Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
05:05 (GMT +7)

Duyên nợ với Báo Văn nghệ Thái Nguyên

VNTN - Tôi không ở Thái Nguyên, thuở nhỏ chỉ biết và yêu Thái Nguyên qua thơ Tố Hữu “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế”, và câu nói cửa miệng “Chè Thái, gái Tuyên”. Sau này có dịp biết Thái Nguyên qua mấy nghiên cứu sinh của Đại học Thái Nguyên do tôi hướng dẫn luận án Tiến sỹ. Không có điều kiện viết cho Báo bởi không biết viết gì, vì nghĩ đây là tờ báo Văn nghệ của một tỉnh nhiều dân tộc anh em chung sống trên mảnh đất giàu lịch sử và văn hóa mà mình thì không am hiểu. Vả lại tôi chuyên sâu nghiên cứu và giảng dạy văn học phương Tây, lại phải làm Tổng Biên tập Tạp chí KHXH Việt Nam (tiếng Anh và tiếng Việt) nên không còn thời gian.

 

Cách nay gần 15 năm, một hôm tôi bỗng nhận được một cú điên thoại gọi từ Thái Nguyên của một cô gái lạ hoắc, nói rằng cô có đọc bài báo Những điều lạ trong Di chúc của Bác Hồ của tôi trên bloger nhà văn Lê Thiếu Nhơn; cô hỏi số điện thoại của tác giả, thế là gọi cho tôi và mời cộng tác với báo Văn nghệ Thái Nguyên. Vì tò mò, vì vui nên tôi tìm đọc tờ báo. Tôi rất ngạc nhiên. Tờ báo có nội dung đa dạng, phong phú về đề tài, thể loại, cả văn học và nghệ thuật và cả nội dung chính trị, xã hội. Tờ báo có đội ngũ làm báo rất có tay nghề, họa sỹ làm maket, tranh minh họa và ảnh đẹp… So với Người Hà Nội, Sông Hương hay Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh không thua kém, nhiều mặt hơn Văn nghệ của Hội Nhà Văn. Thế là tôi nhận lời. Về sau, tôi mới biết, hóa ra người gọi điện thọai cho tôi là nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh, Tổng Biên tập Báo mà trước đây tôi đã nghe tiếng và đọc thơ của chị.

Ban đầu tôi gửi những bài tiểu luận về văn học, văn hóa Mỹ. Khi người ta đang đổ xô theo Toàn cầu hóa thì tôi viết về Mỹ hóa toàn cầu, Trung Quốc hóa toàn cầu dưới thời ông Trump đề cao “Nước Mỹ trên hết”. Báo đăng các bài viết của tôi. Chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng XII, Hội đồng Lý luận Trung ương đặt tôi viết về lý luận về Văn hóa, Văn nghệ. Nộp chuyên đề xong tôi gửi đăng trên Văn nghệ Thái Nguyên một loạt bài về nghiên cứu và phê bình văn học theo Lý thuyết Phân tâm học của Phơ - rớt, về Nghiên cứu văn học theo xã hội họcNhững hạn chế của nghiên cứu Hiện thực Xã hội chủ nghĩa Đề cương Văn hóa 1943 của đồng chí Trường Chinh.

Tôi vừa viết khảo luận, vừa gửi truyện dịch (Diều hâu Gorgo của Sena Layelop) nói về bản tính con người do trời sinh, không thể cải tạo được như Diều hâu dù được Mẹ vịt trời cưu mang, nuôi dưỡng thì vĩnh viễn vẫn là diều hâu.

Rất chặt chẽ, nhưng không cứng nhắc, giáo điều, Báo Văn nghệ Thái Nguyên chấp nhận cả những vấn đề gọi là “nhạy cảm”. Chính điều này của tờ báo cuốn hút, hấp dẫn bạn đọc và người viết. Sau này, khi được nghỉ quản lý tôi chuyển sang nghiên cứu văn hóa, văn học Việt Nam để dối già. Nhờ có chút vốn ngoại ngữ tôi nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều dưới ánh sáng của văn học Hiện đại và Hậu hiện đại. Những bài viết về vấn đề này tôi gửi đăng trên báo Văn nghệ Thái Nguyên, là nội dung cơ bản cho tôi xuất bản cuốn Truyện Kiều - Thân phận con người và những tín hiệu của Văn học Hiện đại (Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018). Tôi cũng đồng thời nghiên cứu Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh với những tư liệu mới và phương pháp nghiên cứu mới. Nhiều bài báo là thành quả nghiên cứu về Bác Hồ tôi đã gửi đăng trên báo Văn nghệ Thái Nguyên. Những bài báo này đã được tập hợp lại cho cuốn sách Hồ Chí Minh - Một cốt cách văn hóa Việt Nam (Nxb. TTTT, 2019).

Tôi có thêm được vài cuốn sách cuối đời là nhờ báo Văn nghệ Thái Nguyên. Đó là duyên với Văn nghệ Thái Nguyên, còn nợ thì không biết bao giờ trả được, sẽ tiếp tục viết bài cho quý báo thôi… “Đã nguyền hai chữ đồng tâm/ Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai”!

Đời làm báo và viết báo của tôi đã gắn bó với quý báo Văn nghệ Thái Nguyên gần 15 năm rồi, dù chưa một lần đến Tòa soạn và cũng chưa có dịp gặp các Tổng Biên tập và anh chị em quý báo, nhưng tình cảm ân cần và thái độ cầu thị, trân trọng, quý mến cộng tác viên của các đời Tổng Biên tập gắn kết, ràng buộc tôi với quý báo không biết lúc nào mới cởi bỏ được. Nhân kỷ niệm 30 năm ra đời của Báo, xin: “Ba mươi năm ấy nở hoa tặng người”.

PGS. TS Lê Đình Cúc (Hà Nội)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy