Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
13:27 (GMT +7)

Hiểu đúng hơn về di tích quốc gia Đền Lục Giáp

VNTN - Đền Lục Giáp là một trong những di tích tiêu biểu nằm trong quần thể các di tích lịch sử văn hóa ở xã Đắc Sơn, thị xã Phổ Yên đã được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT & DL) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia từ năm 1993. Từ đó đến nay di tích liên tục được nhà nước, nhân dân quan tâm tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị. Theo đó Dự án trùng tu tôn tạo di tích đền Lục Giáp sẽ được đầu tư lớn với nhiều hạng mục như: tu bổ tiền tế, hậu cung; phục hồi tả vu, hữu vu... Lộ trình đầu tư sẽ được chia thành nhiều giai đoạn. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa về giá trị của quần thể di tích này cần phải có cách hiểu đúng hơn.

Tâm điểm trong một quần thể di tích

Vừa qua, Phòng Quản lý di sản thuộc Sở VHTT & DL Thái Nguyên cũng đã khảo sát lập hồ sơ xong Lễ hội truyền thống đền Lục Giáp để trình Bộ VHTT & DL xem xét quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Kết quả khảo sát năm 2019 chứng minh rằng đền Lục Giáp là tâm điểm trong một quần thể các di tích, khác với quan niệm trước đây cho rằng các di tích ở xã Đắc Sơn thuộc đền Lục Giáp. Từ điều này chúng ta có thể hiểu rằng: quần thể di tích thuộc xã Đắc Sơn là cả một hệ thống bao gồm: chùa Phung, đền Lục Giáp, đình Sơn Cốt, chùa Hiển Long, nghè Chợ thuộc làng Lục Giáp (là 6 giáp gồm: Dương, Thượng, Hạ, Đấp, Đinh và Mũn) của 2 xã: Sơn Cốt, Cốt Ngạnh, tổng Hoàng Đàm, phủ Phổ Yên, thời kỳ trước năm 1945, nay thuộc địa phận xã Đắc Sơn và một phần thuộc phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên. Những di tích này, trước đây là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân vùng Sơn Cốt, Cốt Ngạnh. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, các công trình nói trên hầu hết nằm trong diện tiêu thổ kháng chiến và đã bị lãng quên hơn 70 năm qua (1946 - 2019).

 

Chính diện Đền Lục Giáp

Qua những kết quả nghiên cứu về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, lễ hội của quần thể di tích cho thấy chúng đều có liên quan về phong tục thờ cúng và lễ hội. Và đây chính là những phát hiện mới, nhận thức mới về quần thể di sản văn hóa đặc sắc này.

Đền Lục Giáp vốn dĩ xa xưa là một ngôi miếu cổ. Qua quá trình lịch sử được nhân dân trùng tu, tôn tạo mở rộng thành ngôi đền Lục Giáp. Đền thờ Ngộ Lão Linh ứng đại vương, người được coi là vị thần tối linh thiêng, thường ban phúc lành, âm phù, trợ giúp cho các tướng lĩnh khi qua vùng này được thần âm phù đi chiến đấu đều chiến thắng. Đền còn có tên là miếu Vật, tương truyền gắn với một sự tích có vị tướng khi qua đây đã cho tổ chức đấu vật tại đền để tuyển lính tòng quân giết giặc. Thời chiến tranh, đền Lục Giáp vì nằm ở cuối giáp Dương (ngoài làng) nên còn bảo vệ được phần kiến trúc cổ đã xây dựng từ thời nhà Hậu Lê (thế kỷ XVII). Đền có kiến trúc nhà tiền tế có 3 gian, 2 chái, 4 mái, 4 đầu đao và hậu cung; bộ khung, bộ vì bằng gỗ tứ thiết. Đền giữ được hình dáng kiến trúc thấp, hậu cung có một cửa vào phải cúi đầu. Về nghệ thuật, đền còn giữ được một số mảng chạm khắc ở hậu cung như: cánh cửa chạm kênh đôi rồng chầu mặt trời, tương tự như ở di tích chùa Keo (Thái Bình). Đây là mảng nghệ thuật điêu khắc gỗ tiêu biểu thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Xưa, đền có 19 đạo sắc phong, sớm nhất là từ đời vua Đức Long thứ 2 (1630), muộn nhất là đời vua Khải Định thứ 9 (1924).

Đền có bia đá mang tên “Sinh thần bi ký - Vạn cổ như tân”, đã được Trường Viễn Đông bác cổ in dập lưu thác bản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu: 10271/10272. Bia gồm hai mặt có hoa văn, gồm 900 chữ Hán và Nôm, niên hiệu: Cảnh Hưng thứ 41 (1780). Nội dung nói về công đức ông Dương Bá Đức làm Tri phủ Trường Khánh. Sau khi loạn lạc, trở về quê hương, dựng lại đình miếu, ông đã cúng cho xã 200 cây gỗ xoan để làm đình miếu và hơn mẫu ruộng làm ruộng tế. Vì vậy, quan viên hương lão, dân xã tôn bầu ông làm sinh thần. Có ghi vị trí ruộng tiến cúng, lệ kính biếu và lệ cúng tế sinh thần vào các tiết tế lễ hàng năm.

Năm 1938, đền Lục Giáp được nhân dân 6 giáp trùng tu, nhân dịp lễ hội chính rằm tháng 3 âm lịch năm đó nhân dân mở hội lớn gọi là Trùng hoa hội (hội có bắn pháo hoa).

Lễ hội truyền thống đền Lục Giáp liên quan đến cả quần thể di tích làng Lục Giáp. Vốn là vùng bán sơn địa, đồng đất cao, trong lễ hội xưa - ngày rằm tháng 3. Làng Lục Giáp tổ chức lễ rước kiệu từ đền lần theo bờ sông Công (tức sông Giã, sông Mão) nằm sau đền, lội qua sông, nghỉ ở Bến Gánh Nước để rửa chân, sau đó rước lễ lên chùa Phung để cầu đảo, cầu trời Phật cho mưa xuống để dân làng được “phong đăng hòa cốc” cho mùa màng bội thu. Khi rước kiệu từ chùa xuống đồng cạnh đó, người ta cắm một số lá cờ ba màu: đỏ, vàng, xanh. Người cầm cờ ấy hú những tiếng: “Huây huây hòa hòa huây…” ý rằng, hãy theo những gợi ý của chúng tôi đây, gọi mây về làm mưa, gieo nước ngọt cho đời. Từ đền Lục Giáp nhân dân thụ lộc (nước) một phần, còn lại một phần lại rước về đình Sơn Cốt, chùa Hiển Long và nghè Chợ để “quân phần” nhân dân đều được thụ lộc.

Cửa Hậu cung Đền Lục Giáp - nghệ thuật điêu khắc gỗ thế kỷ XVII

Về những di tích khác

Ngôi đình Sơn Cốt xưa có kiến trúc quy mô khá lớn gồm 3 gian, 2 chái, 4 mái, 4 đầu đao và hậu cung; bộ khung, bộ vì của đình bằng gỗ tứ thiết. Đình có diện tích khoảng 170 m2 (tiền tế và hậu cung). Đình thờ 7 vị thần, 4 vị nhân thần: Diên Bình, Đại La, Cao Sơn, Quý Minh và 3 vị thiên thần: Ngộ Lão, Nhất Lang, Nhị Lang. Đình có các Sắc phong, sớm nhất là từ đời vua Lê Đức Long thứ 2 (1630), muộn nhất là đời vua Nguyễn Khải Định thứ 9 (1924) và Thần tích với đền Lục Giáp.

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) đình bị phá hủy. Thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp (1960 - 1965) trên nền đình Sơn Cốt đã được xây dựng nhà hội trường 3 gian. Gần đây, nhân dân địa phương khôi phục lại hậu cung đình nối với gian giữa nhà hội trường lập bàn thờ thần thành hoàng, trong đó có bát hương, bài vị và ngai rồng. Hiện đình còn 4 chân kê đá tảng lớn chu vi 50 - 60 cm và giếng đình. Năm 2019, tại khu vực cổng đình đã tìm thấy một tấm bia đá kích thước cao 65 cm, rộng 45 cm, bia bị mờ hết chữ chỉ còn xác bia, qua xác định bia được tạo lập vào cuối thời nhà Lê (thế kỷ XVIII).

Chùa Phung xưa là ngôi chùa nằm trên đỉnh núi, ở cao độ khoảng trên dưới 40m so với mặt ruộng. Đứng ở trên đó có thể quan sát được toàn cảnh xã Minh Đức và Đắc Sơn. Chùa Phung có vị trí phong thủy đẹp, tiền án phía Nam là sông Công chảy qua (thủy thoát), hậu chẩm phía Bắc là núi Cao Phong chỗ dựa vững như bàn thạch, phía Tây có núi Tam Đảo sừng sững như con rồng uốn mình chầu về. Chùa hướng về phía Nam, nằm trong diện đất đồi núi có diện tích rộng 10 ha. Chùa xưa không có mái che, chỉ dựng 4 cột gỗ, trên đó treo một quả chuông. Chùa Phung cách đền Lục Giáp khoảng trên 1km về phía Tây. Ngôi chùa đơn giản, mang hoàn toàn yếu tố tượng trưng. Đó là quan niệm về phong thủy - nơi cao ấy gần với tầng trời để có thể đem lời cầu khấn của nhân dân đến được với thần linh. Chùa chỉ có treo một quả chuông dùng để thỉnh trời Phật, cầu mưa trong lễ hội nhưng rõ ràng đây là một trong những ngôi chùa đặc biệt trong hệ thống các ngôi chùa Việt Nam. Chùa Phung trong quần thể di tích xã Đắc Sơn với chức năng như là một cái “Đàn tế trời” để nhân dân cầu trời, khấn Phật, mong mưa thuận, gió hòa để cày cấy có một mùa bội thu, dân khang, vật thịnh.

Trên nền chùa Phung, năm 2007, nhân dân địa phương xây một ngôi miếu nhỏ rộng khoảng 10 m2 trong đó có một bàn thờ trên có một bát hương, trước bàn thờ có giá treo một quả chuông gang chu vi 50cm, cao 25cm, dùng để thỉnh Phật khi có người đến lễ. Quá trình khảo sát, nghiên cứu lễ hội truyền thống gắn với quần thể các di tích trong đó tâm điểm, đó là chùa Phung và đền Lục Giáp, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Phó Giáo sư. Tiến sĩ Trần Lâm Biền đánh giá: Chùa Phung là dấu tích trong quần thể các di tích thuộc làng Lục Giáp xưa là một biểu tượng văn hóa có tính độc đáo trong ý thức cầu mưa để làm nông nghiệp của nhân dân địa phương.

Chùa Hiển Long xưa nằm ở xóm Chiềng Dương, trên một cái gò cao thoáng mát ở trong làng. Chùa cách đình Sơn Cốt 700m, cách đền Lục Giáp 1.500m. Chùa Hiển Long kiến trúc gồm nhà tiền đường 3 gian, hậu cung, xây tường gạch, trát vữa kín, mái lợp ngói vảy rồng, diện tích chùa khoảng 150 m2. Chùa thờ Phật, thờ Mẫu. Hiện nay chùa chỉ còn nền. Dấu vết rõ nhất là móng gạch chỉ, chân kê bằng đá của chùa nằm trong khu đất rộng khoảng trên 3.000 m2 thuộc xóm Dương, xã Đắc Sơn, thị xã Phổ Yên.

Nghè Chợ xưa là ngôi nghè có quy mô nhỏ nằm ở giáp Đấp, bây giờ là xóm Đấp, xã Đắc Sơn, thị xã Phổ Yên. Nghè thờ thiên thần có tên là Bản tự Quý Minh Linh ứng đại vương (Thần tích - Thần sắc làng Sơn Cốt, Cốt Ngạnh, tổng Hoàng Đàm, phủ Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, kê năm 1938).

Năm 2019, phát hiện nghè Chợ có tấm bia đá xanh kích thước cao 1m, rộng 75 cm. Bia khắc một mặt, vai phía bên trái bia bị sứt. Lòng bia được khắc chìm 5 chữ Hán: “Bản thổ hậu bi ký” (Bài ký ghi nhớ bầu hậu ở nghè thờ bản thổ) phía dưới khắc 14 dòng chữ Hán Nôm, tổng cộng toàn văn bia có khoảng trên 400 chữ. Nội dung ghi chép về ông Tự Phúc Thuần, bà hiệu Diệu Năng công đức tiền và ruộng để xây dựng. Dân địa phương ghi nhớ bầu ông bà là ông Hậu giáp, ghi nhớ giỗ của ông Tự Phúc Thuần vào ngày 26 tháng 5 hàng năm, có quy định về lệ cúng... Bia lập vào ngày lành tháng 11 năm Thành Thái thứ 4 (1893). Hiện nghè không còn, địa điểm có nghè giờ là khu dân cư. Bia đá hiện lưu tại nhà ông Nguyễn Doãn Cường xóm Đấp.

***

Qua các kết quả nghiên cứu trên cho thấy quần thể di tích lịch sử, văn hóa đền Lục Giáp có ý nghĩa tiêu biểu cho một vùng đất giàu truyền thống lịch sử. Tuy nhiên, trước nguy cơ, các di sản văn hóa truyền thống ngày càng bị mai một, thất truyền thì những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi thể vật ở quần thể di tích này như: chùa Phung, đền Lục Giáp, đình Sơn Cốt, chùa Hiển Long, nghè Chợ, gần như đã bị lãng quên. Mong rằng thời gian tới các di tích này cần được bảo vệ, trùng tu để phát huy giá trị tốt hơn nữa.

NGUYỄN ĐÌNH HƯNG

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy