Gửi lại mùa thương…
Phượng đỏ rực và bằng lăng tím một góc trời như ra hiệu mùa hè – mùa tuyệt vời nhất của năm đang chính thức đến với tuổi học trò.
Mùa hè của những năm trước đến với tôi êm ả, bình thường như bao ngày tháng khác, nhưng năm nay tôi nghĩ nhiều hơn. Cảm giác trống vắng và bâng khuâng về một nỗi vô định xa xăm mà chính tôi cũng không rõ. Qua hè năm nay, câu giới thiệu: “Tôi tên là An, học lớp 5A1” sẽ chính thức không còn hiệu lực, khép lại cả một thời tiểu học với mái tóc buộc hai bên cùng lũ bạn trốn ngủ trưa đuổi bắt khắp đường làng.
Tôi thấy mình lớn quá, lớn mà cứ không vui như trước kia vẫn nghĩ. Nếu chỉ là từ học sinh tiểu học thành học sinh trung học cơ sở, nếu chỉ là từ lớp 5A1 thành một lớp 6 nào đấy chắc mùa hè của tôi sẽ không có nhiều cảm xúc khó tả như vậy. Chẳng là, chả mấy lâu nữa, gia đình tôi sẽ chuyển lên thành phố. Tôi sẽ phải tạm biệt mảnh vườn với đủ tiếng chim hót cùng cây trái sum suê, những cánh đồng nứt nẻ chân chim cũng trở nên xa dần. Đặc biệt nhất là thằng Trường Béo, cái Thương Còi và em Bông Sún có thể lâu lâu chẳng còn nhớ tôi nữa. Từ ngày biết nhận thức, tôi đã thấy mặt chúng nó, mấy đứa tôi cứ vậy mà lớn lên cùng nhau, cùng nghĩ ra bao trò quỷ quái, cùng kể về những câu chuyện không đầu, không cuối và chứng kiến cảnh đứa nọ đứa kia bị đánh đít, khóc nhè. Tôi thấy cái sự buồn của mình mỗi lúc một rõ ràng, mỗi lúc một nặng nề hơn trong từng câu chữ. Tôi muốn khóc quá…
Dù thấy mình thật lớn nhưng tôi mới chỉ có mười tuổi và mười tuổi thì chẳng buồn quá lâu được. Bỗng giọng cái Thương Còi léo nhéo từ ngoài cổng vọng vào, tiếp theo sau là tiếng của hai đứa còn lại:
- An ơi, An ới ơi ời ơi, đi bắt chim không?
Tôi định chạy ra từ chối, phần vì hôm nay tôi thấy người mình hơi mệt, phần nhiều là tôi vẫn chưa biết mở lời nói xa cách ra sao, hơn nữa tôi sẽ dần phải tập quen cho ngày tháng sau này không có chúng nữa…
Tôi chưa kịp chạy ra thì mấy đứa đã vào đến sân:
- Sao hôm nay là Chủ nhật mà ở nhà ngoan thế hả, đi đi xong tao có mấy cái này hay lắm, hôm nay mẹ tao còn nấu chè nữa, mẹ bảo rủ mấy đứa mày qua.
Trường Béo là cái thằng không kiêng nể tôi nhất trong đám chơi chung, nó luôn là người nghĩ ra nhiều trò nhất. Những câu mời mọc, rủ rê của nó luôn có những “tệp đính kèm” đi cùng và những đứa như chúng tôi thật khó để từ chối. Tôi vẫn đi chơi và quyết định chẳng nghĩ nhiều quá nữa, dù sao thì vui vẻ cũng là một lẽ mưu cầu tự nhiên, chính đáng.
Chúng tôi không chơi trò bắt chim mà đổi sang chơi trò nhà vua. Tôi không tranh được với thằng Trường Béo nên nó được làm vua, tôi cùng cái Thương Còi, em Bông Sún trở thành thần dân. Chọn bậc cửa làm ngai vàng, lấy thêm giấy gập tròn thành vương miện, trông thằng Trường Béo tự nhiên ra dáng, oai hẳn lên. Chúng tôi phải đấm lưng và bóp vai cho nhà vua một lúc lâu thật lâu để nhà vua khỏe mạnh, thoải mái còn nghĩ ra trò mới cho thần dân của mình cùng chơi.
- Bây giờ nếu chỉ còn một ngày để ở cùng nhau, chúng mình sẽ làm gì? Nhà vua ban lệnh thần dân của mình phải đi tìm giấy nghi lại nguyện ước của mình rồi gập thành máy bay dâng lên tất cả mọi người cùng đọc.
Tôi bất giác giật mình và thành bối rối trước những lời của thằng Béo. Tự nhiên cảm giác sắp chia tay của tôi sống về chân thực quá, như sẽ gần lắm thôi, như chỉ qua hôm nay rồi đến ngày mai tôi sẽ không được gặp những gương mặt mà mình trông thấy suốt nhiều năm qua. Những tình cảm chân thành sẽ mang về những câu viết thành thực và bằng cách đó mà bốn chiếc máy bay “một ngày cùng nhau” của chúng tôi ra đời. Chúng tôi được đọc máy bay của nhà vua trước: “Nếu được một ngày cùng ở cùng nhau, chúng mình sẽ cùng nhau đi ăn kem, ăn chè, cùng uống nước đá rồi thi xem đứa nào nhai giòn hơn… Chúng mình còn tặng cho nhau những gói ô mai, những chiếc bánh, cái kẹo để hôm sau nếu buồn cũng không cảm thấy đói”. Đọc xong cả cái Thương Còi và em Bông Sún đều bĩu môi:
- Gì mà chỉ có đồ ăn thôi thế, phải làm gì vui hơn, rồi tặng những đồ giữ lâu về sau chứ.
Trường Béo chỉ xì lại một tiếng: “Đúng là đồ con gái”. Rồi chúng tôi đọc đến chiếc máy bay của em Bông Sún: “Nếu chỉ còn một ngày để ở cùng nhau em sẽ khóc nhiều lắm, em sẽ chia cho mọi người hết đồ chơi của em, mọi người nhớ giữ lại bên mình để không quên chúng ta từng gặp gỡ và biết rằng em yêu quý mọi người thế nào”.
Bông Sún ít hơn chúng tôi một tuổi. Con bé dễ khóc nhất và cũng là đứa ngoan ngoãn, hiểu chuyện nhất. Những lời em viết khiến chúng tôi suy tư vài nhịp. Còn Bông Sún thì đã rơi nước mắt ngay khi chúng tôi đọc chiếc máy bay của em.
Tôi giở tiếp đến chiếc máy bay của Thương Còi, nó viết: “Nếu có lúc phải như thế thật thì chúng mình phải cùng nhau đi chơi một ngày cho mệt đã đời, mệt thì sẽ bớt buồn hơn. Thương sẽ tặng cho mọi người những cuốn truyện Thương dành tiền mua để nếu sau không ai chơi cùng thì những trang viết sẽ có sức chữa lành, làm chúng ta vui vẻ hơn”. Hình như con gái thì luôn biết cách tỉ mỉ, luôn biết lo xa và khiến người ta phải nghĩ nhiều hơn những lời hiện hữu. Cả Thương, cả em Bông đều vậy.
Cuối cùng là chiếc máy bay của tôi, tôi nghe tiếng tim mình cơ chừng như đang rối bời, trập trùng gõ lên những tiếng lao xao. Tôi không viết được rõ ràng, cụ thể như các bạn nhưng để có được những chữ này, tôi hiểu rằng mình đã mất bao nhiêu cố gắng để kìm nén không khóc òa luôn lúc đó. “Nếu chỉ còn một ngày được ở cùng nhau, An sẽ gửi lại cho mọi người mùa hè rực màu phượng đỏ và bằng lăng tím mộng mơ, gửi lại mùa An thương nhất từ phút này đến tận mai sau”.
Ai đấy đều mơ hồ, khó hiểu, nhưng giờ đây tôi không muốn nói thêm gì cả, đúng hơn là không đủ sức để nói thêm gì cả, nếu nói ra, tôi sẽ không kiềm lại được mà òa khóc, tôi sẽ nức nở mà gọi theo những giọt nước mắt của bạn mình mà bạn bè thì ai cũng mong nhau được vui vẻ.
Tôi chạy một mạch về nhà, những hình ảnh đặc trưng của mùa hè cứ lần lượt hiện lên trong tâm trí tôi. Tôi gửi lại mùa thương cho các bạn – mùa giữ trọn trái tim tuổi thơ.
Nguyễn Minh Phương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...