Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
02:31 (GMT +7)

Handmade – từ hứng thú đến sáng tạo

VNTN - Từ một dạng bài tập của sinh viên Mỹ thuật, làm handmade (đồ thủ công) đã trở thành xu hướng phổ biến trong đời sống hàng ngày dành cho mọi lứa tuổi. Đồ handmade đáp ứng nhiều tiêu chí như rẻ, đẹp, an toàn, độc đáo… Không ít người đam mê handmade như một thú chơi đầy cá tính.


Sáng tạo không giới hạn

Cách đây không lâu, giữa cái nóng trên 40 độ của mùa hè, một bạn trẻ ở Hà Nội đã thiết kế ra chiếc điều hòa mini từ những nguyên liệu đơn giản. Ngay sau khi tác giả khoe sản phẩm handmade của mình lên facebook, chiếc điều hòa đã hấp dẫn hàng nghìn người ở khắp nơi, nhất là sinh viên và những người thu nhập thấp đang phải nung mình trong phòng trọ, chật hẹp. Vậy là, từ sự sáng tạo ngẫu hứng, chàng sinh viên trẻ trở thành ông chủ sản xuất điều hòa mini, với lượng khách hàng khổng lồ và doanh thu không hề nhỏ.

Đồ chơi handmade- món quà ý nghĩa dành tặng bé yêu

Câu chuyện về chiếc điều hòa mini chỉ là một trong hàng nghìn ví dụ về sự sáng tạo của giới trẻ ngày nay trong thế giới handmade. Cách đây chục năm, nhắc đến đồ handmade, người ta thường chỉ liên tưởng tới tấm bưu thiếp, món quà lưu niệm tự làm (kiểu ngôi nhà bằng diêm, chiếc gạt tàn bằng vỏ lon bia, con búp bê vải) hay vài thứ phụ kiện thời trang đơn giản như vòng tay, dây buộc tóc… Vài năm gần đây, ở Việt Nam, handmade mới thực sự trở thành trào lưu mạnh mẽ, nhất là ở thành phố.

Gần như tất cả những gì thiết yếu cần cho cuộc sống, người ta đều có thể “tự chế”. Người thích thời trang thì làm khăn len, mũ dạ, áo quần, giày dép, thậm chí cả kem nền, phấn phủ, son môi… Người yêu nội trợ có thể “make up” cho căn nhà với phòng tự sơn, tranh tự vẽ, đũa thìa, chén đĩa “made by me” hay thử sức với tất cả các món sơn hào hải vị đông tây nam bắc, trong đó, có những thứ đồ ăn xưa nay hầu hết chúng ta chỉ mua sẵn như dầu ăn, nước mắm, xúc xích, pizza, gato, gimbap... Đàn ông tỷ mẩn nghiên cứu cách “chế” bóng đèn, phích nước, đèn pin…Sau nửa tháng “ở ẩn” trên tầng thượng, vừa rồi, một ông cụ xóm tôi cho ra mắt chiếc kính viễn vọng. Mặc dù hơi khó sử dụng, nhưng phải thừa nhận, chiếc kính giúp nhìn rõ bề mặt lồi lõm của mặt trăng. Không chỉ có kính viễn vọng, ông cụ đã từng thành công với bình nước năng lượng mặt trời, vợt muỗi, loa, máy bơm… Tất cả đều là đồ tự chế.

Có nhiều lý do để người ta say mê đồ handmade. Có thể, đó là giải pháp ứng phó với những nguy cơ mất an toàn thực phẩm, mĩ phẩm hay đồ dùng sinh hoạt. Có thể, đó là khuynh hướng thích sự độc đáo, mới lạ, không “đụng hàng” ở các bạn trẻ cá tính. Cũng có thể, đó đơn giản chỉ là là một cách xả stress. Bạn Nguyễn Hoàng Ly (phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên) tâm sự: “Thay bằng việc tập yoga hay lên mạng tán gẫu để giải tỏa căng thẳng sau giờ làm, tôi thư giãn bằng việc thử sức với các kiểu đồ handmade. Công việc này cũng như một chuyến du lịch, với đầy đủ cả sự tò mò, khám phá, trải nghiệm và đam mê”. Không chỉ đem lại những giá trị tinh thần, trong nhiều trường hợp, đồ handmade trở thành loại hàng hóa đắt khách. Chị Nguyễn Thị Thúy, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Huệ đã tận dụng thời gian nghỉ thai sản để tranh thủ bán bánh nướng, bánh dẻo  thức đồ ăn vốn dĩ chỉ dành cho dịp Tết Trung thu. Cửa hàng của chị rất đắt khách ngay cả giữa những ngày oi nóng bởi mọi người tin tưởng vào sự an toàn của sản phẩm tự làm. Hơn thế nữa, tâm lý mua hàng của người Việt là thích mua đồ “của nhà”, nên các mặt hàng handmade lại càng hấp dẫn.

Vào Google, chỉ cần gõ cụm từ “tự làm”, ta sẽ thấy xuất hiện một danh sách dài những sản phẩm handmade, từ đồ dùng thông dụng đến những thiết bị công nghệ cao. Đó là minh chứng cho sự sáng tạo không giới hạn của con người, phục vụ thiết thực và đem đến niềm vui trong  cuộc sống.

Kỹ thuật hỗ trợ  thủ công

Mặc dù hiểu theo nghĩa gốc, handmade là sản phẩm mang tính chất thủ công, nhưng phải khẳng định rằng, công nghệ tiên tiến, đặc biệt là internet có vai trò rất lớn trong sự phát triển của trào lưu làm đồ handmade. Nếu như trước kia, người ta làm đồ thủ công dựa vào kinh nghiệm “cha truyền con nối” hay học lỏm, bắt chước của nhau thì ngày nay, internet đã trở thành cuốn sách thủ công kỳ diệu. Từ ý tưởng, nguyên liệu đến thao tác đều được “thầy mạng” hướng dẫn cụ thể bằng lời, sơ đồ, hình ảnh và cả video minh họa. Với sự hỗ trợ của internet, dù không khéo léo, thiếu kinh nghiệm nhưng người đam mê handmade vẫn hoàn toàn có thể thành công.

Mạng xã hội giúp kết nối những người cùng chung sở thích, tạo thành hội, nhóm. Tìm trên facebook, có rất nhiều hội handmade như hội đan len, làm bánh, may vá, thêu thùa, làm đồ chơi, thiết bị… Tham gia những nhóm đó, các thành viên sẽ được chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng, nguyên liệu và những niềm vui, nỗi buồn xoay quanh sở thích của mình. Ở đó, họ rất dễ tìm thấy những người bạn tâm giao. Làm xong một sản phẩm, chụp ảnh, đăng lên facebook chờ “comment” cũng giống như nhà thơ sáng tác xong một tác phẩm muốn được  mọi người phê bình, bàn luận… Đôi khi, chỉ cần thế, người ta cũng có thêm động lực để theo đuổi sở thích.

Kinh tế thị trường nhạy bén nhanh chóng thích nghi với xu hướng handmade. Khi một trào lưu nổi lên (như thêu tranh, làm bánh, làm mỹ phẩm…), lập tức, xuất hiện những dịch vụ cung cấp vật liệu hỗ trợ. Chính vì vậy, không quá khó khăn để trở thành một “nghệ nhân handmade” khi bạn có niềm đam mê.

“Nghệ thuật” handmade

Không phải làm đồ handmade là sự trở lại của thời kì tiểu nông “tự cấp tự túc” bởi nó không đơn thuần vì mục đích kinh tế. Ở xu hướng handmade có không ít nét đặc trưng của một loại hình nghệ thuật, dẫu sản phẩm của nó đôi khi rất thực tế như bàn ghế, gường tủ, áo quần…

Theo phỏng vấn nhanh của tác giả, đa số những người theo đuổi handmade là để thỏa mãn nhu cầu tinh thần. Vẫn biết ngày nay, mọi thứ đều sẵn và tiện, nhưng họ tìm thấy niềm vui trong công việc tỉ mẩn đòi hỏi nhiều thời gian này. Bên cạnh đó, đồ handmade cũng đề cao yêu cầu thẩm mĩ. Nếu như thời bao cấp, cụm từ “gia công”, “thủ công” thường gợi cho người ta nghĩ đến những sản phẩm xấu xí, méo mó, rẻ tiền, nhỏ lẻ và kém chất lượng thì ngày nay, đồ tự chế hấp dẫn không kém hàng hóa thị trường. Nhìn hình ảnh những chiếc váy áo, giày tất mà các mẹ trong hội đan len thiết kế cho em bé, nhiều người trong chúng ta phải bất ngờ, thán phục sự khéo léo, tinh tế. Nó không hề giống chiếc áo len trẻ con gỡ ra đan lại từ áo len người lớn, chiếc mũ chùm đầu tự chế mà tôi vẫn hình dung mơ hồ trong ký thức thời thơ ấu nghèo khó. Sản phẩm handmade cũng nghệ thuật hơn so với đồ công nghiệp ở tính sáng tạo, độc đáo. Mỗi thứ mỗi vẻ, mang theo cá tính người sáng tạo. Đây chính là lý do mà đồ handmade đặc biệt hấp dẫn các bạn trẻ năng động, cá tính.

Để trở thành nghệ nhân “handmade”, người ta còn rất cần tố chất nghệ sĩ và đam mê. Chị Trịnh Thị Hương (phường Tân Thành, TP Thái Nguyên) chia sẻ: “Tôi là nhân viên công sở, lại có con nhỏ nên thời gian không nhiều. Tuy nhiên, mỗi lúc rỗi rãi, tôi lại dành cho thú vui làm đồ handmade như thêu tranh, làm bánh, thiết kế cho con ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, may cho mẹ chồng bộ quần áo mặc ở nhà… Làm đồ handmade tưởng dễ nhưng rất cần sự kiên trì. May quần áo, làm bánh, cắt hoa… đều từng phải trải qua thất bại, nhưng càng thất bại, tôi càng say mê, thậm chí, nhiều khi thức suốt đêm để ra sản phẩm mới thôi”.

Sẽ không thể tránh khỏi những “sự cố” xảy ra với đồ handmade và chẳng phải ai cũng hứng thú với công việc tỉ mẩm này. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, làm đồ handmade là một xu hướng lành mạnh và phát huy sự sáng tạo của mọi lứa tuổi. Handmade còn giúp ta “sống chậm” hơn giữa thời đại công nghệ ngày nay dù có thể một lúc nào đó, “cơn lốc” ấy sẽ đi qua như mọi trào lưu khác.

Suối Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy