Gameshow trên truyền hình Việt có cần giám sát?
VNTN -Lâu nay những tai tiếng về gameshow trên truyền hình Việt ảnh hưởng đến nhiều vấn đề trong đời sống văn hóa cộng đồng được nhắc đến nhiều. Nhưng hình như càng nhiều tai tiếng thì càng “đắt” show, như sự cố tình chiêu trò để PR bất chấp những hậu quả sau đó, thậm chí vi phạm luật. Cũng tới lúc các cơ quan quản lý nên có những quy phạm giám sát để các chương trình văn minh, văn hóa hơn, tính giáo dục thẩm mỹ cao hơn…
Gần như ngày nào mở các kênh truyền hình Việt đều có ít nhất 1 gameshow/ kênh. Ngay cả không phải phát trực tiếp thì cũng là phát lại của hôm trước. Chưa kể ngoài gameshow Việt còn phát sóng cả gameshow nước ngoài (format gốc)… Có cảm giác truyền hình Việt hiện tại, gameshow thống trị chương trình giải trí. Và cũng vì nhiều, nên phải có sự cạnh tranh “giành” khách, câu rating, nên các gameshow có nhiều chiêu trò khác lạ, thậm chí càng lạ càng có kịch tính, bất chấp những quy chuẩn đạo đức văn hóa, nhân văn… miễn càng có thể gây chú ý…, dẫn đến có rất nhiều phản cảm trong giáo dục thẩm mỹ và đạo đức, cũng như văn hóa cộng đồng.
Điều quan trọng là chưa thấy cơ quan quản lý nào lên tiếng hay có những quy phạm điều chỉnh. Phải chăng khâu giám sát của các cơ quan quản lý văn hóa đã bị bỏ lơ để mặc các nhà sản xuất gameshow tự do tung hoành kiếm lợi nhuận?
Gameshow như ma trận trên truyền hình
Theo thống kế của một công ty chuyên về cung cấp các giải pháp quảng cáo trên truyền hình thì năm 2016, Việt Nam riêng gameshow hài hước có đến 30 chương trình với đủ các thể loại từ ca nhạc, diễn xuất đến vận động, thử thách phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam và các đài địa phương. Có đến hơn 85% gameshow được phát sóng vào các khung giờ từ 10h - 14h và 18h - 22h mỗi ngày. Giống như một ma trận, chọn gameshow nào để xem quả là một thách thức không chỉ với nhà sản xuất mà còn với khán giả hàng đêm.
Quá nhiều gameshow khiến khán giả bội thực vì bị "bội thực". Ảnh: vietnamnet.vn
Đa phần các gameshow trên truyền hình hiện nay hầu hết do các nhà sản xuất tại TPHCM như: BHD, Cát Tiên Sa, Truyền thông Khang, Đông Tây Promotion, Điền Quân Media... mua bản quyền từ nước ngoài về Việt hóa, “biến tấu” để sản xuất, phát sóng. Mỗi nhà sản xuất lại nắm giữ “quyền” lên sóng gameshow ở một số kênh thuộc các Đài truyền hình trung ương, địa phương. Và gần như vì có “quyền” nên những gì diễn ra trong gameshow thuộc về nhà sản xuất.
Công ty Cát Tiên Sa có thể nói là “đại gia” số 1 trong làng giải trí có nhiều chương trình gameshow và nắm giữ VTV như: The Voice, The Voice Kids, Dancing With The Stars (Bước nhảy hoàn vũ), Just The Two of Us (Cặp đôi hoàn hảo), Fashion Star (Ngôi sao thiết kế Việt Nam), Thần tượng Bolero, The Remix, The Face, Sing My Song... Và Cát Tiên Sa cũng là “đại gia” chiêu trò, dính nhiều scandal nhất trong các gameshow trên truyền hình… Từ chỗ là nhà sản xuất gameshow, BHD nhanh chóng chuyển sang kinh doanh các gameshow thực tế: Vietnam Idol, Vietnam's Got Talent, MasterChef, Amazing Race (Cuộc đua kỳ thú), Big Brother (Người giấu mặt), Star Academy (Học viện ngôi sao), Hoa khôi áo dài - đường đến vương miện, Khởi đầu ước mơ... Tuy nhiên, cũng giống Cát Tiên Sa, BHD cũng muốn dùng chiêu trò theo kiểu scandal ở một số chương trình, tạo sự chú ý của khán giả…
Đông Tây Promotion thì nhanh nhạy trong nắm bắt thị hiếu khán giả, đang rất “ăn khách” ở các gameshow ca nhạc, nhảy sang lĩnh vực gameshow hài cũng “thắng” nên càng nổi tiếng hơn. Làm “Thần tượng âm nhạc” đầu tiên với hai mùa đầu thành công, sau đó nhượng lại cho BHD, tập trung sản xuất những chương trình đa dạng không chỉ về âm nhạc, như: “Người bí ẩn”, “The Winner Is”, “Tuyệt đỉnh tranh tài”, “So You Think You Can Dance”, “Song đấu”, “Bí mật đêm chủ nhật”, “Ơn giời! Cậu đây rồi”, “Chuẩn cơm mẹ nấu”, “Đàn ông phải thế”, “Hội ngộ danh hài”, “Ngạc nhiên chưa”, “Siêu bất ngờ”, “Kỳ phùng địch thủ”, “Kỳ tài thách đấu”… So với hai “đại gia” Cát Tiên Sa và BHD, dù ít scandal hơn nhưng cũng có nhiều show hài quá đà, phản văn hóa khiến người xem phản ứng, tiêu biểu nhất là “Ơn giời! Cậu đây rồi”… Multimedia cũng có tiếng và miếng với 2 gameshow thực tế về thời trang khá đắt khách là “Vietnam's Next Top Model” và “Project Runway”. Công ty này cũng thực hiện loạt chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc nhí “Đồ Rê Mí”, tổ chức Tuần lễ thời trang quốc tế tại VN… Nhưng cũng vì áp lực chỉ số raiting cạnh tranh với các gameshow khác, nên dù ít gameshow, cũng luôn tạo những scandal gây kịch tính ngay từ những tập đầu của gameshow, nhằm hút khán giả về mình.
Gần đây, trong giới sản xuất truyền hình thực tế, gameshow lại có thêm sự cạnh tranh của những “thiếu gia”. Nổi lên một loạt tên tuổi mới trong làng giải trí, truyền thông, như công ty truyền thông và giải trí Điền Quân, Khang Media, Jet Studio, Sóng Vàng… Điền Quân mới xuất hiện đã ghi điểm với những chương trình ăn khách như: “Thách thức danh hài”, “Đấu trường tiếu lâm”, “Người hùng tí hon”, “Thiên đường ẩm thực”, “Giọng ải, giọng ai”, “Tuyệt chiêu siêu diễn”, “Căn hộ trong mơ”… Tiếp đó là Sóng Vàng với “Khắc nhập khắc xuất”, “Hãy xem tôi diễn”... và đặc biệt là “Gương mặt thân quen”, “Gương mặt thân quen nhí”. Khang Media có “Tình Bolero”, “Solo cùng Bolero”, “Cười xuyên Việt”, “Ngôi sao phương Nam”, “Hát vui, vui hát”, “Dấu ấn”, “Tôi tỏa sáng”, “Hát cùng mẹ yêu”... Truyền thông Jet Studio có “Diêm vương xử án”, “Làng hài mở hội”, “Cười xuyên Việt”, “Chuyện của sao”, “Sao nối ngôi”, “Tiếu lâm tứ trụ”, “Hãy nghe tôi hát”, “Cặp đôi hài hước”…
Ngoài các chương trình gameshow có format gốc, hiện còn một xu hướng mới cũng manh nha làm mưa làm gió trong tương lai, là nhà sản xuất mua chương trình mới ở dạng “format giấy” của nước ngoài (nội dung mới chỉ được viết ra nhưng chưa từng sản xuất) như chương trình Sensational (Tuyệt đỉnh giác quan), Hidden voices (Giọng ải giọng ai) và Little but special (Biệt tài tí hon)… Và do tính chất mới mẻ, chưa có bản gốc, nên xu hướng gameshow “format giấy” này cũng là kỳ phùng địch thủ của các chương trình gameshow kia.
Với mật độ sản xuất dồn dập gameshow như thế thì áp lực có được một chương trình hút khán giả càng gặp khó. Những lặp lại, nhàm chán, thậm chí giả tạo khó tránh khỏi không chỉ với chiêu trò, với gương mặt ban giám khảo, thí sinh, mà ngay cả những nhận xét cũng trở nên nhạt, thiếu ngôn từ, thiếu cảm xúc, thiếu chính xác.
Và để “chiếm” khách tham gia, hay “câu” thí sinh, nhiều gameshow đã lạm dụng chiêu trò phản cảm, thiếu văn hóa, văn minh, thậm chí thiếu nhân văn để làm scandal, một cách tạo “sóng” để được chú ý. Nhiều gameshow đã bị khán giả tẩy chay, nhiều gameshow chỉ “sống” vài mùa, nhiều gameshow “chết” sau 1 mùa.
Cần có sự giám sát gameshow
Rating của nhiều gameshow đang giảm mạnh từ những tháng cuối năm 2016 đến đầu 2017. Thực trạng này ngầm báo về sự quay lưng của khán giả đối với các gameshow. Và gameshow liệu có thể “sống” khỏe nhiều mùa nếu cứ để thực trạng này kéo dài?
Một quán quân “Thách thức danh hài” đoạt giải nhờ trò diễn hài lố bịch thô tục, thậm chí ngôn từ khá mất vệ sinh, có thể xem là tài năng để học hỏi? Tính giáo dục thẩm mỹ, dù chỉ là giải trí có thể ở một tiết mục quán quân kiểu này? Ngay một nghệ sĩ hài ngồi ghế giám khảo của nhiều gameshow cũng có những phát ngôn thô thiển với khán giả và thí sinh, thì liệu những gì gọi là chất lượng của gameshow còn giá trị? Giám khảo ngoài chiêu trò sống sượng, phát ngôn thiếu kiểm soát, châm chích nhau cay nghiệt, khai thác đời tư thí sinh thiếu nhân văn, ngay cả trang phục khi ngồi ghế “nóng” cũng rất “tạp”, nếu không “khoe” thì cũng như một thứ thời trang lai tạp xấu xí, khó mà gọi là thẩm mỹ…
Khách mời khóc thét khi bị đẩy vào bồn nước chứa đầy rắn hay nghệ sĩ hài chọc cười người xem bằng những trò lố vô duyên…
Những gì đang diễn ra ở các gameshow cũng đang tạo nên một “style” sống khá bất an của giới trẻ. Trẻ em không thích hát bài của lứa tuổi mình mà chỉ chọn hát bài người lớn, người Việt mà chỉ thích hát tiếng Anh dù chưa tròn vành rõ chữ, thậm chí chẳng hiểu gì, giới tính đảo lộn: nam thích mặc váy lên sân khấu, còn phụ nữ thì thích mặc theo kiểu con trai…
Rõ ràng đã đến lúc cần phải có sự vào cuộc, sự điều chỉnh của cơ quan quản lý. Vì nhìn vào thực tế hoạt động truyền hình hiện nay thấy rất khó để kiểm soát vì bản thân nhà đài cũng không thể kiểm soát được. Các chương trình này đều theo hình thức liên doanh, liên kết nhưng thực chất là bán sóng, nhà đài chi phối vào đó rất ít. Nếu không có biện pháp quyết liệt thì sẽ dẫn đến thị hiếu lệch lạc trong giới trẻ. Các cơ quan quản lý cứ thả trôi thiếu giám sát thì sẽ làm hỏng một thế hệ khán giả trong tương lai.
Cho dù gameshow là chương trình giải trí, nhưng cũng rất cần phải có văn hóa, tôn trọng khán giả, và ở một khía cạnh nào đó, là một kênh giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật với công chúng khán giả, nhất là với các gameshow tìm kiếm tài năng... Những gì đang diễn ra ở các chương trình gameshow trên truyền hình Việt không phải là truyền thông để tôn vinh. Ngay lúc này rất cần có một sự giám sát của cơ quan quản lý, có những quy chế, quy phạm rõ ràng không chỉ ở kịch bản chương trình, mà còn “siết” cả ngôn từ giám khảo, hay những trò lố kém văn hóa. Cũng cần giám sát cả các nhà sản xuất, không nên vì lợi nhuận kinh doanh mà thả nổi cho họ thao túng chương trình theo ý đồ, bất chấp những hành vi phản cảm thiếu văn hóa.
Minh Châu
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...