Gặp lại mùa xuân
VNTN - Đoàn xe rước dâu khuất sau ngã rẽ, Kiên vẫn đờ đẫn ngây dại. Kỷ niệm những năm tháng yêu nhau ập tới. Bao lời thề non hẹn biển thốt ra từ bờ môi xinh xắn của Ly làm miệng anh khô khát, đắng chát. Dòng tin nhắn trên điện thoại nhảy múa xiêu vẹo: “Ai cũng phải chọn cho mình một con đường. Anh và em dù yêu nhau thế nào đi nữa, cũng đến lúc phải dừng lại. Tình yêu sâu sắc và thiêng liêng vẫn cần cái nuôi dưỡng nó. Em sẽ mãi trân trọng tình cảm của anh dành cho em. Chúc anh thành đạt và tìm được một nửa đích thực của cuộc đời. Tha lỗi cho em!”.
Chưa bao giờ Kiên thấy lòng mình hoang hoải trống rỗng đến thế. Cơ thể anh như bị tung lên cao và ném xuống dòng sông cuộn xiết. Lúc nhìn Ly bước ra xúng xính trong bộ váy cưới, mọi ức chế và cảm xúc đớn đau dồn nén bấy lâu bùng lên dữ dội. Chú rể không ai khác chính là con trai của sếp Ly. Thì ra “cái nuôi dưỡng” tình yêu cô ta tâm niệm chính là vậy. Thứ anh và Ly có với nhau chỉ là cảm giác phù phiếm nhất thời, bất luận nó có thể làm con người ta mù quáng ngộ nhận.
Mùa xuân ngập tràn với ánh nắng ấm áp và muôn vàn nhành lộc non biếc nõn. Kiên vẫn thấy mình như bị một lớp mây đen đặc vần vũ với chớp bão kèm thanh kiếm sắc chém vào da thịt.
Chợt nhớ mình đang nổ máy xe, Kiên sập kính mũ bảo hiểm, vòng tay lái chầm chậm lướt qua nhà hàng, nơi những xác pháo giấy đón dâu vương đầy trước cửa.
* * *
“Không phải hoàn cảnh thay đổi con người, mà là con người thay đổi hoàn cảnh”. Với Kiên lúc này, câu nói mang tính minh triết của ai đó thật vô nghĩa. Ngày Ly mới vào đại học, cô sinh viên năm nhất hồn nhiên trong sáng, đến với Kiên bằng cả tấm lòng và sự khao khát được dâng hiến. Bốn năm yêu nhau cũng là ngần ấy thời gian chia ngọt sẻ bùi, đầy ắp kỷ niệm vui buồn, hờn giận. Kiên quyết định ở lại thành phố này, ngoài mong muốn tìm việc làm đúng chuyên ngành đã học, có lẽ còn từ lực hút ở Ly.
Cái được mất mong manh và tình yêu cũng thật mong manh. Biết nhà Ly nghèo, bố mất sớm, mẹ Ly một nách nuôi hai em, Kiên đã không nề hà vượt lên tất cả và làm đủ mọi việc. Hàng tháng anh đỡ đần Ly một khoản chi phí nhất định. Tốt nghiệp đại học Ly được nhận vào làm việc tại công ty Hưng Thịnh. Cũng từ ấy Ly nhạt dần…
Đã nhiều ngày nay, Kiên làm việc đến kiệt sức không khác rô bốt lập trình sẵn. Tâm trạng rối bời, anh cố gắng không cho phép mình sơ sểnh, vì sơ sểnh một chút thôi là có thể bị vứt ra đường… Trong chiếc tủ nhỏ kê góc gian phòng trọ, tấm bằng đại học chuyên ngành tự động hóa bị Kiên lẳng vào hộc, coi như đồ bỏ, bởi từ ngày ra trường, nó chỉ là thứ vô dụng, đôi khi còn bị gây khó dễ.
Để thực hiện ước mơ, trên giảng đường Kiên đã cố gắng rèn luyện tốt. Gia đình Kiên chỉ có mấy sào ruộng, tài sản lớn nhất bố mẹ chắt chiu, ấy là tạo điều kiện cho con học chữ. Giờ công việc của Kiên hàng ngày là xúc rửa các loại đồ nhựa phế thải đưa vào máy băm vê, chưa đầy 10 phút để ông chủ đào tạo được cả tá thợ lành nghề. Lao động vất vả nhưng Kiên cảm thấy mình may mắn, bởi dẫu sao thu nhập cũng ổn định hơn lũ bạn chạy xe ôm.
Nhiều người bạn tốt nghiệp cùng khóa với Kiên hầu hết đang phải kiếm sống với những việc chẳng cần bằng cấp. Kiên không hiểu tại sao họ mở nhiều trường đại học như vậy, có nơi bất chấp quy định hạ điểm chuẩn để tuyển sinh. Tệ hại hơn khi không thể hạ điểm sâu, họ mở các lớp trung cấp, cao đẳng rồi bày đặt hệ liên thông lên đại học. Trang bị kiến thức cho mọi người là cần thiết, nhưng kiến thức ấy liệu có thực chất và phục vụ gì cho xã hội? Bao gia đình làm nghề nông đầu tắt mặt tối, dành dụm tiền bán từng cân thóc, thậm chí vay tiền ngân hàng cho con nộp học phí, nhưng sinh viên ra trường rất ít có cơ hội tìm được việc làm. Chẳng lẽ những người có trách nhiệm, với danh xưng này nọ đầy mình, không đủ trình độ để tính toán nổi nhu cầu của xã hội hay sao?
Đi làm về Kiên chỉ còn biết vùi đầu vào màn hình máy tính xử lý tình huống trong các trò chơi công nghệ mạo hiểm. Kiên biết sức chịu đựng của bất kỳ ai cũng đều có giới hạn, điều cần có là phải tạm quên tâm trạng đôi lúc cùng quẫn, không để mình gục ngã, buông xuôi.
Nếu nói tình yêu có sức mạnh phi thường, nó cho con người ta sức mạnh và sự tự tin đối mặt với thử thách khó khăn, chắc chắn cũng có lý. Hồi chạy vạy các cửa xin việc, nơi nào Kiên cũng được nhận cái lắc đầu hoặc nụ cười đầy ẩn ý. Đợt thành phố tuyển hơn trăm kỹ sư cho các ban quản lý dự án. Ngày thông báo kết quả kỳ thi tuyển dụng, cũng là ngày Kiên chết sững và vỡ lẽ thêm nhiều điều. Ông bảo vệ cơ quan Kiên vẫn ghé chơi mỗi lần đến làm thủ tục, kéo Kiên vào phòng, ái ngại: “Bác định nói với cháu từ đầu, e làm cháu nhụt chí. Họ thông báo cho ra vẻ đúng quy trình. Dự thi đạt… họa hoằn lắm…! Chắc cháu nghe câu: “Hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, đồ đệ…”. Biết chuyện, Ly ôm anh trong vòng tay dịu dàng thủ thỉ: “Em còn gần năm nữa mới xong, chả giúp gì anh được. Năng lực của anh, không làm cơ quan này thì công ty khác. Phải kiên nhẫn anh ạ!”.
Để sống, Kiên không có thời gian suy nghĩ nhiều. Sáng chạy xe ôm, chiều bưng bê dọn dẹp nhà hàng và trăm thứ việc linh tinh khác miễn có tiền… Kiên khỏa lấp nỗi thất vọng bằng tình yêu và những ngày như thế.
Một công ty điện tử cần lao động với mức lương hấp dẫn, Kiên lại không thể bỏ qua. Ông trợ lý nhân sự xem qua hồ sơ, nhún vai: “Rất tiếc, công ty chúng tôi không cần người đã tốt nghiệp đại học. Anh có thể vào làm việc nếu hồ sơ không có bằng cấp này”. Cạy cục nhờ vả qua mấy cửa, ông chủ tịch xã mới thò bút ký cho Kiên bản lý lịch xác nhận chưa học xong phổ thông. Không may vào làm việc chưa lâu, công ty điện tử đổi chủ và chuyển đổi mặt hàng sản xuất. Số công nhân mới phải ngừng việc để công ty cải tạo nhà xưởng. Qua mai mối, Kiên lại xin vào làm việc tại xưởng sản xuất nhựa. Kiên đã bươn trải thực sự, hầu như không cần lo cho mình để giúp Ly và một phần đỡ đần bố mẹ…
* * *
Về đến phòng trọ trời đã nhá nhem tối, vắt chiếc áo bảo hộ lao động bết mồ hôi lên ghế, Kiên bật máy tính vào facebook. Dòng cập nhật trạng thái nhấp nháy hiện lên dòng chữ: “Bạn đang nghĩ gì?” Không cần suy tính, anh khua mạnh các ngón tay trên bàn phím: “Ta đang nghĩ học để làm gì?”. Chưa đầy một phút, tiếng chuông điện thoại réo vang. Giọng Tân đầy lo lắng: “Mày đi làm về rồi chứ? Chán đời hả? Ở yên đấy, tao kiếm cái gì nhậu. Đêm nay tao ngủ với mày!”. Tân là bạn học từ nhỏ với Kiên. Lên đại học, Tân học ngành công nghệ thông tin. Ra trường, Tân cũng đôn đáo tìm việc và may mắn kiếm được chân nhân viên công ty truyền thông quà tặng, thu nhập cũng khá, nhưng như Tân nói: “Tối ngày chát chít bán hàng online, chả cần cái lập trình mẹ gì cũng làm được”.
Tân đến, đặt túi đồ ăn chế biến sẵn và chai rượu lên bàn, càu nhàu:
- Quên con Ly đi. Làm thằng con trai phải mạnh mẽ. Giận cá chém thớt tao thấy thế nào ấy… Thôi bỏ. Đâu sẽ có đó. Cái chính là phải nghĩ để dùng kiến thức kiếm tiền. Tao là thằng thực dụng…!
Kiên tư lự:
- Tao cũng tính nát óc. Xin việc thì họ bảo không cần. Muốn làm ăn phải có vốn. Gia đình chắt bóp từng đồng… Giờ không thể làm khổ thêm những người thân nữa. Lo được tý nào để sống phải lo.
- Tao nghe ai đó nói: Thành đạt từ không có tiền là vô thường. Thành đạt từ có tiền là bình thường.
- Từ lý thuyết đến thực tiễn là cả một vấn đề. Khối thằng chết vì lý thuyết suông.
Tân tỉnh bơ như chẳng thèm nghe. Vốn là bạn bè thân thiết “củ khoai luộc bẻ đôi”, từng nhận mình là kẻ vô lo bất nghĩ, đã có lần Tân mắng Kiên: “Kệ bố đời, nghĩ làm chó gì cho rước khổ vào thân?”. Tân thường ăn nói bỗ bã, nhưng thẳm sâu trong tâm tưởng là những suy nghĩ không hề nông cạn.
Kiên thủng thẳng:
- Tao tính đi xuất khẩu lao động, ba bốn năm có đồng ra đồng vào, có khi mới nghĩ khác được…
Tân ngẩn người:
- Mồ hôi ông bà già mày bao nhiêu năm giời…!
- Thế tao với mày học xong cũng để làm gì? - Kiên dướn đuôi lông mày, vặc lại.
- Nhưng… kiếm ăn xứ người cũng không hẳn dễ. Đó chỉ là bất quá!
Có vài chén rượu, lại thêm cốc nước trà xanh Tân hãm đặc sánh, cả hai nằm khểnh tới tận khuya tào lao đủ thứ chuyện. Hồi học mẫu giáo, Tân đã nổi tiếng nghịch ngợm, hay chuyện và luôn xăng xái giúp đỡ bạn bè. Cô giáo thấy Tân nhanh nhẹn liền phân làm tổ trưởng một tổ hơn chục bạn. Đi làm đồng về đón con, biết chuyện mẹ Tân hỏi: “Thế tổ trưởng thì con làm gì?”. Tân tỏ ra hãnh diện: “Con trải chiếu, lấy gối cho các bạn ngủ”. Có lần Tân lén đập lợn đất, mang tiền mừng tuổi nhờ cô giáo mua bỏng ngô chiêu đãi cả lớp, vì được các bạn khen tổ trưởng. Lớn thêm một chút vào năm học lớp bốn, Tân lẳng lặng nhịn ăn sáng dành tiền giúp một bạn gái trong lớp chăm mẹ bị tai nạn giao thông. Khi cô bạn nức nở khóc kể lại trong giờ sinh hoạt Đội, cả lớp mới biết chuyện và càng nể phục Tân. Năm học cấp ba, dù học rất giỏi, Tân mấy lần có ý định bỏ học vì bố đau yếu, công việc đồng áng bận rộn. Kiên thưa chuyện với cô giáo và vận động các bạn ngoài giờ học từng tốp luân phiên nhau đến giúp gia đình Tân mọi việc…
Khuya. Như đã suy nghĩ lung lắm, Tân ngập ngừng:
- Mày đừng trách con Ly nữa. Tao nghe nói mẹ nó bị bệnh… Nó lại còn hai đứa em.
Kiên lại không kìm nổi cơn giận:
- Tiên sư nó! Nếu nó nói với tao một… câu.
- Đấy! Đến tao mà mày còn phát khùng… Nó gặp mày để tan xác pháo à? Có trong điều kiện cụ thể mới biết.
Kiên nằm im. Hình ảnh Ly với nụ cười thánh thiện năm nào hiện lên làm tâm trí anh rối bời.
Mờ sáng, Tân vội vã trở dậy ra về. Trước khi nổ máy xe, Tân bặm môi:
- Bọn mình không thể vất đi ngần ấy năm…!
Kiên ngây người nhìn theo bóng Tân khuất dần sau con hẻm, đầu căng như dây đàn với bao suy tính từ câu nói của Tân. Quá khứ, thực tại đan xen, pha trộn lẫn lộn và cả ánh mắt người làng như gửi gắm điều gì đó thắp lên day dứt.
Thực ra ngoài những lúc buồn chán và suy nghĩ bồng bột, không hẳn Kiên buông xuôi. Nhiều ngày nay anh nung nấu một hướng đi khác, một hướng đi bắt đầu từ làng. Cuộc sống suy cho cùng là phải luôn nỗ lực không ngừng, dù đối mặt với khó khăn vất vả và day dứt trước những lựa chọn.
Với những va vấp, trải nghiệm và kiến thức đã học, Kiên muốn làm một cái gì đó để nuôi mình từ đồng đất ấy và góp phần xây dựng làng quê đẹp hơn, bớt nghèo khó… Nhưng bằng cách nào?
* * *
Kiên về quê với bao suy tư. Làng quê anh mấy năm nay đã đổi thay nhiều. Đường làng ngõ xóm đều được bê tông hóa. Các mái nhà rạ rơm đã thay bằng lớp tôn màu đủ loại. Nhấp nhô những ngôi nhà tầng xây dựng bằng tiền của con cái đi xuất khẩu lao động. Làng xóm vắng tanh, phần lớn trai gái đã kéo nhau ra thành phố kiếm việc. Nhiều thửa ruộng hoang hóa, cỏ mọc um tùm. Người làng không còn thiết tha với đồng ruộng, bởi sản phẩm nông nghiệp thị trường tiêu thụ bấp bênh, thu nhập không ổn định. Cả vụ hoa màu không bằng tháng lương ra Hà Nội làm ô sin.
Nhiều ngày liền, Kiên đi vòng quanh làng, lội ruộng qua các bờ vùng bờ thửa. Bước chân của anh đặt lên từng chân ruộng như hồi còn thơ bé. Thuở ấy, cánh đồng mùa nào cũng bạt ngàn khoai lúa, giờ ít người mặn mà canh tác. Các thửa ruộng tuy vẫn vuông vức trải dài nhưng lỗ chỗ các mảng màu: Vạt đã ngả vàng của mùa lúa sắp chín, vạt xanh nõn của rau chen màu cỏ sẫm sạm trên các vạt ruộng bỏ hoang. Những vạch cắt sáng lóe lên trong óc nối các mảng màu làm Kiên sững sờ. Một ý niệm về sự kết nối hiện ra thấp thoáng…
Những người con của làng quê không thể bỏ làng tha hương kiếm sống. Họ cần phải trở về. Các loại sản phẩm sạch phải được sản xuất trên chính bờ xôi ruộng mật của quê hương. Cánh đồng làng phải trở thành một vùng chuyên canh nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Không còn là ý niệm mà là một quyết định. Kiên rút điện thoại bấm số của Tân…
Ông chủ nhiệm hợp tác xã, sau buổi cùng Kiên làm việc hồ hởi:
- Xã có nhiều chủ trương phát triển sản phẩm nông nghiệp, nhưng cái khó nhất là lo đầu ra. Bọn tôi cũng chạy đôn chạy đáo, nhưng khả năng có hạn. Vào vụ, chỉ bán chậm vài ngày là đổ bỏ. Chán, chả mấy người gắn bó với đồng ruộng…
Kiên quên ăn quên ngủ. Lần này thì không phải vì mối tình với Ly đổ vỡ, mà là anh cùng Tân và nhóm bạn tiến hành triển khai dự án khởi nghiệp. Cuộc sống luôn tồn tại phát triển trong vận động. Kiên không hẳn mang nghề nghiệp mà là mang tư duy hình thành từ kiến thức áp dụng vào thực tiễn. Một núi công việc cuốn những người trẻ vào guồng quay mới của cuộc sống.
Với sự giúp đỡ từ các cơ quan hữu trách, việc kiểm tra đánh giá diện tích, sản lượng rau màu được tiến hành. Sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của làng và trên toàn xã, từng canh tác manh mún nhỏ lẻ, được bà con tập trung sản xuất. Các thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, bảo hộ thương hiệu, kiểm nghiệm chất lượng cũng được thực hiện nghiêm túc. Kiên rốt ráo xác lập mã số định danh hộ gieo trồng, xây dựng tem truy xuất nguồn gốc, liên hệ cung ứng sản phẩm cho hệ thống siêu thị, cửa hàng. Nhân Tháng Thanh niên, các tổ chức Đoàn đã giúp đỡ Kiên tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm nông sản làng quê tại một trong những siêu thị lớn nhất thành phố…
Dự án khởi nghiệp kết nối, quản trị và phát triển sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, xúc tiến tiếp cận thị trường thương mại điện tử thu hút được sự quan tâm cua nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng. Một số công ty ủng hộ ý tưởng và hợp tác liên danh triển khai dự án. Bên cạnh diện tích sản xuất nông sản của bà con, khu sản xuất sản phẩm công nghệ cao được xây dựng. Một nhà máy chế biến sản phẩm dần hình thành. Siết chặt tay Tân, Kiên trầm tư:
- Những công ty như thế này, họ có thừa khả năng giải quyết mọi vấn đề. Để trở thành đối tác tin cậy của nhau, ta phải suy nghĩ khác, tìm lời giải khác từ các khía cạnh tương quan. Chỉ sáng tạo thôi chưa đủ…!
* * *
Một ngày đầu năm mới, căn nhà bên con đường có ngã rẽ vào làng được trưng lên tấm biển “Công ty truyền thông và phát triển công nghệ VLQ”. Kiên giới thiệu với mọi người các ký tự: “Đó là chữ viết tắt của “Vì làng quê”.
Chuông điện thoại rung nhẹ, màn hình hiện lên dòng tên của Ly. Kiên ngần ngừ giây lát và miễn cưỡng nhấn kết nối: “A lô tôi nghe!”. Giọng Ly khẽ khàng: “Xin anh đừng xưng tôi với em. Chúc mừng anh và chúc anh tiếp tục thành công trên con đường đã chọn!”. Kỷ niệm mối tình xưa lễnh lãng như sương khói... Không thể cố chấp để trái tim mình hằn lên nỗi đau. Có lẽ kiệm lời sẽ là giải pháp tốt nhất để thanh thản, Kiên còn cả núi công việc đang cần xử lý. Anh cảm ơn và lịch sự xin ngắt máy.
Kiên mở cửa bước ra hiên nhà, chậu đào phai hôm nào còn chúm chím nụ giờ đã bật lên những cánh hoa. Như một lời ước hẹn, sau những ngày đông giá lạnh, thiên nhiên lại ban tặng đất trời cảnh sắc thật quyến rũ. Trong ánh ban mai vàng sánh như mật, làn gió bấc chỉ còn lay phay rắc nhẹ chút se lạnh trên những nhành lộc non biếc nõn. Dưới mặt trời, ngàn hoa và tiếng chim tạo nên giai điệu huyền diệu về mùa xuân. “Vạn sự khởi đầu nan”, những bước đi ban đầu bao giờ cũng nhiều khó khăn và đầy cạm bẫy. Nhưng nếu không bước đi, sẽ chẳng bao giờ đến đích.
Con đường nắng ngập tràn, dòng người xe nối tiếp nhau hối hả lao về phía trước. Kiên tin mình đã đúng khi trở về và gặp lại mùa xuân quê hương.
Truyện ngắn. Phan Thái
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...