Hẹn với Trà Sen
VNTN - Tôi soạn sửa ấm chén thanh khiết, mời những người bạn yêu quý đến nhà. Họ lắng nghe tôi kể câu chuyện về một ấm trà. Bông sen tôi cầm trên tay trở thành báu vật. Truyền tay nhau, chúng tôi đều muốn được chạm vào bông Trà.
Có ai như tôi lúc này không? Háo hức và đầy mong chờ đến một nơi. Nơi ấy có bông Trà Sen cuối cùng của năm đang đợi.
Trà sen ư? Có gì đâu mà lạ với tôi! Nhưng bông Sen Trà này khác lắm, lạ lắm. Để tôi kể cho bạn nghe nhé.
Đây. Tôi đang cầm trên tay bông sen cuối cùng của mùa sen năm trước. Bông hoa này hái vào sáng sớm trên hồ Tây mờ sương. Nó được biến hóa bởi những ngón tay thon, giấu trong hương nhụy những búp trà Thái Nguyên tinh khiết nhất. Trải qua bao ngày tháng, công đoạn cho thẩm thấu đất trời ẩn trong đóa sen mà thành bông Sen Trà cho tôi thưởng thức. Đấy là đường đời của phận trà sen, bấy lâu tôi đã biết.
Bông sen tôi đang cầm trên tay có tên Nhất ẩm An Trung. Người làm ra nó là Hằng Merin. Đó mới là câu chuyện dài ẩn trong bông trà này.
Khoảng những năm 1959 - 1960, Thị trấn Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) khi ấy là vùng đất hoang sơ. Những quả đồi trung du tròn xoe đầy gai góc, rắn rết. Nhưng cả vùng đất bừng sức sống khi người tứ xứ đổ về. Họ đặt gốc trồng những cây chè trung du đầu tiên, làm nên nông trường chè, khai mở vùng chè xuất khẩu lừng danh đất nước. Khi ấy, công nhân nông trường cũng như bộ máy chỉ huy ở lán trại tuyềnh toàng, ăn cơm tập thể, khoai sắn thay bữa đắp đổi như tất cả người dân khốn khó một thời.
Sáng hôm ấy, người ta thấy một cậu bé còi cọc đói rách chừng 14 - 15 tuổi vào nông trường xin ăn. Hỏi chuyện, cậu chỉ biết mình sinh khoảng năm 1944, không biết bố mẹ, được người ta nuôi nhưng bị đánh đập hành hạ quá nên cậu trốn đi ăn xin và phiêu lạc đến nơi này. Hỏi tên, cậu không có. Hỏi người thân thích, cậu hoàn toàn không. Người nông trường thương cậu. Họ cho cậu một chỗ ngủ, một công việc phù hợp, một chỗ ngồi bên mâm cơm đạm bạc. Rồi ai đó đặt cho cậu một cái tên là Nguyễn An Trung. Năm 1967, Nguyễn An Trung lên đường nhập ngũ. Trong phần khai địa chỉ khi cần báo tin, anh ghi: Nông trường chè Sông Cầu, Bắc Thái. Hai năm sau ngày nhập ngũ, anh được kết nạp Đoàn. Ba năm sau ngày nhập ngũ, Nguyễn An Trung hy sinh tại mặt trận phía Nam, Quân khu 4. Khi đó anh là Hạ sĩ thuộc đơn vị C4, D2, E7 Bộ Tư lệnh Công binh. Anh được an táng tại nghĩa trang Hướng Hóa (Quảng Trị). Trên mộ chí của anh, phần quê quán chỉ vẻn vẹn dòng chữ: Nông trường chè Sông Cầu, tỉnh Bắc Thái.
Mọi chuyện tưởng như dừng ở đó thì năm 2013, Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ thuộc Bộ Tư pháp (Trung tâm MARIN) thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung thông tin cho liệt sĩ. Khi đến nghĩa trang Hướng Hóa, họ thấy phần mộ của liệt sĩ Nguyễn An Trung thiếu nhiều thông tin nên đã truy tìm hồ sơ của liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng và kết nối với Nông trường chè Sông Cầu. Tuy nhiên, đã hơn 50 năm trôi qua, nông trường không còn, người xưa đã mất hoặc tứ tán nơi nơi. Trung tâm MARIN cuối cùng đã kết nối được với Thị trấn Sông Cầu.
Biết chuyện, bà con Thị trấn Sông Cầu thương anh Trung lắm. Họ nói với nhau: Trước nay chỉ thấy thân nhân đi tìm liệt sĩ, còn ở đây lại là liệt sĩ đi tìm thân nhân. Cuộc đời anh chẳng được mấy ngày sung sướng, chưa từng được hưởng cuộc sống gia đình. Ngày đón anh từ Quảng Trị về quê nhà, rồi đưa anh ra an nghỉ nơi nghĩa trang huyện Đồng Hỷ, người Sông Cầu đến rất đông. Mỗi gia đình ở đây như tự hứa sẽ là người thân của anh. Và quả thực, trên mộ anh hôm nay, luôn có những nén hương tưởng nhớ. Anh đã là cư dân của thị trấn Sông Cầu.
Cảm kích trước tấm lòng của bà con nơi này, chị Ngô Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm MARIN đã thay mặt liệt sĩ tri ân mảnh đất ân tình bằng cách sản xuất dòng trà có tên là Nhất ẩm An Trung. Đây là sản phẩm cao cấp, nguyên liệu là chè sạch tôm nõn của vùng chè Sông Cầu nức tiếng. Và bông Trà Sen tôi cầm trên tay là sản phẩm trong dòng trà đặc biệt này.
Tôi soạn sửa ấm chén thanh khiết, mời những người bạn yêu quý đến nhà. Họ lắng nghe tôi kể câu chuyện về một ấm trà. Bông sen tôi cầm trên tay trở thành báu vật. Truyền tay nhau, chúng tôi đều muốn được chạm vào bông Trà. Tích tụ nơi đó một cuộc đời, một tình người, tình đất. Khi tôi mở đóa Trà, căn phòng như có nàng tiên Sen bay đến. Chúng tôi im lặng tẩm ướp tâm hồn mình trong hương Trà, hương Sen, hương Quá khứ và Tình yêu. Nhấp lên môi chén trà quê hương, tôi nghe rõ âm thanh Hạnh phúc dội về lồng ngực.
Cảm ơn vùng đất Sông Cầu!
Cảm ơn cuộc đời nhân ái!
Cảm ơn những tấm tình yêu thương tôi gặp trong đời!!!
Minh Hằng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...