Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
23:46 (GMT +7)

Giải mã biểu tượng Chim - Cá - Hoa trong lối hát “Xắng cọ” của người Sán Chay ở tỉnh Thái Nguyên

 

Với người Sán Chay ở tỉnh Thái Nguyên, hát “Xắng cọ” (còn viết là Sấng cọ) là để giao tiếp, hát là để trình bày tình cảm, hát là cuộc sống của họ. Họ cần hát như thể cần không khí để thở, như ăn cơm, uống nước... Xưa kia, tiếng hát của họ là ngôn ngữ hàng ngày, một kiểu giao tiếp lịch sự, đúng chất văn hóa đặc sắc có một không hai của người Sán Chay. Hát “Xắng cọ” hấp dẫn người người hát, người nghe đến mức mê hoặc...

Hát “Xắng cọ” là loại hình hát phong phú có nội dung mang tính chất tổng quát, bao trùm và hấp dẫn. Do thường được diễn xướng vào ban đêm nên người Sán Chay ở Thái Nguyên gọi các loại hình hát này theo tên chung là “Xắng cọ”. Trước kia, mỗi khi diễn ra cuộc hát thường hát bảy đêm liên tục (không kể là trong đám cưới, đôi khi chỉ là hát vui) nhưng dần về sau, chỉ hát năm đêm. Đêm thứ nhất (Tài dắt dì cọ pai); Đêm thứ hai (Tài nhầy dì cọ pai); Đêm thứ ba (Tài slam dì cọ pai); Đêm thứ tư (Tài slấy dì cọ pai); Đêm thứ năm (Tài ngẩu dì cọ pai).

Giải mã biểu tượng Chim - Cá - Hoa trong lối hát “Xắng cọ” của người Sán Chay ở tỉnh Thái Nguyên
Các nghệ nhân dân gian Sán Chay truyền dạy tri thức văn hóa dân gian trong đó có lối hát “Xắng cọ” cho thế hệ trẻ

 Những bài hát đêm này (hát cuộc) là những bài có sẵn được ghi chép bằng chữ Hán Nôm - do người Sán Chay lưu giữ. Gồm chủ yếu là lớp trí thức dân gian đã từng hành nghề Mo, Tào ở địa phương ghi chép lại. Số còn lại được ghi chép bằng chữ cái phiên âm la tinh Việt - Sán Chay còn lưu lại trong sổ tay của nam, nữ thế hệ trước đây. Các bài hát được quy định bằng số câu, số chữ nhất định, chủ yếu theo thể thất ngôn tứ tuyệt - một bài bốn câu, mỗi câu bảy chữ, đôi khi cũng xuất hiện câu chỉ có năm chữ. Với thể loại này, nếu người hát chỉ sai một vần hay một chữ thì khó có thể hát tiếp được. Trong thể loại hát ban đêm, thường hát với âm điệu kéo dài nhẹ nhàng, vừa phải khoan thai gần như hát ru và sử dụng lời láy để ngâm đệm.

Trong những bài hát “Xắng cọ” của dân tộc Sán Chay ở tỉnh Thái Nguyên, các nghệ nhân dân gian xưa đã tạo ra rất nhiều biểu tượng để diễn đạt tâm tư tình cảm của con người. Các biểu tượng này đều rất gần và có ý nghĩa khái quát tương tự như các biểu tượng dân ca của người Việt. Tuy vậy, nó vẫn mang cách cảm, cách nghĩ và lối thẩm mĩ riêng của đồng bào Sán Chay. Dưới đây là một số biểu tượng chúng ta thường gặp trong các bài hát “Xắng cọ” của người Sán Chay.

Biểu tượng “hoa”: Hoa là biểu tượng đẹp trong văn học dân gian. Nói đến hoa tức là nói đến vẻ đẹp. Hoa là biểu tượng được sử dụng tương đối nhiều trong những câu hát “Xắng cọ” của người Sán Chay. Hoa là đặc trưng cho cái đẹp, niềm kiêu hãnh là ước nguyện của bao con người Sán Chay ở đây muốn vươn tới cái đẹp. Đồng bào người Sán Chay phần lớn sống ở trên các vùng rừng núi bao đời nay nên cuộc sống của họ gắn liền với rừng cây, chim thú, sông suối, hoa thơm, quả ngọt khiến cho mỗi con người ở đây rất yêu hoa. Ở nhà, mọi người nhìn hoa qua cánh cửa, lên rừng nhìn hoa qua cành cây, xuống suối nhìn hoa lung linh trong dòng nước, hoa mọc rung rinh xung quanh con người. Cho nên hoa và đời người ở đây đã đi vào trong dân ca người Sán Chay thường tình, cụ thể và rất mộc mạc. Hình ảnh hoa xuất hiện với muôn màu muôn vẻ, đa dạng và phong phú. Có loài hoa trừu tượng, nhưng có những loài hoa cụ thể. Chẳng hạn như: Hoa sen, hoa mơ, hoa lý, hoa mẫu đơn, hoa liễu, hoa đào, hoa hồng, hoa hướng dương; hoa quý, hoa tiên, hoa đẹp, hoa tốt, hoa rừng, hoa phú quý, hoa đôi, hoa thơm...

Như vậy, chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của rất nhiều loài hoa trong những bài hát “Xắng cọ”. Từ lâu, hoa đã trở thành tiêu chuẩn thẩm mĩ của con người. Trong những lời hát “Xắng cọ”, hình ảnh “hoa” trở đi trở lại biểu trưng cho vẻ đẹp của con người, đặc biệt là người con gái. Để khẳng định cho vẻ đẹp đó, hình ảnh “hoa đẹp”, “hoa tiên” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần:

...Đường xa dạo đến ngắm đất phương

Nhìn thấy hoa quý chẳng dám thương

Chắp tay trước mặt chàng xin hỏi

Hoa tốt hoa đẹp là ai trồng?

Hoa còn là biểu tượng cho phẩm chất của người con người (hoa thơm, hoa quý), đó là tình yêu lòng chung thủy, tình cảm chân thành:

...Hoa tốt một đôi khác trăm đôi

Vàng tốt một lạng khác ngàn lạng

Người xa trăm người so với em

Ngàn lòng không so lòng em thật.

Loài hoa xuất hiện nhiều trong những câu “Xắng cọ” là hoa sen. Theo quan niệm dân gian thì hoa sen biểu tượng cho người con gái đẹp đẽ, cao quý. Trong những lời “Xắng cọ” thì hoa sen cũng được ví giống như người con gái:

...Chàng đến bước qua ao hoa sen

Được thấy hoa sen đôi sánh đôi

Được thấy hoa sen đôi đôi sáng

Chàng về ba năm ngủ không say

Trong số các loài hoa trừu tượng thì “hoa nở” cũng được nhắc đến rất nhiều lần. Nó biểu trưng cho người con gái đã có chồng hoặc người con gái đương thì, trẻ trung:

...Anh ở trên rừng quý hoa gỗ

Hoa quý đua nở đường đi thông

Quý hoa nở ở làng người khác

Có người trông coi rào vườn quanh.

Như vậy, biểu tượng “Hoa” trong dân ca Sán Chay mang nhiều nét nghĩa phong phú đa dạng nhưng nổi bật vẫn là lớp nghĩa: Hoa - biểu tượng vẻ đẹp của người con gái trẻ trung, rực rỡ, đằm thắm và nồng nàn.

Xuất phát từ những quan sát của dân gian về thế giới hoa cỏ trong thiên nhiên, các biểu tượng trên đã được hình thành. Mỗi loài hoa có những tính chất, đặc điểm không giống nhau, hay cùng một loài hoa nhưng ở các trạng thái khác nhau. Nhờ vào các biến thể này, biểu tượng không khô cứng, sáo mòn mà luôn được biến đổi một cách linh hoạt. Nói khác đi, ở mỗi biểu tượng vừa có yếu tố bất biến, vừa có những yếu tố khả biến. Các yếu tố bất biến khiến biểu tượng mang giá trị của công thức. Các yếu tố khả biến đem lại cho biểu tượng sự tươi mới, đa dạng. Công thức biểu tượng tồn tại được là nhờ vào sự kết hợp chặt chẽ giữa hai yếu tố trên.

Từ những bông hoa cụ thể trong đời sống cho đến những bông hoa biểu tượng trong dân ca Sán Chay là cả một quá trình quan sát, trải nghiệm, tích lũy... lâu dài của người Sán Chay. Để thể hiện nghĩa biểu tượng, hoa được đặt trong nhiều mối quan hệ, nhiều khía cạnh. Đó là hoa trong mối quan hệ với con người: hoa - người trồng, hoa - người hái, hoa - người mua, hoa - người tìm hoa; hoa trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên: hoa - đất; hoa - nơi trồng.

Như vậy, cùng với các biểu tượng khác trong dân ca Sán Chay, nhóm biểu tượng hoa cũng mang giá trị thẩm mĩ rõ rệt. Bên cạnh những lần xuất hiện với lớp nghĩa đen thuần túy, trong nhiều trường hợp, các loài hoa còn được người Sán Chay khoác cho biểu tượng. Nhóm biểu tượng hoa đã trở thành những tiểu đề tài để lứa đôi trò chuyện. Các biểu tượng hoa là trung tâm, là hạt nhân là mô típ nền tảng hình thành nên bài ca giao duyên khiến người thưởng thức nó có những ấn tượng khó quên về một lối nói năng, diễn đạt kín đáo, tao nhã, cô đọng, súc tích của “Xắng cọ” .

Biểu tượng “chim”: Hình ảnh “chim” được nhắc tới trong lời hát “Xắng cọ” khá nhiều. Trong đó có các loài như: - chim én, phượng hoàng, bạch hạc... Ngoài ra còn có chim đỏ, chim hồng… Những loài chim xuất hiện trong những lời hát “Xắng cọ” cũng có nhiều ý nghĩa. Bạch hạc (cùng với Khổng Tước, Anh Vũ, Xá Lợi... ) là những loài chim có màu sắc đẹp, giọng hót hay và quý hiếm. Các loài chim này được đề cập đến trong kinh Phật. Chúng hót lên những pháp âm vi diệu khiến người nghe pháp tâm niệm Phật. Bạch hạc là chim hạc trắng mỏ dài, chân cao, lông trắng, có khả năng bay rất xa, tiếng kêu lớn và thanh. Chim én gọi mùa xuân về, loài én đã trở thành một phần buồn vui của con người. Phượng hoàng - loài chim ngự trị trên tất cả các loài chim khác biểu tượng của đức hạnh, vẻ duyên dáng và thanh nhã.

Trong dân ca Sán Chay, biểu tượng chim biểu hiện của nhiều lớp nghĩa. Chim biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi:

...Biển khơi bằng phẳng tốt dựng nhà

Bên trong có đôi phượng hoàng bay

Bên trong chạm hoa cao có đôi

Hai cánh chéo nhau có đôi hoa.

Biểu tượng chim én, bạch hạc như thể hiện cho một khát vọng hạnh phúc lứa đôi và khát vọng tự do được gửi gắm trong các bài hát “Xắng cọ”. Khi khảo sát những lời hát “Xắng cọ”, chúng ta nhận thấy biểu tượng “chim” và “hoa” hay đi liền nhau. “Chim” là biểu tượng cho người con trai, “hoa” biểu tượng cho người con gái. Sự gắn bó, quấn quýt giữa “hoa” và “chim”:

...Trời xanh mây phủ, phủ bên rừng

Chim xuống quy châu để ngắm hoa

Nhìn thấy hoa đẹp nhiều tỏa sáng

Hoa đẹp tỏa sáng mơ hoa rừng

Lý giải sự xuất hiện của biểu tượng này trong dân ca Sán Chay xuất phát từ đặc điểm con người nơi đây, họ sinh sống gắn bó với núi rừng: Làm nương, làm rẫy, trồng ngô, trồng sắn... họ vào rừng để săn bắn, hái củi, hái lượm... và họ còn vào rừng để dạo chơi ca hát. Bởi vậy, núi rừng thân thiết với họ như nhà cửa, muông thú thân thiết với họ như bạn bè. Đã bao đời nay, người Sán Chay yêu rừng, gắn bó máu thịt không chỉ vì núi rừng cho cái nương, cái rẫy mà cho hoa thơm, quả ngọt. Rừng cây, hoa lá, chim muông là nguồn sống ngọt ngào như sữa mẹ không bao giờ vơi cạn trong những lời hát của người Sán Chay. Chính từ đặc điểm này mà người Sán Chay mới lấy hình ảnh chim làm biểu tượng cho thân phận và ước mơ của họ. Hình ảnh chim xuất hiện với tần số lớn trong dân ca. Mỗi loại chim lại mang những đặc trưng ý nghĩa khác nhau, có khi phải tùy thuộc vào hoàn cảnh chúng ta mới thấy hết nội dung, ý nghĩa của chúng.

Giải mã biểu tượng Chim - Cá - Hoa trong lối hát “Xắng cọ” của người Sán Chay ở tỉnh Thái Nguyên
Lớp nghệ nhân dân gian trẻ người Sán Chay ở tỉnh Thái Nguyên

Biểu tượng “cá”: Trong những lời hát “Xắng cọ”, chúng ta thấy hình ảnh cá cũng là một hình ảnh được tái hiện nhiều lần. Biểu tượng “cá” trong những lời hát “Xắng cọ” cũng là biểu tượng cho người con gái:

...Chàng khôn khéo liễu nhi

Xuống sông rửa tay nhìn cá lượn

Mắt nhìn cá lượn không bắt được

Mắt nhìn hoa đẹp chẳng kết duyên.

Và khi người con gái mình yêu thương đi lấy chồng thì sự tiếc nuối, niềm đau xót trong chàng trai càng nhân lên gấp bội. Bởi người con gái đã đi lấy chồng giống như “chim vào lồng”, “cá cắn câu” trong một bài ca dao của người Kinh:

…Xuống sông rửa tay cùng đất đá

Cá ra ghềnh thác chẳng mong quay

Em đi lấy chồng không mong trả

Tiếc thay mình em sớm lấy chồng

Biểu tượng hoàn toàn là một thực thể độc lập trong môi trường văn hóa, bởi vậy nó không nhất thiết phải xuất hiện trong mối quan hệ nào đấy thì mới có giá trị biểu nghĩa. Tuy nhiên, khi đặt biểu tượng trong trạng thái sóng đôi đã gia tăng giá trị biểu đạt cho các biểu tượng nhờ hiệu quả của sự cộng hưởng ngữ nghĩa. Trong quá trình tìm hiểu, chúng ta nhận thấy biểu tượng “cá” xuất hiện sóng đôi với biểu tượng “nước”. Đây là mối quan hệ tương hỗ:

…Cá với nước liễu nhi

Phép thần không lìa oán ý dạo

Mong được cùng anh uống chén nước

Sớm sớm chăm sóc bố mẹ em

Trong lời ca, chàng trai và cô gái mong muốn kết duyên để chăm sóc bố mẹ cô gái (theo phong tục người Sán Chay, khi chàng trai ở rể).

Có thể nói, lối nói chuyện bằng biểu tượng (Hoa - Chim - Cá) đã tạo nên một phong cách rất riêng cho “Xắng cọ”. Với số lượng biểu tượng và biến thể phong phú, nhóm tín hiệu thẩm mĩ dân gian này đã có điều kiện để tham gia vào nhiều bài dân ca Sán Chay trong quá trình sáng tác của các nghệ nhân xưa. Việc sử dụng những hình ảnh mang tính biểu tượng đã tạo những trường liên tưởng phong phú, những ý nghĩa sâu sắc đến người đọc. Những biểu tượng trong dân ca Sán Chay vừa mang nét nghĩa chung trong hệ thống biểu tượng của thơ ca trữ tình dân gian lại có những nét độc đáo riêng của dân tộc này. Những biểu tượng này : “Chim - Cá - Hoa” chính là quan niệm về “Thiên - Địa - Nhân”, quan niệm về thế giới có 3 cõi (thiên đường, mặt đất, âm phủ) của người Sán Chay, một quan niệm về sự hài hòa trong thế giới. Nó góp phần tạo nên tính hàm súc, giàu hình ảnh, giàu ý nghĩa của “Xắng cọ”.

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy