Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
03:37 (GMT +7)
TRUYỆN NGẮN ĐẶC SẮC

Gương mặt cuộc đời

Thưa quý bạn đọc!

Bắt đầu từ số này, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên sẽ mở chuyên mục Truyện ngắn đặc sắc của các tác giả trong nước và thế giới, nhằm cống hiến cho công chúng những tác phẩm có giá trị về nghệ thuật, đồng thời giúp cho người viết có thêm cơ hội học hỏi trong sáng tạo văn chương.

Với truyện ngắn trong nước, Ban Biên tập quyết định chọn mốc từ năm 1970 đến nay, với lí do, vì nó trọn một vòng nửa thế kỉ. Vào năm tháng này, ở Thái Nguyên cũng như Việt Bắc trước kia, là sự bắt đầu hình thành một đội ngũ sáng tác khá hùng hậu với nhiều tên tuổi cùng giải thưởng văn chương, đánh dấu một thời kì mới. Đồng thời, những năm tháng ấy còn là một thời kì chín muồi về văn học chống Mỹ của cả nước.

Chuyên mục sẽ lần lượt giới thiệu đến bạn đọc những truyện ngắn hay, kèm theo lời bình của người tuyển chọn. Hy vọng, đây sẽ là món quà có giá trị của Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đối với các bạn đọc quý mến, trong những khởi đầu mới của Tòa soạn.

Chuyên mục do nhà văn Hồ Thủy Giang phụ trách.

Xin trân trọng giới thiệu!

Ban Biên tập

/uploads/2024/1/x1-1-958x711.jpg
Nhà văn Xuân Cang

Xuân Cang (1932 - 2019), là nhà văn đã có nhiều năm sống và viết tại Khu Gang thép Thái Nguyên. Cùng với các nhà văn Võ Huy Tâm, Lê Minh, Huy Phương, Tô Ngọc Hiến... ông là một nhà văn viết về đề tài công nhân xuất sắc của cả nước. Những tác phẩm thành công nhất của ông đều được viết về đề tài công nghiệp gang thép vào những năm 60 đến 80 của thế kỉ trước. Ông từng là Tổng Biên tập Báo Lao động, Giám đốc Nhà Xuất bản Lao động, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV...

Gương mặt cuộc đời

Căn nhà nhỏ. Bờ sông. Bên ngoài, gió thổi rào rạt, thứ gió nam từ bờ bên kia sông, mang theo hơi ấm mùa xuân. Gian nhà mới được dọn dẹp lại: bên cạnh chiếc giường một kê thêm một ghế dài, bằng bặn và trải thêm chiếu, đầu giường là một chiếc va-ly lớn, mép đã sờn. Chiếc bàn làm việc đã thu gọn lại, mặt bàn đầy những ấm chén pha trà và phích nước. Trong nhà la liệt những ghế đẩu. Đám khách - anh em công nhân ở tập thể - vừa đi khỏi. Tiếng ồn ào, tiếng hát còn vang trong gió vọng lại. Tiếng máy rì rầm trong khoảng rừng xa. Ngọn đèn điện sáu mươi oát có chụp phòng không, lúc bừng sáng lên, lúc dịu đi. Góc nhà, treo lủng củng mấy chiếc mặt nạ hàn, những áo bạt, quần bạt dày cộp.

Anh đội trưởng, áo ngắn chẽn của thợ, đang lúi húi thu xếp ấm chén trên bàn. Anh treo chiếc túi xách màu đen bóng và chiếc nón mỏng, trắng tinh lên vách liếp, nói về phía giường trong:

- Chỗ sơ tán “tềnh tàng”. Nhà máy không xây nhà tiếp khách. Em thông cảm.

Chị, người nhỏ nhắn, mặc chiếc áo bà ba đen, đang vấn lại mớ tóc ngắn đến lưng.

- Một tháng ni em đi qua biết bao nơi sang trọng, mới về đến nơi “tềnh tàng” ni đó.

Giọng chị ấm áp và nhỏ nhẹ. Cả hai, lời có vẻ còn khách sáo, nhưng giọng nói thì thảng thốt từ sâu trong ngực.

Gương mặt cuộc đời
Minh họa

Anh lấy chiếc xô ở góc nhà, trút nước ra chiếc chậu men hoa. Trước lúc xách xô ra ngoài, anh còn nghe tiếng khóa va ly mở tách và tiếng chị như reo:

- Em coi mười lăm năm bốn tháng anh ra ngoài ni có những gì rồi.

Trong khi anh ra sông, chị lần giở từng thứ trong va ly. Phía trái, nằm gọn một chiếc máy thu thanh bán dẫn nhỏ. Những nếp quần áo xanh thợ. Có dễ anh không có lấy một bộ diện? Phía phải va ly có một vật bằng sắt, một chiếc kìm chị chưa từng thấy, sù sì... Thứ quái quỷ ni cũng cất vào trong rương! Rồi đến một hộp sắt xinh xắn, một loại hộp bánh kẹo. Trong hộp cũng toàn những thứ lạ: mấy miếng sắt gọt vuông vắn bị xoắn vặn hoặc bị bẻ cong vặn vỏ đỗ, một chiếc dao găm bằng thép không gỉ sáng trắng, mấy mảnh xác máy bay... Chắc là những vật kỷ niệm. Chị soi lên ngắm nghía một miếng sắt dẹt, xinh như một miếng bánh đậu xanh, bị một sức mạnh ghê gớm nào kéo vuốt dài ra queo lại. Một chiếc phong bì cứng: Một xếp ảnh. Chị vồ lấy. Không nhiều lắm. Chị nhận ra ngay hình anh mười lăm năm về trước. Ôi, chính là những nét quen thuộc này chị từng ấp ủ. Anh mặc quần áo bộ đội - ảnh chụp hồi anh chưa chuyển ngành - mắt mở to, nghiêm trang, lành. Con mắt thật thà, đồng ruộng. Cái cổ to, đôi vai xuôi - cổ cày vai bừa mà - qua lần áo còn thấy cái vai núc thịt, u lên. Chị từng ấp mặt vào vai đó, chị biết. Bây giờ hình anh khác hẳn rồi. Khác lắm. Chị nhớ lại cảm giác hồi chiều. Vẫn khuôn mặt ấy, mái tóc cứng bờm xờm ấy, nhưng giá như bỗng dưng không hẹn mà gặp giữa đường, chắc có lẽ chị không dám như vậy: đi thẳng đến anh, cầm lấy tay anh, cảm động và hân hoan kéo anh đến chỗ đoàn cán bộ và dũng sĩ miền Nam đang đứng với đồng chí giám đốc nhà máy.

Chị lật tìm thêm nhưng không thấy tấm hình nào khác. Anh lười chụp hình. Một khu nhà máy. Chị nhận ra khu lò cao chị xem hồi chiều. Một chiếc cầu và hình những người bạn đội những chiếc mũ kì quái (chị không nhận ra đó là mặt nạ hàn hất ngược lên đầu). Tuyệt không thấy hình một người con gái. Thật chăng? Hay anh giữ ý, đã giấu đi? Còn lại là sổ sách rất nhiều. Không còn gì nữa. Nhưng chị bỗng nghi ngờ, chị để ý thấy phía dưới tấm giấy lót đáy va-ly có vẽ vô số những bóng đèn điện, cộm lên một cái gì. Chị dỡ đám sổ sách, khéo lật tấm giấy lên, chị lần tay xuống sờ thử. Một tấm áo rách? Quỷ quái cái anh ni. Chị lôi ra và chị sững người, tưởng mình hoa mắt. Một chiếc bao gạo cũ, sọc dưa, màu nhuôm nhuôm rách vá gấp nếp cẩn thận. Chị ấp chiếc bao gạo lên ngực, nghẹn ngào. Không, anh không quên chị! Anh còn giữ chiếc bao gạo này, chiếc bao gạo chị đưa anh đi lúc qua sông Thu Bồn, quãng bến Nội, một bến vắng; từ bờ tây sang bờ đông; anh xuống Quy Nhơn, đi tập kết. Mười lăm năm bốn tháng. Chị vẫn nhớ khúc sông ấy, về cuối mùa nước, nó dâng lên mênh mông, phủ lên những bờ dâu đã trụi lá, cuồn cuộn trôi. Anh đi chiếc ghe nhỏ. Bà má cầm sào gầy, có vết rám to trên gò má. Anh khoác bao gạo lên vai, anh bảo chị quay lại... Chiếc ghe lần ngược về phía nam, tìm con nước thuận, xuôi về bắc, chèo sang bờ tê, nhỏ dần như chiếc lá trôi trên sông, rập rờn lựa sóng. Chị nhìn mãi, xa tít còn thấy được chiếc bao gạo gồ một bên vai anh.

Anh đẩy cửa, lễ mễ xách vào một xô nước đầy.

- Sông ta trỏng chừ trong lẻo, hầy!

Chị bối rối dúi chiếc bao gạo xuống đáy va-ly, xếp vội sách lên, trả lời:

- Quãng Nội, anh còn nhớ không? Năm ngoái, hồi ni, em đã lội qua được. Nước trong xanh.

Anh đã vắt xong chiếc khăn mặt lên sợi dây đồng chăng ngang. Anh đứng sững trước mặt chị. Chị nhìn anh chằm chằm. “Em nhìn anh chi như đốt cháy anh vậy?” - Anh nghĩ vậy và nói:

- Trông anh khác lắm hỉ?

***

Mười lăm năm bốn tháng. Một đêm. Biết nói chi cùng nhau cho hết? Thôi anh đừng hỏi em những gì đã xảy ra, đã thay đổi, những ai còn, ai mất, em đã làm những chi, đã đi những mô... Những chiếc sẹo vắn dài ngang dọc trên người em nó nói được hết đó. Em có thể kể anh nghe chuyện từng vết sẹo. Nhưng đêm nay kể răng nổi với anh? Kể răng nổi với anh chuyện con Hương, anh chưa từng biết chúng ta đã có nó vào cái đêm trước hôm anh qua bến Nội. Nhưng em không còn giữ được nó cho anh. Em cũng không giữ được những gì em đã ngầm hứa với anh: màu da, mái tóc và thân thể... Chỉ còn lại gương mặt ni thôi. Nhưng nhiều chị em ta trỏng, ngay cả gương mặt cũng không giữ trọn. Chỉ còn một tấm lòng!

Gương mặt cuộc đời
Minh họa

Mạch nghĩ dào lên. Chị đã thấy nóng trên mắt. Kể răng nổi? Chừ em ra với anh, là đủ. Em hẹn: bọn em sẽ đi thăm vài nơi nữa. Rồi Trung ương sẽ cho em đi thăm nước xã hội chủ nghĩa mô đó. Khi về vợ chồng ta sẽ sống với nhau mươi ngày, em sẽ kể. Bây giờ cho em hỏi chuyện anh. Chị vuốt ve mái tóc, vầng trán, khuôn mặt, đôi vai anh. Anh cũng kể răng cho hết chuyện của anh, mười lăm năm nay. Những khó khăn, những đêm không ngủ, cuộc chiến đấu ngoài ni, những tin đau từ trỏng, cả những giăng mắc mà anh đã vượt qua... Thôi chiếc va-ly đó gói gọn cuộc đời anh. Mai anh sẽ cho em xem những miếng sắt anh thi tay nghề: những mối hàn của anh bị vuốt dài ra, bẻ oằn lại mà nó không nứt. Đó cuộc đời anh!

- Em thấy anh khác lắm hỉ?

Anh hỏi lại câu đó, vì đọc thấy sự sững sờ, kinh ngạc trong mắt chị và cả trên bàn tay vuốt ve của chị.

- Anh khác nhứt đôi mắt anh nhìn.

- Nó ra răng? - Anh cười.

- Trước kia, con mắt anh hiền hiền. Chừ vẫn thấy hiền nhưng nó xoay xoáy ra răng, khó tả...

Anh cười thành tiếng:

- Anh nhìn lửa đã mười năm nay!

- Răng? Anh có nghề chi coi lửa?

- Anh làm thợ hàn. Em thấy lửa hàn chưa? Mười năm nay, anh nhìn vào ngọn lửa chói lòa ấy. Ánh hàn lò cao. Những nơi em đến thăm hồi chiều đều có vết hàn tay anh. Hồi bọn Mỹ phá hoại, anh hàn cầu Long Biên. Anh vào Hàm Rồng, nhưng trỏng đã đủ thợ, anh lại rút về. Chừ anh hàn ca-nô, sà-lan trên bờ sông ni. Anh hàn nơi mũi và nơi lái, phải “kỹ thuật”, nó chịu sóng nước nhiều. Em thấy lũ ca-nô hồi chiều đó. Làm ở bờ sông ni anh nhớ làm răng con sông quê!...

- Trong ta, em đã thấy lửa hàn trên những công trường quân sự của bọn Mỹ. Anh làm thợ hàn, hèn chi con mắt...

Chị muốn hỏi anh nhiều. Răng khuôn mặt anh như giãn ra, vai anh như rộng ra, cái u năm xưa biến đâu mất? Người anh đẹp cách lạ. Cánh tay anh, em gối đầu, bàn tay anh nắm bàn tay em, nghe mềm ấm mà thấy cả sắt thép... Chị nghĩ tất cả mà không nói tất cả. Chị đẩy anh ra một khoảng cách để có thể ngắm anh lần nữa khi đèn chớp ba lần báo tắt. Chị chợt thấy một điều, anh đẹp không phải vì tất cả những cái đó mà vì một cái gì khác, nó ở bên trong, nó như ánh sáng...

- Răng những chiếc ca-nô anh lại sơn màu đỏ?

- Đó là lượt sơn lót, các anh sẽ phủ lên một màu xanh.

- Chừ em mới nói với anh - chị thổn thức nói khi anh kéo lại gần và chị ấp mặt lên vai anh - Em đã trông thấy chiếc ca-nô y hệt thế, ở trỏng sông ta rồi... Hôm nay và ngày mai...

- Tất cả những ca-nô làm ra trên sông ni đều có tay anh hàn. Anh hàn đằng mũi, nơi xé sóng, và đằng lái, nơi bẻ sóng...

Chị nghe rõ niềm vui trong câu nói. Trong đêm tối chị đã nhìn rõ cái ánh sáng trên gương mặt anh.

***

Sớm hôm sau, một chiếc xe com-măng-ca xuống khu sơ tán đón chị. Trước khi chào anh em công nhân, chị còn đủ thời giờ đặt tay trong lòng bàn tay anh rất lâu, rất lâu. Chị lên đường mang theo trong hồn một gương mặt mới. Gương mặt có con mắt mười năm nhìn lửa. Gương mặt của cuộc đời mà chính nó là cái lí do chiến đấu hy sinh của chị, của hàng triệu bà con, đồng chí trong quê...

Tác giả: Nhà văn Xuân Cang

LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN HỒ THỦY GIANG:

Truyện ngắn Gương mặt cuộc đời đã ra đời cách nay khoảng 50 năm mà đọc lại vẫn rơi nước mắt. Một câu chuyện trong thời chiến, khi đất nước còn bị chia cắt hai miền. Miền Bắc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Miền Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt. Hai vợ chồng gặp nhau trong một hoàn cảnh đặc biệt, chị đi trong đoàn cán bộ, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc. Anh là công nhân trong một nhà máy lớn.

Truyện viết không phô trương, ồn ào. Không khí truyện thầm lặng nhưng thật da diết, giống như tình cảm của đôi vợ chồng chiến sĩ - công nhân hơn mười lăm năm xa cách.

Ngót mười trang sách, truyện ngắn chủ yếu tập trung vào mô tả hai hồi tưởng: Một hồi tưởng về những quả cảm hi sinh, mất mát của chị ở chiến trường miền Nam; một hồi tưởng tuy có phần yên bình hơn nhưng cũng đầy trăn trở, đầy mồ hôi và nước mắt của anh ở ngoài Bắc. Chính từ những hồi tưởng ấy đã hiện lên những gương mặt cuộc đời đẹp nhất.

Một cuộc gặp sau mười lăm năm cách biệt với bao kỉ niệm, bao nỗi niềm mà các nhân vật chỉ có hơn chục lời đối thoại. Tình cảm vợ chồng chủ yếu chỉ được bộc lộ bằng độc thoại nội tâm. Tác giả đã biến không gian - thời gian thực tại thành không gian - thời gian tình cảm, tinh thần. Đó là mặt thành công của tác phẩm, và cũng là điều làm lay động trái tim người đọc.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 1 ngày trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước