Đường Quốc Trung
VNTN - Rất tình cờ tôi gặp lại Tang Qou Zhong, một người bạn Trung Quốc thời sinh viên. Tên anh ta dịch sang tiếng Việt là Đường Quốc Trung, hắn rất thích tôi, mặc dầu hơn hai năm chơi với nhau, cũng nhiều lần giữa đôi bên không được tâm đầu ý hợp cho lắm.
Kể qua một chút chuyện của chúng tôi cho các bạn dễ hình dung, khi vừa qua kỳ một năm thứ hai thì cha tôi bảo: “Con xem học thêm ngoại ngữ gì đấy, sau này ra trường dễ xin việc”. Tôi thích văn học Trung đại, thích chữ Hán, đặc biệt là thư pháp từ hồi phổ thông, nên đã nộp đơn theo một lớp tiếng Hoa buổi tối. Trường sư phạm của tôi ngay sát cạnh trung tâm, vì thế việc học tương đối thuận tiện.
Hồi hết năm nhất, tôi dành dụm được một ít tiền đủ mua chiếc Min khơ, những lúc rảnh thường hay ra ga Hà Nội chạy xe ôm kiếm thêm đồng sách vở. Một chiều, tàu khách Lào Cai về rất trễ, đang định bỏ về thì cửa soát vé xuất hiện ba thanh niên hai nam một nữ ba lô lỉnh kỉnh ngơ ngác nhìn trước ngó sau. Thời ấy rất ít xe ôm, phương tiện công cộng đi lại trong thành phố chủ yếu là xích lô. Mấy tay cò mồi chèo kéo mãi không được thì hất hàm bảo: “Ê, mày ăn được cuốc này không, đồng ý thì cắt bọn tao hai nghìn uống nước”. Tôi gật đầu, liền tới mấy vị khách hỏi: “Các bạn về đâu?” Cô gái có đôi mắt một mí nói tiếng Việt giọng lơ lớ: “Khư khạm, khầu sấy”. Nghe giọng biết ngay mấy cô cậu này người Tàu, may quá vốn tiếng Trung vừa học hết quyển hạ giáo trình sơ cấp nên có dịp thực hành. Tôi liền mặc cả, đại ý muốn về trường sư phạm ngoại ngữ khu Cầu Giấy chứ gì, là lưu học sinh hử. Ba lăm mười lăm, nếu đi một chuyến thì mười hai nghìn. Cả ba gật ngay. Phải nói con xe Min của khối xã hội chủ nghĩa khỏe thật, nó cõng ngoài người ra còn lỉnh kỉnh một đống đồ chằng buộc xung quanh mà vẫn chạy vèo vèo, tiếng nổ bừng bừng, khói nhả mịt mù.
Đến nơi, thằng to con nhất thanh toán tiền đòi giảm, tôi bảo: “Mình cũng là sinh viên đấy, đã bớt ba nghìn rồi, mà có được cả đâu, còn tiền bến ga, xăng dầu, thế bạn định để tôi hít không khí uống nước lã sống à”. Hắn cười khìn khịt nói: “Ồ mày là sinh viên à, trường ngay đây à, làm bạn với chúng tao à. Tao là Zhong, Tang Quo Zhong (Trung, Đường Quốc Trung), thằng này Yang Qun (Dương Quân), còn đây là em gái nó Yang Yan (Dương Diễm)”. Nhận tiền xong tôi nói “Còn mình là Việt, Lý Nam Việt, ở phòng 312 nhà A5, bên sư phạm, lúc nào rảnh qua chơi”.
Từ đấy chúng hay sang ký túc xá trường sư phạm, miệng thì nói cho đỡ buồn, thêm bạn bớt thù chứ kỳ thực chúng rất khôn, chúng tranh thủ học giao tiếp, tranh thủ mọi cái của tôi cũng như các bạn trong lớp. Tôi dặn: “Các cậu đi đâu cứ kêu, yên tâm chỗ bạn bè mình hết sức hữu nghị”. Thằng Trung lanh lợi, khi nói chuyện với tôi nó toàn cố nói tiếng Việt, mặc kệ tôi đáp trả tiếng mẹ đẻ của hắn. Tôi thừa biết nó chỉ muốn học của tôi mà không muốn đối tác lợi dụng gì của nó.
Cả ba đứa đều ở tỉnh Vân Nam, nhưng thằng Trung là dân thành phố, xông xáo mồm năm miệng mười, còn hai anh em cái Diễm ở huyện lẻ, thành thử ít năng động, xem ra có vẻ thật thà, nhút nhát hơn. Thấy tôi có vẻ quyến luyến đứa con gái, thằng Trung ghé tai thì thầm: “Tao đố mày được nó hoan nghênh”. Tôi cười bảo: “Tình yêu không biên giới, nếu Yan có lòng, cậu không phải thách”. Nhìn hắn một lúc, tôi nói tiếp: “Cậu cứ liệu đấy, sang chỗ bọn con gái lớp tớ nên khiêm tốn chút”. Hắn cười ha hả, nheo mắt nhìn tôi giọng thách thức: “Tao cóc sợ bố con thằng nào”. Bọn con trai trong ký túc ghét lắm, chúng rỉ tai: “Thằng Việt hám gì mà giao du với loại dở ấy nhỉ?”. Mấy lần Trung bị bọn nó vây dạy cho bài học nhưng đều bị bảo vệ ngăn kịp. Ấy vậy mà hắn vẫn tật nào chứng đấy.
Thấm thoắt mấy người bạn ngoại quốc hết năm nhất, còn tôi thì hối hả cho viết luận văn, thực tập chuẩn bị ra trường. Thằng Trung lúc này chả khác người bản xứ, xông xáo khắp chốn chẳng kiêng nể gì cả. Để thuận tiện cho công việc, tôi xin ra ở trọ bên ngoài, thi thoảng có việc mới về phòng cũ. Một bận, vừa đặt chân tới cổng ký túc thằng Thành khoa Toán đã túm ngực áo: “Liệu hồn, cả lũ con gái đang tìm tính sổ mày đấy”. Tôi hốt hoảng chưa kịp hiểu đầu cua tai nheo thế nào thì hắn đã kéo tuột tôi vào phòng. Cả bọn nhao lên. Thì ra tất cả đều do ông bạn vàng ngoại quốc mà ra cả, chúng đổ tất lên đầu tôi chỉ vì tôi là bạn thằng Trung, bởi tôi đã đưa hắn tới.
Thằng Trung đã gây rắc rối gì?
Hóa ra cũng chẳng có gì nghiêm trọng, chỉ là chuyện trai gái. Hắn dựa vào cái lẻo mép và dáng vẻ điển trai bề ngoài kết hợp với tính cách phong lưu chịu chi mà hắn đã làm nhiều cô siêu lòng. Nhưng tệ hại ở chỗ, hễ chiếm đoạt được cô này thì hắn lại tìm cách ruồng bỏ để chinh phục tình mới. Tôi nghe loáng thoáng đã có mấy nạn nhân phải tìm tới bệnh viện để giải quyết. Thế này thì không ổn, tôi phẫn nộ toan tìm hắn tính sổ thì ngay tối hôm ấy, hắn lại tự mò đến. Vừa thoáng nghe trách cứ hắn đã trợn mắt bảo: “Tao có lừa đứa nào đâu, chúng tự nguyện đấy chứ?”. Tôi túm ngực hắn định ăn thua thì hắn đấu dịu: “Thôi, mày bỏ ngay cái trò trẻ con này đi, tao đến tìm mày là bàn chuyện làm ăn. Mày nghe tao sẽ giàu to”. Tôi dứt khoát, tao chả có gì bàn bạc với mày cả. Mày là thằng bạn tồi. Tao khuyên mày, tốt nhất chỉnh lại cách sống. Ở đâu cũng thế thôi, thiên hạ nhân thiên hạ tài, đừng để lúc chuốc tai họa hối chẳng kịp đâu. Hắn cười ha hả, cái cằm bạnh ra, đôi mày chau lại nom rất đểu, rồi phóng về phía tôi một cái nhìn tựa mũi họa kích như cảnh cáo, song không nói thêm lời nào, quay ra biến thẳng vào bóng đêm.
Sau lần ấy, tôi không còn gặp hắn nữa, phần vì bận, phần cũng chưa nguôi niềm bực dọc. Cho đến một hôm, khi tôi vừa từ giảng đường về ngang lối rẽ qua khu ký túc xá lưu học sinh thì chợt gặp cái Diễm đang hớt hơ hớt hải chạy từ cổng trường lại, thấy tôi nàng ta mếu máo: “Anh Việt ơi, cứu anh Trung với, anh ấy đang bị vây đánh ngoài cổng phụ”. Tôi ra hiệu cho Diễm lên xe, rồi cài số rồ ga theo hướng nàng chỉ. Tới nơi, một cảnh tượng thật tồi tệ xảy ra. Thằng Trung nằm lăn lộn dưới đất, áo quần nhuốm đỏ bê bết. Có đến bốn năm thằng, tay gậy, tay dao đang đánh đấm đâm chém túi bụi. Tôi nhận ngay ra là bọn thằng Song cùng hội chạy xe ôm, liền hét lớn: “Chúng mày dừng lại”. Nghe thấy giọng quen, lập tức cả đám ngưng ngay. Cô bạn Trung Quốc liền lao tới đỡ hắn dậy, máu me khắp chốn, nhìn rất sợ. Tôi nói với cả hội: “Thôi chúng mày nể tao, dù gì nó cũng là bạn tao, có gì bỏ qua cho nó”. Cả đám văng tục chửi bới một hồi rồi mới bỏ đi. Tôi vội cùng Diễm dìu hắn lên xe đưa thẳng tới trạm xá của trường. Tối, sau khi được sơ cứu băng bó vết thương, thằng Trung mới thều thào: “Tao cảm ơn mày Việt ạ, mày đúng là thằng bạn tốt”. Tôi không nói gì, đưa mắt có ý bảo, thôi cứ tĩnh dưỡng, chuyện bọn xe ôm để tao. Từ giờ bớt cái tính hổ báo đi, kẻo có ngày xác cũng không có mà mang về nước đâu.
Hôm sau tôi tìm bọn thằng Song, hóa ra chúng cay ông bạn ngoại quốc từ lâu. Cũng chỉ bởi tại tính hung hăng của hắn mà ra, đất khách quê người đã không biết thân biết phận lại tỏ ra anh hùng. Thằng Hòa, thằng Minh ấm ức kể, rất nhiều lần bị Trung quỵt tiền, không những thế, lần nào hắn cũng cò kè và thái độ hết sức ngang ngược. Nghe vậy tôi đành phải cố gắng dàn hòa: “Cảnh cáo nó thế thôi, quá tay thành họa”. Và bọn xe ôm đồng ý, khi thằng Trung lành bệnh, nó không còn bị đe dọa nữa. Cũng từ bận đó, hắn thay đổi đôi chút, nói năng nhã nhặn từ tốn hơn. Trung bám lấy tôi bảo: “Nhà tao bảy đời làm thuốc, nếu mày chịu khó cùng tao đi bỏ mối thì lợi nhuận chia đôi”. Tôi ậm ừ cho qua chuyện nhưng cũng đi với hắn mấy chuyến. Quả thực, thuốc gia truyền nhà hắn có lẽ cũng tốt nên hàng về bao nhiêu các hiệu thuốc Bắc nhập bấy nhiêu. Hắn chia cho tôi khá hậu, do đó đợt thực tập, tôi rất dư dả.
Một bận, hắn đột nhiên đến phòng trọ của tôi. Ngồi huyên thuyên một lúc, hắn vào vấn đề: “Tao thực sự rất quý mày, nhưng có chuyện này tao muốn mày phải nghe tao mới được”. Tôi cau mặt: “Chuyện gì?” Hắn ấp úng: “Mày đừng giận, chuyện tình cảm của mày với cái Diễm”. Ngừng một lát có ý dò xét, hắn lại tiếp: “Người Hoa bọn tao không muốn đàn bà con gái lấy chồng ngoại quốc đâu”. Nghe thế tôi không nhịn nổi cười bảo: “Thế còn bọn mày lang chạ hết cô này cô khác thì ai cấm, lý lẽ ở đâu vậy? Tao yêu cái Diễm và nàng có yêu tao hay không là chuyện riêng bọn tao, mày đừng dúi mồm vào”. Hắn còn cố lèo nhèo giải thích vòng vo mãi, cuối cùng thấy tôi cáu mới chịu về, nhưng thái độ ra vẻ cảnh báo dọa dẫm.
Tôi đã bảo vệ xuất sắc luận văn và nhận tấm bằng tốt nghiệp loại khá, lúc này do đã xin được đi dạy nên phải bỏ dở việc học ngoại ngữ. Thằng Trung lại tìm tôi, hắn năn nỉ để lại chiếc Min khơ. Xe còn tốt lắm, tôi cứ tiếc, định không bán nhưng phần cũng bí, phần hắn nài nỉ quá đành nhượng lại. Đến lúc thanh toán, hắn vẫn tìm mọi cách để thêm bớt dù giá rất rẻ. Vì tin tưởng chỗ bạn bè, tôi chỉ giao xe cùng giấy tờ rồi nhận tiền mà không làm thủ tục sang tên. Có xe, Trung chủ động hẳn. Hầu như các tiệm thuốc Bắc trong thành phố và các tỉnh lân cận đều nhập hàng của hắn. Những ngày cuối cùng trước khi rời thủ đô, tôi đã gặp một rắc rối lớn. Số là do tham lam, nhập một đợt hàng nhiều gấp mấy lần bình thường, Trung nói đó là toàn bộ vốn liếng của hắn. Chở cồng kềnh, gây tai nạn và bị đội quản lý thị trường giữ, hắn lấp liếm khai mình chỉ là người làm thuê cho chủ xe. Thế là người ta lần theo địa chỉ trong giấy đăng ký, khiến tôi phải lận đận mất cả tháng. Thật may mắn, nhờ chú đội trưởng là chỗ bạn bè thân thiết với cha tôi, cho nên vụ đó được thu xếp ổn thỏa.
Giờ Trung ngồi trước mặt tôi, khuôn mặt có già đi theo tuổi tác nhưng kiểu cách dáng vẻ, động tác vẫn như xưa. Hắn bận bộ đại cán sẫm màu theo kiểu Tôn Trung Sơn, sử dụng một chiếc ba toong được chạm trổ cầu kỳ, giày đế cao đen bóng, từng bước nghe cồm cộp chắc nịch. Hắn đeo đôi mục kỉnh có khung bằng chất liệu titan sáng bóng tôn mắt kính đen thêm sang trọng. Cái bộ mặt vênh vênh ngày xưa giờ được chăm chút bằng bộ tóc cắt tỉa đúng mốt, lại thêm chiếc mũ phớt màu cà phê, nom rất trịch thượng. Chẳng cần giới thiệu, người gặp lần đầu cũng đoán hắn thuộc lớp thượng lưu. Sự thật thì Trung đang là một ông chủ doanh nghiệp có tầm cỡ nổi tiếng tỉnh Vân Nam.
Trung tình cờ gặp lại cố nhân, đó là buổi hội thảo về nhân lực mà tập đoàn hắn phối hợp với công ty xuất khẩu lao động ở Hà Nội tổ chức. Trong chương trình này họ có mời một số hiệu trưởng của các trường THPT ngoại thành. Tôi nhận ngay ra khi Trung vừa bước lên bục chủ tọa. Thú thực tôi không mấy hào hứng khi gặp lại, bởi những kỷ niệm thời sinh viên gợi cho tôi không ít ám ảnh về ông bạn ngoại quốc này. Nhưng suốt buổi, Trung đã tô vẽ, trình bày rất nhiều sự hấp dẫn về công ăn việc làm mà tập đoàn hắn sẽ tạo ra ở đây khiến tôi háo hức. Tôi nghĩ ngay tới lứa học trò cuối cấp của mình, có lẽ sẽ là cơ hội tốt cho chúng nếu em nào không thi đỗ đại học hay cao đẳng.
Ngay khi kết thúc, tôi chủ động tìm gặp Trung. Nhìn thấy bạn, hắn ngớ ra một hồi rồi hét lên: “A Việt, bằng hữu Việt. Ngộ nhớ lắm, nhớ lắm”. Rồi hắn ôm chầm tôi, hắn nói: “Hảo hảo, tái hội tái hội, hôm nay ông ở lại đây, bất túy bất lai”. Tôi theo Trung đến khách sạn. Cả chiều, hắn tiếp đãi tôi hết sức nhiệt tình, nhất định không cho bạn về. Bữa tối, Trung đưa tôi tới một nhà hàng nổi tiếng ở Hà Nội, mời món vịt quay Bắc Kinh, niềm tự hào ẩm thực của đất nước hắn. Trung khoe đủ thứ, nào là sau ngày ra trường không về quê mà ở lại Côn Minh, hắn dồn tiền mở công ty. Khi khấm khá, hắn đầu tư bất động sản, hiện đại máy móc mở rộng nhà máy, liên kết làm ăn với các công ty khác. Nào là nhờ mánh lới, hắn biết lợi dụng thời thế, biết điểm yếu mạnh của đối thủ mà sáp nhập hay mua trọn. Trung không giấu sự hãnh diện khi cho tôi biết, hiện giờ hắn là chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Tang Qou Zhong, tức mang tên hắn Đường Quốc Trung.
Tôi chân tình chia sẻ với hắn, từ ngày ra trường cũng vất vả, long đong. Tuy không kiếm được nhiều tiền như hắn nhưng tôi yêu nghề dạy học và sẽ gắn bó với nó mãi mãi. Trung nghe vậy thì cười sằng sặc, cái cằm bạnh ra như mỏ con vịt bầu đang mò thóc, hắn bảo: “Ngành giáo dục bên ông bạc, vừa lạc hậu lại vừa bảo thủ, cải cách chậm chạp rườm rà”. Tôi so sánh cho hắn biết giáo dục nước hắn với Việt Nam cũng chẳng có gì khác, rồi chuyện biên giới, biển đảo. Nghe tới đây thì hắn gạt đi: “Thôi chuyện chính trị là của các nhà lãnh đạo, ngộ với ông miễn bàn. Giờ ông kể cho ngộ nghe về cái Hoa, người yêu ngộ đấy. Ông có tin tức gì không?”. Tôi nói rằng cô ấy giờ là giám đốc sở giáo dục của một tỉnh miền Trung, vừa bảo vệ luận án tiến sĩ năm kia. Nghe tới vấn đề học vị, hắn cũng khoe ngay: “Hai anh em Quân, Diễm của ông giờ cũng tiến sĩ đấy, đang là giảng viên cao cấp của học viện ngôn ngữ Bắc Kinh”.
Hắn ực cái hết chén rượu, miệng khà một tiếng, cái đầu lắc la lắc lư. Đột nhiên bảo tôi: “Này ngộ hỏi thật ông, ngày yêu cái Diễm ông đã gì chưa?”. Tôi hiểu ý, Trung vẫn hẹp hòi như vậy, hắn thích làm gì, muốn gì thì đều cho là tốt đẹp, hợp lý, còn người khác thì không. Hồi ấy, Diễm cũng có cảm tình với tôi. Nàng từng trốn anh trai lẻn ra khỏi ký túc xá lưu học sinh, đi bộ bốn cây số đến, khiến tôi bối rối khó xử. Chủ nhà trọ rất khó tính, nếu họ biết tôi có bạn gái ở qua đêm thì hậu quả khôn lường. Vạn bất đắc dĩ cùng nàng lang thang đến sáng, bởi có về ký túc cũng không được vào vì quá giờ. Tôi đưa Diễm đến hàng cây bằng lăng dọc theo chùa Thánh Chúa trong khuôn viên trường sư phạm. Ngồi bên nhau, nàng thủ thỉ: “Anh Việt, sau này ra trường, anh có theo em về Vân Nam không?”. Tôi cười nhìn nàng âu yếm, nhưng không rõ mình đã nói những gì mà Diễm vùng bỏ chạy. Chỉ biết sau đêm ấy, Diễm không còn muốn gặp tôi nữa. Mãi tới lúc tôi ra trường, anh của nàng mới chia sẻ: “Diễm nó yêu cậu, nhưng không muốn ở lại Việt Nam đâu. Bọn mình học xong là phải về cống hiến cho đất nước”. Nghe tôi tâm sự vậy, Đường Quốc Trung à lên một tiếng, hắn thở hắt ra bảo: “Vậy mà mấy chục năm qua, ngộ cứ nghĩ ông đã... Ông bỏ quá cho ngộ, ngộ nông cạn, nông cạn”. Từ lúc ấy, hắn tỏ ra thân thiện với tôi hơn.
Bẵng đi một thời gian, bỗng một hôm tôi nhận được mail của hắn, trong thư đại ý đợt này sang Việt Nam, sẽ tuyển số lượng lớn công nhân cho một nhà máy mà hắn vừa xây dựng trong khu công nghiệp. Hắn sẽ trả lương cao và bao ăn ở. Tôi mừng lắm, bụng nghĩ, khóa lớp 12 của trường năm nay số học sinh tốt nghiệp nhưng dự thi đại học ít quá, giờ có cơ hội thế này thì còn gì bằng, liền nhận lời.
Cầm trong tay danh sách học sinh đăng ký đi làm mà lòng tôi nặng trĩu. Đã gắn bó với sự nghiệp giáo dục mấy mươi năm, trải qua ba bốn trường dạy học và làm quản lý, nhưng mùa thi này khiến tôi xúc động lạ. Từ ngày nhận quyết định công tác về đây, một ngôi trường nằm trên vùng đất cằn cỗi, nghèo nàn lạc hậu, và là vùng trũng cả về kinh tế và dân trí. Đa phần học sinh của tôi sau khi lấy bằng cấp ba đều đăng ký đi làm, một phần do học lực nhưng phần khác do gia đình không đủ điều kiện để con em học tiếp ở các bậc cao hơn. Những năm trước, khi các khu công nghiệp chưa phát triển, việc làm rất khó kiếm, học sinh của tôi vừa thi tốt nghiệp xong, con trai thì đi bộ đội, con gái thì lấy chồng.
Có tháng tôi nhận được hàng chục thiệp cưới, lòng buồn khôn tả. Tôi cứ nuôi hy vọng, mái trường này sẽ là nơi chắp cánh ước mơ cho các em bay cao, bay xa hơn, chứ không muốn các em sau mười hai năm đèn sách lại trở về với cái cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho giời. Nhưng trước mắt, công ăn việc làm cho các em sau khi trượt đại học là một áp lực không nhỏ, vì nếu vẫn quay lại với ruộng đồng thì các em sẽ bỏ học hết. Chính vì vậy, gặp lại ông bạn ngoại quốc là chủ doanh nghiệp lớn, tôi mừng lắm. Đang miên man bỗng chuông điện thoại reo, đầu dây bên kia vang lên giọng người đàn ông khàn đục và ngòng ngọng, nói tiếng Việt tuy sõi nhưng lơ lớ, tôi nhận ngay ra Đường Quốc Trung, hắn muốn trực tiếp đến tận trường để tư vấn nghề nghiệp...
Tôi liền đồng ý cho gặp toàn bộ học sinh vào tiết chào cờ đầu tuần, đồng thời điện thoại cho mấy hiệu trưởng trường bạn lân cận đến dự. Trong lòng thấy khấp khởi, với lời hứa hẹn này thì ngay trong tháng đầu đi làm, người được tuyển dụng đã lĩnh được số tiền lương bằng với một giáo viên có thâm niên hàng chục năm. Với mức thu nhập khá thì các học sinh của tôi sẽ có rất nhiều cơ hội, và biết đâu sau này dành dụm được, các em hoặc sẽ học tiếp đại học, hoặc sẽ đi học nghề, chắc chắn tương lai sẽ tươi sáng hơn.
Tôi tạm thở phào vì vừa qua một kỳ thi Quốc gia, an toàn và suôn sẻ. Đang định theo cơ quan đi nghỉ mát ở Cửa Lò như kế hoạch, nhưng có một việc xảy ra ngoài ý muốn. Đó chính là chuyện về ông bạn vàng Trung Quốc của tôi. Số là, sau lần hắn về trường, tôi thỏa thuận cung ứng cho công ty hắn khoảng ba trăm công nhân nữ, hẹn sau khi thi cử xong xuôi sẽ thực hiện. Không biết do linh tính mách bảo hay số giời định thế mà cứ thấy áy náy, lòng thấp thỏm không yên. Mấy lần gọi điện, Trung viện hết cớ này sang lý do kia để từ chối tôi tới thăm. Hôm trước lại gọi thì thư ký thông báo hắn đã về nước có công chuyện, sang tháng mới trở lại Việt Nam. Nhờ sự can thiệp của bạn bè là sếp lớn khu công nghiệp, tôi đã được bảo lãnh vào với tư cách một khách hàng tiềm năng.
Công ty của hắn được nằm ở vị trí đắc địa, bốn bề tường gạch chắc chắn, phía trên còn giăng thêm lớp thép gai nhìn rất kiên cố. Cứ cách hai trụ cột lại đặt một cụm camera quan sát, cảm giác như đến con muỗi kin cũng không vượt qua nổi. Khu vực sản xuất nom rất hiện đại nhưng khách không được tới gần, chỉ được phép quan sát từ xa. Đằng sau công ty là khu nhà dành cho công nhân có thiết kế rất lạ, cứ cách một phòng nam là phòng nữ, khu vệ sinh tắm giặt đều dùng chung. Điều đáng chú ý là ở đây chỉ có công nhân nữ là người Việt Nam.
Đang nghi hoặc thì có tiếng gọi: “Em chào thầy”. Hóa ra là học sinh cũ, tên Lan. Em này có hoàn cảnh rất đặc biệt, nhà thuộc diện hộ nghèo nhất xóm, bố bị tai nạn mất sớm để lại ba mẹ con nheo nhóc. Lúc còn là học sinh của trường, mấy lần tôi phải cùng giáo viên chủ nhiệm đến tận nhà động viên gia đình, em mới theo được hết cấp. Do đó vừa gặp, tôi đã nhận ra ngay. Thấy thầy hiệu trưởng ở đây, Lan tỏ ra ngạc nhiên. Nhìn cái bụng lùm lùm, tôi trách lập gia đình khi nào mà không cho thầy cô biết. Em có vẻ bối rối, đôi mắt ngây thơ ngày xưa giờ hõm sâu và ngân ngấn lệ, dáng bộ như vừa trải qua sóng gió gì đó lớn lắm. Lan tránh câu hỏi và lảng qua chuyện khác rồi vội vàng xin phép tiếp tục vào ca. Biết tôi thắc mắc, tay quản đốc chia sẻ rằng, tập đoàn có chính sách “tạo điều kiện” cho các nam công nhân Trung Quốc nếu lấy vợ Việt Nam sẽ cấp nhà và cho về quê, còn có con thì cho ra ở khu nhà riêng, có chế độ đãi ngộ hơn bình thường. Nhưng có nhiều trường hợp như em vừa rồi, chẳng được cưới hỏi lại còn phải tự gánh chịu bởi sự nhẹ dạ cả tin. Tôi bàng hoàng, không ngờ việc làm của mình hóa ra lại hại các em thế này.
Lòng buồn, bước chân vô thức đưa tôi quay lại chốn xưa - Thánh Chúa linh tự, một ngôi chùa độc đáo bởi nằm lọt giữa khuôn viên trường sư phạm với kiến trúc cổ kính, linh thiêng. Nơi đây lưu giữ biết bao kỷ niệm vui buồn thời sinh viên, tình bạn, tình yêu và những khát vọng mơ ước của tuổi thanh xuân. Trước cửa chùa, hai bức tượng ông thiện ông ác vẫn sừng sững uy nghi. Bên trong tam bảo, tất cả vẫn vẹn nguyên, nghiêm trang, thanh tịnh. Tiếng chuông chùa mạnh mẽ ngân vang khiến tôi bình an trở lại. Bên ngoài, từng loạt ve râm ran gọi mùa thi đến trong sắc phượng đỏ chói đốt cháy sân trường. Trước mắt tôi bỗng hiện ra lũ học sinh với gương mặt trẻ trung đầy sức sống, năng động và nhiệt huyết, đang miệt mài bước vào kỳ vượt vũ môn mới. Tôi rất hy vọng và tin tưởng ở chúng.
Truyện ngắn.Trương Vân Ngọc
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...