GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH THÁI NGUYÊN (GIAI ĐOẠN 2012 – 2016): Tôn vinh những giá trị mới
VNTN - Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên là Giải thưởng lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên dành riêng cho lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT), nhằm tôn vinh, lưu giữ, quảng bá các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật của tập thể, cá nhân có giá trị, chất lượng, đã được công bố, được khẳng định qua thời gian và công chúng đánh giá cao; tôn vinh các giá trị sáng tạo của văn nghệ sĩ Thái Nguyên trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, con người mới.
Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1992, sau đó được tổ chức theo định kỳ 5 năm một lần, trở thành một trong những giải thưởng truyền thống của tỉnh Thái Nguyên. Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 2012 – 2016) là kỳ giải thưởng thứ 6.
Các tác giả đoạt Giải A
Tham dự Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 2012 – 2016) không chỉ có các tác giả, nhóm tác giả sinh sống trong tỉnh Thái Nguyên; Giải còn mở rộng đến tác giả ở ngoài tỉnh Thái Nguyên, người nước ngoài có các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật sáng tác có nội dung về tỉnh Thái Nguyên.
Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 2012 – 2016) xét giải thưởng cho những tác phẩm đã công bố trong giai đoạn 2012 - 2016.
Các chuyên ngành xét giải thưởng gồm 11 chuyên ngành: Văn xuôi; Thơ; Lý luận phê bình; Sân khấu; Âm nhạc; Điện ảnh - Truyền hình; Múa; Nhiếp ảnh; Mỹ thuật; Kiến trúc; Văn nghệ dân gian. Mỗi tác giả được gửi tác phẩm dự giải và đoạt giải ở nhiều chuyên ngành.
1. Sau khi Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quy chế Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 2012 – 2016), tháng 1/2018, Ban tổ chức Giải thưởng đã được thành lập gồm 9 thành viên đại diện cho các cơ quan, ban ngành hữu quan, do đồng chí Trịnh Việt Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh là cơ quan thường trực Giải thưởng.
Ban Tổ chức xây dựng Kế hoạch tổ chức Giải thưởng, ban hành Thể lệ Giải thưởng, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, vận động và tạo mọi điều kiện để các tác giả tham dự Giải thưởng.
Sau 2 tháng thông báo Thể lệ Giải thưởng, đến hết ngày 30/3/2018 Ban tổ chức Giải thưởng tiếp nhận 90 lượt tác giả/nhóm tác giả, 200 tác phẩm thuộc 10/11 chuyên ngành tham dự Giải thưởng (01 chuyên ngành là Sân khấu không có tác phẩm tham dự).
Ban Tổ chức đã chỉ đạo, điều hành khoa học, có hiệu quả; đại diện các cơ quan đơn vị tham gia đã tích cực phối hợp và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Việc thành lập Hội đồng giám khảo thực hiện theo Quy chế và được sự phối hợp nhiệt tình, trách nhiệm của các Hội chuyên ngành trung ương; các thành viên được giới thiệu đều là các văn nghệ sĩ có uy tín cao, nhiều người được Giải thưởng Nhà nước về VHNT.
Công tác chấm giải được các Ban giám khảo chuyên ngành tiến hành nghiêm túc, khách quan, công tâm, đúng Quy chế, Thể lệ Giải thưởng. Một số trường hợp chưa đảm bảo thực hiện đúng các nội dung trong Quy chế, Thể lệ được phát hiện và xử lý kịp thời.
Ngày 1/6/2018, Ban Tổ chức Giải thưởng chính thức công bố danh sách các tác phẩm đạt giải, danh sách này đã được niêm yết công khai trong 15 ngày. Hết thời hạn trên, Ban tổ chức Giải thưởng không nhận được bất cứ khiếu nại chính thức, hợp pháp nào. Kết quả được công bố đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của đông đảo các tác giả dự giải và công chúng.
Tháng 7/2018, Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng đã ban hành quyết định công nhận kết quả xét tặng Giải thưởng, trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng thưởng cho các tác giả/nhóm tác giả và tác phẩm đoạt giải.
2. Cảm hứng và đề tài chủ đạo là quê hương, con người Thái Nguyên, có sự mở rộng biên độ sang những vùng không gian và đề tài khác mà Giải thưởng cho phép. Thành tựu chung là các tác phẩm đoạt giải đã phản ánh được hiện thực sinh động của cuộc sống từ quá khứ đến hiện tại; khai thác các mảng đề tài truyền thống, đề tài chiến tranh cách mạng cùng với những đề tài đương đại bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặc trưng của từng chuyên ngành.
Chuyên ngành văn xuôi: quy tụ khá đông đảo tác giả tham gia. Cùng với những cây bút khá quen thuộc với bạn đọc Thái Nguyên và cả nước như Hồ Thủy Giang, Ma Trường Nguyên, Lê Thế Thành, Bùi Thị Như Lan, Phạm Đức, Nguyễn Văn,… văn xuôi Thái Nguyên đã xuất hiện một số cây bút mới.
Về tác phẩm, bên cạnh số đông tác phẩm mang tải hơi thở nóng hổi của đời sống và con người Thái Nguyên đương đại, thì sự xuất hiện của các tác phẩm về đề tài chiến tranh, trong đó có nhóm tiểu thuyết tư liệu mà chủ yếu là tư liệu về hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, là nét mới của Giải lần này. Việc lựa chọn nhóm tác phẩm này vào giải thể hiện sự trân trọng của Ban Giám khảo đối với các giá trị thực tiễn quý giá có được từ vốn sống và nguồn tư liệu quý giá, từ bản lĩnh và tâm hồn trong sáng của các nhà văn - trong đó có nhiều cựu binh - thể hiện trên từng trang viết.
Đề tài đất và người Thái Nguyên tiếp tục được khai thác kỹ lưỡng. Từ công nghiệp khai thác mỏ, luyện kim, đến nông nghiệp nông thôn, miền núi trong công cuộc đổi mới, những va đập biến cải từ đời sống đến phận người. Tuy chưa có những đột phá về thi pháp nhưng những nỗ lực phản ánh đời sống đa diện và sinh động, qua đó bày tỏ sự hướng thiện sâu sắc là những thành công của văn xuôi trong bộ giải lần này.
Chuyên ngành thơ: có sự phân nhóm khá rõ rệt giữa một bộ phận có tính chuyên nghiệp cao hơn số đông dự giải còn lại. Sự chuyên nghiệp thể hiện ở những nỗ lực trong việc tìm tòi làm mới phương thức biểu đạt, nhằm thể hiện cao nhất cảm hứng thẩm mỹ của mỗi người, qua đó bày tỏ suy nghĩ, thái độ với cuộc sống, với con người. Nhóm tác giả đoạt giải (Phạm Văn Vũ, Lưu Thị Bạch Liễu, Nguyễn Đức Hạnh, Anh Hồng, Nguyễn Thị Minh Thắng, Phan Thái, Hồ Triệu Sơn) tạo nên sự đa diện, đa thanh, kết hợp khá tốt giữa tư duy thơ truyền thống và hiện đại.
Chuyên ngành lý luận phê bình tuy có 5 tác giả tham gia và đoạt giải, nhưng cũng làm nên một bộ giải khá phong phú: có công trình nghiên cứu công phu kỹ lưỡng về một đề tài hẹp; có công trình nghiên cứu ở phạm vi rộng, có tính đương đại cao; hoặc gắn việc ứng dụng khoa học văn học vào nghiên cứu văn học địa phương, vào thẩm bình tác phẩm cụ thể. Bộ giải đã phản ánh sự đa dạng và đồng hành với đời sống văn học của công tác nghiên cứu lý luận phê bình văn học ở Thái Nguyên. Công trình nghiên cứu về thơ ca dân tộc H’Mông của tác giả Nguyễn Kiến Thọ được Ban giám khảo đánh giá cao về đóng góp đối với việc nghiên cứu nền thơ ca của một dân tộc thiểu số.
Chuyên ngành Âm nhạc: hầu hết các tác phẩm dự giải đều có chất lượng nội dung và nghệ thuật tốt. Nhiều tác phẩm giàu sức diễn cảm, có ca từ và giai điệu đẹp, phù hợp với đời sống và thị hiếu âm nhạc đại chúng, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của các tác giả đối với quê hương Thái Nguyên. Một số ca khúc khái quát được hình ảnh Thái Nguyên tươi đẹp và đầy khát vọng vươn tới tương lai như Thái Nguyên thành phố mùa xuân (tác giả Lê Tú Anh), Thái Nguyên xanh (tác giả Bùi Quang Vĩnh), Bản tình ca bên dòng sông Công (tác giả Phạm Đình Chiến). Đáng chú ý là có sự xuất hiện của thể loại nhạc kịch với giai điệu và tiết tấu mới, ca từ giàu tính văn học, có sự hợp tác giữa các tác giả Thái Nguyên và nước ngoài, thể hiện sự giao thoa văn hóa thời kỳ hội nhập (Chuyện tình Chàng Cốc Nàng Công - nhóm tác giả Vũ Văn Lực, Takahito Shimizu).
Chuyên ngành điện ảnh – truyền hình: Là một bước tiến mới của Giải thưởng về lĩnh vực này. Nếu như Giải thưởng giai đoạn 2007-2011 chỉ có một tác phẩm phim truyện dự giải, thì giải lần này có 7 tác phẩm (thuộc 5 đơn vị tác phẩm) tham dự giải. Các tác phẩm dự giải (chủ yếu thuộc thể loại phim tài liệu), bằng các kịch bản tốt, hàm lượng tri thức cao, được dàn dựng, tổ chức sản xuất công phu, đã tham góp tích cực vào việc khẳng định và lưu giữ các giá trị lịch sử, cách mạng và văn hóa của quê hương Thái Nguyên; với những thành công nhất định về nghệ thuật. Tiêu biểu như bộ Thái Nguyên trong hành trình thời đại (nhóm tác giả Nguyễn Tố Việt Hương, Hoàng Hà, Nguyễn Khắc Thái); Bác Hồ với ATK Thái Nguyên (đạo diễn Đặng Tiến Sơn)
Chuyên ngành Kiến trúc: Thể loại tác phẩm dự giải khá phong phú và đa dạng, từ các đồ án quy hoạch đến các công trình công sở, nhà văn hóa, quảng trường, nhà ở các loại … Các tác giả đã cố gắng đổi mới ngôn ngữ kiến trúc trong thiết kế công trình, xu hướng kiến trúc xanh, kiến trúc thân thiện với môi trường đã hiện dần trong các công trình. Những công trình tiêu biểu đã đi vào đời sống tạo ra những dấu ấn mới trong quy hoạch – kiến trúc Thái Nguyên như: Quy hoạch phân khu các phường Thành phố Sông Công, Quy hoạch chi tiết khu Văn hóa du lịch Phú Đình, Định Hóa; Nhà văn hóa và thư viện cộng đồng thôn Đồng Hoàng (Phú Đình, Định Hóa), Trung tâm thiết kế thời trang TNG,…
Chuyên ngành Mỹ thuật: Các tác phẩm dự giải thuộc loại hình hội họa và đồ họa, có chất lượng tương đối đồng đều; bám sát hiện thực đời sống trong đó chủ yếu là đời sống đồng bào miền núi vùng cao; khá đa dạng về phong cách, vừa khai thác được các giá trị của nghệ thuật tạo hình truyền thống vừa vận dụng được ngôn ngữ hội họa hiện đại.... Đáng chú ý là bên cạnh những tên tuổi quen thuộc qua các kỳ giải thưởng như Nguyễn Gia Bảy, Lê Quang Thái, Nguyễn Lộc, Dương Văn Chung … đã có sự xuất hiện của một lớp tác giả trẻ, mới như Hoàng Minh Đức, Chu Hải Anh, Trần Quang Tú, Trịnh Ngọc Hà, Nguyễn Thị Thành,… qua đó cho thấy mỹ thuật Thái Nguyên có bước phát triển cả về đội ngũ và chuyên môn. Một số tác phẩm cho thấy các tác giả đã có sự bứt phá trong cách thức thể hiện, tạo dựng phong cách riêng.
Chuyên ngành nhiếp ảnh: các tác giả dự giải bám sát Thể lệ, có nhiều sáng tạo trong cách thể hiện, phản ánh được những nét đặc sắc về cuộc sống lao động sản xuất và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân các dân tộc. Đặc biệt là những góc máy thú vị, sáng tạo về đề tài công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng, giữ gìn bản sắc văn hóa trong công cuộc đổi mới và hội nhập trên quê hương Thái Nguyên, đem lại những cảm xúc tươi mới cho công chúng. Tiêu biểu cho sự đồng đều về chất lượng nghệ thuật là các bộ ảnh của Vũ Kim Khoa, Trịnh Việt Hùng, Phương Đông.
Chuyên ngành văn nghệ dân gian: Bộ giải là sự ghi nhận những nỗ lực đáng kể về tinh thần khoa học, tâm huyết của các tác giả và nhóm tác giả, thể hiện trên từng tác phẩm, trong việc khảo cứu, lưu giữ, bảo tồn và truyền bá các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chuyên ngành múa: Hai tác giả dự thi (Trần Thị Thanh, Hoàng Thiện Thực), đã đóng góp cho sự hiện diện của chuyên ngành Múa trong Giải thưởng kỳ này, sau nhiều kỳ xét giải ngành Múa không có tác phẩm tham dự. Nhóm tác phẩm đoạt giải là những thành công mới trong nỗ lực phát triển dòng múa đương đại khai thác chất liệu dân gian các dân tộc Việt Bắc, làm giàu nền nghệ thuật múa của tỉnh Thái Nguyên.
Ban Tổ chức Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012 - 2016 đã xem xét, công nhận Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012 – 2016 gồm: 07 giải A, 17 giải B, 19 giải C, 20 giải Khuyến khích.
Các tác phẩm đoạt giải thưởng đã đáp ứng yêu cầu của Giải thưởng, đó là “mang tính chân thực, dân tộc, nhân văn và tính giáo dục sâu sắc, phù hợp với văn hóa người Việt Nam; có tính sáng tạo, giá trị thẩm mĩ cao, có sự tìm tòi và những phát hiện mới, có tính hiện đại song vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc”.
Kết quả Giải thưởng thể hiện sự tôn vinh và khẳng định những giá trị mới trong đời sống văn học nghệ thuật Thái Nguyên, từng bước đáp ứng nhu cầu thưởng thức và ứng dụng văn học nghệ thuật vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người Thái Nguyên.
3. Bên cạnh những thành công, Giải thưởng cũng còn một số hạn chế, thiếu sót như: cơ quan thường trực Giải thưởng còn chậm trễ và lúng túng trong việc tham mưu xây dựng và cụ thể hóa Quy chế Giải thưởng (ban hành tháng 9/2017), dẫn đến việc tổ chức triển khai Giải thưởng bị kéo dài từ năm 2017 sang năm 2018 mới tiến hành được.
Công tác tuyên truyền tuy đã được triển khai sâu rộng, có nhiều đổi mới so với các giải trước, nhưng thông tin về Giải thưởng vẫn chưa tới được hết đội ngũ văn nghệ sĩ các chuyên ngành trong và ngoài tỉnh, dẫn tới việc một số chuyên ngành như kiến trúc, múa, lý luận phê bình, âm nhạc, văn nghệ dân gian… còn chưa có nhiều tác giả, tác phẩm tham dự. Chuyên ngành sân khấu không có tác phẩm tham dự Giải thưởng.
Về chất lượng: Chưa có những tác phẩm đặc biệt xuất sắc, vượt trội về giá trị sáng tạo hoặc có tầm ảnh hưởng lớn đối với công chúng, do sự thiếu hụt các tài năng lớn. Một số chuyên ngành chưa có giải cao nhất, hoặc không trao đủ giải thưởng, cho thấy sự đầu tư trí tuệ, tâm huyết cho sáng tạo tác phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của đời sống vẫn còn những hạn chế nhất định.
Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên 2012-2016 ghi nhận một chặng đường sáng tạo của văn nghệ sĩ, và đặt ra những yêu cầu mới. Đó là việc tiếp tục trau dồi bản lĩnh, xây dựng một đội ngũ văn nghệ sĩ coi khát vọng sáng tạo là mục đích cao đẹp của người cầm bút, gắn bó sâu sát với đời sống thực tiễn, tự làm giàu trí tuệ, tài năng của mình. Để có được nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và thẩm mỹ cao hơn nữa, tác động sâu sắc và tích cực hơn nữa đối với xã hội trong việc bồi dưỡng tình cảm, lý tưởng, lẽ sống cao đẹp cho con người.
Đó chính là trách nhiệm vẻ vang của văn nghệ sĩ.
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh
Phó trưởng Ban tổ chức Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên
(giai đoạn 2012 – 2016)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...