Thứ ba, ngày 28 tháng 01 năm 2025
10:51 (GMT +7)

Hát “Pá dung” - món ăn tinh thần không thể thiếu của người Dao Đỏ

“Pá dung” còn gọi là “Páo dung” hay “Pả dung” là một lối hát trên cơ sở giai điệu, tiết tấu có sẵn, nội dung vô cùng phong phú. Đây là nhu cầu sinh hoạt văn nghệ phổ biến của cộng đồng Dao Đỏ chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Họ quan niệm “Có sừng dài mới đi vào được làng” (mài chong đáo chính pịa tú lảng), nghĩa là phải biết hát và hát đối giỏi mới được vào làng. Theo thông lệ của đồng bào, đã là khách muốn vào làng phải biết hát.

Hát “Pá dung” - món ăn tinh thần không thể thiếu  của người Dao Đỏ
Hát “Pá dung” dặn dò cô dâu về nhà chồng trong đám cưới người Dao đỏ Tuyên Quang. Ảnh: Internet

Độc đáo hát “Pá dung”

Cộng đồng người Dao đỏ ở vùng Tây Bắc gồm các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang… có chung những làn điệu hát “Pá dung” rất đặc sắc, đây là một món ăn tinh thần không thể thiếu của cộng đồng Dao đỏ. Trong lối hát “Pá dung”, họ chia ra ba hình thức hát. Thứ nhất là hát (Pá dung); thứ hai là đọc hát (Tộ dung); thứ ba là nói hát. Trong ba hình thức này, đồng bào chủ yếu chỉ sử dụng hai hình thức hát “Pá dung” và “Tộ dung”. Khi “Pá dung” mà người hát cảm thấy mệt, người ta tự chuyển sang “Tộ dung” để đỡ mất nhiều hơi hơn mà không ảnh hưởng gì đến lời hát. Chính bởi thế, cùng một nội dung bài hát nào đó, người ta vừa có thể “Pá dung” vừa có thể “Tộ dung”.

Hát “Pá dung” có thể hát đơn hoặc hát đối đáp, trong đó hát đối đáp được sử dụng rộng rãi hơn. Trong hát giao duyên nam nữ, những người cùng tông tộc không hát với nhau bởi ngoài việc thi tài, trai gái còn hát để làm quen, tìm hiểu, yêu nhau rồi lấy nhau.

“Pá dung” không chỉ hát vào dịp đầu xuân hay khi có lễ hội, mà người ta hát bất cứ khi nào cảm thấy thích hát, muốn hát như trên đường đi nương, đi ruộng, khi cắt lúa, khi gặp nhau trên đường, khi khách tới chơi nhà, khi mời khách, giữ khách, tiễn khách... nhưng nhiều nhất là các dịp trai gái đến chơi làng, hát trong đám cưới, hát vào nhà mới hay những ngày hội làng, hội bản, họ hát giao duyên, trao đổi tâm tình, hẹn hò, kết bạn. Người trung tuổi thì hát để hỏi thăm nhau sức khỏe, gia đình chuyện làm ăn, người già thì ôn lại chuyện xưa, kể chuyện con cháu.

Hát “Pá dung” - món ăn tinh thần không thể thiếu  của người Dao Đỏ
Hát “Pá dung” trên nương rẫy. Ảnh: Internet

Nội dung hát “Pá dung” nhằm ca ngợi tình yêu lứa đôi, yêu thiên nhiên, yêu thế giới động vật, yêu lao động sản xuất, yêu quê hương, đất nước hay ôn lại quá trình lịch sử - xã hội tộc người. Phần lớn các bài hát đều do người hát tự sáng tác tùy theo khả năng của mình. Do vậy, đề tài rất đa dạng nhưng có đặc điểm là không được ghi chép để truyền tụng từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, cũng có nhiều bài hát với các thể loại khác nhau được ghi chép bằng chữ Nôm Dao được phổ biến trong cộng đồng. Đó là các bài hát với các chủ đề: hát chào (chíp khé dung), hát tiễn đưa (phúng khé dung), hát mời rượu (hốp tiu dung), hát tình yêu (phây quyển dung). Cũng có bài hát là thơ ca được ghi thành truyện thơ dài như bài ca vượt biển (chúa khói dung), truyện thơ Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài (inh tòi dung). Những bài hát cổ ghi trong sách phổ biến là thể loại 7 từ (thất ngôn), có thể là khổ 4, khổ 8, 12 hoặc trường thiên.

Các làn điệu “Pá dung” tiêu biểu

“Pá dung” phản ánh nhiều mặt của đời sống sinh hoạt, có thể kể về quá trình lịch sử - xã hội của tộc người như “Người Dao vượt biển” (Phìu dìu khói dung). Muốn hát “người Dao vượt biển” đòi hỏi phải thuộc mới được hát. Có thể người này thay người kia hát nhưng phải tiếp nối nhau cho trọn bài vì đồng bào quan niệm nếu dừng lại giữa chừng thì quá trình vượt biển của tộc người không đến nơi đến chốn, lênh đênh, lưu lạc ngoài biển cả. Khi không thuộc một đoạn nào đó thì phải có người nhắc hoặc phải có sách để xem. Dưới đây là một số trích đoạn trong lối hát “Pá dung”.

Pìu dìu kía khói dung

Luồng kít nin kên kỳ chấy phúi

Slía luốn tồng siho chảng lít tầu

Chía kiếu chùn nghìn sũ dặm líu

Một kết một dằng buốn dặm biêu

Chẳng kết nhần mằn dặm ấy vạ

Liềm đía thó xanh kía tsliêu

Slin pết pé lụa chiệp phấy phíu

Xin chảng thút pầy duấn nụn tàu

Chảng kít nin kên vùi phấy dác

Dặm vụa túa sam sin tsluất mầu

Dùn xanh pham pé lụa chiệp phấy phúi

Mậu khuýa giăng mềnh dùn óm âu

Dịch nghĩa:

Ca người Dao vượt biển

Sinh sống trước Công nguyên kể lịch sử

Trước Công nguyên con người sinh sống chưa có

Gia đình chồng vợ sinh sống trong rừng hỗn loạn

Người sống trước thượng nguyên thọ một nghìn tám trăm năm

Thân thể mặc đầy lông lá, không mặc áo quần

Đến trung nguyên ba trăm sáu mươi tư tuổi không lửa quang minh

Còn tối tăm, người sống hạ nguyên chưa tiếng nói

Muốn kính thánh thần không biết từ làm từ đâu

Mãi đến mộc cát niên gian mới biết hiếu thuận

Mới biết nghĩa vụ phải sinh con

Các thánh vương mới xuất thế

Chế ra cây búa dưỡng nhân gian

Thầy cúng Dao đỏ truyền dạy hát “Pá Dung” bằng thư tịch cổ bài “người Dao vượt biển”. Bài này đòi hỏi phải biết chữ Hán nôm và thuộc mới hát được
Thầy cúng Dao đỏ truyền dạy hát “Pá dung” bằng thư tịch cổ bài “Người Dao vượt biển”. Bài này đòi hỏi phải biết chữ Hán nôm và thuộc mới hát được

Khi đã sang tới bến bờ an toàn, làm ăn may mắn, sinh sống hạnh phúc, thóc lúa đầy kho, gia súc đầy chuồng, người an vật thịnh, để cảm tạ sự phù hộ của các bậc thánh nhân, đúng theo lời hứa, từng họ của tộc người Dao làm lễ trả ơn. Bài ca “Trẩu đàng ý tría” và “Cú dung” thể hiện cụ thể nội dung đó:

Trấu đàng ý tría

Ká lỳ hóp lù trống sếnh ngoày hóp lù trồng san

Trống san trống sếnh trống vuậy sàn mềnh

Hoàn bào trí trói hoán chói ỳ kiông hoàn hoan

Trói boòng kỳ vuậy có co báp nghỉ thếnh sêng

Tạn thếnh dất mềnh tồng trị siên thông voàn nhụn

Siáng dềnh ý tría mó thểnh tông phang côồng dồ

Bòi tsếng miến thểnh say phang sía trọng bòi ngềng

Dịch nghĩa:

Hoàng ân cảm tạ

Ngày xưa, dân tộc Dao còn sinh sống tại bên kia bờ biển.

Họ tộc người Dao cũng thờ phụ mẫu

Thờ thần linh và những vị thánh cao thượng đế

Để phù hộ cho gia đình thịnh vượng

Có sức khỏe dồi dào, hòa thuận, hạnh phúc

Cho con cháu biết kính trên nhường dưới

Biết thể hiện đạo lý làm người

Hát uống rượu (Pá dung hốp tiu) được đồng bào cất lên khi uống rượu vui vẻ với nhau. Nội dung bài hát thường phù hợp với ý nghĩa của tiệc rượu. Ví như trong đám cưới, người ta hát những bài khuyên nhủ vợ chồng làm ăn hòa thuận, đông con nhiều cháu; trong tiệc rượu mừng nhà mới, người ta hát những bài chúc sức khỏe, sản xuất tốt, làm ăn gặp nhiều may mắn…

Cấy hốp tiu

Cà chí côống cà chí côống

Dật nhất si liàng san pạ thồng

Tsếng tá siếu xi tố đằn voàn nhụt liểu

Dật niên sí ký tá xồng dồng

Cà chí miáng cà chí miàng

Dật nhất si liàng san li hoang

Kiên nhất tsếng tá siếu si tố đằn voàn nhụt liếu

Dật niên sí kí tá phồng quoang

Dịch nghĩa:

Mời uống rượu

Gia chủ ông gia chủ ông

Một ngày bận rộn rất nhiều việc

Suy nghĩ chưa thông suốt cái gì

Hôm nay mời được các thầy tới

Hoàn ơn song hết cầu chúc may

Một năm bốn quý được dồi dào

Gia chủ bà ơi gia chủ bà

Một năm bốn quý được đàng hoàng

 Hát uống rượu (Pá dung hốp tiu) - Chúc rượu mừng xuân
Hát uống rượu (Pá dung hốp tiu) - Chúc rượu mừng xuân

Hát ru (Háo ton dung) có làn điệu rất nhẹ nhàng, êm dịu, bay bổng. Loại hát này thường được mở đầu và kết thúc bằng câu “Ối í a, mây dỏm hô lìn dòng” (Ối a, ngủ ngon, ngủ ngoan con nhé). Khi ru, các bà, các chị thêm vào những câu hát dành riêng cho trẻ em, kể về những câu chuyện của trẻ em. Hát ru là những lời ca mượt mà, êm ái nhằm kích thích cho trẻ mau đắm mình trong giấc ngủ.

Hát bắu ngà pí dòm

Ôí àn an ngà bế ói dàm cằn pí chiến mà ôi dòm

Te ma trấu công trấu mắn nhặn

Ngà xê ói cằn pi chiến dòm, dòm cáu ố ồ ôi

Ngà dả tài híu hắm te ma trấu công khấu

Ngà trụ cằn quay pi chiến ý dà ôi dàn ôi

An án túng tsún ma te oi ối àn an

Ngà xê bế ói dòm chiến nà ôi dòm ôi án 

Dịch nghĩa:

Hát ru con ngủ

Hát ru là những lời trầm bổng

Thướt tha mượt mà êm ái nhằm kích thích

Cho bé ngủ đắm mình giấc ngủ dịu hiền

Và có cả lời ca thương yêu dạy dỗ cho

Trẻ sau này biết làm người hiếu thảo

Cha mẹ biết lễ phép ra vào

Hát có thể phản ánh một phần thực trạng xã hội tộc người trong lịch sử như “Người làm dâu” (Nhị nhàng dung), hát mời rượu, hát mừng cô dâu chú rể, hát ca ngợi sản xuất, hát hỏi thăm, hát chúc mừng năm mới, hát giữ khách, hát khuyên răn.

Nhị nhàng dung

Diên chói tấu tuông nhân tài muộn

Lọ dịa pham chiu nhân tinh chùa

Nhất canh tịnh híu chằng long ngó

Dia chía sấy kên lánh híu chùn

Chiệp nhất chiệp nhị nhân tài muộn

Chiệp tam chiệp tứ chính mủi chiển

Chiệp pham chiệp phấy chắng lụa ngó

Chiệp hứu chiệp của cháu miền ca

Dịch nghĩa:

Khúc hát người làm dâu

Còn ở trong bụng người đến hỏi

Lọt lòng ba hôm người định trà

Canh một người đã định hôn lễ

Bố mẹ lúc ấy nhận đủ tiền

Mười một mười hai người ăn hỏi

Mười ba mười bốn mới thành niên

Mười lăm mười sáu nhận hẹn ước

Mười bảy mười tám đến nhà chồng

Bên cạnh câu chuyện cổ được phổ biến rộng rãi như trên, trong “Pá dung”, đồng bào còn rất nhiều thể loại khác nhau. Trong đó, có câu chuyện kể kể người con gái thứ 4 của Ngọc Hoàng thượng đế xuống trần lấy anh chàng mồ côi, đó là truyện thơ có xuất xứ từ Trung Quốc “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài” nhưng nó thể hiện tâm tư, tình cảm của cộng đồng, được ghi chép cẩn thận và lưu truyền rất rộng rãi:

Èng tòi cấu ghìn dung

Pham pé nìn cô hắng chìn khiếu

Èng tòi chói hố thó sâu ngìn

Khấu tháu họ tòng tộ sâu hỏng

Chiệp puân quyên hấy tộ sâu ngìn

Nhị nhân giòi chuộng chiệp họ quyện

Dất lấy chuộng hèng día chuộng ngìn

Phía dẳng nhị nhân chuổng péng pắt

Tòi thiên tộ sâu chuộng nhất pin

Nhị nhân chói lọ tòng lấy

Tộ sâu phía dẳng tú tam nin

Tộ chiến kinh sâu trin pé puấn

Èng tòi phấy pháng diếm cha vìn

Dịch nghĩa:

Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài

Sơn Bá niên cao hướng tiến khổ

Anh Đài đi sau tiền học đường

Đi đến học đường đọc thư viện

Cảm thấy vui vẻ được đến trường

Người cùng trường học chung một lớp

Ngày thì chung đọc ngủ cùng giường

Viết chữ hai người chung chiếc bút

Cùng bàn đọc sách cùng một trang

Hai người cùng học ở trường đấy

Đọc sách viết chữ được ba năm

Dùi mài kinh thư trăm nghìn quyển

Anh Đài suy nghĩ muốn về nhà

Gần đây, là những sáng tác mới ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi đất nước, quê hương đổi mới được sáng tác rất nhiều. Những bài hát này thường không được ghi lại mà chỉ truyền miệng, hát cho nhau nghe, học nhau để hát. Nội dung của những bài hát này rất phong phú, như bài:

Yên Bái ên Đảng ên Pé Hồ

Yên Bái ên Đảng sâu vuôn chính

Ên tú Pé Hồ chìu chiếu nhiền

Diếu tú chìu tuông chịn tìu mấy

Diếu tú nhiền màn chin mạn nìn

Nhiều man diết ấy chấy hang vìn

Háy chấu mài tìn mậu súi thái

Quốc ríu chàng làng khoi súi tài

Dịch nghĩa:

Yên Bái ơn Đảng ơn Bác Hồ

Quê hương Yên Bái ơn Đảng

Ơn Bác Hồ kính yêu muôn vàn

Nhờ Đảng, nhờ Bác Hồ vĩ đại

Yên Bái chuyển mình nhanh chóng

Kinh tế ngày càng phát triển

Yên Bái gạo trắng nước trong

Ai mà đến đó thì không muốn về

Ngoài những làn điệu tiêu biểu kể trên, “Pá Dung” không thể trình bày hết ở đây như: Hát trai gái chưa vợ chưa chồng (Pá dung tòi tồm dòi lủng) hát ca ngợi tình yêu đôi lứa, hát đối đáp, giao duyên. Trai gái có thể hát mấy đêm liền, họ hát để tỏ tình yêu đương với nhau. Hát những người có vợ có chồng (Mài piáo tồm tòi pá dung). Nội dung các bài hát chủ yếu ca ngợi lao động sản xuất, ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp, hỏi thăm sức khỏe, thăm công việc đồng áng, thăm gia đình con cháu của nhau.

Hát “Pá Dung” không chỉ là phụ nữ hát, mà nam giới cũng hát giao lưu trong những dịp hội hè, đám cưới
Hát “Pá dung” không chỉ là phụ nữ hát, mà nam giới cũng hát giao lưu trong những dịp hội hè, đám cưới

 Hát “Pá dung” mang giá trị lịch sử thể hiện rõ nét trong những lời ca kể về lịch sử di cư của tộc người hay những lời ca than thân, trách phận, thể hiện sự đấu tranh chống lại lễ giáo phong kiến, thể hiện sự khao khát tự do, mong ước về một tình yêu vĩnh cửu của những đôi trai gái yêu nhau. Với vai trò và ý nghĩa như vậy, “Pá dung” mang trong mình những giá trị nghệ thuật bền vững không thể phủ nhận, được thể hiện trong sự sáng tạo, trong ca từ trong việc đưa ngôn ngữ đời thường vào thi ca. “Pá dung” cũng thể hiện sức sáng tạo độc đáo, mang bản sắc riêng của tộc người. Đó là những giá trị hiện thực đã từng tồn tại trong lịch sử xã hội tộc người, đã được nghiên cứu và bảo tồn nhằm phát huy giá trị của nó trong cộng đồng và trong nền văn hóa đa dạng của Việt Nam chúng ta.

Nhật Tân

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục