Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
16:06 (GMT +7)

Hành, mùi ta đón Tết ta

Trong bộn bề cuộc sống này, khi người ta làm quen với việc mỗi ngày ăn chung với gia đình một bữa cơm tối, đồ ăn sẵn, nhà hàng, quán xá, thì vẫn có những bà nội trợ khó tính, cẩn trọng từng món gia vị nhỏ cho căn bếp của mình. Tết cũng vậy, không phải cứ thứ gì to nhất, đẹp nhất, bóng bẩy nhất là các bà rinh về nấu nướng đâu. Điều quan trọng nhất là phải “ta”, ví như hành ta để đón Tết ta vậy.

Giáp Tết, người bạn vùng núi gửi cho tôi vài cân tỏi khô. Bạn bảo tỏi này trồng trên nương rẫy, hoàn toàn tự nhiên uống sương núi mưa rừng mà lớn lên, kết đọng tinh hoa đất trời trong từng tép nhỏ. Nhìn củ tỏi bé tí như ngón chân cái trẻ con, nghĩ đến những clip dạy bóc tỏi điệu nghệ trên mạng xã hội, thấy chỉ có thể làm theo với… “tỏi Tàu” củ to như nắm đấm mà thôi. Bạn tôi nói tỏi nhỏ thế này bóc khá vất vả mới đủ dùng cho một bữa nấu, nhưng bù lại, chúng thơm ngon đậm vị, rất… tỏi.

Tôi nhớ bà bác tôi, người đã gần đất xa trời, năm nào cũng trồng một đôi luống tỏi, mà bà thân mến gọi là “tỏi ta” đủ dùng cho cả năm. Để duy trì giống tỏi mỗi ngày một hiếm này, bà tự để giống cho mỗi vụ sau. Quả thực, đang vội nấu một món cần vài tép tỏi, mà bóc được những tép tỏi nhỏ thế, thì phải ít nhiều kiên nhẫn. Nhưng mà đúng là tỏi ta, chúng thơm đặc biệt, đặc biệt để khiến cho những người quen miệng sành ăn khó mà chấp nhận thứ tỏi nào khác ngoài chúng.

Mùi ta không phải chỉ để phân biệt với... “mùi Tàu”, tức ngò gai, hay rau “chọc mép”. Mùi ta là loại rau mùi lá nhỏ, không rõ quê hương bản quán ở đâu, chỉ biết rằng từ lâu, ngày tôi còn bé, mẹ tôi đã bảo chúng là mùi ta, dùng để ăn với rau sống, rắc vào canh nấm, canh măng, thay vì thứ rau mùi to đùng cả cậng lẫn lá, mà không hẳn do được chăm sóc tốt. Mẹ tôi bảo mùi ta, là vì hiện nay nhiều giống rau được lai tạo, hoặc nhập từ nước ngoài về, cho năng suất cao hơn, nhưng cái vị và mùi nó nhạt nhẽo, tầm thường đi quá nhiều.

Mỗi năm, vào đầu mùa Đông, mẹ tôi lại tìm cho bằng được giống rau mùi ta về gieo một luống, để làm rau gia vị, và quan trọng là để chúng già, trổ hoa, tạo hạt. Ngày cuối năm, một bữa tắm “tẩy trần” cần lắm một nắm cây mùi ta già cho nồi nước lá thơm hương thanh khiết. Cái thứ mùi thơm dịu mát kỳ lạ ấy, chỉ có thể đúng nghĩa nếu có mùi ta. Mùi lai có đấy, nhưng sẽ làm hỏng cả nồi nước thơm, chí ít là trong tâm tưởng người đã quen với thứ rau gắn bó từ những ngày bé thơ nghèo khó.

Mùa Tết, tôi nghĩ có lẽ gừng là loại gia vị được quan tâm nhiều nhất. Bởi, không chỉ là phụ gia cho các món ăn, củ gừng còn được dùng làm mứt, một thức quà thơm quý cho gia đình và bè bạn của những chị em khéo tay hay làm.

Tương tự như tỏi, hành, mùi, húng, những thứ rau gia vị được ưa chuộng từ xưa, gừng là cây gia vị luôn được ưu tiên trồng trong vườn nhà. Nhà không có nhiều đất trồng rau thì cũng ưu ái trồng một chậu gừng, vừa cho đẹp vườn, vừa có sẵn lá và củ làm gia vị. Tôi yêu thích cái mùi thơm đặc biệt của lá gừng tươi trong món cá kho của mẹ. Lá gừng đặc biệt mặn duyên với cá kho, mà cá nước ngọt sông hồ hay cá nước mặn biển cả đều hợp. Mỗi lần đi đâu, gặp một khóm gừng tươi, tôi lại ngắt một chút lá gừng vò khẽ, đưa lên mũi hít hà cái mùi thơm quen thuộc của tuổi thơ.

Gừng làm mứt hay gừng làm gia vị tôi đều chỉ ưng loại gừng ta. Đấy là loại gừng, mà tôi cũng không rõ quê hương của chúng ở nơi nào, nhưng tôi đã quen từ ngày còn bé. Gừng ta củ nhỏ, ruột màu vàng đậm và tươi mới, vị cay và thơm nồng nàn. Ngày bé, tôi thường được uống một loại trà đặc biệt: trà gừng hạt muồng muồng. Cây muồng muồng mọc đầy bờ đê, mùa quả chín người ta cắt về phơi khô cho hạt muồng tự tách vỏ, bóng mịn, trông như một sợi dây tròn nâu được cắt chéo từng khúc nhỏ bằng hạt gạo. Hạt muồng muồng rang chín vàng, cùng với những lát gừng thái mỏng. Chúng được pha với nước sôi già, hoặc nấu sôi trên bếp. Uống thứ trà đó, người ta thường ngủ rất ngon và sáng ra không có cảm giác mỏi mệt.

Nếu ai đó không quan tâm nhiều lắm đến các loại rau gia vị, không cần biết chúng là “ta” hay “lai”, chỉ cần có mặt đủ các thức rau cần cho bữa nấu là được, thì sẽ không cần bàn đến. Và nếu ai đó từ trước tới nay chỉ dùng các loại rau gia vị “lai”, thì sẽ không thấy sự khác biệt giữa chúng. Chúng như thể đại diện cho quá khứ đẹp và buồn vậy. Những thứ rau củ “ta” năng suất thấp hơn, thậm chí trông xấu mắt hơn, nhưng mùi vị của chúng khiến người ta thưởng thức một lần khó mà quên được, và khó mà không đem ra so sánh với những thứ hàng lai phổ biến.

Mùa Tết, người có tuổi thường âm thầm thương nhớ những cái Tết xưa nghèo khó nhưng đặc biệt, như là cách họ nhớ về một món ăn xưa, một mùi vị xưa, với bao kỉ niệm đã xa rồi…

Phạm Thanh Thúy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bàn chân tìm nhau

Văn xuôi 6 ngày trước

Rủ nhau đi hái măng rừng

Văn xuôi 1 tuần trước

Thong dong mây trắng…

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Sương

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Gió mây vần vũ

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Lời ru từ mặt đất

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Tháng Ba mùa hoa gạo

Xem tin nổi bật 1 tháng trước