Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
04:58 (GMT +7)

Hồ Lô Cô

VNTN - Mùa xuân năm trước tình cờ tôi quen một người đàn bà Vân Nam. Đó là một người phụ nữ ngoài bốn mươi, với đôi mắt to khác thường, tên là A Hoa. Vừa mới gặp nhau, A Hoa nói ngay: “Anh là một người mềm yếu, dễ bị dẫn dụ. Nhưng nhờ ngây thơ mà anh nhận ra sự thật”. Rồi nói thêm: “Ngây thơ chính là phép mầu”. Có vẻ đúng là tính cách của tôi.

Năm nay, sau khi hoàn thành công việc ở Côn Minh, còn thời gian, tôi bèn quyết định nhờ A Hoa đưa đi thăm hai thành phố cổ Đại Lí (kinh đô của nước Nam Chiếu ngày xưa) và Lệ Giang. A Hoa khen tôi là biết dùng thời gian đúng mục đích. Lái xe cho chúng tôi tên là Tiểu Hạ, một chàng trai vui tính, chuyện gì cũng biết. Anh ta nói:

“Lên Lệ Giang, nếu anh thích còn có thể đi thăm hồ Lô Cô.”

“Hồ Lô Cô có gì đặc biệt thế?”- Tôi tò mò hỏi lại.

Người lái xe, khoát tay, ngó sang A Hoa rồi ngoác miệng cười đáp:

“Đấy là đất nước của phụ nữ, đất nước duy nhất còn sống ở chế độ công xã thị tộc mẫu hệ”.

A Hoa nói:

“Vùng hồ Lô Cô là đất nước của bộ tộc Ma Thoa, có lẽ là bộ tộc gần như duy nhất trên thế giới còn giữ lại nếp sống ấy”.

Những lời giải thích của A Hoa kích thích trí nhớ của tôi. Hồ Lô Cô, tôi đã có lần nghe kể, nó nằm ở phía trời Tây, trên con đường thầy trò Đường Tăng và Ngộ Không đi thỉnh kinh lạc vào, suýt không tìm thấy đường ra, mộng mị sương khói, đầy gái đẹp rất dễ mê hoặc lòng người. Nghĩa là người Ma Thoa ngày nay vẫn sống theo lối “tẩu hôn”, sống với bạn tình, nam không lấy vợ, nữ không lấy chồng. Nam nữ ai ở nhà nấy, khi hai bên có cảm tình với nhau, ban đêm người nam có thể đến ngủ với người nữ ở “lầu hoa” được dành riêng trong gia đình người nữ, sau đó lại trở về nhà mình. Người nữ sinh con, tự mình nuôi dưỡng, đứa con lớn lên không biết cha là ai. Mối quan hệ hôn nhân kiểu này hoàn toàn dựa trên quan hệ tình cảm. Nếu tình cảm không còn thì mối quan hệ ấy cũng kết thúc.

A Hoa giải thích:

“Tiếng Ma Thoa bạn tình gọi là A Sa. Người nam, người nữ Ma Thoa trong đời có thể có nhiều A Sa, nhiều lắm - Ngẫm nghĩ một lát, A Hoa nói thêm- Người Ma Thoa ngày nay cũng giữ được một số phép thuật”.

Hồ Lô Cô nếu đúng thế là một vùng đất kì bí. Đến thăm hồ Lô Cô chính là đến để coi tận mắt quá khứ của loài mình. Cái ý nghĩ ấy bắt đầu bám chặt lấy trí não tôi. Trong lúc tôi đang ngẩn ngơ bởi chính cái ý nghĩ mới nẩy sinh của mình thì A Hoa bảo, ngày mai nên khởi hành sớm.

Thành phố Côn Minh bốn mùa đều xuân, bốn mùa hội cây và hội hoa. Xe chở chúng tôi ra khỏi thành phố liền rẽ qua ngả đi tuyến đường cao tốc Côn Minh- Đại Lí mới mở, uốn lượn bồng bềnh giữa những triền núi, nhìn xa hút nơi xanh mờ là các sơn trại lơ thơ khói bếp vời vợi.

Ngày còn cắp sách đến trường, tôi đọc được trong đống sách cũ của cha tôi những dòng ghi chép về những con đường của vương quốc cổ Nam Chiếu, gọi là cổ đạo. Các tuyến cổ đạo có: “Bặc đạo” thời Tần - Hán, “Chu đề đạo” thời Hán - Tấn, “Thạch môn quan đạo” đời Đường, “Côn Nghi đạo” thời Nguyên - Minh - Thanh. Tuyến đường hôm nay tôi đi thuộc tuyến phía tây, khởi hành từ Điền Trì (Côn Minh) qua An Ninh, Sở Hùng, Nam Hoa, Vân Nam Dịch, Tường Vân, Triệu Châu, đến Hạ Quan (Đại Lí) rồi đi Lệ Giang. Từ Hạ Quan có thể đi Miến Điện, Ấn Độ. Nhà Nguyên sau khi diệt nước Đại Lí (năm 1253) đã cho mở mang giao thông, lập nên 78 trạm dịch, có 74 trạm chạy ngựa và 4 trạm chạy thuyền. Nhờ con đường này, vào khoảng trước sau năm 1287, nhà thám hiểm người Italia là Máccô Pôlô đã đến được Vân Nam. M. Pôlô khởi hành từ Đại Đô (Bắc Kinh) theo đường Thái Nguyên, qua Tây An, Thành Đô tới Kiến Đô Châu rồi vượt sông Kim Sa (tên cổ gọi là sông Pulutrasơ đến áp Trì Thành (tên cũ của Côn Minh) rồi đi về phía tây đến Hatsichang (Đại Lí), vượt Kimtsiztou (nay là Bảo Sơn- Đức Hùng) qua Miến Điện rồi quay trở lại. Theo ghi chép của Máccô Pôlô, thì nhà Nguyên xây dựng các trạm dịch cách nhau chừng 40 đến 50 kilômét. Tại các trạm dịch có quán trọ đón tiếp khách thương qua lại...

Xe chạy trên đường cao tốc lúc nào cũng giữ tốc độ hơn 100 kilômét một giờ. Lái xe bảo, đến chiều là tới Hạ Quan. Ngày trước đi phải mất ba bốn ngày. Không biết con đường nằm cao hơn mặt biển bao nhiêu, nhưng có lẽ càng đi về phía tây thì càng cao. Ngước lên là bầu trời trong xanh, còn dưới thung sâu mây trắng bò chậm rãi như những đàn cừu lang thang.

A Hoa tinh quái như một mụ phù thủy. Tôi nhìn thấy trong đôi mắt to quá khổ của người đàn bà này một thế giới sương khói, khác lạ. Người đàn bà như đọc được ý nghĩ của tôi:

“Anh đang mơ về hồ Lô Cô, về chế độ tẩu hôn, tôi biết chắc, một nửa đàn ông là hoang dã...”

Tôi lảng chuyện, hỏi lái xe:

“Này Tiểu Hạ, cậu đã lên hồ Lô Cô chưa? Đã được thể nghiệm đời sống “công xã thị tộc mẫu hệ” chưa?”

Anh chàng lái xe tinh khôn đáp đã đến rồi, sau đó cười lấp liếm một cách bí hiểm. Dọc đường đi, tôi lựa lời gạ gẫm lái xe, đi thẳng hồ Lô Cô. Nhưng A Hoa ranh mãnh nhìn tôi:

“Rõ anh là kẻ khôn vặt. Anh biết hồ Lô Cô ở đâu mà đòi chạy thẳng. Nó thuộc huyện Ninh Lương, tỉnh Vân Nam. Lẽ dĩ nhiên như thế, nhưng trước khi đến được Lô Cô, thì đêm nay phải ngủ lại ở Thượng Quan Đại Lí, sớm hôm sau đi tiếp đến Lệ Giang. Từ Lệ Giang đi Ninh Lương, rồi mới đến được hồ Lô Cô”.

Đêm ấy chúng tôi ngủ lại ở Thượng Quan. Đất đây xưa là đế đô nước Đại Lí của dòng họ Đoàn, sau khi diệt nước Nam Chiếu. A Hoa đưa tôi vào một quán trà người Bạch, nghe các thiếu nữ hát dân ca và uống tam đạo trà. Gã lái xe bỏ đi đánh mạt chược ở đâu đó đến khuya không thấy về. Sáng hôm sau đúng giờ, khách sạn đánh thức tôi dậy thì gã đã chuẩn bị xong mọi thứ, tỉnh như sáo, rồi cười hề hề, đánh xe đưa tôi đi ăn sáng.

Rời Đại Lí, đường tốt, xe chạy nhanh, xế trưa đã đến Lệ Giang. Tôi chưa kịp nói gì thì Tiểu Hạ bảo:

“Tôi được lệnh đưa anh đến đây. Muốn đi hồ Lô Cô phải thỉnh thị về Côn Minh”.

Tôi nẩy ra một ý, bảo A Hoa nói với gã, rằng gã cứ đưa chúng tôi đi Lô Cô, tôi sẽ trả thêm tiền. Nhưng A Hoa bảo không cần, đi xe khách cũng được. Tôi chỉ không hiểu, chính Tiểu Hạ đã gợi ý cho tôi nếu muốn có thể đi thăm hồ Lô Cô, đến khi tôi cần đi thì gã lại từ chối, thế là làm sao? Trước khi chia tay gã bảo tôi phải kí vào một tờ giấy gì đó. Tôi đọc qua, thấy chẳng có gì đáng để ý, bèn kí liền. Gã cầm tờ giấy nhét vào túi, rồi nở một nụ cười dễ dãi:

“Tôi giúp hai người tìm xe nhé?”

A Hoa bảo, từ biệt. Thế là Tiểu Hạ đánh xe quay đi. Chiều ấy chúng tôi tìm một quán trọ rẻ tiền ở Lệ Giang nằm bên dòng suối bắt nguồn từ núi tuyết Ngọc Long, nước lúc nào cũng mát lạnh, rồi đi thăm những ngôi nhà cổ, những công trình kiến trúc gỗ đá, đã có 800 năm lịch sử, được Tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục của Liên hiệp quốc công nhận là “Di sản văn hóa thế giới”. Nhân tiện hỏi thăm đường đất đến Ninh Lương.

Đêm, trời mưa, A Hoa mượn một chiếc ô đưa tôi đi vào những hiệu thuốc bầy bán la liệt những thứ thuốc bổ thận hiếm: tuyết ngư, tuyết liên, tuyết trà, đông trùng hạ thảo... Thấy tôi dán mắt vào những con tuyết ngư, A Hoa đùa bỡn:

“Chắc là đội tiền đạo của anh đá kém...”

Tôi giả bộ trơ trẽn:

“Đêm nay tôi sẽ cho cô biết tay”.

A Hoa bảo :

“Anh dám!”

Rồi bước đi. Quay trở về, nói chuyện với ông chủ khách sạn, thì biết từ Lệ Giang mới có một con đường chạy thẳng tới Ninh Lương, ngồi xe tốt chỉ mất độ ba bốn giờ đồng hồ. Đến huyện thành Ninh Lương, đường xấu phải đổi xe đi đến núi Sư Tử và hồ Lô Cô, nhưng cũng chỉ mất nửa ngày đường. Ông chủ tốt bụng bảo tôi, tuyến xe khách Lệ Giang - Ninh Lương dài 130km, giá vé là 54 đồng. Đến nơi muốn đi hồ Lô Cô thì lên xe tuyến Trung - Ba dài 72 cây số, giá vé là 20 đồng.

Vậy là chúng tôi đi hồ Lô Cô, chưa biết những gì đang chờ đợi mình ở đó.

Đường từ Ninh Lương đi hồ Lô Cô đúng là đường lên trời, nhỏ bám vào vách núi, chênh vênh, hun hút. Khách trên xe ngoài chúng tôi còn có mấy người Nhật và Đài Loan. A Hoa nhắm nghiền mắt không dám nhìn, hai tay ôm chặt lấy tôi. Tôi nói khẽ đủ để A Hoa nghe, giả dụ nếu vì lẽ gì đó xe mất lái lao xuống vực thì tôi và cô ta sẽ tan thành cám, vì thế hãy tranh thủ sống. Cô ta không nói gì, nhưng càng ôm tôi chặt hơn. Riêng người lái xe thì luôn miệng huýt một điệu dân ca nào đấy, như thể muốn giúp mọi người an tâm.

Một người Nhật Bản sốt ruột hỏi:

“Sắp đến hồ Lô Cô chưa sư phụ?”

Người lái xe đáp:

“Còn phải qua cổng trời Cẩu Toàn Động mới tới được.”

“Cẩu Toàn Động là gì vậy nhỉ?”

Người khách Đài Loan ra vẻ thông thạo:

“Là động chó chui, chắc ngày xưa hẹp lắm chỉ chó mới chui lọt”.

Tôi nhớ lần vượt cổng trời Đồng Văn, cổng trời Quản Bạ ở tỉnh Hà Giang, cái cảm giác như vừa có một cánh cổng mở toang sang thế giới khác khiến lòng bâng khuâng, háo hức. Xe chở chúng tôi vẫn kiên nhẫn ngược lên mãi về phía “Động chó chui”, để lại thế giới trần tục ở đâu đó dưới kia sau bức tranh sơn dầu khổng lồ với các mảng mầu cây cỏ và sông suối góc cạnh, tĩnh lặng.

Cuối cùng thì không còn đường để xe đi nữa. Khách ồn ào lấy hành lí. A Hoa vội bỏ tôi ra, cơn sợ tiêu tán, liền đùa cợt:

“Tôi mua cho anh một gói tuyết ngư đấy, anh không biết à?”

Bỗng nhiên mọi người câm bặt. Cái lạnh khó hiểu phục kích ở đâu đó bất ngờ ập đến, như thể xuyên qua người, từ ngực tới lưng. Hồ Lô Cô hiện ra trước mắt. Một cảm giác chưa bao giờ có: Đột ngột, choáng ngợp và ngây ngất đan xen. Tôi thấy tim mình bị nghẹt lại, đau đớn, nếu hét lên một tiếng chắc sẽ bật ra một búng máu tươi. Nhưng tôi không sao kêu được, gió đã bịt lại tất cả. Một người khách Nhật Bản cứ lầm bầm:

“Sao bầu không khí ngắt xanh đến thế, sao hồ Lô Cô lại mung lung giữa trời và đất, giữa thực và hư đến thế!”

Lúc đó là buổi chiều. Mặt hồ xanh thẳm dưới bầu trời xanh thẳm, giống như núi chợt mở nhìn một con mắt, lấp láy những tia sáng âm u mềm mại, chứa đựng những bí ẩn hấp dẫn và nguy hiểm. Dường như toàn bộ thế giới không biết về đâu, qui tụ lại một nơi này. Hồ Lô Cô không lớn, người ta nói đo được diện tích của nó khoảng 50 kilômét vuông, nhưng nước thì xanh tận đáy, đẹp như giấc ngủ của cô gái đồng trinh đến mức du khách không dám thả tay xuống chạm vào. Ven hồ mọc đầy những cây như liễu, buông lá tha thướt như mái tóc dài soi bóng mặt hồ, làm sáng lên một thứ ánh sáng kì lạ. Lòng hồ có cá. A Hoa chỉ cho tôi thấy những chú cá gầy thân dài, béo mập thân ngắn, bơi lội nghịch đùa trong vương quốc của Long Vương. Từ bờ hồ phóng mắt nhìn ra thấy những con thuyền độc mộc chở khách đang quay mũi trở lại. Những hòn đảo trên hồ mờ dần, những con chim nước mầu trắng nối nhau đáp lên đáp xuống, lấp láy sáng trên bóng núi mặt hồ như những vì sao.

Trên đường từ Côn Minh lên Lệ Giang, A Hoa và Tiểu Hạ đã kể nhiều chuyện về bộ tộc người Ma Thoa, chủ nhân vùng hồ. Theo Tiểu Hạ, thì hồ Lô Cô cao hơn mặt biển 2700 mét, bị bao bọc bởi nhiều dãy núi cao chọc trời, trong đó có dãy Can Mộc Sơn và Sư Tử Sơn, nên hồ Lô Cô bị cách li với thế giới bên ngoài, trở thành một vương quốc riêng. Truyền thuyết của người Ma Thoa kể rằng dãy Sư Tử Sơn do một nữ thần hóa thành. Giờ đây đứng nhìn lên Sư Tử Sơn thấy bí ẩn và hung hiểm vô cùng, ngỡ như nghe vọng tiếng hổ gầm ở đâu đó.

Tôi nhớ khi A Hoa nói, người Ma Thoa còn giữ được một số phép thuật bèn tò mò muốn biết đó là những phép thuật gì, thì Tiểu Hạ láu cá gạt đi:

“Những chuyện ấy ư? Người ngoài chẳng bao giờ được chứng kiến. Những người hiểu biết về văn hóa dân tộc Ma Thoa bảo, đừng hỏi những gì không nên hỏi”.

Từ cổng trời du khách chúng tôi đi bộ xuống xóm trại của người Ma Thoa kiếm nơi nghỉ và kiếm người hướng dẫn tham quan.

A Hoa tìm cho chúng tôi một chỗ trọ gia đình, nhà cất ngay ven hồ, trông khá lịch sự. Chủ nhà là người Ma Thoa, tên gọi Traxi, một thanh niên rất khôi ngô. Nghe nói, anh là người duy nhất ở thôn Lạc Thủy này không “tẩu hôn”. Traxi kéo đến trước mặt tôi một phụ nữ xinh đẹp, giới thiệu:

“Người này là vợ tôi. Vợ tôi sẽ nấu cơm cho ông bà.”

Tôi liếc nhìn, thấy A Hoa đỏ mặt. Ngôi nhà của Traxi có lẽ là duy nhất trong vùng dùng chữ Hán ghi rõ các phòng “Tổ mẫu”, “A sa”, “Hoa phòng”... Tôi chọn cho mình phòng có cửa sổ mở ra hồ, bên ngoài dựng một chiếc xe mô tô. Đó là chiếc xe Yamaha của Traxi. Anh ta bảo tôi, muốn đi đâu xa cứ nói, anh ta sẽ chở. Rất có thể anh là tay làm ăn phát đạt nhất thôn này. Và cũng là người đã bị Hán hóa.

Tôi muốn tranh thủ thuê một chiếc thuyền đi chơi hồ, nhưng Traxi bảo nên để hôm sau. Quả thật mặt trời đã chìm sau dãy Can Mộc Sơn. Đứng ở cửa sổ phòng mình nhìn ra, không hiểu sao mặt hồ Lô Cô bàng bạc lại gợi cho tôi cảm tưởng như một con mắt đang ngó mung lên trời đen thẳm, khiến muốn phát khóc được.

Chợt có tiếng gọi:

“Ông khách ơi, ăn cơm thôi!”

Tiếng gọi xuyên qua màn sương mờ mờ, run rẩy như một điệu ca. Vợ Traxi gọi chúng tôi đi ăn cơm tối. Thế là tôi đã tiếp cận với thế giới của cả ngàn năm trước kéo dài đến tận hôm nay.

Sơn trại của người Ma Thoa tọa lạc ở quanh hồ, nhà đều được dùng gỗ tròn tốt cất lên, nước gỗ bóng mầu vàng sẫm, nom gần gụi với những ngôi nhà nông dân Nga ở ngoại ô Maxcơva đầu những năm 1980. Không muốn phiền A Hoa, tôi lặng lẽ ra khỏi phòng chọn một ngôi nhà có vườn được rào bằng gỗ cũ kĩ để đến thăm. Bước vào vườn thấy lợn nuôi đàn hàng chục con. Mấy chú chó nhận ra người lạ cất tiếng sủa ran. Một phụ nữ ở đâu đó quát khẽ, khiến con chó im bặt. Rồi một người phụ nữ xuất hiện (không biết có phải người vừa lên tiếng không) ra hiệu mời tôi vào. Tôi bước theo người phụ nữ này vào chính giữa ngôi nhà. Nơi ấy đặt một chiếc bếp lớn lửa cháy bập bùng trên có chiếc chảo to bốc khói, gọi là bếp mẹ. Ngồi bên bếp là một bà già mặc quần áo mầu sẫm, nhìn kĩ có thể phát hiện ra hai quầng mắt tối thâm, chứng tỏ thời trẻ đã từng có nhiều A Sa, hẳn cũng phải xinh đẹp lắm. Khách ngồi xuống, một lúc lâu không biết nói chuyện gì. Sau đó có mấy người phụ nữ bước vào, có trung niên, có thiếu nữ, có trẻ con. Nhưng không thấy đàn ông. Họ chẳng nói chuyện, thi thoảng lại cời bếp, thêm nước vào chảo. Có người bước ra ngoài bóng đêm, một lát sau lại quay trở vào. Những đồ vật treo trên tường nhà cũng chìm trong bóng tối, những bóng người qua lại cũng chìm vào một khối thật khó nắm bắt, dường như tuổi thọ của chúng dài cả trăm năm, cứ như vậy chống chọi với sự biến động của thiên tai địch họa, âm thầm sống.

Nữ chủ nhân sai người rót nước mời khách. Đó là một cô gái trẻ. Trong ánh lửa bập bùng tôi bắt gặp một đôi mắt u ẩn, xa xăm. Tôi không hiểu cô gái nghĩ gì khi nhìn tôi, nhưng tôi chợt nhận ra một tia sáng khác lạ, như ánh chớp vụt lóe rồi tắt ngay. Tôi biết, cái thế giới mà tôi vừa nhìn thấy ấy mãi mãi ở bên kia đường chân trời, trừ phi tôi có được phép mầu mới tiếp cận được. Tôi tỏ ý muốn tìm hiểu về phong tục tập quán và lối sống của dân tộc bà.

Bà bảo tôi:

“Dân tộc Ma Thoa chúng tôi sở dĩ tồn tại được đến ngày nay là nhờ biết giữ được lửa. Lửa có thể soi sáng cả quá khứ và tương lai”.

Bà quay lại ra hiệu cho cô gái trẻ đem ra một bức ảnh. Đó là bức ảnh người con gái xinh đẹp, tóc buông dài tôi đã thấy treo ở các nhà nghỉ, lữ quán ở đây. Người con gái ấy tên là Yangerche Namô. Nữ chủ nhân trỏ tấm ảnh, nói:

“Nó là đứa con gái Ma Thoa duy nhất bỏ quê hương mà đi. Đi khắp thế giới, nhưng nó vẫn giữ được là con gái Ma Thoa. Ông là người nước ngoài, biết cô ta chứ?”

Tôi lắc đầu. Nữ chủ nhân không tỏ ra thất vọng. Bà nhìn tôi hồi lâu như muốn xem tôi là người như thế nào, có đáng để bà mất công tiếp tôi hay không. Rồi bà đứng lên, ra hiệu để tôi đi theo bà. Tôi không ngờ bà già lại nhanh nhẹn đến như vậy. Tôi bám theo bà lần mò trong một hành lang tối om, nhưng lại sực nức mùi thơm kì lạ, mùi thơm của hoa và lá cây. Hình như sau đó bà dẫn tôi đi theo một hang núi, gió thổi hun hút. Cuối cùng tôi dừng lại khi đụng phải một tấm đá lạnh băng, không thấy bà già đâu nữa. Trong lúc tôi ngỡ ngàng không biết phải làm gì thì đột nhiên xung quanh tôi vụt sáng. Hàng trăm bó đuốc đồng loạt đốt lên. Tôi nhận ra đó là một hang núi, trên vách hang ẩn hiện những bức tranh liên hoàn. Tiếng bà già như vang lên từ bốn phía:

“Hình ảnh của dân tộc chúng tôi đấy.”

Tôi bước đến gần những bức tranh, cố căng mắt nhìn. Bất ngờ các đường nét tan biến mất. Dường như những bức tranh này chỉ có thể ngắm được từ xa. Ngay lúc ấy, những bó đuốc vụt tắt, nhanh như khi chúng bừng cháy. Bóng đêm ập đến tựa một tấm lưới rất dầy mềm mại buông xuống. Im lặng sâu không đáy. Tôi bắt đầu có cảm giác mất trọng lượng. Phải chăng tôi đang được chứng kiến phép thuật của người Ma Thoa?

Tôi dò dẫm, bước hụt và trượt ngã. Một đôi tay mềm mại ở đâu đó chìa ra đỡ tôi. Thân thể tôi ngả vào vầng ngực rắn chắc của một người nữ trẻ. Tiếng nàng thỏ thẻ:

“Em muốn ngủ với anh.”

“Sao thế? Nàng chưa biết tên tôi kia mà.”

“Tên ư? Em thích con người anh, tên là gì không cần biết.”

Tôi cảm thấy nàng thơm tinh khiết như từ lá, từ hoa, từ khí trời và đất đai. Sự tinh khiết của thiên nhiên. Tiếng nàng thì thầm:

“Namô ngủ với một người con trai mới quen ở Thượng Hải, không biết tên anh ta là gì. Người ta bắt cô phải đăng kí kết hôn. Nhưng cái đăng kí kết hôn ấy làm sao giữ được Namô. Bây giờ cô ấy sống với một người Nauy.”

Tôi cãi:

“Nhưng đấy không phải là thuần phong mĩ tục.”

“Thuần phong mĩ tục là gì? Là ghen tuông, là thù hận sao? Người Ma Thoa không ghen tuông, không thù hận, không trộm cắp, không đánh giết nhau. Thích thì ngủ, không thích thì chia tay. Anh có thích không?”

Con người sống cuộc sống của mình dường như vẫn có một sợi dây nối với ngàn năm trước? Cái ý nghĩ ấy vụt nẩy trong đầu tôi. Nàng bảo, nàng sẽ dẫn tôi đi ra khỏi vùng bóng tối. Tôi bỗng cảm thấy yếu đuối trong tay nàng.

Nàng kể, rằng người Ma Thoa đặc biệt coi trọng những đứa trẻ sinh ra trước khi gà gáy. Tổ mẫu nàng, tổ mẫu của tổ mẫu nàng, đời này qua đời khác tin rằng, những đứa trẻ sinh ra trước khi gà gáy đều có vận may. Nàng nói, Namô là em gái nàng, sinh ra trước khi gà gáy. Lạt ma trong chùa do thế đặt cho em cái tên đẹp: Yangerche Namô (tiếng Ma Thoa có nghĩa Bảo thạch tiên nữ). Năm Namô mười lăm tuổi thì được sơn trại làm lễ trưởng thành cùng với những chàng trai và cô gái đồng tuế. Lễ trưởng thành làm ở trước miếu thờ Sơn thần, dước ánh nắng mặt trời chói chang.

“Đó là phong tục của người Ma Thoa- Giọng nàng rạo rực - Namô là cô gái xinh đẹp nhất vùng hồ Lô Cô. Khi em khỏa trần giữa đất trời thì đó đúng là một pho tượng ngọc, hơn cả một pho tượng ngọc, vì em tràn đầy sinh khí. Mớ tóc em dài chấm gót đen như mun, chẩy qua tấm lưng thon thả mịn màng, phủ lên cặp mông tròn căng, buông xuống đôi gót chân hồng hào như hòn than nóng hổi. Khi em quay lại nhìn thẳng vào anh, vầng ngực em mới nhú rắn chắc, khêu gợi và bí ẩn như ngọn Sư Tử Sơn. Namô bước đi khiến cho trái tim những gã con trai Ma Thoa bốc cháy. Namô trình với đất trời cơ thể em đã nẩy nở và trưởng thành, công bố với thế giới, từ giờ phút ấy em có quyền chọn cho mình người bạn tình mà em lựa chọn”.

Tôi nhắm mắt lại. Cảm thấy một bàn tay mềm ấm lướt nhẹ trên ngực tôi. Bức tranh trên vách đá hiện ra sống động như lời nàng vừa kể tôi nghe. Lại tiếng nàng:

“Sớm mai là ngày Tết núi. Sau đó là lễ tắm gội ở suối nước nóng. Tất cả dân sơn trại đều cùng ra đó tắm gội, cầu cho một mùa sung túc. Anh có muốn trở thành một người đàn ông Ma Thoa không?”.

Tôi thẳng thắn từ chối:

“Tôi không!”

Nàng nói:

“Tôi đã đoán được lời đáp của chàng. Những con người tự cho mình ở thế giới văn minh sa đọa thì dễ, vượt lên khó lắm”.

Nàng biến mất khi nói xong những lời cuối cùng.

Không biết bao lâu tôi mới thấy những ngọn đuốc ban đầu lại sáng lên. Nữ chủ nhân bảo tôi đã đến lúc quay ra.

Tôi hỏi:

“Thưa bà, người Ma Thoa ăn Tết núi vào bao giờ?”

“Vào ngày 25 - 7 âm lịch hàng năm”.

Tôi nhẩm tính, nghĩa là còn nửa năm nữa. Vậy tôi đã đi lên trước nửa năm rồi quay trở lại? Liệu con người có phép đi trước thời gian chăng?

A Hoa nhìn vào mắt tôi nói:

“Anh đi tìm phép thuật phải không?”

Tôi đáp:

“Không, tôi tìm hiểu cuộc sống.”

A Hoa cười, không nói gì thêm, bỏ về phòng mình.

Chúng tôi ở lại hồ Lô Cô ba hôm. Tôi ngạc nhiên phát hiện ra rằng, cuộc sống bên trong những ngôi nhà và vẻ ngoài của những sơn trại Lô Cô có gì đó rất lạc nhau. Hai thôn Lạc Thủy Thượng và Lạc Thủy Hạ ở ven hồ bây giờ đã trở thành thôn du lịch dân tộc. Nhiều gia đình đã biến nhà mình thành lữ xá, mở quán trà, quán cà phê, cửa hàng công nghệ phẩm. Traxi kể, khách sạn du lịch được mở đầu tiên ở đây là “Ma Thoa viên”. Còn bây giờ thì có quá nhiều những “Nữ nhi quốc phong tình viên”, “Ma Thoa A Sa viên”, “Nữ thần viên”, “Dân tục phong tình viên”, “Hoa lầu viên”... Toàn những cái tên Hán, hẳn là do người Hán mang đến?

Nhờ Traxi tôi biết hai thôn Lạc Thủy có độ 70 hộ dân. Cứ buổi sáng mỗi hộ cắt một người đến tập trung để phục vụ khách du lịch, dắt ngựa hoặc chèo thuyền. Những người này mỗi tuần lại đổi việc một lần. Ban đêm, những chàng trai, cô gái Ma Thoa ấy tập trung lại đốt lửa trại múa, hát cho khách xem. Khách du lịch muốn coi, phải mua vé vào cửa, mỗi vé là 10 đồng (Nhân dân tệ). Tôi cũng dự một đêm lửa trại. Các cô gái Ma Thoa hát rất hay. Nghe kể, chính tiếng hát đã đưa Namô, một cô gái bộ tộc nguyên thủy thoát ra khỏi vùng hồ đến với thế giới, kể cho cả thế giới nghe về bộ tộc và vùng đất của cô.

Dân Ma Thoa ở hồ Lô Cô ai cũng biết câu chuyện về Namô. Họ kể, do trời đất run rủi, duyên phận đã đưa Namô gặp anh chàng sưu tầm dân ca của Phòng văn hóa huyện Ninh Lương, anh Dương Dị Tả. Ngày đó đi lại giữa Ninh Lương và hồ Lô Cô còn vô cùng khó khăn. Dương Dị Tả mang theo một chiếc máy ghi âm to đùng lần mò đến từng sơn trại ghi lại những bài dân ca, những điệu sơn ca. Namô tò mò ngó chiếc máy có tài phát ra tiếng hát, nghe thật vui tai. Cô ra sức hát để cho chiếc máy ghi lại. Tiếng hát trong trẻo, chất giọng đặc biệt, âm vực rất rộng của cô đã khiến anh cán bộ văn hóa quyết định đưa cô vào đội thi hát dân ca của huyện. Cô hát thế nào đến nỗi đoạt giải toàn quốc. Từ đấy cô bắt đầu biết được giá trị của mình.

Con người khi nhận ra được giá trị của mình thì không còn cam chịu giam thân trong vòng tù túng. Namô nẩy ra trong đầu ý muốn thoát khỏi sơn trại. Vậy là cô mang theo bẩy quả trứng gà, trốn mẹ rời khỏi hồ Lô Cô. Cô đi bẩy ngày bẩy đêm, dùng tiếng hát làm gậy chống, vượt rừng nguyên thủy để ra nơi đô hội. Người ta cho cô thi vào Học viện Âm nhạc Thượng Hải. Theo qui định, mọi người lần lượt vào thi theo số báo danh. Namô chẳng biết số báo danh của cô là bao nhiêu, chờ mãi không thấy gọi tên, bèn tự động tiến vào phòng thi, cứ tự nhiên vừa đi vừa hát. Cô hát dân ca Ma Thoa, tiếng hát bắt nguồn từ trên trời. Chất giọng đặc biệt của cô đã khiến ban giám khảo phá lệ, tiếp nhận một học sinh dân tộc thiểu số, chưa qua trình độ văn hóa cấp một.

Tôi hỏi:

“A Hoa có biết cô gái tên là Namô không?”

“Có nghe.”

“Một cô gái từ chế độ công xã thị tộc mẫu hệ, hòa vào cuộc sống thời hiện đại hẳn phải gặp nhiều khó khăn lắm nhỉ?”

A Hoa đáp chắc chắn:

“Với Namô thì không.”

“Vì sao?”

“Cô ấy cứ sống theo như cô nghĩ, theo như cô muốn. Cô có thể ngồi lên sau xe mô tô của người không quen biết, có thể ngủ cùng với người con trai mới quen, thậm chí không biết tên anh ta. Tôi đọc báo, biết chuyện này. Tốt nghiệp âm nhạc, muốn có hộ khẩu để sống ở Bắc Kinh, cô tìm đến vị phật sống Ban Thiền đang giữ chức Phó Ủy viên trưởng rồi bằng tiếng hát, bằng những lời trần tình chân thật, khiến vị phật sống cảm động, đích thân gõ cửa giúp cô trở thành thành viên Đoàn ca múa dân tộc ở Thủ đô. Lại chuyện này nữa, tháng 2- 1993, Namô được “Ủy ban Mông - Tạng” mời đi Đài Bắc biểu diễn. Đó là một chuyến đi mà cô thích thú. Nhưng khi xuống đến sân bay thì hay tin, do Đài Bắc đang vào kì bầu cử, các nhà tổ chức không kịp báo hoãn, đành phải thay đổi kế hoạch. Đã đến Đài Bắc đời nào Namô chịu thất bại, cô quyết định phải mở một cuộc họp báo của riêng mình. Nhưng họp báo ở đâu, mời những ai, vào thời gian nào, làm sao tổ chức, cô không biết. Tình cờ cô nhìn thấy một tờ quảng cáo ở khách sạn. Nội dung khiến cô chú ý: “Vua hát tình ca Đại lục, ca sĩ Vương Lạc Tân họp báo tại khách sạn Phúc Hoa, Tuấn Phong dẫn chương trình, bắt đầu vào lúc 3 giờ chiều.” Namô xem đồng hồ thấy đã 3 giờ rưỡi, không thể thay kịp quần áo, bèn gọi xe đến thẳng khách sạn Phúc Hoa. Đến nơi, Namô rẽ đám đông tiến thẳng đến bên sân khấu, đợi Lạc Tân hát xong, cô leo lên sân khấu, tự xưng tên rồi cất tiếng hát hai bài của Vương Lạc Tân “Ma I La” và “Ở nơi xa xôi ấy”. Vương Lạc Tân và người dẫn chương trình bị cô gái lạ hoắc làm cho bất ngờ, nhưng giọng hát của cô lại làm cho họ vô cùng kinh ngạc. Khi Vương Lạc Tân tuyên bố nhận Namô làm con nuôi thì ống kính của các phóng viên chĩa hết vào cô. Từ đấy các phương tiện thông tin Đài Loan tung hứng cô lên tận mây xanh. Thế là cô đạt được mục đích.”.

A Hoa say sưa kể về Namô. Tôi hỏi:

“A Hoa có chấp nhận sống như Bảo ngọc tiên nữ không?”

A Hoa thành thực:

“Thích mà không thể sống được.”

Tôi hiểu. Bởi vì chúng tôi bị quá nhiều ràng buộc, cũng không thật sự tin lắm vào bản thân mình. Tôi nói:

“Vì A Hoa không tin vào mình.”

A Hoa đanh đá:

“Còn anh thì phải nhờ tuyết ngư.”

Tôi thấy mặt mình nóng dừ, bèn lảng sang chuyện khác.

Ngày cuối cùng, nghe nói có một đoàn làm phim Hồng Công về quay hồ Lô Cô, tôi bèn kéo A Hoa ghé qua coi. Thật bất ngờ, chủ nhân đoàn làm phim lại chính là nhân vật mà chúng tôi đã nhắc đến nhiều lần: Namô.

Namô để tóc dài nom có cảm giác giống nhà văn Tam Mao, người Đài Loan, thật ấn tượng. Đoàn làm phim của cô đang quay một bộ phim ca múa nhạc về dân tộc Ma Thoa, tự cô viết kịch bản và đóng vai chính. Tôi nói, tôi là nhà văn, muốn nói chuyện với cô.

Cô vui vẻ:

“Anh là nhà văn, có viết tiểu thuyết chứ? Tôi cũng viết một cuốn tiểu thuyết tự truyện, đặt tên là Bước ra khỏi nước đàn bà, bán chạy lắm.”

“Cô có thích cuốn sách của mình không?”

“Không thật thích. Người đọc hiếu kì chỉ quan tâm đến việc tôi đã ngủ với bao nhiêu người đàn ông mà thôi. Tôi sẽ viết một cuốn khác, tôi muốn nói đến việc người con gái làm sao khai thác hết được năng lực của mình.”

Mới ngoài 30 tuổi, Namô đã đặt chân qua Mỹ, châu Âu, đã biểu diễn ở Hôliút, bây giờ sống ở Hồng Công với người bạn trai là một nhà ngoại giao Nauy. Tôi muốn xin cô cuốn tự truyện, nhưng đáng tiếc là sách đã hết. Trước lúc chia tay, Namô nói:

“Tôi sinh trước khi gà gáy, vì thế thường gặp may mắn. Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng không thấy đâu thuần hậu và yên bình như vùng hồ Lô Cô này.”

Đúng là khẩu khí của người yêu quê hương, nhưng không phải không đúng sự thật.

Chúng tôi rời hồ Lô Cô trên một chuyến xe khách không có những người Nhật và người Đài Loan. A Hoa bảo tôi:

“Tôi cũng biết hát, mà hát hay đấy nhé.”

Xe về đến Ninh Lương, tôi cảm thấy mình lại bước vào thế giới bụi bậm quen thuộc.

Hà Phạm Phú

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước