Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
22:28 (GMT +7)

Hình tượng Bách Hoa, Bách Điểu trong hệ thống Then Tày

VNTN - Then là loại hình dân ca tổng hợp đặc sắc của dân tộc Tày, gồm cả văn học, âm nhạc, hội họa và múa. Hệ thống then Tày đồ sộ, phong phú, với nhiều dị bản. Không một nghệ nhân then nào, dù đã được cấp sắc, thăng bậc cao nhất dám nói rằng đã biết hết về then. Then mỗi vùng, mỗi nghệ nhân, tuy giống nhau về đại thể, nhưng khác nhau về tiểu tiết. Dựa vào nội dung và tính chất khi hành lễ, chúng ta có thể nhận định hệ thống then Tày gồm ba mảng chính: Then cấp sắc (hay còn gọi là lẩu then); Then chữa ốm đau, trừ ma quỷ; Then kỳ yên. Trong mỗi mảng ấy lại bao gồm nhiều nội dung khác nhau. Ở đây, chúng tôi xin được đi vào mảng then kỳ yên với hình tượng nổi bật là Bách Hoa, Bách Điểu.

Kỳ yên có nghĩa là cầu an, cầu mong phúc lộc, cuộc sống may mắn yên bình, mọi người mạnh khỏe, hạnh phúc. Trong then kỳ yên lại được chia thành ba loại chính: Cầu phúc, cầu mùa; Làm vía, chúc thọ, nối số, bổ sung lương thực; Giải hạn, tẩy uế. Tùy theo yêu cầu của từng gia chủ, có khi kết hợp cả ba nội dung, cũng có thể chỉ làm từng nội dung. Then kỳ yên thường được tổ chức vào mùa xuân, sau Tết Nguyên đán, nhiều nhất là tháng giêng, tháng hai âm lịch, bởi vì đây là thời điểm nông nhàn và bắt đầu bước vào một năm mới. Then kỳ yên thuộc loại then vui, mang tính văn nghệ giải trí, (trừ kỳ yên giải hạn phần nào có màu sắc tâm linh). Trước khi tổ chức, gia chủ nhờ thầy then xem ngày tốt rồi thông báo theo kiểu truyền tin cho anh em họ hàng cùng bà con xóm bản biết để đến chung vui. Ngày làm kỳ yên, nhà chủ nhộn nhịp, tấp nập như ngày hội. Tùy theo từng nội dung, từng địa phương vùng miền, từng thầy then mà dung lượng của then kỳ yên cũng dài ngắn khác nhau, có khi chỉ vài tiếng đồng hồ, cũng có cuộc kéo dài đến một ngày một đêm. Ngắn, như giải hạn, vẩy uế cửa nhà. Dài, như làm vía nối tuổi thọ, bổ sung lương thực cho người già (hết khoăn, tâu slổ, pủ lường).

Các nghệ nhân Then Lạng Sơn    Nguồn: danviet.vn

Bách Hoa, Bách Điểu là các chương của bộ tứ “Then tứ bách” trong nội dung then kỳ yên. Tứ bách gồm: Bách Hoa (trăm loài hoa); Bách Điểu (trăm loài chim); Bách Cốc (trăm loài lương thực); Bách Thú (trăm loài thú vật). Những đối tượng được kể ra trong tứ bách đều là những thứ, những loài hiện hữu hằng ngày, có trong cuộc sống, trong thiên nhiên xung quanh nơi đồng bào Tày sinh sống, đều là những thứ quen biết gắn bó gần gũi, mật thiết với đồng bào. Đơn cử như trong Bách Hoa, loài hoa được nhắc đến đầu tiên là hoa lúa. (Đồng thời cũng là loài được nhắc đến đầu tiên trong Bách Cốc). Hoa lúa tuy không đẹp nhưng được đứng đầu các loài, vì nó cho hạt nuôi sống con người. Trong lúa lại có lúa nếp, lúa tẻ, mỗi thứ có đến vài chục loại cụ thể khác nữa. Đây là trích đoạn của một chương then dài và hấp dẫn trong then Bách Hoa:

Bàn cổ phân đặt cho hạ giới

Lấy bông lúa xuống vãi núi rừng

Lúa lạo cùng lúa nếp, 

                            lúa tình (chụ)

Lúa gà cùng lúa ngựa, 

                                 lúa chiêm

Lúa lào vang bon chen 

Nhau mọc

Lúa piên cùng lúa noóc, lúa pài

Tiếp đến là các loài hoa đào, hoa mận, mẫu đơn, hoa chanh, hoa khảo quang, hoa lê, hoa sim… Mỗi thứ một vẻ đẹp thanh tao, tinh khiết, dịu dàng, nền nã… Chúng gần gũi, gắn bó với đồng bào Tày, vừa tô đẹp cuộc sống, đồng thời còn là nguồn thực phẩm hằng ngày cho con người.

Trong Bách Hoa, duy nhất chỉ có hoa ngón là bị tẩy chay, Chúa (chính là đại diện cho con người) không hái, bởi hoa ngón độc hại giết người.

Chúa hái hoa trong rừng lấy hết

Bỏ mặc cây hoa ngón 

                            không màng

Hoa ngón ở một mình trên núi

Mặc trâu bò giẫm đạp lại qua

Nó hại người yêu nhau trắc trở.

Trong chương Bách Điểu, có vẻ các loài chim không được miêu tả tỉ mỉ về hình dáng, đôi khi chỉ vài nét chấm phá. Ví như khi nói về chim công: Tài giỏi, đẹp, nhưng mày đầu bé. Tả chim bói cá: Thân mình mặc áo xanh đẹp mã. Hoặc như: Hoàng anh mặc áo vàng đẹp trai; Bìm bịp mặt đen sì vào tối.

Tuy nhiên, đáng chú ý là chúng lại được giới thiệu khá kĩ về thân phận, số phận liên quan đặc tính mỗi loài. Chính điều này chạm đến trái tim người thưởng thức then, khiến người nghe then càng chăm chú, say mê như muốn nuốt từng lời. Người nghe then như cảm thấy đâu đó bóng dáng chính mình, hình ảnh gần gũi như nói về hoàn cảnh chính mình.

Ví dụ như khi nói về chim từ quy:

Từ quy liền đi vào trình chúa

Tôi là con thượng giới mồ côi

Bố mẹ tôi đã về trời hết cả

Tông tộc còn bà bá lão thân

Xin ăn khắp hương lân xóm bản

Có bà cô nhưng bụng dạ xấu xa

Cô bắt tôi về nhà hầu hạ

Ngày ngày làm vất vả, chăn trâu

Cay cực tôi vẫn thân chết xác.

Hoặc như nói về chim cu gáy:

Chim gáy liền vội vàng vào tới

Tôi là con hạ giới trần gian

Mẹ tôi đi Ngô Bang cống sứ

Thương mẹ ngày ngày tự đi tìm

Đến ngã ba bỏ mình chết xác

Mẹ bụt thấy người đẹp có công

Hóa kiếp thành chim cu hạ giới

Hằng năm mùa thóc mới 

                                   chín đồng

Tôi mới đi kiếm ăn nuôi miệng

Mỗi loài một cảnh một số phận, nhưng đa phần là vất vả, lam lũ như chính cuộc sống của đồng bào trong xã hội xưa cũ.

Ca từ then, dẫu ra đời cách ngày nay đã vài trăm năm, trình độ văn hóa xã hội tộc người còn hạn chế, nhưng lời then đã được gọt giũa, chọn lọc tinh tế, vừa súc tích cô đọng, vừa giàu hình ảnh, đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật thi ca. Cho nên, khi thưởng thức then, người nghe rất chăm chú để nghe rõ từng chữ, từng câu. Dĩ nhiên người nghe then phải thông thạo tiếng Tày, không biết tiếng mà chỉ thưởng thức qua giai điệu sẽ kém hấp dẫn. Then diễn càng về khuya người nghe càng chăm chú là vì thế.

Về sức hấp dẫn của then đối với đồng bào Tày, đã có nhiều nhà nghiên cứu lý giải. Người viết bài này muốn nhấn đến hướng lý giải khác mang yếu tố khách quan hơn, đó là thủ pháp nghệ thuật. Một thủ pháp được tác giả then quan tâm xuyên suốt trong quá trình đặt lời then, đó là nghệ thuật nhân cách hóa. Đồng bào Tày quan niệm vạn vật đều có linh hồn. Cỏ cây hoa lá, chim muông cầm thú, gốc cây, tảng đá, bến nước, mỏ nước…, đâu đâu cũng có linh hồn, có ma, có vía. Các loài đều có tính cách, số phận như con người. Bách Cốc, Bách Hoa, Bách Điểu, Bách Thú trong hệ thống then Tày đều được vận dụng thủ pháp nghệ thuật nhân hóa này. Trong chương Bắt ve sầu (Pắt mèng nhỏi), sở dĩ tiếng ve sầu da diết, nẫu lòng, làm chùn chân, mỏi mệt đoàn quân binh mã nhà then, bởi theo truyền thuyết dân gian, đó là tiếng kêu than khóc của người con có hiếu ngày đêm đi tìm bố mẹ. Khi bố đi sứ nhà vua, mẹ đi tìm, cả hai bị giết dọc đường, người con cũng chết theo và hóa thành ve sầu. Nếu những ai đã từng đi qua các đoạn đường rừng heo hút ra rả tiếng ve trong tâm trạng cô đơn mệt mỏi mới cảm thông với đoàn binh mã nhà then. Muốn đoàn binh mã có sức lực đi tiếp thì chúa (thầy then) phải làm bùa phép cho quân tướng bắt hết ve sầu, cấm không cho chúng kêu.

Chúa làm phép biến hóa bắt ve

Sai quân vào lùm cây bụi cỏ

Làm phép vào rừng rú mọi nơi

Cả khu rừng lối đi im ắng.

Thủ pháp nghệ thuật nhân cách hóa đã giúp cho người thưởng thức then thấy được, sau màn khói hương là sự ẩn hiện của các thân phận, các số phận những con người gần gũi hằng ngày xung quanh mình. Điều này có lẽ là một điểm đặc biệt đáng chú ý khi nghiên cứu, tìm hiểu về then Tày - loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo và hấp dẫn.

Nông Phúc Tước

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy