
Góc biếm họa số 6 (2025)

Truyện ngắn. Vũ Thị Huyền Trang
Điệp bày lên sạp những cuốn báo xuân ra sớm nhất, cẩn thận phủ lên một lớp nilon trong veo để che bụi bặm. Cảm thấy cô nàng mặc áo dài đỏ tươi cầm trên tay cành đào cười lúng la lúng liếng trên bìa báo xuân vẫn không đủ sức khiến dòng người tất bật ngoài kia dừng lại. Nên Điệp kiếm tấm bìa cát tông viết nguệch ngoạc dòng chữ “Đã có báo xuân” to tướng treo trên cành cây trước sạp.
Gió thổi tấm biển bay phần phật lộn lên lộn xuống, khách mua báo thì vẫn vắng teo. Có người dừng lại vừa ngó thấy báo xuân đã thích mê nhưng khi lật lại đằng sau xem giá bìa liền đặt xuống. Họ nhìn Điệp cười ngượng ngịu “thích thì thích thật nhưng bằng tiền mấy cầu sữa của con. Năm nay dịch làm ăn khó... Thông cảm nha”. Điệp cũng cười ngượng nghịu. Thông cảm chứ sao không. Cùng cảnh dân lao động với nhau, hiểu kiếm được đồng tiền khó khăn cỡ nào.
Với những người còn phải lo miếng ăn từng bữa thì bỏ gần trăm ngàn mua một cuốn báo đúng là điều xa xỉ. Điệp như chợt nhớ ra, ới qua đường gọi Thuận. Phía bên kia đường Thuận đang ngồi nép dưới gốc đa ở cổng chùa chờ mưa tạnh. Khách đi chùa đều nán lại bên trong hoặc gọi taxi để về cho an toàn. Bây giờ ai cũng đi Grab, chỉ cần cầm điện thoại lên là ngồi đâu cũng có thể gọi xe đến tận cửa nhà. Chẳng mấy ai ra đường vẫy xe ôm như ngày trước nên Thuận ế ẩm hoài. Cũng may là có vài khách quen vẫn gọi Thuận khi cần, họ đều là người yêu những cái cũ xưa và trọng nghĩa tình. Họ cần đi một đoạn đường nên kiếm Thuận làm người bầu bạn. Đang lúc không có khách mà nghe Điệp rủ “sang đọc báo đỡ buồn”. Thì sang luôn chứ chần chừ gì nữa.
- Mấy bữa nay Sao khỏe không?
- Cũng vậy à. Hơi xanh.
- Tóc đã mọc lại chưa?
- Sao đội mũ len hoài. Sợ anh nhìn thấy đầu trọc lốc.
- Có hay đi chợ mua đồ tẩm bổ cho Sao không? Người mới ốm dậy là phải được bồi bổ. Xạ trị là hại người lắm đấy.
- Thì ngày nào cũng đi chợ mua thứ Sao thích. Mà Sao thì lúc nào cũng chỉ thích ăn rau củ linh tinh.
- Kể ra thì số Sao vẫn sướng chán.
- Trời ơi, sướng chỗ nào vậy Điệp?
- Ờ, thì… có một tấm chồng.
Thuận không nói gì, với tay chọn tờ báo xuân định đọc, xong nghĩ ngợi thế nào lại đặt xuống ngay. Trước kia Sao chưa bị bệnh, Thuận cũng chưa phải chạy thêm xe ôm sau giờ làm. Sáng nào Thuận cũng chạy qua sạp báo của Điệp mua một tờ nào đó. Nhưng từ hồi khó khăn, Thuận toàn đọc báo chùa. Không phải Thuận không mua mà trả tiền Điệp không chịu lấy. “Mất mát gì đâu, chữ còn nguyên đó. Anh đọc xong em lại bán cho người khác ấy mà”.
Điệp vẫn vậy, đanh đá chanh chua nhưng cũng xởi lởi thương người. Điệp ngoài ba mươi, trông cũng đẹp gái vậy mà chẳng chịu lấy ai. Điệp lên Hà Nội từ năm mười bảy tuổi, theo bà dì buôn bán ngoài chợ đêm Long Biên gửi tiền về phụ mẹ nuôi các em ăn học. Đợt đấy Thuận cũng mới xuống phố, nhờ người quen xin vào bốc hàng thuê cho các tiểu thương trong chợ. Dì của Điệp khoái Thuận lắm, khen “thằng bé khỏe mà ngoan. Bảo gì cũng làm chẳng nề hà vất vả”. Thỉnh thoảng lúc trả công dì dúi thêm cho Thuận vài đồng, xui rủ Điệp đi uống nước. Nước mía ở chợ ba ngàn một túi hai đứa cầm lủng lẳng vừa uống vừa đi bộ xuyên qua mấy con ngõ vòng vèo. Công việc ở chợ đêm thường kết thúc lúc sáu giờ sáng sau khi đã dọn dẹp xong. Tụi Điệp mò về một xóm trọ nhỏ toàn dân lao động trong chợ ở thuê. Dì hay gọi Thuận sang ăn cơm chung đỡ phải nấu nướng. Sau này, lúc ăn xong dì giao việc “dạy cho Điệp ít chữ để nó lớn dì còn gả chồng cho nó. Dạy không nổi là dì gả nó luôn cho mày đỡ mất công tìm mối”. Điệp cười bẽn lẽn thỏ thẻ bảo dì “học chữ thế mà vui”. Dạy Điệp cực muốn chết. Điệp nhanh trí nhưng ngồi học mà đầu óc để đi đâu. Mắng thì Điệp cười bảo “lấy chồng thì cần gì phải học. Dì chẳng bảo anh dạy không được thì gả luôn cháu gái cho anh đấy hay sao”.
***
Sao đến xóm trọ lúc Thuận đang cầm tay Điệp uốn từng nét chữ. Cánh cổng ọp ẹp kêu kèn kẹt, một cô bé tay xách nách mang ngơ ngác đi vào. Điệp cười “A ha, thế là thêm bạn mới!”, rồi le te chạy ra xách giúp đồ. Thuận còn đứng ngẩn người nhìn theo mái tóc dài đen nhánh và cái cổ trắng ngần cho đến khi Điệp ới ời gọi vào giúp một tay kê lại cái giường. Đợt ấy cũng gần tết, chỗ Sao làm là xe hàng hành tỏi khô trong chợ. Ban ngày Sao còn nhận lột vỏ hành khô kiếm thêm thu nhập. Ba đứa thường tụ lại vừa học vừa làm, đến bữa thì nấu cơm chung. Phải hôm không có gió, hơi hành quanh quẩn cay xè. Ba đứa nhìn nhau mắt mũi tèm nhem, Điệp nói “cứ như này mãi cũng vui. Đâu thấy cực”.
Đợt ấy Điệp có thể nhìn sách đọc đánh vần. Một câu chuyện Điệp đọc mất nửa ngày chưa xong mà tự hào ghê lắm. Lần nào đọc xong Điệp cũng vỗ đùi kêu “hóa ra mình mê sách”. Lúc rảnh tụi Thuận lại rủ nhau rong ruổi khắp nơi xem người ta sống thế nào. Sao đi lẫn vào giữa chợ hoa ngắm nghía hết chậu này đến chậu khác. Thuận mải nhìn theo chiếc gáy trắng ngần và đuôi tóc của Sao. Điệp còn mải đánh vần từng biển hiệu bên đường. Có khi tụi Thuận mất dấu Điệp sau một khúc quanh. Lúc quay lại tìm thấy Điệp đang đứng trong quầy báo, mải mê ngắm mấy tờ tạp chí. Điệp ôm về một đống báo trên tay, miệng ước ao “sau này có tiền nhất định sẽ làm bà chủ sạp báo cho nó oách”. Chẳng hiểu sao Thuận lại phì cười.
Hôm Thuận với Sao dọn về ở chung nhà cũng là tháng Chạp. Mưa xuân lất phất mang theo cái lạnh lẽo ngấm vào da thịt. Điệp ngồi nhìn vợ chồng người ta loay hoay chọn chỗ đặt cành đào, chậu cúc mà lòng se sắt. Tiếng của hạnh phúc sum vầy cứ vọng lại bên tai. Cũng vẫn từng ấy con người mà từ lúc họ thành vợ chồng xóm trọ bỗng dưng nhộn hẳn lên. Ban đêm dốc sức chạy hàng tết ngoài chợ đầu mối. Hàng hóa ngập đầu, người chen chúc bán mua nghẹt thở. Thuận vác những bao hàng nặng trịch trên vai thỉnh thoảng mắt vẫn dõi tìm trong đám đông một nụ cười lúng liếng của Sao. Điệp cười quá trời, gặp ai cũng cười cho bớt đi hiu quạnh trong lòng. Điệp sợ phải về xóm trọ lúc sáng sớm, kiểu gì cũng thấy cảnh Sao ngồi bóp vai cho Thuận. Vợ chồng người ta quan tâm săn sóc nhau mà Điệp kêu toáng lên “xoa chi lắm dầu gió làm cay xè hết mắt người khác đây này”. Sao cười hiền thật hiền. Trời ơi, người đâu mà dịu dàng hết mức. Nếu Điệp là đàn ông thì chắc cũng chết mê chết mệt vì Sao.
Một cái bếp được kê giữa sân bằng vài viên gạch. Vợ chồng Thuận bày đồ hàng nào lá dong, gạo nếp, thịt ba chỉ ướp tiêu. Chẻ mấy bó lạt giang cũng chụm đầu vào nhau cười khúc khích. Bao nhiêu năm nay xóm trọ không có tết. Sáng ba mươi sau khi trở về từ buổi chợ cuối năm chẳng ai kịp nghỉ ngơi, khăn gói ra bắt xe về quê với gia đình. Giờ Thuận với Sao nên nghĩa vợ chồng xóm trọ nghèo cũng tưng bừng tết. Điệp nghe thấy Sao nói với Thuận “tụi mình là trẻ mồ côi. Coi như cái tết này thay đám cưới. Cũng có hoa có bánh, có người thương bên cạnh”. Lúc nhìn Thuận giúp Sao nối lạt giang gói bánh, Điệp đã tự hỏi sao họ làm gì cũng có đôi? Điệp cũng yêu thương mà sao đơn lẻ?
Điệp đi dạo phố nửa ngày mang về một bộ chăn ga gối làm quà cưới. Lúc giúp Sao trải ga giường Điệp cười bảo “thấy người ta treo bảng giảm giá bốn mươi phần trăm mà ham quá. Chừng nào tôi lấy chồng sẽ sắm nguyên một bộ chăn ga màu đỏ rực”. Điệp bỗng nhiên sững lại, bao nhiêu chua chát kịp đọng lại trong khóe môi vừa mới nhếch lên. Dạo đó Điệp hay lên cơn đau tim mỗi khi nhìn Thuận quanh quẩn bên Sao như đôi chim cu gáy. Nên Điệp rời xóm trọ, từ bỏ luôn công việc ở chợ. Điệp thuê một quầy hàng chục mét vuông vừa làm chỗ ở, vừa thực hiện ước mơ làm chủ sạp báo. Hôm khai trương quầy báo ế khách quá chừng. Sao làm bánh mang qua có in chữ “Chúc mừng” bên cạnh mấy bông hoa bằng kem đẹp như mua ngoài tiệm. Còn Thuận thì hứa sẽ ghé qua mua báo mỗi ngày ủng hộ. Ngồi không buồn bực tay chân Điệp mua bếp than tổ ong đặt dưới gốc cây rán bánh bán thêm. Nào khoai, nào ngô, nào chuối. Trời lạnh còn có thêm chảo hạt dẻ vừa bở vừa bùi. Một ấm chè nóng, vài ba cái ghế nhựa níu chân khách qua đường. Khách mua báo đọc xong những bản tin giật gân, hay một câu chuyện tình cảm động thì dúi cho Điệp bảo “để mà gói bánh”. Nhưng có khi Điệp thương một chân dung, một ánh nhìn khắc khoải in trên mặt báo mà không nỡ để dầu mỡ bám vào. Thuận tạt qua hỏi:
- Dạo này đọc báo có còn phải đánh vần nữa không?
- Nhà chẳng có gì ngoài chữ thì cũng phải tiến bộ chứ Thuận ơi. Sáng nào em cũng điểm báo cho mấy ông xe ôm nghe đấy. Chuyện gì giật gân mình chỉ kể khúc đầu. Muốn biết khúc sau hả? Thì báo trên sạp ấy, mua đi.
- Cũng gọi là có chiến lược bán báo đấy nhỉ?
Điệp cười giòn tan. Có bà khách từng ghé chỗ Điệp ăn bánh đã thốt lên rằng: “Cô sẽ không khổ đâu. Chẳng ai khổ mà cười như cô cả. Nghe cô cười như một phép lành”. Thuận cũng từng nói mỗi lần nghe Điệp cười là thấy xôn xao cả một vùng kỉ niệm về khu chợ đầu mối trong những tháng ngày hai đứa cơ cực nhất. Giữa ồn ào bán mua tiếng Điệp cười không lẫn vào đâu được. Nó xua tan đi bao nhiêu mệt nhọc trong người, thổi dạt qua một bên những lời tranh giành chửi bới nhau ngoài chợ. Sao thì chẳng mấy khi cười thành tiếng. Ngay cả lúc vui nhất cũng chỉ thấy Sao cười rung lồng ngực nhưng tiếng lẫn vào trong. Cái kiểu cười chỉ nhìn thấy hình thôi, nhắm mắt lại tưởng như người im lặng. Nên Thuận lúc nào cũng muốn nhìn vào khuôn mặt ấy, để biết người mình yêu đang cười hay khóc. Sao mỏng manh đến mức Thuận rất sợ nếu mình rời mắt thì người thương sẽ biến mất mà không kịp để lại vết dấu gì.
***
Điệp đi không bao lâu thì Thuận cũng nghỉ bốc vác ở chợ xin vào làm công nhân cho nhà máy bánh kẹo. Sao xinh xắn cao ráo nên được một quán cà phê nhận vào làm nhân viên, lương cũng ổn. Tưởng cuộc sống cứ thế trôi qua trong hình dung bình dị. Nấu cho nhau những bữa cơm chiều khi Thuận tan ca. Đưa nhau đi chơi những buổi tối cuối tuần trên chiếc xe máy cũ. Thuận hứa bao giờ cóp đủ tiền sẽ dẫn Sao về quê xây nhà. Sẽ mở một cửa hàng nho nhỏ túc tắc bán mua, túc tắc sống, túc tắc bình yên. Khi đó Thuận sẽ thuê đất rừng trồng cây ăn quả nhờ dì Điệp kiếm mối buôn ở chợ Long Biên. “Rồi tụi mình sẽ bắt đầu sinh con. Anh muốn con ra đời không phải sống cuộc đời ở trọ”. Thuận tính hết cả rồi, đâu ra đấy. Tưởng ngày về lập nghiệp tại quê nhà sẽ không xa nữa thì bất ngờ bệnh tật ập đến. Sao phát hiện mình bị ung thứ vú ở giai đoạn xâm lấn. Bác sĩ nói cơ hội sống còn của bệnh nhân rất lớn chỉ cần yên tâm chữa trị. Thuận nắm tay vợ nói “không sao. Rồi sẽ khỏi thôi mà. Còn người là còn của, lo gì”. Trong mấy tháng Sao điều trị bệnh từng món tiền lớn nhỏ ra đi. Có hôm Thuận ghé qua chỗ Điệp vay tiền. Lúc ngó theo dáng Thuận trôi giữa dòng người Điệp thương lại càng thương.
Buổi chiều Điệp thường đóng sạp báo ghé qua viện chăm Sao. Thuận không thể nghỉ làm khi bao nhiêu chi tiêu đều dựa vào đồng lương eo hẹp. Mỗi ngày vào viện Điệp đều cắp nách theo tờ báo đọc cho nhau nghe. Đọc từ bài lớn đến mẩu tin nhỏ xíu in ở cuối trang. Nếu không thì chẳng biết nói gì với nhau cho hết buổi. Mọi câu chuyện thường chỉ xoay quanh Thuận. Có lần Sao nắm tay Điệp rưng rưng:
- Nếu sau này mình có thế nào thì nhờ cậu chăm sóc cho anh Thuận.
- Thế nào là thế nào? Bác sĩ đã nói rồi, trường hợp bệnh của Sao đang ở giai đoạn hai. Chỉ cần chữa trị đúng phác đồ là cơ hội khỏi bệnh đến chín mươi phần trăm cơ mà.
- Hên xui à. Lỡ mà…
- Khoa học mà bà nói hên xui là sao. Còn phải sống dài dài để nhìn thấy tôi mặc váy cô dâu. Tôi sẽ lấy một ông chồng thật đẹp trai, biết nấu ăn ngon và chiều tôi hết mực. Rồi tụi mình sẽ sinh những đứa con.
- Điệp thì dễ rồi, còn mình thì bệnh tật thế này không biết còn sinh đẻ được không?
- Được chứ sao không. Yên tâm đi, Điệp đọc báo thấy người ta bảo chờ cho thuốc trong người tan hết, chừng năm năm chứ mấy, là có thể sinh con được bình thường.
- Ờ. Vậy tụi mình sẽ cùng nhau đón nhiều cái tết.
Sao kết thúc đợt điều trị cuối cũng là lúc tết sầm sập đến. Hôm ngồi sau xe Thuận về nhà Sao thấy bên đường đã bắt đầu bày bán nhiều đồ gốm, đồ thờ cho người ta mua sắm dần chơi tết. Thuận chỉ vào đoạn vỉa hè rộng rãi, nói mấy hôm nữa chỗ này sẽ tràn ngập hoa đào, chỗ kia sẽ có cửa hàng bán mứt tết dựng lên. Trời cuối đông, nắng vàng tươi ấm trên vành tai chân tóc. Sau nhiều ngày sống trong bệnh viện, mỗi hơi thở đều ngấm mùi thuốc tây. Thì giờ đây Sao như được hồi sinh khi da thịt mình chạm vào nắng gió. Khi mũi có thể ngửi thấy mùi của đời sống nhộn nhịp nơi phố thị, mùi của hoa bên đường mới nở, của những chiếc lá sắp tàn, của hàng bánh rán bọc đường và cả mùi khói xe, bụi bặm. Sao dựa vào lưng chồng thủ thỉ “chưa gì em đã thấy thèm bánh chưng với dưa hành quá”. Thuận mỉm cười lách xe vào một con ngõ nhỏ, bên hàng rào nhà ai đã thấy treo thêm vài giỏ cúc.
Gần tết, công ty bánh mứt kẹo nhiều việc nên hoạt động cả ngày lẫn đêm. Thuận nhận làm ca đêm, sáng về ngủ đến đầu giờ chiều lại ra đường chạy thêm xe ôm. Sắp đến tết cũng phải có đồng ra đồng vào sắm sửa cho Sao đỡ tủi. Trước kia, lúc Sao mới bị bệnh Điệp bảo “anh xách xe ra dựng trước cổng chùa, kiểu gì một buổi chiều ít nhất cũng kiếm được dăm ba cuốc. Cuối tháng đủ tiền trả nhà trọ và cơm cháo qua ngày”. Chỗ Thuận ngồi chờ khách đối diện với sạp báo của Điệp. Thỉnh thoảng Điệp ngoắc tay một cái nhờ trông hàng hoặc gọi sang dặn lúc nào về nhớ xách cho Sao âu cháo nóng. Cuối năm người đi chùa đông lắm, Grab dừng đón khách suốt không thôi.
Cũng may mà còn có vài cánh tay giơ lên vẫy Thuận. Họ phần đông là khách quen từ hồi Thuận mới chạy xe. Họ là bà cụ đã ngoài tám mươi tuổi, tuần nào cũng đi chùa một lần. Ngồi sau xe cụ hay kể về con cháu mình. Đứa bên Đức, đứa ở Canada, đứa định cư bên Mỹ. Chỉ có một mình bà ở lại trông ngôi nhà chật chội trong phố cổ. Thuận từng hỏi sao bà không bán quách ngôi nhà sang ở với con cháu có phải vui không? Bà cười bảo ngôi nhà là cả vùng kí ức, bà bán đi thì sau này các con đâu có chỗ tìm về sum họp. Cây nhớ cội, sông nhớ nguồn. Con người ta dù bôn ba tận đâu đi nữa thì một lúc nào đó sẽ tìm về nguồn cội của mình.
Bà nói phải, Thuận chẳng đang từng ngày ước ao kiếm đủ tiền về quê đấy hay sao. Khách vẫy Thuận có khi là một người đàn bà sống trong căn biệt thự. Giàu sang lắm chẳng thiếu thốn bất cứ thứ gì ngoài một đứa con thơ. Lần đầu tiên nhìn vào mắt người đàn bà ấy Thuận đã giật mình. Trong đôi mắt nhuốm màu buồn u uất. Có một lần duy nhất Thuận thấy chị được chồng chở đến bằng ô tô. Mặt anh chồng lạnh tanh lúc thả chị xuống cổng chùa rồi quay xe đi mất. Chị từng hỏi “liệu Đức Phật có nghe thấu lời mình cầu xin không em nhỉ?”. Thuận không biết nói sao đành chỉ gật đầu. Khách quen của Thuận còn có cô gái trẻ hay mặc áo lam đến chùa trên tay luôn cầm một bó hoa. Mùa hạ cầm sen, mùa thu cầm cúc, đến mùa xuân… cúc vẫn nở vàng. Thuận từng buột miệng hỏi sao em hay đi chùa? Cô gái khóc nói “em từng chót dại bỏ đi đứa con còn chưa rõ hình hài trong bụng. Kể từ đó đêm nào em cũng gặp ác mộng. Nên em đi chùa cầu cho con siêu thoát”. Mỗi vị khách đều mang một câu chuyện đời mình bước vào cổng chùa quỳ dưới chân Đức Phật. Thuận dựng xe dưới gốc cây đa nhìn những hỉ nộ ái ố trên mỗi khuôn mặt người để quý trọng những bình yên thân thuộc.
Điệp bận bịu bên những tờ báo tết. Mỗi lần thấy Thuận có khách vẫy Điệp đều nhoẻn miệng cười. Sao ở nhà cũng tất bật chuẩn bị cho cái tết của mình. Lột vỏ hành làm dưa, thái cà rốt làm mứt. Thuận thích ăn thịt nấu đông nên Sao đang ngâm thêm mộc nhĩ. Phải làm cả ít nem tai tết mang về quê để Thuận nhậu lai rai với mấy ông hàng xóm. Điệp bán báo ngồi ngoài gió suốt ngày phải có lọ mứt gừng ngậm cho ấm cổ. Sao nghĩ vậy. Lúc nghe Thuận gọi điện về nhà thấy vọng vào tiếng Điệp lao xao trong gió. Hình như Điệp đang ới một hàng hoa đi ngang qua đường để hỏi mua một cành đào nhỏ. Sao chợt tủm tỉm cười khi nghĩ đến một ngày nào đó Điệp sẽ là cô dâu. Sao sẽ tìm mua bộ chăn ga gối đệm nguyên một màu đỏ rực có thêu hình đôi chim hải yến. Sao vừa nghĩ đến đó thì ngoài trời bỗng nhiên hửng nắng. Nắng dội xuống mảng tường rêu, xuyên qua tán cây khế già đổ trên vai áo Sao lấp lánh. Sao cởi bỏ chiếc mũ len trên đầu để cho nắng tràn trên những sợi tóc tơ mới mọc lại sau những đợt xạ trị kéo dài. Rồi chúng sẽ dài ra và đen lại theo thời gian để trả về cho Thuận mái tóc của ngày xưa.
Thuận dựng chiếc xe giữa sân xóm trọ lau rửa sạch bong đến từng con ốc. Hôm nay Thuận sẽ đèo Sao ra phố sắm tết trước khi về quê. Trời nắng ấm, Sao đang đứng trước gương mặc thử bộ váy hoa vừa lôi từ trong tủ. Sao thoa thêm chút phấn, mở thỏi son môi Thuận vừa mới mang về. Xe luồn lách trong ngõ nhỏ thân thương, vài nụ cười thân quen, vài lời chào cất lên từ ánh mắt. Hai bên đường nhiều chiếc biển đã được treo lên: nhận đặt nấu bánh chưng; chuyên cung cấp gà quê ăn tết; nhận đánh bóng đồ thờ; mua bưởi Tài- Lộc rẽ trái 30m. Xe ngoặt ra đường lớn, phố hiển hiện rực rỡ và nhộn nhịp. Những cửa hiệu ven đường đều đã kịp trang trí đón xuân. Thuận thấy mình đang chở cả mùa xuân phía sau lưng dịu dàng và ấm áp. Sao ôm lấy eo Thuận, nghe chồng kể về những cuốc xe ôm cuối cùng trong năm. Bà cụ ngoài tám mươi khoe năm nay các con hẹn về nhà ăn tết. Bà vào chùa cầu cho con cháu được bình an suốt chuyến bay dài. “Bà bận vui còn chưa kịp chuẩn bị thứ gì. Chưa làm dưa hành, chưa gói bánh chưng, chỉ mới mua được ít măng khô để hầm với chân giò thôi con ạ”. Còn người đàn bà sống trong căn biệt thự thì lần này đến chùa với một đứa trẻ chị vừa mới nhận nuôi.
- Đứa bé trai trông đáng yêu lắm em ơi. Thằng bé chắc chắn sẽ nhận được yêu thương từ người mẹ ấy.
- Mọi sự gặp gỡ trên đời đều có cơ duyên phải không anh? Như đứa bé và người đàn bà ấy. Như tụi mình và Điệp.
- Nhắc đến Điệp mới nhớ chiều nay vợ chồng mình có hẹn. Điệp rủ đi chợ hoa Quảng Bá chơi rồi mua đồ về xóm trọ nấu gì đó vui vui.
Sao nhoẻn cười, tựa đầu vào lưng chồng chầm chậm trôi qua hàng hoa đào, hoa cúc…
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...