Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
11:36 (GMT +7)

Giọt ngọc trời ban

VNTN - Mỗi khi cái buốt giá ngấm vào da thịt là lúc ấy có thể ngửi thấy mùi mật nằm trong những quả chuông nhỏ treo trên bông bạc hà hình đuôi chồn trên bạt ngàn nương đá. Trên những nương ngô chỉ còn trơ lại một vài thân còi, khô cong sau mùa bẻ bắp. Dần dần những mầm cây bạc hà bật lên, cái se se lạnh nuôi những mầm cây này lớn. Đến khi đá xám thật là xám, trời thấp thật là thấp thì những búp hoa đuôi chồn bắt đầu nhú lên rồi lớn dần. Năm nào sớm thì đầu đông, muộn thì giữa đông, những bông đuôi chồn ấy sẽ tím dần, mở ra những quả chuông bé xíu chứa đầy bọng mật ở đáy chuông và tỏa hương để thu hút ong đến. Lũ ong thợ dù đi đâu về đâu nhưng cứ ngửi thấy mùi mật trong những quả chuông bé xíu ấy mà tìm đến. Nó có thể bay hơn chục cây số để lấy mật, nhưng thường chỉ thích đi tầm nửa quãng đường ấy, để lấy được mật mà không bị mỏi cánh. Đến lúc lấy được mật về tổ rồi còn phải quạt cho hơi nước bay đi nên chúng làm việc không một giây ngơi nghỉ.

 

Những thùng ong đặt trên sườn đồi

Nhà cậu tôi nuôi hơn trăm tổ ong, cậu thương chúng lắm, bởi cái sự chăm chỉ, miệt mài và kiên nhẫn của chúng. Cậu bảo, thương nhất là những lúc trời mưa lũ ong không thể ra khỏi tổ, sợ dính nước ướt cánh là ốm chết hoặc những lúc ong bị ốm không đi lấy mật được. Nhưng cậu thất thần và buồn nhất là những lúc ong bị dịch chết đến cả nửa quân số trong hơn trăm tổ của cậu. Quên ăn quên ngủ những nếp suy tư càng hằn rõ trên khuôn mặt khắc khổ như đá núi. Đàn ong nhà tôi tốt hơn từ ngày cậu được đi tập huấn ở dưới huyện về các kỹ thuật nuôi ong, phòng bệnh và điều trị bệnh cho ong. Vẫn nhớ cái ngày đầu tiên, về nhà cậu thì thầm với bà tôi: “Xưa bố chả chỉ cho con những cái mà hôm nay cán bộ chỉ. Nhà mình chỉ biết gây đàn, làm tổ cho ong ở và vắt mật. Thảo nào nhiều lần ong chết mà không biết tại sao, chỉ biết tiếc thôi. Mai con đi học tiếp, thế nào cũng biết cách điều trị cho ong ốm khỏi bệnh”. Đúng thế thật, hôm sau về cậu giảng lại cho cả nhà nghe những gì đã học, từ năm đó, đàn ong đông hơn hẳn, duy trì được quân số hơn nhiều năm trước.

Người miền núi chúng tôi thường làm việc theo kinh nghiệm, mà kinh nghiệm như lối mòn ngoằn ngoèo, khó bỏ. Còn những thứ liên quan đến khoa học kỹ thuật thì dường như hơi khó tiếp thu. Sản xuất nhỏ lẻ kiểu dân gian thì dễ nhưng muốn làm nông dân thời công nghệ đòi hỏi vừa cần mẫn, tỉ mẩn lại nhanh nhạy và không ngừng học hỏi, cập nhật những kiến thức mới. Ong thường ưa chỗ thoáng mát và tránh gió mạnh. Chính tập tính sống bầy đàn nên khả năng nhiễm và lây lan bệnh ở ong rất cao, có thể hủy diệt cả đàn ong. Loài ong rất hay mắc bệnh do rét đậm, mưa nhiều, độ ẩm cao hoặc di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Con nào cũng có thể mắc bệnh dù là ong chúa, ong trưởng thành hay ấu trùng ong. Đặc biệt nhất là ấu trùng ong rất hay bị thối, vì chúng đang còn non quá, sức chống chịu với cái rét và độ ẩm rất thấp. Ong trưởng thành bị ốm thường vệ sinh lung tung vào các cửa sổ, vách thùng. Có lúc bụng ong trướng lên, sã cánh bò trước cửa tổ. Nếu ong chúa bị bệnh thì thay chúa bằng chúa tơ hoặc mũ chúa được tạo ra từ những đàn không bị bệnh. Ong thợ bị bệnh thì loại bỏ bớt các cầu có ong bệnh để khỏi lây cho cầu ong khác, và để thưa cầu ong cho thùng ong có độ thoáng. Cho ăn nước đường vài tối liên tục hoặc di chuyển ong đến vùng có nhiều mật, phấn hoa dồi dào để kích thích ong đi làm vệ sinh và dọn sạch các ấu trùng bệnh. Hoặc dùng thuốc cho ong ăn để nhanh khỏi. Khi hết mùa hoa bạc hà, cậu tôi lại phải dưỡng ong bằng cách cho ăn thêm để duy trì sức khỏe và chúng không bỏ đi. Đến khi trời buốt sâu, mưa phùn và sương muối dày cả nhà lại chuyển ong về vùng thấp để ong được ở bầu không khí ấm hơn, và ong sẽ ở đó đến khi nào mùa hoa bạc hà năm sau nở sẽ quay trở lại.

Ngày nào cậu tôi cũng thăm ong để kiểm tra về số lượng, sức khỏe của ong, độ sạch thoáng của thùng ong. Vì ong ưa sạch sẽ, thoáng mát nên phải đảm bảo thì chúng mới ở lâu dài. Cậu sợ nhất là ong bỏ đi, như thế không những tại thùng ong không sạch thì sẽ mất ong, mất mật. Mà sâu hơn nữa, đằng sau đó là ong dự báo cho nhà biết sẽ xảy ra điều gì đó chẳng lành. Làm thùng, làm cầu ong, cậu đều rất tỷ mỉ để thùng ong vừa ấm vừa thoáng ong mới ở. Ong thích tổ làm từ thân cây khô đã bị mối hoặc kiến đục rỗng giữa, chỉ cần lấy về sửa sang lại chút ít đóng thành thùng là có thể nuôi được. Gỗ làm thùng thường là gỗ tạp không có mùi. Thùng ong thường có chiều dài hai gang rưỡi, rộng hai gang và cao một gang rưỡi, có thể làm từ mười đến mười hai cầu, tùy theo độ to nhỏ của mỗi thùng. Đóng xong cậu đem phơi nắng ít nhất ba ngày cho bay hết mùi gỗ, lấy phân trâu trét kín các khe hở xung quanh, tiếp tục phơi nắng cho phân trâu khô kiệt là có thể nuôi ong được. Thùng mới cậu thường không làm đủ số cầu, mà lấy một vài cầu của thùng cũ đã có sáp đặt xen kẽ vào nhau để ong thấy nơi ở ấm áp thì mới kéo đến đông và ở lâu dài. Giờ nhiều người đóng sẵn thùng ong để bán nhưng cậu không thích mua, vì nghĩ tự tay mình làm thì ong sẽ cảm nhận được tình cảm và tâm huyết khi cậu làm nhà cho ong ở. Cậu bảo con ong hiểu người lắm, biết thương người lắm nên nhà do chính người nuôi làm nó sẽ ở đông hơn, lâu dài hơn. Vậy nên những lúc rỗi rãi là cậu lại gom gỗ, làm thùng, phơi thùng ong.

Đến mùa hoa bạc hà, cậu mang những thùng ong ra nương đặt để chúng cảm nhận được hoa đang ở rất gần và chính là hoa của chúng thì mới tích cực lấy mật. Ở vùng núi cao chỉ thích hợp cho ong nội sinh sống. Giống ong nội như nhà cậu vẫn nuôi nhiều năm nay là loại bé người, vàng ong, bụng thon và eo nhỏ nên có sức chống chọi với cái lạnh khắc nghiệt tốt hơn giống ong ngoại mới được nhập về.

 

Mật ong bạc hà vàng sánh giàu vitamin và kháng sinh tự nhiên có tác dụng tốt để bồi dưỡng sức khỏe và chữa bệnh.

Tại địa phương, những người nuôi ong ngoại thường không được người dân trong vùng chấp nhận, vì giống ong ngoại lười đi lấy mật, hay đến các tổ ong nội cướp mật. Một đàn ong ngoại có thể xông vào thùng ong nội cắn chết ong nội và cướp hết mật. Và điều tất nhiên là mật của giống ong ngoại không ngon bằng mật ong nội, vì thân chúng to, tính chúng lười nên không len vào được những quả chuông mật bạc hà bé xíu để lấy mật, chúng thường lấy mật ở hoa cúc dại, hoa xuyến chi, hoa cỏ kim hoặc những bông hoa to khác. Chỉ có ong nội nhỏ người, kiên nhẫn và chăm chỉ thì mới len người vào những quả chuông mật bé xíu xiu trong những bông hoa bạc hà thuôn gọn mà thôi.

Chính vì thế mà mật hoa bạc hà từ con ong nội nhà cậu tôi thường có vị thơm mát, màu vàng chanh óng ánh. Ngày ông ngoại còn sống, ông thường gọi đó là giọt mật ngọc ngà. Ông đã đi nhiều vùng, xem nhiều mật ong, nhưng không đâu mật đẹp màu, đặc sánh và vị ngọt mát như mật ong bạc hà quê mình. Đến khi cậu được học về kỹ thuật nuôi ong thì mới biết giá trị mật hoa bạc hà của mình đặc biệt như thế nào. Bởi vì trong mật chứa hàm lượng vitamin và kháng sinh tự nhiên cao nhất trong tất cả các loại mật ong trên thế giới. Vì chính cây bạc hà đã mang trong mình hàm lượng kháng sinh tự nhiên cực cao nên trong mật ong cũng có nhiều kháng sinh tự nhiên và có tới gần 70 vitamin. Ông ngoại bảo: Trời đã sinh ra người Mông trên vùng cao khắc nghiệt này với rất nhiều gian khó thì cũng ban cho người Mông sản vật để vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết bằng mật ong bạc hà. Chính vì lượng vitamin trong mật đã làm cho họ khỏe khoắn và mạnh mẽ; hàm lượng chất kháng sinh tự nhiên để họ tăng cường sức đề kháng vượt qua mùa đông giá lạnh với những cơn gió hun bút, sâu buốt. Còn ông cụ người Mông hàng xóm, sáng nào cũng hòa một cốc nước ấm với một thìa mật ong uống trước ăn sáng, năm nay cụ hơn 80 tuổi da dẻ vẫn hồng hào, tóc phơ phơ trắng và giọng vẫn sang sảng. Cụ bảo, người Mông không có mật ong bạc hà để vượt qua mùa đông khắc nghiệt thì chắc chỉ thọ 30 tuổi thôi.

Trong gia đình, bọn trẻ con thích nhất là những ngày cậu quay mật, nếu trời nắng đẹp, hoa nở rộ thì tầm nửa tháng hơn là được quay một vòng mật, để bọn chúng được chui vào màn xem quay mật, được nếm mật, ăn sáp ong ngập răng và nô đùa, trêu đàn ong ngửi mùi mật trong màn quay mà không xông vào lấy mật được. Những ngày quay mật là bọn trẻ bị ong đốt nhiều nhất, nhưng không là vấn đề gì cả. “Ong đốt đau một tí nhưng có thêm ít sức khỏe” - ông luôn nói vậy với bọn trẻ, và bọn chúng cũng quen rồi, xuýt xoa một tí xong rồi lại nghịch được ngay.

Khi được một vòng mật quay, dòng mật vàng chanh óng ánh dưới cái nắng hiếm hoi của mùa đông được cậu chắt chiu đựng trong những chiếc chai thủy tinh trắng lại càng đẹp mắt. Mật ong để trong can nhựa chỉ để xách từ nương về nhà thôi, còn để dùng thì phải để trong đồ thủy tinh thì mới đảm bảo. Bây giờ, những giọt mật nơi đây đã đi muôn nơi nhờ mọi người biết đến nhiều hơn, biết đến người Mông với mật ong bạc hà nhiều hơn.

Mật ong bạc hà quý không chỉ bởi hương vị độc đáo mà còn được lưu truyền có tác dụng bồi dưỡng sức khỏe và chữa bệnh cao. Đây không chỉ là một mặt hàng thông thường mà mật còn có tác dụng chữa bệnh hiệu quả nếu sử dụng đúng liều lượng, đúng cách. Người quê tôi thường lưu những bài thuốc quý từ loại mật này như: mật ong bạc hà kết hợp với bột nghệ đen có tác dụng chữa bệnh dạ dày; kết hợp với tam thất rất tốt cho phụ nữ trong điều trị bệnh ung thư buồng trứng hay u xơ tử cung; kết hợp với quả quất có tác dụng chữa ho; kết hợp với lòng đỏ trứng gà có tác dụng làm đẹp da. Thời tiết thuận mưa, thuận nắng là điều kiện lý tưởng để hoa bạc hà nở rộ. Khi hoa “ngậm” đủ sương đêm, buổi ban mai nắng ấm sẽ tỏa hương, tiết mật thu hút loài ong đến, tạo nên những giọt mật đặc trưng với hương thơm đặc biệt. Mời bạn đến quê hương tôi, thong dong trên những con đường trên mây ngắm núi rừng hùng vĩ. Ngắm những nương bạc hà tím ngắt và thưởng thức những giọt mật trời ban.

Chu Thị Minh Huệ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy