Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
18:59 (GMT +7)

Hoa anh đào Nhật Bản

VNTN - Từ tháng ba, tháng tư trở đi, tùy vùng miền là đã tới mùa hoa anh đào, loài hoa biểu tượng của Nhật Bản. Nước Nhật có đến 300 loại hoa anh đào - sakura, trong đó nhiều nhất là loại someiyoshino và shidarezakura. Mỗi khi hoa nở vào đúng dịp khai giảng, các công ty bắt đầu thuê người làm và tiến hành những dự án mới. Do đó, người Nhật thường xem hoa anh đào là biểu tượng của sự hồi sinh, may mắn và an lành.

Mỗi cây anh đào có thể cao 9 - 12 mét. Khi chưa ra hoa, cành lá còn gầy guộc, song khi đã ra hoa thì cành nào cũng béo tròn, trĩu trịt những tán hoa bồng bềnh như những đám mây trắng hồng, có gió đu đưa là rụng lan tan mặt đất.

Năm 712, đã có cuốn Kojiki, tài liệu cổ nhất ghi chép về hoa anh đào Nhật Bản, cho thấy người xưa xem đây là một loài cây thần có thể tiên đoán nông nghiệp. Năm nào, hoa nở nhiều, năm ấy mùa màng bội thu, đất đai màu mỡ, việc làm đồng - gieo gặt rất dễ dàng. Vì thế, nông dân đều trồng một cây anh đào bên ruộng và theo dõi hoa nở sớm hay muộn, nhiều hay ít mà tiến hành việc canh tác.

Nhiều tổ chức ở Nhật Bản thường lấy hoa anh đào làm vật tượng trưng cho hình ảnh và sản phẩm như Ngân hàng sakura, Tàu tốc hành sakura, đồng yên sakura, áo kimono, bát đĩa, hộp đựng sakura. Trong đại thế chiến II, phi công Nhật đã sơn trên thân máy bay những bông hoa anh đào, xem đó là vật hộ thân giúp thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm, tới nay quân đội và cảnh sát vẫn dùng hoa anh đào làm phù hiệu. Trẻ em Nhật có bài hát đầu tiên là Xứ sở hoa anh đào. Các trường học đều trồng hoa anh đào. Do hoa nở đúng năm học mới, học sinh thường hứng cánh hoa để ép vào trang vở làm kỷ niệm.

Mỗi năm, người Nhật đều tổ chức vui chơi, ca hát và ngắm hoa dưới những gốc cây anh đào trong vườn, bờ sông, sườn núi hay đền đài hiện hữu loài hoa này. Rất nhiều phim ảnh, tranh vẽ miêu tả cảnh túm tụm ngắm hoa. Thú ngắm hoa ở Nhật Bản đã có hơn 1.200 năm từ thời Heian (794-1185) và phổ biến trong giới quý tộc. Khi ấy, nam nữ diện kimono, cầm những hộp bánh, những cút rượu sake vừa ngắm hoa vừa ăn uống. Đến thời Edo (1603-1867), thú ngắm hoa mới lan khắp, và mọi người cùng trải chiếu, bày chõng ngồi dưới gốc cây trò chuyện, trước khi về viết những lời cầu mong treo lên cành cây, hy vọng trong năm mới nó sẽ được thực hiện.

Ngoài ngắm hoa ban ngày, nhiều nơi còn ngắm hoa ban đêm. Họ cho rằng, trong sương lạnh, không gian tĩnh mịch, quan sát từng cánh hoa hé mở thật sự còn kỳ thú hơn nhiều lúc tập trung đông đúc. Đáng tiếc, hoa anh đào chỉ nở trong dăm, bảy ngày rồi tàn. Và những người yêu hoa đều cảm thấy rất thương nhớ, và thường ví hoa với tuổi thanh xuân, sắc đẹp và niềm vui chóng tàn, nhớ đến cuộc sống ngắn ngủi của đời người và đặc biệt là những người chiến binh samurai thường chết khi đang ở đỉnh cao của sự thành công, và tự nhắc mình phải sống ý nghĩa. Hollywood trung tâm điện ảnh thế giới mới đây đã dàn dựng được bộ phim Chiến binh samurai cuối cùng, miêu tả cảnh người hiệp sĩ múa gươm trong một khu vườn đầy hoa anh đào, mỗi khi lưỡi kiếm vung lên là hàng nghìn cánh hoa bay rợp trời và dính đầy áo, đầy mái tóc người hiệp sĩ; khi bộ phim công chiếu, có không ít người sụt sùi.

Những người Nhật sống xa quê vào mùa hoa nở đều dõi về Nhật Bản, và thường mua băng hình quay cảnh hoa anh đào nở, mở ra xem coi như hồn quê, nét mộc mạc - thuần khiết trong văn hóa Nhật Bản. Cũng có khá nhiều cây anh đào đã đến với thế giới, nhờ thế đã an ủi những người dân lữ khứ.

Hoa anh đào không nở thì thôi, chứ đã nở là một hiện tượng kỳ diệu. Chúng nở bung tràn trề như một cơn sóng lan dần từ Kyushu vào tháng ba, tới Tokyo vào tháng tư và Hokkaido tháng năm cuối cùng là cả Nhật Bản. Để tiện cho thú ngắm hoa, thu hút du lịch, cục khí tượng thủy văn Nhật Bản đều có lịch thông báo giờ hoa nở ở từng vùng. Một số địa điểm tổ chức ngắm hoa đông nhất hiện nay là công viên Ueno, Shinjuku Gyoen, Sumida, Koishikawa, Inokashira của Tokyo; công viên Kamonyama, Sankeien của Yokohama; lâu đài Nagoya của Nagoya; công viên Maruyama, đường Triết gia, điện Hòa An, núi Arashiyama, sông Kamogawa, đền Daigoji, điện Hirano, kênh Okazaki của Kyoto; công viên lâu đài, sở tiền tệ của Osaka; núi Yoshinoyama của Yoshino; lâu đài Himeji của Himeji; thành phố Kakunodate, lâu đài Hirosaki của Tohoku...

Chu Mạnh Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy