Và trớ trêu thay, hôm nay lại run rủi chủ trì tuyên án người một thời từng là đồng đội.

Người bên Viện Kiểm sát tuyên đọc phần khép tội thứ ba.

Văn bản đã đọc xong, đến vài phút không ai lên tiếng.

Hai phần định tội trước, mỗi khi Tòa đọc xong đều xôn xao tranh luận, bàn thảo, giở lý lẽ chứng cứ hùng hồn. Ngay cả Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt đã đích thân tới nhận trách nhiệm. Ngay cả Bộ trưởng Giao thông Dương Bạch Liên đã trực tiếp ký công văn gửi tới Tòa.

Nhưng phần chủ chốt hôm nay, sao mọi người im phăng phắc?

Khi bên Viện muốn kết luận tuyên tội vì chỉ cần phần thứ ba này, ông Đề cũng cầm chắc chung thân, dù bảy bị can ở Xưởng cao su cùng ông sẽ được tuyên trắng án.

Ánh mắt thẩm phán chủ tọa phiên tòa vẫn nghiêm lạnh. Suốt năm hôm liền, chính bà đã lần lượt kết luận bác bỏ hai phần tội của vụ ông Đề. Bà chăm chắm nhìn về phía cửa.

Không gian như đặc quánh lại.

Bỗng cảnh cửa xịch mở.

Mắt bà thẩm phán sáng lên.

Bên ngoài bước vào một sư cô.

Vị sư cô trình bày khúc chiết, rành mạch, tường tận về vụ án Z120 mà bà được giao thực hiện.

Tất cả chứng cứ, bản chép tay, báo cáo, đề xuất do chính tay nữ điệp viên Bạch Cúc được tòa xem xét ngay tại pháp đình.

Vô số ống kính phóng viên ghi lại khoảnh khắc này.

Sau những đối chất và lập luận. Sau khi kiểm chứng và soi chiếu ngay tại pháp đình, nữ thẩm phán Phùng Lê Trân tuyên bố Tạ Đình Đề cùng các bị can của vụ án là vô tội.

Như có tiếng sấm vỡ òa tiếng reo vang khắp căn phòng lớn pháp đình.

Tiếng reo ùa ra sảnh, hành lang, sân tòa, lòng đường, hè phố.

Một rừng hoa ùa đến chào mừng công lý đã được thực thi trọn vẹn, công bằng, tình nghĩa và có hậu.

Liệu ông bụt có thực chăng ở cuộc đời này?

***

Buổi chiều mùa thu nơi sân cổ tự.

Sen đã tàn vẫn thong thả đưa hương từ chiếc ao nhỏ sát sân chùa.

Khách đi cùng thẩm phán họ Phùng là một ông già tóc bạc húi cua, dáng vẻ cao lớn, gương mặt khắc khổ ẩn nhẫn, song cặp mắt thi thoảng lại ánh lên như muốn nói điều gì.

Ông lão bần thần đứng dưới cành hoa đại.

Một cánh hoa chợt rơi đậu lên vai áo bạc sờn.

“Trời! Anh Thuận!”.

Sư cô vừa kêu lên thảng thốt vừa bước nhanh từ trong tự ra đứng trước ông già.

Ông lão sựng người không thốt được tiếng nào. Đôi mắt như chợt mờ đi trước màu hoa đại trắng.

Vị nữ thẩm phán họ Phùng xúc động nói:

“Bạch sư thầy! Hôm nay anh Thuận có nhờ tôi đưa đến để cảm ơn thầy. Những bằng chứng của sư thầy ở Tòa, báo chí đưa đã minh oan cho anh ấy. Suốt mấy chục năm, anh ấy vẫn cho rằng mình bị bỏ rơi, bị hàm oan mà không một ai trong cuộc giải nỗi oan cho”.

Ông già phía trước mấp máy môi như muốn nói điều gì song mãi không nói được.

Chợt cơn gió mùa thu cuốn vài bông hoa đại lác đác rơi rụng xuống sân chùa.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 4 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 4 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 5 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 1 tuần trước