Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
03:30 (GMT +7)

Hai người mẹ

Truyện ngắn. Đào Nguyên Hải (Tưởng nhớ 60 Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 hy sinh đêm 24/12/1972)

Noel, với tất cả mọi người trên thế giới là một ngày lễ trọng đại. Nhưng với tôi Noel còn là một ngày không thể nào quên. Mỗi lần vào đêm Giáng sinh bóng hình chị tôi cùng tiếng gọi xé lòng của mẹ lại hiện về, đánh thức một vùng ký ức đau thương.

* * *

- …Xu…â..n… Xuân… Ơ… Ơi… X…u…â…n!

Đấy là tiếng gọi của mẹ tôi, một tiếng gọi không lời hồi đáp. Chỉ có tiếng mẹ từ cánh rừng già xanh ngắt vọng về.

Noel là ngày giỗ chị tôi. Tất cả đã trôi qua năm mươi năm rồi, kể từ cái đêm 24 tháng 12 năm 1972 định mệnh ấy nhưng mọi cảm xúc vẫn nghẹn ngào trong tôi.

* * *

Vẫn như những đêm Noel mọi năm, tôi thắp nén nhang lên ban thờ, ngồi lặng nhìn hai tấm di ảnh của mẹ và chị, lòng dội lên bao kỷ niệm…

Những lời của mẹ trong buổi tiễn chân chị lên đường nhập ngũ tưởng như vẫn còn văng vẳng đâu đây:

- Con ở nhà với mẹ Xuân ơi. Con gái mới mười bảy tuổi thì làm được gì. Ở nhà với mẹ chăm cây ngô, cây lúa lấy hạt thóc hạt ngô gửi ra chiến trường là được.

- Mẹ ơi, mẹ không nghe người ta bảo “mười bảy bẻ gãy sừng trâu” ạ?

Chị tôi cười, tiếng cười trong như con suối ở đầu nương. Mẹ nhìn chị khẽ thở dài:

- Mẹ biết nhưng hồi này máy bay nó đánh bom nhiều quá mẹ lo lắm.

- Con đi thanh niên xung phong chứ có phải đi bộ đội ra chiến trường đâu mà mẹ lo. Con ở ngay Thái Nguyên, lúc nào nhớ mẹ, nhớ em con chạy ào về thăm. Nếu ở nhà nhớ con, mẹ cứ ra cánh rừng sau nhà hú gọi là con nghe thấy tiếng mẹ, con sẽ về.

Chị cười. Nụ cười ấy bây giờ tôi vẫn nhớ.

Mẹ mở hòm đựng thóc lấy chiếc ba lô của bố đưa cho chị:

- Cho hết vào đây đeo cho gọn.

- Có mấy bộ quần áo con gói vào tấm vải mưa này được rồi. Cái ba lô ấy để dành cho thằng Đông sau này nó đi đâu còn có cái mà đựng. Đi thanh niên xung phong cũng được phát ba lô quần áo mà mẹ.

- Em chẳng cần, chị cứ mang đi.

Ngước nhìn ra cây sào đầu hè, thấy cái áo xanh trứng sáo cổ lá sen của chị vẫn phơi trên sào, cái áo mà chị quý nhất, chỉ khi đi họp chi đoàn hay hộ đám cưới chị mới mặc, tôi vội nhắc:

- Còn cái áo trứng sáo của chị kia kìa, mang đi không lại quên.

- Chị nhớ rồi, nhưng cái áo ấy chị mới giặt tối qua còn ướt. Để hôm nào chị về sẽ cầm đi sau.

Hôm nay, trước di ảnh chị, mắt tôi lại nhòa ướt. Chị hẹn áo khô chị về sẽ mang đi nhưng cho đến tận bây giờ chị vẫn chưa trở lại để mang cái áo chị yêu quý nhất ấy đi.

Ngày ấy, được tin chị hy sinh cùng 60 thanh niên xung phong ở khu vực ga Lưu Xá, mẹ tôi loạng choạng ôm chiếc áo của chị đạp lên bờ cỏ gianh lá sắc như dao, lao đến cánh rừng sau nhà hú gọi tên chị… Xu…â..n… Xuân… Ơ… Ơi… X…u…â…n!

Tiếng mẹ nghẹn ngào đau đớn vọng khắp núi rừng, luồn vào từng gốc cây, ngọn cỏ, hốc đá… mà không có tiếng đáp lại của chị tôi.

Chị tôi ra đi năm mười bảy tuổi, tràn đầy mơ ước. Chị ra đi không để lại một tấm hình. Duy nhất chỉ còn tấm áo xanh trứng sáo cổ lá sen mà ngày nhập ngũ không kịp mang theo.

Càng lớn tôi càng nhớ chị. Người ta bảo nỗi buồn rồi sẽ nguôi ngoai theo thời gian nhưng với tôi nỗi nhớ chị cứ lớn dần theo năm tháng. Một hôm tôi nói với mẹ:

- Mẹ ơi! Để con sang làng bên hỏi mấy chị học cùng với chị Xuân xem có chị nào có ảnh chị Xuân không mẹ nhé?

Nói với mẹ vậy là để lấy lý do xuống phố huyện chứ tôi biết chắc chị chẳng có tấm ảnh nào.

Cẩn thận gấp chiếc áo của chị cho vào túi.

Tần ngần trước hiệu truyền thần rồi tôi ngập ngừng bước vào.

Người họa sĩ già, chủ cửa hiệu truyền thần, ngước lên nhìn tôi:

- Có việc gì đấy cậu bé?

- Cháu… cháu muốn vẽ ảnh chị cháu ạ!

- Ừ. Ảnh chị cháu còn mới không, đưa bác xem.

Tôi lặng người, ấp úng nói trong nghẹn ngào:

- Chị… chị cháu là thanh niên xung phong. Chị cháu đã hy sinh, chẳng để lại cái ảnh nào cả… Tôi run run đưa chiếc áo cho ông họa sĩ - Chỉ còn lại mỗi cái áo này… Bác có thể…

Tôi thừa biết chẳng họa sĩ nào dù tài giỏi đến bao nhiêu cũng không thể vẽ lại hình ảnh con người từ một tấm áo. Nhưng nỗi nhớ chị cồn cào ngày đêm đã đưa đẩy tôi đến một ý nguyện viển vông như vậy.

Sau khoảng lặng, người họa sĩ già ngẩng lên:

- Bác chưa từng vẽ chân dung một người qua tấm áo như thế này.

Tuy có phần thất vọng nhưng ánh mắt ấm áp và cử chỉ nâng niu tấm áo chị tôi của ông làm lòng tôi dịu lại. Tôi ngập ngừng:

- Chị… chị cháu xinh đẹp lắm, hai mắt chị to tròn, trong veo. Mỗi lần hai chị em lên nương, cháu như nhìn thấy cả dòng suối, cả cánh rừng, cả bầu trời trong mắt chị. Chị cháu cười hai hàm răng đều tăm tắp trắng bóng lấp lánh như những hạt bắp dưới nắng. Hai lúm đồng tiền trên má chị lúc nào cũng như cười. Nắng tháng 5 tháng 6 nhưng không sao làm rám được má chị. Ai cũng bảo cháu với chị cháu có khuôn mặt giống nhau.

Chẳng hiểu sao tôi lại kể về chị tôi cho ông nghe. Kể cho ông họa sĩ mà tôi như thấy chị đang ngồi ngay trước mặt, tươi cười nhìn tôi. Ông họa sĩ già ngồi lặng phắc, lắng nghe từng lời của tôi.

Một lát, tôi buồn bã đứng dậy, xin lại ông cái áo để ra về. Ông bỗng nắm lấy tay tôi hỏi:

- Chị cháu là thanh niên xung phong sao không vẽ chân dung chị với trang phục của thanh niên xung phong như bao người khác?

Tôi nghẹn ngào:

- Chị cháu thích cái áo này nhất. Hôm lên đường vì nó còn ướt nên chị để lại, hẹn mấy hôm sẽ về lấy. Qua tấm chân dung, cháu muốn gửi chiếc áo này cho chị.

Ông họa sĩ đăm đăm nhìn tôi lúc lâu rồi khẽ nói:

- Bác hiểu rồi. Bây giờ cháu ra gốc cây ngọc lan cạnh bờ ao kia ngồi cho mát, chờ bác nhé. Bác sẽ cố gắng giúp cháu.

Tôi nghe lời ông ra ngồi cạnh bờ ao lơ đễnh nhìn mấy con gọng vó đang bơi lao xao trên mặt nước nhưng tâm trí vẫn không nguôi nhớ về chị. Chẳng biết tôi đã ngồi như thế bao lâu.

Ông họa sĩ già, cặp mắt đỏ hoe, lập cập bước ra nắm lấy tay tôi lặng lẽ đưa vào nhà. Vừa bước đến cửa tôi giật bắn mình, toàn thân run lên tôi, cố lao tới tấm hình đặt giữa nhà. Tôi ôm bức vẽ, thốt lên trong nước mắt:

- …Chị… Chị… Đúng là chị rồi!

Chị đang đứng trước mặt tôi trong chiếc áo xanh trứng sáo cổ lá sen.

- Có phải chị cháu không? Giọng ông họa sĩ già bồi hồi.

- Đúng là chị cháu rồi bác ơi. Bác tài quá. Cảm ơn bác…

Ông tháo cặp kính lão mờ nước, nhấc vạt áo lặng lẽ lau những vệt mờ. Ông nói với tôi mà như nói với chính mình:

- Bác không tài giỏi gì đâu cháu ạ. Chính tình chị em rộng dài như sông biển của cháu đã tạo nên bức vẽ này. Và cũng có thể linh hồn chị cháu đã phù hộ, giúp bác vẽ nổi bức tranh này. Cháu mang nó về đi. Không phải trả tiền bác. Với bức vẽ này, đồng tiền trở nên vô nghĩa cháu ạ.

Từ hôm có bức chân dung chị để trên ban thờ, mẹ tôi cũng đôi phần được an ủi. Có lần đi học về tôi thấy mẹ ngồi bên bức chân dung chị, tay ôm chặt chiếc áo cổ cánh sen.

Chị tôi hy sinh hơn 2 năm bố tôi mới được về. Bố lặng im không khóc nhưng tôi biết nước mắt trong ông chắc đã cạn khô. Thắp cho chị tôi nén nhang bố quay sang nói với mẹ:

- Trên đường về, anh đã vào nghĩa trang Dốc Lim thăm con rồi. Thôi cứ để con ở dưới đấy cùng anh em đồng đội.

Mẹ tôi gật đầu nhưng nước mắt ứa nhòa.

- Thôi em ạ con nó cũng vì đất nước mà hy sinh. Nhận được tin con nhưng anh không thể về được vì trại giam phi công Mỹ mới chuyển đến địa điểm mới phải đảm bảo công tác bí mật an toàn.

Nghe đến hai tiếng “phi công Mỹ” mẹ tôi bật dậy, giọng đanh lại:

- Phi công Mỹ hả? Sao anh không bắn hết chúng nó đi, nhốt chúng làm gì cho tốn cơm tốn gạo. Con gái chết dưới bom đạn của lũ chúng nó đấy!

Bố vỗ nhè nhẹ lên lưng mẹ vừa để an ủi vừa để làm dịu đi những uất ức đang trào lên trong lòng. Rồi bố quay sang kể cho tôi nghe câu chuyện ở trại giam tù binh phi công Mỹ…

…Ngày lễ Noel, toàn bộ phi công trong trại giam được ăn theo chế độ đặc biệt, có gà quay, rượu vang và nhận được những lời chúc tốt đẹp. Đêm cũng đã khuya, nhìn qua cửa sổ bố thấy một phi công vẫn ngồi tựa vào cây cột lưới bóng chuyền đầu gục xuống ủ rũ. Đêm nay là đêm Noel, việc buồn nhớ gia đình, đất nước cũng là việc thường tình. Bố thở dài quay vào bàn làm việc. Nhưng rồi rất lâu sau nhìn ra vẫn thấy người phi công Mỹ ngồi ở nơi đó, thỉnh thoảng hai vai lại rung lên bần bật. Là cán bộ phụ trách, bố không thể làm ngơ trước tâm trạng của tù binh, nên nhẹ nhàng bước ra. Tới gần, bố nhận ra đó là Zôn, một phi công trẻ mới về trại được một năm. Vừa thấy chỉ huy trại tới, cậu ta vội vã đứng dậy luống cuống:

- Xin lỗi ông tôi sẽ vào ngủ ngay.

Đặt tay lên vai, bố chỉ Zôn ngồi xuống:

- Có điều gì nếu có thể được cậu cứ nói với tôi.

Ngồi lặng hồi lâu Zôn lấy từ túi áo ra một tấm hình hai người phụ nữ Mỹ. Ngắm nhìn hai người trong bức ảnh, một người đã đứng tuổi còn người kia rất trẻ, bố hỏi:

- Mẹ và người yêu cậu à?

Zôn lặng lẽ lắc đầu:

- Không, đấy là mẹ và em gái của Mar.

- Mar là ai?

- Tôi và Mar cùng lớn lên bên nhau, cùng học một lớp và cùng là phi công trong không lực Hoa Kỳ. Vào đúng ngày này năm ngoái tôi và Mar nhận nhiệm vụ bay bảo vệ máy bay B52 đến ném bom kho hàng của các ngài. Trước lúc xuất kích Mar hôn lên tấm ảnh này nói với tôi: “Sau trận đánh dẫu có muộn đến mấy tao cũng phải điện về chúc mọi sự tốt lành đến với mẹ và em gái tao nhân ngày lễ Giáng sinh. À, mà mày yêu em gái tao đi. Nó xinh đẹp và đáng yêu lắm. Đây, cầm lấy ảnh người yêu của mày. Chúa sẽ phù hộ cho mày”. Mar đưa cho tôi tấm ảnh mà ngài đang cầm trên tay rồi cả hai cùng bước lên máy bay.

- Thế rồi cái cậu Mar kia đã yên ổn về Mỹ còn cậu thì đang ngồi đây? Cậu đang buồn cho số phận mình?

- Không! Tôi không buồn cho tôi mà buồn và thương cho mẹ và em gái Mar.

- Cậu nói gì tôi không hiểu?

- Mar… Mar về với Chúa rồi.

Zôn dừng lại hít thật sâu, cố kìm nén cảm xúc rồi nói với giọng buồn bã:

- Hôm ấy khi đến địa điểm oanh tạc tôi thấy dưới mặt đất đỏ rực. Thề trước Chúa tôi cũng không dám tưởng tượng những gì đang xảy ra dưới đó. Pháo phòng không bắn lên đỏ trời, tôi thét vào máy bộ đàm: “Mar, nhiều đạn pháo quá!”. Nhưng sau tiếng thét thì một quả tên lửa bay lên. Máy bay của Mar biến thành quả cầu lửa. Tôi chỉ còn kịp hét lên: “Vĩnh biệt Mar!”. Tôi vội tăng độ cao nhưng bỗng toàn thân máy bay rung lên chao đảo, lửa bùng lên. Mọi sự điều khiển của tôi đều vô hiệu. Biết thời gian không còn nhiều, tôi nhảy khỏi máy bay và rơi xuống vùng đất rất nhiều đồi núi. Sau khi về trại tôi mới biết đấy là vùng đất Thái Nguyên và cũng là địa điểm chúng tôi đến ném bom.

Nghe đến hai từ Thái Nguyên tai bố ù đi, đất dưới chân như sụp lở. Bố chồm lên, hai tay túm lấy ngực áo Zôn hét lên như một tiếng sấm rền:

- Lũ giết người, quân tàn bạo! Mày… chúng mày… chính mày đã giết chết con gái tao. Nó mới mười bảy tuổi, biết không!

Zôn giật bắn mình hốt hoảng vùng khỏi tay ông bỏ chạy. Nhưng mới được vài bước cậu ta bỗng khựng lại thấy ông chỉ huy không đuổi theo mà từ từ gục xuống. Khi mở mắt ra, bố thấy Zôn đang quỳ trước mặt, giọng nghẹn ngào nhưng rất rõ:

- Thưa ông, tôi rất hiểu nỗi lòng ông và nỗi lòng của mẹ Mar. Giờ đây, tôi rất sợ phải đối diện với mẹ của Mar. Thưa ông, ông có thể đánh tôi thậm chí bắn chết tôi ngay bây giờ nếu như điều đó ít nhiều làm vơi đi nỗi đau trong ông. Thề với Chúa tôi không hề oán trách ông.

Nói xong Zôn bỗng giơ hai tay lên trời, hai mắt ngấn nước gào lên:

- Chúa ơi! Hãy chấm dứt cuộc chiến vô nghĩa này đi!

Từ sâu trong đôi mắt người tù binh, bố thấy ánh lên một ánh sáng tình người. Bố bước lại nắm lấy đôi vai người tù binh kéo anh đứng dậy, nhẹ nhàng:

- Cậu đứng dậy. Khi nào trở về Mỹ cậu nói với mẹ của Mar ở bên đất nước Việt Nam có rất nhiều, rất nhiều những bà mẹ đang gánh chịu những nỗi đau như bà.

Nghe xong câu chuyện ở trại tù binh của bố, tôi nghĩ mẹ sẽ nổi giận vì bố đã không trả thù cho chị. Nhưng không, mẹ chỉ gọi tên chị tôi trong nghẹn ngào.

* * *

Tôi thắp thêm cho mẹ và chị một nén nhang. Không gian nhè nhẹ bay những vòng khói ảo mờ. Chiến tranh đã lùi xa. Nhưng tôi chợt nghĩ, ở khắp mọi nơi trên trái đất này, trong mỗi căn nhà có lẽ vẫn không ngừng lan tỏa những vòng nhang khói đau thương trong mỗi trái tim con người.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bàn chân tìm nhau

Văn xuôi 6 ngày trước

Rủ nhau đi hái măng rừng

Văn xuôi 1 tuần trước

Thong dong mây trắng…

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Sương

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Gió mây vần vũ

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Lời ru từ mặt đất

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Tháng Ba mùa hoa gạo

Xem tin nổi bật 1 tháng trước