Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
12:20 (GMT +7)

Hà Nội - trái tim hồng

Thủa giặc đến Thăng Long thành chiến địa

Đông Bộ Đầu khói lửa ngút trời mây

Tiếng Sát Thát giục hùng binh xung trận

Hưng Đạo Vương truyền hịch giữa đêm dày

Thăng Long hỡi! Khi ba lần giặc đến

Hàm Tử Quan dậy sóng rửa máu thù

Đánh cho khiếp trống đồng rung bạc tóc

Bạch Đằng Giang cuồn cuộn đến tận giờ

Thủa Lê Lợi dấy binh đòi lại nước

Trúc Lam Sơn cũng nhọn hoắt tên đồng

Nhìn vó ngựa giặc tràn lên Ải Bắc

Núi non mình đâu cũng thấy Chi Lăng

Thăng Long gọi mùa hoa đào chiến trận

Tết Quang Trung hỏa hổ đốt Ngọc Hồi

Bầy voi chiến cùng mở đường xung trận

Vạn giặc thù tan tác phía hoa rơi

Đêm Hà Nội xẻ mình làm chiến lũy

Cả trung đoàn quyết tử giữ Thủ đô

Thắng giặc Pháp các anh về trở lại

Một rừng cờ xòe năm phía cửa ô

(Theo nhịp trống những con Hồng cháu Lạc - Trần Quốc Toàn)

Hà Nội tháng 10 đẹp lạ lùng sau bão Yagi, lá non lộc biếc lại xanh mơn mởn trên từng con phố. Những già nua cũ kỹ trên mỗi cành dường như trước khi lìa bỏ trong bão giông đã trút nhựa xanh cho cây lá hồi sinh kỳ diệu. Bên Hồ Gươm, cây si già sau bão gió vẫn vẹn nguyên, trầm mặc soi bóng mặt hồ xanh thăm thẳm, tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh vẫn sừng sững hiên ngang chuẩn bị đón chào ngày kỉ niệm lớn của trái tim Tổ quốc!

Đi trên đường Hà Nội tháng 10, đọc những vần thơ “Theo nhịp trống những con Hồng cháu Lạc” cho bạn nghe, lòng bồi hồi xúc động khi thấy tất cả đã bình yên, như chưa hề có bão tràn qua, quanh Hồ Gươm, tất cả đang sôi động sắc màu qua bàn tay của những người thợ, người nghệ sỹ tài hoa tô điểm cho phố phường chuẩn bị đón mừng kỉ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô yêu dấu.

Tháng 10 năm 1954, 70 năm trước, một cơn bão lớn đã đổi thay Hà Nội. Trước đó, trận Điện Biên phủ kết thúc thắng lợi, theo Hiệp định Geneve ký ngày 21/7/1954, Hà Nội và một số khu vực ở miền Bắc nước ta trở thành vùng tập kết, chuyển quân của quân đội Liên hiệp Pháp, với thời gian là 80 ngày. Trong 80 ngày đó, Hà Nội chưa có hòa bình, quân và dân Thủ đô phải tiếp tục cuộc đấu tranh trong bối cảnh mới để tiến tới tiếp quản. Ngày 10/10/1954, Hà Nội chính thức hoàn toàn được giải phóng, sau bao ngày chờ mong, khao khát, từ thành phố bị chiếm đóng, Hà Nội trở về trọn vẹn với nhân dân, cảm xúc tự hào bùng cháy trong trái tim đồng bào cả nước.

Niềm vui ấy, còn in dấu trong những câu thơ của hơn 70 năm trước, hôm nay đọc lại vẫn thấy bồi hồi xúc động:

Hà Nội chiều nay mưa tầm tã

Ta lại về đây với phố xưa

Nước Hồ Gươm sao xanh dịu quá

Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa

 

Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt

Leng keng chuông xe điện đổ hồi

Lòng ta bỗng như dòng suối mát

Ta đã về đây, Hà Nội ơi!

Từ khắp bốn phương trời lửa đạn

Đàn con về sau những năm xa

Cởi súng gạt mồ hôi trên trán

Ta lại xây Hà Nội của ta.

(Ngày về - Nguyễn Đình Thi)

Ngày Thủ đô chào đón

Đoàn giải phóng quân về

Qua cầu Long Biên

Sông bóng người đi

Vai cao rộng

Mang núi rừng Việt Bắc

Ai nhìn Thủ đô

Lau thầm nước mắt

- Quốc ca mình

Người lính Việt đầu tiên

Rừng xanh thượng du

Lúa vàng bình nguyên

Giữa phố Thủ đô chào nhau

- Đồng chí!

Có người làng đi

Trong đoàn lính trẻ...

(Tâm sự Hà Nội – Hữu Loan)

Để có ngày vui chiến thắng vẹn tròn, suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, từ 1946 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đến tháng 10 năm 1954 – cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi hoàn toàn, Thủ đô của cả nước phải rời xa Hà Nội, rồi lên chiến khu Việt Bắc – Thủ đô xanh – Thủ đô Gió ngàn. Những người ở lại Hà Nội vẫn bám trụ, một tấc không đi, một li không rời, chỉ đến khi nhận chỉ đạo của Bộ Tổng chỉ huy Khu ủy và Ủy ban hành chính kháng chiến Khu 11, trong đêm 17/2/1947, Trung đoàn Thủ đô mới rút khỏi vòng vây quân thù để bảo toàn lực lượng.

Theo mệnh lệnh của Đảng, Bác Hồ, những người lính phải rời xa Hà Nội, những trái tim đau nhói khi Thủ đô chìm trong bóng giặc, đồng bào Thủ đô phải sống dưới gót giày thực dân, đế quốc, đất nước đau thương. Suốt 9 năm trường kháng chiến, tình yêu với Hà Nội càng thêm bùng cháy dữ dội trong trái tim những người chiến sĩ, trái tim những người Việt Nam yêu nước… Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội luôn vẫy gọi tất cả trên những nẻo đường kháng chiến, để tất cả chiến đấu đến cùng cho Hà Nội và đất nước được thanh bình, tự do. 

Sáng 10/10/1954, cả Hà Nội nhộn nhịp, ngập trong rừng cờ, hoa, cổng chào, băng rôn và biểu ngữ. Hàng vạn người dân tràn ra đường, rạo rực trong ngày hội lớn, chào đón đoàn quân chiến thắng qua năm cửa ô tiến vào Hà Nội. Ngày trở về, nước mắt hòa lẫn nụ cười rưng rưng xúc động. Người Thủ đô như chưa hề có cuộc chia ly dài suốt 9 năm, ào ra đường phố, chào đón Bộ đội Cụ Hồ, chào đón Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ về lại Hà Nội. Nói sao cho hết niềm vui chiến thắng!

Hà Nội những ngày tháng đó, còn in dấu trong thơ, trong nhạc, trong họa… và nay trên phố cổ, Hồ Gươm, tất cả được phục dựng, được tái hiện lại. 5 cửa ô, cầu Long Biên chứng nhân lịch sử, hình ảnh Trung đoàn Thủ đô cảm tử, gánh hàng hoa, em gái Hà Nội tản cư kháng chiến… tất cả cứ bừng lên, náo nức… đón chờ ngày lễ lớn.

Người Hà Nội hôm nay, luôn nhớ về Hà Nội của những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, mỗi góc phố, mô đất, bờ tường, góc nhà đều trở thành trận địa, giằng co với kẻ thù từng phút giây, từng các chiến sĩ Thủ đô đã làm hao mòn lực lượng, nao núng tinh thần quân đội tinh nhuệ của Leclerc, đã diệt và làm bị thương trên 2000 địch. Các trận Bắc Bộ phủ, nhà Sova, Hàng Thiếc, chợ Đồng Xuân, trường Bờ sông, Cửa Nam… là những chiến công rực rỡ trong lịch sử bảo vệ Thủ đô. Giờ đây, ký ức vẫn còn được lưu giữ để người Hà Nội không quên giá của tự do, độc lập. Du khách đi giữa phố phường, vẫn bắt gặp những biển đề: nơi đây, ngày tháng đã diễn ra trận đánh giữa cảm tử quân và lính Pháp… 70 năm qua đi, những cảm tử quân đã thành bất tử với non nước mây trời cỏ cây Hà Nội, để hôm nay, kỉ niệm ngày chiến thắng, người Hà Nội kính cẩn nghiêng mình trước những con người quyết tử cho Hà Nội.

Hà Nội hôm nay, từng ngày đổi mới, phát triển, không gian Hà Nội được mở rộng bởi các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, công nghệ cao ở vùng ven Hà Nội được xây dựng và mở rộng, những con đường thênh thang và những tòa cao ốc chọc trời cho Hà Nội dáng dấp của một thành phố trẻ, năng động, hiện đại. Nhưng ở vùng lõi của Hà Nội – Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, những trầm tích của lịch sử vẫn được gìn giữ, bảo toàn để giá trị văn hóa của Hà Nội đồng hành với dân tộc, với đất nước đi đến tương lai.

 Tình yêu với Hà Nội, là tình cảm vô cùng đặc biệt trong trái tim mỗi con người Việt Nam, và dù 70 năm, 80 năm, hay 1000 năm và hơn nữa, Hà Nội vẫn luôn mãi là nguồn sáng, là trái tim hồng của cả nước, mỗi nhịp đập của thành phố này, mãi mãi là nơi hướng đến, là chốn tìm về, là niềm tin, là hy vọng, là ước mơ của tất cả dân tộc Việt Nam!

Tự hào và tin yêu Hà Nội!

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Ứớc mơ tuyết phủ

Văn xuôi 2 ngày trước

Mía

Văn xuôi 5 ngày trước

Bình dị Hà Nội

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm tản văn của Mai Đình

Văn xuôi 2 tuần trước

Hương mặt trời

Văn xuôi 3 tuần trước

Đơn giản nhưng cao quý

Xem tin nổi bật 3 tuần trước