Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
15:51 (GMT +7)

Hang động ở Thái Nguyên: “Những nàng công chúa ngủ trong rừng” chưa thức dậy

VNTN - Thiên nhiên đã ban tặng cho Thái Nguyên một vùng non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình, hang động trải dài trên các dãy núi đá vôi hùng vĩ, có nơi như bức tường thành, là lá chắn tự nhiên có giá trị về mặt chiến lược quân sự. Trong thời bình, đây chính là tài nguyên vô giá nếu biết bảo tồn, gìn giữ, khai thác và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch trở thành những điểm đến phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng trên 20 hang động, trong đó có những hang động đẹp gắn với lịch sử, danh lam thắng cảnh có tiềm năng khai thác phát huy giá trị về phát triển du lịch như: Hang Chùa ở xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, hang Sa Khao xã Phú Thượng, hang Ốc xã Bình Long, hang Huyện xã Tràng Xá (Võ Nhai), Động Linh Sơn, Chùa Hang (thành phố Thái Nguyên), hang Thủng, hang Keo Cướm, hang Cuốn Lộng xã Yên Trạch (Phú Lương)… Hang động ở tỉnh Thái Nguyên thường nằm ở các địa bàn có núi đá. Là hang đá tự nhiên nằm trong một quần thể rộng lớn, xen lẫn đá núi và rừng cây lâu năm.

 

Nhũ vàng, sắc biếc trong hang Chùa

Những hang động này có diện tích rất rộng và sâu, có nhiều nhũ đá, là một cảnh quan còn hoang sơ với khí hậu mát mẻ, trong lành, núi non hùng vĩ, cảnh trí nên thơ. Nhiều nơi còn bảo tồn được những nhũ đá kỳ lạ đẹp mắt. Có hang động đã được ghi trong một số sách cho thấy đây là một trong những di tích có dấu hiệu, là nơi cư trú lâu đời của con người thời tiền sử. Mặt khác có giá trị là những danh lam thắng cảnh, thích hợp với kiểu du lịch khám phá, leo núi.

Hang Chùa ở xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) là một thắng cảnh đẹp. Hang Chùa ấm về mùa đông, mát mẻ về mùa hè rộng rãi có thể chứa hàng trăm người. Cách hang 1km về phía Tây cùng xã còn có thắng cảnh Thác Tiên. Thác Tiên là thác đầu nguồn, nước trong mát, dòng nước đổ từ trên cao xuống bọt tung trắng xóa, dòng suối phía dưới như dải lụa bạc. Danh thắng này gần đây đã thu hút nhiều du khách đến tham quan. Nằm bao quanh hang Chùa còn có một số điểm tham quan như Bản Tèn, nơi đồng bào dân tộc Mông còn bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và đang thực nghiệm dự án trồng cây hoa tam giác mạch kết hợp với các điểm tham quan du lịch.

Danh thắng hang Chùa là một trong những danh lam thắng cảnh có nhiều giá trị, ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, khoa học. Tương lai sẽ là tâm điểm tạo thành một điểm du lịch hấp dẫn, kết nối các điểm di tích trong vùng, tạo thành tour du lịch thu hút khách tham quan nghiên cứu, tìm hiểu về truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, các điểm danh lam thắng cảnh của xã Văn Lăng nói riêng và các danh lam thắng cảnh của huyện Đồng Hỷ nói chung. Hang Chùa đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện hồ sơ khoa học để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích là Danh lam thắng cảnh Quốc gia.

 

Thác Tiên, một thắng cảnh cách hang Chùa 1km

Hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà nằm ở xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 40km về phía Bắc cạnh Quốc lộ 1B (Thái Nguyên - Lạng Sơn). Hang Phượng Hoàng là hang động lớn nằm cách mặt đất 1.800m, đi lên hang phải qua 180 bậc đá, cửa hang hướng về phía Đông, lòng hang rộng có thể chứa được trên ngàn người.Hang Phượng Hoàng là căn cứ địa nơi diễn ra sự kiện chống trả quyết liệt của quân ta với quân Pháp vào cuối 1944. Dưới sự chỉ đạo của Đội Cứu Quốc quân II, đội du kích Võ Nhai và nhân dân làng Mỏ Gà đã rời làng lên hang chống lại sự càn quét của thực dân Pháp. Hàng chục sàn đá, bẫy đá được quân ta đặt trước cửa hang Phượng Hoàng đã đánh trả lại quân Pháp mỗi khi chúng tấn công lên hang. Hang Phượng Hoàng được chia làm hai ngăn từ trên xuống giống như một sân khấu lớn ngăn trên có nhiều hình tượng kỳ lạ như voi chầu, phượng múa, kỳ lân phủ phục, măng đá; ngăn dưới được ánh sáng chiếu rọi có hình tượng chim mái Phượng Hoàng hóa đá gắn với sự tích hang Phượng Hoàng. Trong hang có nước, có nhiều nhũ đá, măng đá là điểm du lịch khám phá leo núi tuyệt vời.

Nằm dưới chân núi Phượng Hoàng là hang và suối Mỏ Gà. Từ đường Quốc lộ 1B vào hang và suối Mỏ Gà 100m. Hang Mỏ Gà sâu khoảng 300m, chiều rộng gần 10m, trong hang có rất nhiều nhũ đá, măng đá đẹp hoang sơ và mát mẻ phù hợp với du lịch sinh thái chinh phục hang động tự nhiên. Hang Mỏ Gà đồng thời là nguồn suối Mỏ Gà, nước từ đáy hang chảy ra cửa tạo thành thác nhỏ, bọt tung trắng xóa. Mùa hè là điểm tắm mát vui chơi lý tưởng cho khách tham quan, du lịch.

Chùa Hang nằm ở trung tâm phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên, động ở trong núi mang tên “Tiên Lữ động”. Trong núi có động do tạo hóa, người xưa đã nhân động làm chùa. Xưa nay, Chùa Hang được xem là một thắng cảnh nổi tiếng, từng làm say đắm bao tao nhân mặc khách. Vách đá cửa động có câu đối cổ bằng chữ Hán: “Phong cảnh thiên nhiên duy đệ nhất/ Danh lam nhân tạo thị vô song” (Phong cảnh thiên nhiên đẹp vào bậc nhất/ Danh lam do con người tạo ra cũng không gì sánh được). Do cảnh đẹp, tức cảnh sinh tình Chùa Hang đã từng là đối tượng được nhiều văn nhân, thi sĩ đến thăm và cảm hứng sáng tác để lại những vần thơ trác tuyệt như: thi sĩ Đặng Nghiệm với 2 bài thơ Nôm và chữ Hán; Tiến sĩ Vũ Quỳnh với bài thơ chữ Hán: “Du Tiên Lữ động tác” đều ở thế kỷ XV, nhà thơ Cao Bá Quát với bài “Du Tiên Lữ động văn nhân đàm Thái Nguyên chi cảnh túy hậu thành ngâm” ở thế kỷ XIX…

Động Linh Sơn thuộc xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên có nhiều cảnh quan tự nhiên kỳ thú do nhũ đá tạo thành như: hình voi chầu, hổ phục, kỳ lân, sư tử, rồng bay, phượng múa… Trên vách đá bên phải trước cửa người xưa đã tạc một tấm bia cổ “Trùng tu Linh Sơn động” bằng chữ Hán, nội dung chính của văn bia ghi việc đóng góp công đức tu sửa chùa trong động Linh Sơn vào cuối thời nhà Lê, thế kỷ XVIII. Động Linh Sơn gồm hai hang đá tự nhiên. Hang Thiên rộng trên 360m2. Nền hang bằng phẳng đi lên như bậc tam cấp. Tại đây còn các bệ thờ Phật bằng đá, nhũ đá tạo nhiều cảnh quan đẹp tự nhiên như: hình tượng Phật, những chùm đá san hô tạo ra nhiều hình thù kỳ lạ đẹp mắt. Nhiều hình đẹp mê hồn như động Thủy Tiên, buồng Tiên Nữ và đặc biệt là đôi rồng vờn mây uốn lượn như đón chào du khách đến với một thế giới huyền ảo của nhũ đá muôn hình vạn trạng…

Hiện tại hang động của tỉnh Thái Nguyên rất phong phú và phân bố trên các địa bàn. Thẩm quyền quản lý thuộc về chức năng và tính chất cụ thể. Hang động được các cấp chính quyền địa phương phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa gồm: số hang động có giá trị về mặt lịch sử, danh thắng đề nghị đủ tiêu chí xếp hạng là di sản văn hóa; một số hang động thuộc điểm cao quân sự, là nơi cơ quan quân đội từng đóng, chốt giữ liên quan đến quốc phòng, quân đội, do đó không thuộc ngành Văn hóa quản lý; một số hang động đã được giao cho địa phương quản lý, khai thác như hang Phượng Hoàng, hang và suối Mỏ Gà (Võ Nhai), động Linh Sơn, động Chùa Hang (Đồng Hỷ), Chùa Hang (Định Hóa) nhưng cũng đang đứng trước thách thức về vấn đề quản lý nhà nước về khai thác. Quá trình đưa công trình phụ trợ và đưa danh thắng vào sử dụng, khai thác, phục vụ dịch vụ du lịch, vẫn đang nảy sinh những vấn đề khó khăn thuộc về quản lý nhà nước của nhiều cấp, nhiều ngành như: lĩnh vực đất đai, môi trường, kế hoạch - đầu tư... Thực tế việc khoanh vùng bảo vệ danh thắng được thực hiện từ khi Luật Di sản Văn hóa ra đời (2001), song có một số danh thắng được xếp hạng trước khi có Luật thực hiện theo Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích năm 1984 nên việc khoanh vùng bảo vệ di tích chưa có luật, dẫn đến rất khó khăn cho việc phân định đất đai của di tích, danh thắng sau này.

Hiện cũng chưa có con số thống kê về nguồn thu từ giá trị khai thác hang động góp phần vào nguồn ngân sách Nhà nước nhưng thực tế tài nguyên hang động - một loại hình du lịch đặc biệt của tỉnh vẫn ở dạng tiềm năng. Những tiềm năng này nhiều năm nay chưa tận dụng hết giá trị để đầu tư, khai thác và phát huy trở thành các điểm du lịch phục vụ phát triển kinh tế văn hóa xã hội đem lại nguồn thu cho ngân sách địa phương. Nhìn vào các tuyến tham quan du lịch trong tỉnh đều có mặt của hang động, thác, hồ như: tuyến động Chùa Hang - hang Chùa - Suối Tiên (Đồng Hỷ) - hang Phượng Hoàng, hang Mỏ Gà (Võ Nhai); tuyến Hồ Núi Cốc - Thác Kẹm - Cửa Tử - Thác Ba Dội - Chùa Thiên Tây Trúc (Đại Từ); tuyến ATK Định Hóa - Thác Bảy Tầng - động Chùa Hang... Nếu tỉnh có sự quan tâm hơn nữa, thuê tư vấn mời nhà đầu tư lập quy hoạch có tầm nhìn chiến lược hiện tại và tương lai thì các tuyến du lịch gắn với du lịch lịch sử, sinh thái khám phá hang động chắc chắn sẽ là nguồn thu không nhỏ cho tỉnh Thái Nguyên. “Những nàng công chúa ngủ trong rừng” nếu thực sự được “đánh thức” sẽ giúp cho các vùng đất tỏa sáng trong tương lai không xa.

Nguyễn Vân Yên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy