Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
17:14 (GMT +7)

“Hai chiều gió” - tìm trong mâu thuẫn để có sự thuận chiều

(Nhân đọc tiểu thuyết “Hai chiều gió”, NXB Lao động, 2024, của nhà văn Phan Thức)

 

“Hai chiều gió” - tìm trong mâu thuẫn để có sự thuận chiều

Nhà văn Phan Thức nguyên là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật thành phố Phổ Yên nhiều năm. Anh sinh hoạt tại Chi hội Thơ - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Anh đã cho xuất bản 7 tập thơ, 5 tập truyện ngắn, 2 tiểu thuyết lịch sử về chính quê hương Phổ Yên yêu dấu của mình. Tiểu thuyết “Hai chiều gió” - tiểu thuyết thứ ba mới ra đời này của anh - đi vào chủ đề nóng hổi, đó là sự hội nhập công nghiệp hóa của một địa phương có nền nông nghiệp lâu đời.

Tiểu thuyết gồm mười chín chương, vẽ lên bức tranh được mất của rất nhiều vấn đề khi chúng ta chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp lên công nghiệp. Từ văn hóa nông thôn sang văn hóa đô thị. Nó rút ra bài học để thích ứng với công cuộc công nghiệp hóa đã trở thành xu thế tất yếu của xã hội. Ngay chính cái tên “Hai chiều gió” đã gợi cho người đọc thấy ngay thực trạng này.

Đây là sự trăn trở của nhà văn trước những biến đổi ngay chính trên quê hương mình. Một điều không dễ bởi đề tài không thiên hẳn về công nghiệp. Nó chỉ nằm trong khung cảnh của sự chuyển đổi giữa hai môi trường. Chính điều đó mới cần phải có sự am hiểu tập tục, tâm lý, văn hóa làng quê, hiểu được yêu cầu của sự biến đổi mà người dân và nền công nghiệp đang cần. Những người dân làng Sơn Liên là đối tượng chính được nhà văn miêu tả trong cuốn tiểu thuyết này.

Bắt đầu là sự hình thành làng, một vùng đồi trung du hoang vu được người dân di chuyển đến ở dần. Họ khai phá đất hoang trồng cấy sinh sống. Từ sáu hộ ban đầu, trải qua ngót hai thế kỷ, làng đã có gần hai trăm hộ dân. Mối quan hệ láng giềng, làng xóm đã trở nên gắn bó. Làng đã có đình, chùa duy trì nếp văn hóa từ ngàn xưa. Cuộc sống của họ tuy còn khó khăn, nhưng êm đềm, tình nghĩa. Ở chương đầu này là câu chuyện lịch sử của làng Sơn Liên. Người đọc cảm thấy thấm đẫm một nền văn hóa làng quê. Bức tranh mộc mạc, êm đềm.

Một bước ngoặt lớn đến với làng Sơn Liên. Đó là nơi đây sắp trở thành khu công nghiệp mới. Một không khí cho việc chuẩn bị đền bù, di chuyển đến khu tái định cư. Tâm trạng người dân được tác giả miêu tả với những băn khoăn, luyến tiếc và cả khấp khởi với món tiền mà cả đời họ chưa dám nghĩ đến bao giờ. Những cảnh ồn ào náo nhiệt đi lại mua bán đất đai bắt đầu xuất hiện. Nơi là đồi bãi đất hoang giờ bỗng là món tiền rất lớn. Các công tác tổ chức, công tác tư tưởng bắt đầu được cấp cơ sở tiến hành. Trong khối công việc thúc bách này, đã hiện rõ những cán bộ tận tâm vì dân, vì công việc chung của địa phương. Bí thư Đảng ủy Thuận, Bí thư Chi bộ Minh là hai nhân vật xuất hiện trong công tác chuẩn bị này.

Truyện cũng đề cập đến các tiêu cực trong công tác đền bù, kê khai tài sản. Nhân vật Hám xuất hiện trong một khung cảnh đầy phức tạp của việc chuyển đổi giữa môi trường cũ, mới, của các mối quan hệ, của việc liên quan đến số lượng tiền bạc rất lớn. Hám là một người đã bị đi cải tạo, nhờ luồn cúi, nịnh bợ, đút lót đã chen được vào chân phó chủ tịch xã kiêm tổ trưởng tổ kiểm đếm tài sản, phân chia đất đai dự án. Rồi những mánh khóe cấu kết trong việc đấu giá đất. Nhóm người này đã tạo ra cơn sốt ảo mà nạn nhân lại chính là những người vừa có tiền đền bù.  Tác giả cũng chỉ ra những kẻ cơ hội của giai đoạn bắt đầu chuyển đổi nền công nghiệp hóa tại địa phương. Báo hiệu sự manh nha về lợi ích nhóm khi còn nhiều kẽ hở về công tác quản lý của giai đoạn mới mẻ này.

Trong bao cấp bách của việc di dời, đời sống tâm linh là một điều nhạy cảm. Có gia đình nhân việc có tiền xây lại mộ tổ cho hoành tráng. Rồi câu chuyện thật bi hài đã xảy ra khi tình huống lấy nhầm mộ bố của người họ hàng như gia đình ông Mạnh. Cũng vẫn chuyện chuyển mộ, nhưng việc xảy ra trong gia đình ông Thận có hoàn cảnh khác. Đó là mâu thuẫn giữa bố với các con. Đó là danh dự của người cựu chiến binh, người đảng viên nhiều tuổi đảng, những giằng xé về tập tục và những yêu cầu thúc bách của việc di dời.

Có một vấn đề không mới ở nơi khác, nhưng lại rất nóng hổi ở Sơn Liên. Đó là việc sử dụng đồng tiền sau đền bù, là công ăn việc làm sau khi hết ruộng vườn. Ở khía cạnh này, nhà văn đã khai thác tâm lý ganh đua của con người, mặc dù xưa nay quen với thu nhập ít ỏi ruộng vườn. Giờ về khu tái định cư mới cùng số tiền được đền bù lớn thì lối sống con người thay đổi. Đại diện cho số người tuy vẫn mua sắm, xây dựng theo phong trào, nhưng vẫn dành tiền để có sinh kế lâu dài như gia đình ông Kha. Lại có những nhà đại diện cho số người khi có tiền tiêu pha không tính toán, để rồi khi giật mình nhận ra sai lầm đã thấy muộn màng như gia đình ông Vân, bà Hoa.

Để miêu tả một cuộc đua về mua sắm, tác giả dành ba chương nói về những biến đổi bất thường này. Đó là mua sắm hoành phi, câu đối, trang trí nội thất cho phòng khách ngôi nhà đã tiền tỷ. Đó là vào Tết, ra Tết chi cả trăm triệu đồng. Đó là sắm một cây hoa Tết cũng hàng trăm triệu. Lại còn sinh ra chúc thọ bố mẹ với những chi phí chưa từng có ở Sơn Liên. Những ngẫm nghĩ khách quan của một người con sống xa quê nay về thăm người em là ông An đã như báo hiệu sự khập khễnh, bấp bênh của lối sống hưởng thụ nhất thời.

Trong sự biến đổi ấy, Sơn Liên đang được đổ vào số tiền cực lớn. Nhu cầu vật chất, sinh hoạt cũng tăng nhanh, tiêu cực cũng nảy nở theo là điều không tránh khỏi. Đó là sự xuất hiện của nhóm xã hội đen từ Hải Phòng lên thâu tóm địa bàn đang là môi trường béo bở với chúng (nhân vật Hùng xếch, Nam vẩu, Lý chột). Chương này phản ánh các thế lực ngầm đang lũng đoạn, bảo kê với nguồn thu rất lớn giữa những nhộn nhạo, bon chen trỗi dậy tại khu công nghiệp đang hình thành. Để giải quyết vấn đề này, tác giả cũng dành một chương nói về công tác giữ gìn an ninh trật tự tại khu tái định cư và khu công nghiệp do trung tá công an Long được trên điều về.

Bên cạnh những đổi thay về dựng xây, những tiêu cực trong khu tái định cư thì mặt trái của đồng tiền cũng len lỏi vào mỗi mái nhà. Không khí đoàn kết, đầm ấm, quây quần rồi cũng bị đồng tiền làm cho rạn nứt. Một gia đình có ba chị em bao lâu nay ấm êm, giờ chỉ do việc chuyển miếng đất cho ai hương khói cho cha và việc nuôi mẹ già mà sinh khúc mắc. Hai anh em Sơn, Thủy đã bất đồng với nhau. Một câu chuyện buồn vì đồng tiền, khi giá trị của mảnh đất vụt tăng lên nhiều lần.

Chương kết, một chương tác giả dành cho sự chiêm nghiệm của chủ tịch huyện Nguyễn Thanh Toàn khi đã về hưu. Nó như một sự tổng kết, là bài học cho một địa phương trong một giai đoạn đi lên tất yếu của xã hội - con đường công nghiệp hóa.

Tóm lại, “Hai chiều gió” của nhà văn Phan Thức đã đưa ra nhiều vấn đề của quá trình chuyển đổi lên công nghiệp hóa tại một địa phương. Có sự đụng chạm quyền lợi cá nhân, có những phức tạp trong đời sống tâm linh, bản quán, có những bất an về an ninh trật tự, có những ganh đua mua sắm trong lúc có tiền, có những niềm vui và cả những điều băn khoăn… Nêu lên những vấn đề ấy, tác giả muốn khẳng định một điều: công nghiệp hóa là xu hướng đi lên tất yếu của xã hội. Nếu đất nước muốn phát triển mạnh mẽ thì không có con đường nào khác ngoài con đường đó. Vậy thì sẽ có những sự phát sinh gây cản trở hoặc đi ngược con đường. Mọi đối tượng trong xã hội đều phải tự mình trang bị mọi mặt để thích nghi với xu thế đó, để tránh rơi vào mặt trái của cơn lốc kinh tế thị trường. “Hai chiều gió” sinh ra là điều tất nhiên trong mọi sự chuyển đổi. Ta chủ động thích nghi tốt, ta sẽ loại trừ được cơn gió độc để đón nhận cơn gió mát lành.

Sau khi đọc hết nội dung cuốn sách, tôi có cảm giác tác giả đang thực hiện một cấu trúc mới trong tác phẩm. Trong 19 chương có thể thấy các chương là những câu chuyện khác nhau. Chúng có nhân vật riêng, thông điệp riêng. Có những vấn đề tác giả nêu ra đã được giải quyết ngay trong các chương đó. Cũng nhiều vấn đề tác giả chỉ dựng lên một khung cảnh để khơi gợi sự suy ngẫm của độc giả. Tôi nghĩ để viết được cuốn sách này, tác giả đã phải tìm hiểu, chiêm nghiệm rất nhiều thực tiễn đã xảy ra ngay chính trên quê hương mình. Ý tưởng của cuốn tiểu thuyết cũng được nhà văn tính toán cho từng chương cụ thể. Vì vậy, người đọc cảm thấy thông điệp chung được hiện lên đậm nét.

Cũng qua đây, với trách nhiệm người đọc và tình cảm yêu mến nhà văn, tôi xin được mạnh dạn nêu lên đôi điều còn thấy băn khoăn. Với cấu trúc thông thường, để giải quyết được ý tưởng của mình, các sự kiện và tuyến nhân vật đều mang tính lôgic rất chặt chẽ. Nó tạo ra mạch truyện xuyên suốt từ đầu đến cuối. Có thể trong một tiểu thuyết có rất nhiều nhân vật, nhưng nhiều nhân vật khác chỉ giúp cho nhân vật chính được khắc họa đậm nét hơn. Có thể mỗi chương cũng đề cập một vấn đề, nhưng các vấn đề đó vẫn gắn liền cốt truyện và các nhân vật chính. Người đọc luôn cảm thấy nó là một thể thống nhất. Riêng cấu trúc trong “Hai chiều gió” của nhà văn Phan Thức có sự khác biệt. Các chương chưa có sự lôgic với nhau, bởi các nhân vật cũng chỉ cần hoàn thành sứ mệnh của mình trên một hoặc vài chương nhất định. Người đọc cảm nhận được thông điệp qua từng chương của tác giả. Nếu cắt rời những chương ấy ra, nó sẽ là những truyện ngắn riêng biệt, bởi thế thiếu đi những nhân vật chính xuyên suốt cuốn truyện. Dẫu biết rằng cái đích của nó vẫn hướng chúng ta về một thông điệp chung. Chính điều đó làm người đọc cảm thấy bị tách rời cảm xúc, tách rời mạch truyện.

Một điều nữa tôi còn băn khoăn, đó là các chi tiết mới lạ tuy đã được phát hiện trong truyện nhưng chưa nhiều. Nếu như tác giả tìm tòi hơn nữa về diễn biến câu chuyện, về tâm trạng để khắc họa nhân vật thì người đọc sẽ thấm sâu hơn những điều tác giả muốn dẫn dụ, tính nghệ thuật sẽ được nâng lên. Điều này chúng ta cũng dễ cảm thông với nhà văn, bởi tại Thái Nguyên anh là người đầu tiên mạnh dạn khám phá vào đề tài gai góc này.

Những điều trên chỉ là cảm nhận cá nhân mà tôi xin mạnh dạn nêu lên. Tôi luôn khâm phục và trân trọng những thành quả mà nhà văn Phan Thức đã miệt mài sáng tạo. Những trăn trở ấy của anh với quê hương và với sự nghiệp xây dựng chung của đất nước luôn mang đến những nhận thức mới, những câu hỏi mới về đề tài công nghiệp còn nhiều mới mẻ.

Xin được chúc mừng và chào đón tác phẩm mới ra đời của nhà văn Phan Thức. Xin được chia vui cùng nhà văn từ một sự lao động miệt mài để có thành quả hôm nay!

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy