Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
17:01 (GMT +7)

Gìn giữ, phát huy giá trị tranh thờ Đạo giáo trong cộng đồng các dân tộc

Tranh thờ Đạo giáo của một số dân tộc như Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Sán Dìu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là di sản văn hóa rất có giá trị. Nội dung trong mỗi bức tranh đều thể hiện bằng cả thế giới quan, nhân sinh quan, được thực hành trong nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng. Việc gìn giữ, bảo tồn tranh thờ Đạo giáo còn là phát huy các nghi lễ tín ngưỡng của các dân tộc này, đây là nhiệm vụ hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Bộ tranh “Tam Thanh” dân tộc Nùng và bộ tranh “Tứ Đại Nguyên Sư” dân tộc Sán Chay, trưng bày tại Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam
Bộ tranh “Tam Thanh” dân tộc Nùng và bộ tranh “Tứ Đại Nguyên Sư” dân tộc Sán Chay, trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Thái Nguyên là nơi hội tụ và giao lưu, vùng đất được hình thành từ lâu đời, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc, như: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Sán Dìu,… với những truyền thống văn hóa đa dạng và phong phú riêng của mình, trong đó liên quan đến rất nhiều nghi lễ tín ngưỡng thể hiện bản sắc văn hóa riêng của mỗi tộc người. Trong đó, tranh thờ Đạo giáo của các dân tộc là di sản văn hóa rất có giá trị, được đồng bào đặc biệt coi trọng. Di sản văn hóa này không chỉ là những sinh hoạt văn hóa thông thường mà nó là một di sản chứa đựng nhiều giá trị lịch sử tộc người, tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, tri thức dân gian của họ.

Qua khảo sát nghiên cứu tranh thờ Đạo giáo tại một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy những bộ tranh thờ Đạo giáo các dân tộc ẩn chứa nhiều giá trị trong văn hóa tín ngưỡng dân tộc, điển hình như: Dân tộc Tày có bộ tranh “Tam Thanh”, “Thập Điện Diêm Vương”, “Long Ngâm Hổ Tiếu”, “Tứ Đại Nguyên Sư”. Những bộ tranh này được dùng trong tất cả các nghi lễ trọng thể nhất của Đạo giáo, với tính chất tượng trưng cho thần linh, cầu an, cầu phúc, cầu tài lộc, thịnh vượng. Dân tộc Nùng có bộ tranh “Thập điện Diêm Vương” có giá trị giáo dục đạo đức và nhân cách cho con người; Bộ tranh “Tứ đại Nguyên Sư”, “Tam Bảo”, được sử dụng trong các nghi lễ trọng thể liên quan tới cầu an, cầu phúc, cầu tài lộc. Dân tộc Dao có bộ tranh “Tam Nguyên”, “Tam Thanh”. Dân tộc Sán Chay có bộ tranh “Thần Nông và Địa Trạch” sử dụng trong các nghi lễ nông nghiệp, thượng điền, hạ điền và ăn cơm mới; Bộ tranh “Nam đường”, dùng trong đám ma, cúng chay, cầu yên, cầu phúc, những khi ốm đau bệnh tật. Dân tộc Sán Dìu có bộ tranh thờ được sử dụng trong lễ cấp sắc và trong đám ma của những người chết đã được cấp sắc… Ngoài ra mỗi dân tộc đều có những bức tranh đơn lẻ trong các nghi lễ tín ngưỡng khác nhau, hàm chứa và minh chứng cho thế giới tâm linh huyền bí đầy màu sắc của mỗi dân tộc.

Tranh thờ Đạo giáo dùng trong Nghi lễ tang ma của người Sán Chay, xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ
Tranh thờ Đạo giáo dùng trong Nghi lễ tang ma của người Sán Chay, xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ

Tranh thờ Đạo giáo là kho tàng lưu giữ giá trị văn hóa tín ngưỡng, tâm linh và nghệ thuật của các tộc người. Họ sống trong các nghi lễ tín ngưỡng, tâm linh, họ được “tắm mình” trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Cuộc đời của mỗi người từ khi sinh ra, lớn lên cho đến lúc về với thế giới tổ tiên ông bà, luôn gắn bó mật thiết với các nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến tranh thờ Đạo giáo. Thậm chí, họ còn cho rằng, nó chính là cội nguồn tổ tiên, là các tri thức dân gian để họ thích nghi với cuộc sống hàng ngày và là nền tảng hình thành nên đạo đức, nhân cách của họ.

Giá trị trong tranh thờ Đạo giáo luôn bao bọc, nâng đỡ họ từ khi lọt lòng, đến tuổi trưởng thành cũng như khi trở về thế giới bên kia. Vì vậy tranh thờ Đạo giáo là kho tàng phản ánh giá trị văn hóa tín ngưỡng phong phú với nhiều loại hình và đầy sự thiêng liêng, huyền bí trong đó.

Tranh thờ Đạo giáo trong các nghi lễ tín ngưỡng đều thể hiện các sự tích, lịch sử, kể lại các chặng đường di cư và chinh chiến bảo vệ dân tộc của cha ông. Mỗi bộ tranh còn trở thành bộ sử thiêng được kể lại cho các thế hệ bằng ngôn ngữ đặc biệt, bằng các hành động thăng hoa trong các nghi lễ cúng bái. Đặc biệt, tranh thờ Đạo giáo còn trở thành trung tâm lưu giữ, truyền dạy về giá trị văn hóa, đồng thời góp phần quan trọng trong việc lưu giữ, trao truyền đạo đức, lối sống và bảo tồn bản sắc văn hóa của mỗi tộc người.     

Tranh thờ Đạo giáo được sử dụng trong Nghi lễ cấp sắc của người Sán Dìu ở xã Nam Hoà,  huyện Đồng Hỷ
Tranh thờ Đạo giáo được sử dụng trong Nghi lễ cấp sắc của người Sán Dìu ở xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ

Trong xã hội truyền thống của các dân tộc tại Thái Nguyên, tranh thờ Đạo giáo thường được sử dụng trong các nghi lễ tín ngưỡng, trong phạm vi gia đình và dòng họ, làng xã. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài vào những thập kỷ 60 - 70 của thế kỷ trước, các nghi lễ tín ngưỡng sử dụng tranh thờ Đạo giáo để thực hành đều bị chính quyền địa phương cấm hoạt động. Trong phong trào bài trừ mê tín dị đoan, các bức tranh thờ bị tịch thu và đốt khá nhiều. Người dân không được tự do tổ chức các nghi lễ then, cấp sắc, giải hạn... Trong suốt một thời gian dài, các thầy tào, thầy cúng, thầy then, pụt đều bị cấm hoạt động, không được mở lớp truyền dạy các nghi lễ cúng bái liên quan đến tranh thờ Đạo giáo và nó chỉ được khôi phục từ thập kỷ 90 thế kỷ trước trở lại đây, dẫn đến nhiều bộ tranh cũng bị mai một theo nhiều nghi lễ tín ngưỡng.

Trước đây, hầu hết các người làm nghề thầy cúng, mo, then, tào pụt đều lưu giữ được các bộ tranh thờ cổ, ít nhất mỗi thầy cúng, thầy tào đều lưu giữ từ một đến hai bộ tranh thờ cổ. Nhưng cho đến nay số lượng tranh thờ Đạo giáo cổ còn được lưu giữ truyền nghề của các thầy cúng, thầy mo, then, tào, pụt bậc cao, những người đang học nghề làm thầy đại đa số chỉ sử dụng các bộ tranh vẽ lại trên chất liệu giấy công nghiệp.

Trong thời gian dài không sử dụng, các bộ tranh thờ Đạo giáo do các thầy cúng, thầy tào lưu giữ bị lãng quên, bị thất lạc, mất mát nhiều... đến khi khôi phục sao chép lại, một số bộ tranh được vẽ lại theo kiểu “tam sao thất bản”, hoặc mỗi thầy cúng, nghệ nhân vẽ tranh lại vẽ theo ý thức chủ quan của mình nên không bảo lưu được yếu tố gốc. Ngoài ra, với quá trình di chuyển chỗ ở, các bộ tranh cổ mang theo khó bảo quản lâu dài, dẫn đến đã bị mục nát, thất lạc.

Nghiêm trọng nhất đó là các bộ tranh thờ Đạo giáo cổ vốn là một trong những đối tượng được những người mua bán đồ cổ trong nước và nước ngoài quan tâm. Bằng mọi giá họ tìm mua các bộ tranh thờ cổ này để buôn bán trục lợi, kiếm lời, nạn buôn bán diễn ra hết sức phức tạp.

Lễ Khai quang (nhập thần) bộ tranh thờ đạo giáo của người Dao đỏ ở xã Quân chu, huyện Đại Từ
Lễ Khai quang (nhập thần) bộ tranh thờ đạo giáo của người Dao đỏ ở xã Quân chu, huyện Đại Từ

Với một thời gian dài, bài trừ mê tín dị đoan, đặc biệt là do công nghiệp hóa và hội nhập toàn cầu, di sản văn hóa các nghi lễ tín ngưỡng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang bị mai một và biến mất. Việc thực hành các nghi lễ tín ngưỡng có sử dụng các bộ tranh thờ Đạo giáo trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ngày càng ít đi, đã để lại những hậu quả, tác động xấu đến việc bảo vệ nền tảng đạo đức xã hội, nhân cách của họ.

Trong xã hội truyền thống, tranh thờ Đạo giáo trong các nghi lễ tín ngưỡng đã răn dạy, vun đắp nên giá trị của “đạo” làm người: chân thành, nhiệt tình, giúp đỡ nhau khi gặp hoạn nạn, khó khăn, làm điều thiện, ứng xử mềm mỏng với tự nhiên và quan hệ xã hội. Các nghi lễ tín ngưỡng của các dân tộc bị đứt đoạn, không được tổ chức, không chỉ mất mát kho tàng tranh thờ Đạo giáo quý giá, mà nó còn làm thay đổi bản sắc văn hóa, nếp sống, làm giảm giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, gây hậu quả nghiêm trọng trong đạo đức.

Ngoài những nguyên nhân mai một trên còn là do một số con em dân tộc thiểu số chạy theo thị hiếu của thị trường, rất nhiều thanh thiếu niên trẻ tuổi không còn mặn mà với văn hóa truyền thống của dân tộc, đang từng bước từ bỏ nghi lễ của cha ông, càng làm cho các nghi lễ trong việc sử dụng tranh thờ Đạo giáo của các dân tộc đang bị mai một nhanh chóng.

Tái hiện Nghi lễ Cấp sắc của người Dao Quần chẹt, tỉnh Tuyên Quang, tại phòng trưng bày Mông - Dao - Kadai - Tạng Miến, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam
Tái hiện Nghi lễ Cấp sắc của người Dao Quần chẹt, tỉnh Tuyên Quang, tại phòng trưng bày Mông - Dao - Kadai - Tạng Miến, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Có thể nói, mặc dù giá trị là vậy, nhưng di sản văn hóa này đang có nguy cơ biến mất trong cuộc sống đương đại. Hiện nay, tranh thờ Đạo giáo của một số dân tộc ở Thái Nguyên đang trải qua thử thách quyết liệt, những giá trị trong các nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến tranh thờ Đạo giáo cũng đang dần mai một. Vì thế muốn hiểu rõ về tranh thờ Đạo giáo của họ, chúng ta cần phải tìm về cội nguồn quá khứ và tìm ra những giá trị và giải mã những giá trị văn hóa ẩn chứa trong đó mà mỗi tộc người đã tạo nên trong quá trình thực hành các nghi lễ tín ngưỡng.

  Xã hội càng phát triển thì nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao, đã làm nảy sinh mâu thuẫn giữa ý thức bảo tồn, gìn giữ các nghi lễ tín ngưỡng có sử dụng tranh thờ Đạo giáo. Vấn đề cấp bách đặt ra là phải nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị di sản tranh thờ Đạo giáo các dân tộc một cách đồng bộ, lâu bền nhất, và có những biện pháp cụ thể sau:

Ngành Văn hóa cần khảo sát, kiểm đếm, lập danh mục, đánh giá tổng quan về tình hình các bộ sưu tập tranh thờ Đạo giáo hiện đang lưu giữ tại các chủ thể văn hóa. Thu thập, phân tích, lý giải các giá trị đặc trưng các bộ tranh thờ Đạo giáo cũng như thực trạng bảo tồn, duy trì, phát huy giá trị di sản văn hóa này trong các hoạt động kinh tế văn hóa xã hội ở địa phương, từ đó dự báo những yếu tố tác động giao thoa, biến đổi trong quá trình tồn tại của tranh thờ Đạo giáo trong các nghi lễ tín ngưỡng. Tổ chức thực hành các nghi lễ tín ngưỡng để quay phim, chụp ảnh, ghi âm nhằm lưu giữ, bảo tồn nguyên gốc các nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến việc sử tranh thờ Đạo giáo của các dân tộc...

Bảo tàng tỉnh cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, trong việc sưu tầm hiện vật tranh thờ Đạo giáo, nhằm phục vụ nghiên cứu chuyên sâu, đem đến cái nhìn tổng thể, toàn diện về giá trị các bộ sưu tập tranh thờ Đạo giáo của các dân tộc trong nền văn hóa các dân tộc Việt Nam. Tiếp tục phát huy giá trị hiện vật tranh thờ Đạo giáo các dân tộc thông qua công tác trưng bày, triển lãm lưu động, phục vụ khách tham quan, giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào về nền văn hóa của dân tộc mình.

Chính quyền các cấp tại địa phương cần động viên và có cơ chế chính sách đối với các nghệ nhân, các thầy cúng… để đồng bào khôi phục các nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến tranh thờ Đạo giáo, như nó đã từng được lưu truyền và tồn tại trước đây. Có như vậy chúng ta mới làm cho giá trị các nghi lễ tín ngưỡng, các bộ tranh thờ Đạo giáo các dân tộc tồn tại và phát triển.

Các cơ quan, các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà hoặch định chính sách, cùng chung tay, bảo tồn, khôi phục giá trị tranh thờ Đạo giáo trong cuộc sống hiện nay bằng các dự án, các đề tài nghiên cứu chuyên sâu, các chính sách đồng bộ, hiệu quả nhất về vấn đề này.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị tranh thờ Đạo giáo của các dân tộc đóng vai trò đặc biệt trong đời sống tín ngưỡng, tinh thần của đồng bào. Đây là một việc làm cần thiết đối với các cấp, các  ngành, các nhà nghiên cứu... Thực hiện những điều nêu trên không những sẽ phát huy được giá trị, bản sắc riêng có của mỗi dân tộc mà còn tạo điều kiện để họ có điều kiện phát triển bền vững trong cộng đồng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Nhật Tân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy