Đúc tượng Vua Lý Nam Đế - tri ân với tiền nhân, xứng tầm với lịch sử
Ngày 26/7/2024 (tức ngày 21/6 năm Giáp Thìn), tại Khu Di tích lịch sử Đền thờ Vua Lý Nam Đế (Đền Mục) thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên (di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp Quốc gia từ năm 2014), một sự kiện mang ý nghĩa trọng đại đã diễn ra hoàn tất, đó là Lễ an vị tượng Vua Lý Nam Đế. Đây là kết quả sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, phác hoạ chân dung vị vua Lý Nam Đế làm cơ sở để các hoạ sỹ sáng tác đúc nên pho tượng Vua Lý Nam Đế tại tỉnh Nam Định vào ngày 6/7/2024. Việc làm đó đã góp phần thể hiện truyền thống: “Uống nước nhớ nguồn”, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo nhân dân tỉnh Thái Nguyên nói chung và nhân thành phố Phổ Yên nói riêng. Đồng thời, là hoạt động ý nghĩa Kỷ niệm 1.521 năm Ngày sinh vua Lý Nam Đế (12/9 năm Quý Mão - 503) - 12/9 năm Giáp Thìn (2024).
Khu Di tích lịch sử Đền Mục và Chùa Hương Ấp thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên từ lâu đã nổi tiếng là quê hương của vua Lý Nam Đế, một vị vua có tài xuất chúng đứng lên lãnh đạo nhân dân phất cờ khởi nghĩa dẹp tan quân Lương, lập ra nước Vạn Xuân ở thế kỷ VI.
Năm 2016, UBND tỉnh Thái Nguyên có Quyết định số 2279/QĐ-UBND, ngày 7/9/2016 về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (Đền Mục). Việc tiến hành triển khai tu bổ tôn tạo di tích đã trải qua gần 10 năm (2016 - 2024) do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch là chủ đầu tư. Quá trình thực hiện trải qua rất nhiều khó khăn nhưng với quan tâm sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng cùng với sự phối hợp của chính quyền và nhân dân địa phương chung tay, góp sức, nên Dự án đã được đẩy nhanh tiến độ.
Trong quá trình thực hiện tu bổ di tích, ngày 6/7/2024, tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã diễn ra Hội thảo Đúc tượng Vua Lý Nam Đế. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì đã lấy ý kiến của các đại biểu, đại diện cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở tỉnh Thái Nguyên, thành phố Phổ Yên, phường Tiên Phong. Trước đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã báo cáo xin ý kiến của Cục Di sản văn hóa, Nhà nghiên cứu di sản văn hóa truyền thống có uy tín là Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lâm Biền. Trong quá trình triển khai chuẩn bị cho việc đúc tượng, đoàn công tác có đi khảo sát thực tế tham khảo các phong cách tượng cổ ở các di tích như: chùa Sổ, chùa Bối Khê, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Hội thảo đã nghe nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu về ý tưởng thiết kế hình tượng vua Lý Nam Đế về hình khối tổng thể, các chi tiết trên pho tượng, các hoa văn, họa tiết trên sắc phục cần thể hiện được khí phách oai nghiêm, tư chất thánh hiền của một vị vua tài đức. Tượng được phác thảo khá chuẩn về hình tượng nghệ thuật cũng như về giá trị biểu tượng. Đặc biệt, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu hàng đầu về mỹ thuật cổ truyền Việt Nam đã cho ý kiến quý báu đóng góp cho họa sỹ phác họa chân dung tượng Vua Lý Nam Đế thể hiện.
Lĩnh hội ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý và ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo, nhóm họa sỹ thiết kế xây dựng tượng chân dung danh nhân vua Lý Nam Đế trong tư thế tĩnh - tư thế thường đặt trong đền thờ theo truyền thống dân gian. Tượng ở tư thế ngồi với trang phục áo bào của vua, chân đi hài võ tướng. Hai chân ở tư thế bằng, chân phải hơi nhích lên phía trước. Tượng được ngồi trên ngai rồng, hai tay cầm hốt như kiểu tư thế thuyết giáo hướng quần chúng đi theo; đầu đội mũ, mặt nghiêm nghị hướng thẳng, dái tai dài, lông mày cong hình lưỡi liềm, mắt hơi nhìn xuống, mũi thẳng, cánh mũi dày, hàm én, râu, toàn bộ pho tượng toát lên vẻ khoan hòa, tĩnh tại nhưng vẫn tỏ rõ được phong thái oai phong lẫm liệt của bậc quân tử, hiền nhân. Tượng Vua Lý Nam Đế được đúc bằng đồng đỏ, cao 1m 54, nặng khoảng 800 kg. Tượng Vua Lý Nam Đế đã được hô thần nhập tượng, an vị tại chính điện ngôi Đền Mục thờ vua Lý Nam Đế vào ngày 26/7/2024 (tức ngày 21/6 năm Giáp Thìn). Lễ an vị tượng Lý Nam Đế diễn ra trong không khí trang nghiêm với sự tham gia của các đại biểu là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố Phổ Yên, các sở, ban, ngành, phường Tiên Phong (Phổ Yên). Đặc biệt, có sự chứng kiến trong niềm hân hoan trọng thị của đông đảo nhân dân địa phương.
Trong không gian hậu cung ngôi đền thờ Vua Lý Nam Đế: gian giữa thờ Vua được trang trí có cửa võng làm bằng gỗ quý có đục chạm Tứ linh long, ly, quy, phượng, trên treo bức hoành phi khắc 3 chữ Hán Đức duy hinh (Chữ đức là duy nhất). Hai bên có treo câu đối nội dung ca ngợi công đức, sự nghiệp của Ngài. Hai gian bên cạnh đều có bàn thờ, thờ các vị liệt tiên, tiền tổ gia đình nhà vua. Các bàn thờ đó đều có trang hoàng cửa võng ngai, bài vị. Đồ thờ, hoành phi, câu đối, đều được sơn son, thiếp vàng lộng lẫy tỏ sự sang quý và nghiêm trang thờ phụng Đức Vua.
Cùng với đúc tượng vua Lý Nam Đế, ngôi đền thờ Ngài cũng được đang hoàn thiện với trên 10 hạng mục. Tiền tế ngôi đền là công trình kiến trúc - nghệ thuật tiêu biểu, được thiết kế theo kiểu truyền thống có 5 gian, 2 chái, 4 mái, 4 đao cong vút, bờ nóc có đắp đôi rồng chầu mặt trời, bờ dải đắp hình hộp lồng hoa chanh, hai đầu nóc đắp con kìm, bờ dải đắp con xô. Đây là nơi thờ vọng vua Lý Nam Đế. Bàn thờ được bài trí các đồ thờ sơn son thiếp vàng lộng lẫy, 5 hoành phi, 4 câu đối bằng chữ Hán Nôm ca ngợi công lao to lớn của vua Lý Nam Đế với việc dấy binh khởi nghĩa lập nên Nhà nước Vạn Xuân. Trung từ nối tiếp liền với Tiền tế. Ngôi nhà Trung từ được thiết kế theo kiểu phương đình 2 tầng 8 mái, 8 đao, là công trình có kiến trúc, nghệ thuật đẹp. Đây là nơi thờ vua Lý Nam Đế mang yếu tố thông thiên. Bàn thờ có đồ thờ, 1 hoành phi, 1 cấu đối. Du khách đến lễ đền sau khi lễ ở nhà Tiền tế, chuẩn bị tiếp tục sửa lễ vào Hậu cung. Hậu cung là công trình có 3 gian, 2 chái kiến trúc, nghệ thuật giống như nhà Tiền tế. Đây là nơi thờ chính vua Lý Nam Đế. Nhà Mẫu là công trình nằm bên phải của ngôi đền, là ngôi nhà có kiến trúc 3 gian theo kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói vảy rồng. Đây là nơi thờ Tứ phủ công đồng, thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian. Bàn thờ có tượng và treo 3 hoành phi, 2 câu đối. Ngoài ra còn có các công trình như: Nghi môn, Tả vu, Hữu vu, Lầu Cô, Lầu Cậu, Bình phong, Cột cờ, Lầu chuông, Lầu trống, lầu hóa sớ, nhà khách, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, sân vườn và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Vua Lý Nam Đế tên thật là Lý Bí (hoặc Lý Bôn). Theo kết quả Hội thảo Một số vấn đề về Vương triều Tiền Lý và quê hương của Vua Lý Nam Đế do Hội Sử học Việt Nam, Viện Sử học, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Phổ Yên phối hợp tổ chức năm 2012 tại Văn Miếu - Quốc Tử giám, Hà Nội cho biết quê gốc Lý Bí là ở châu Giã Năng, xứ Kinh Bắc xưa (nay thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên).
Theo Thần tích Lý Nam Đế Ngọc phả cổ truyền, ông sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (503), mất vào ngày 2 tháng 5 năm Mậu Thìn (548).
Ngày 12 tháng Giêng năm Nhâm Tuất (542), Lý Bí tập hợp hào kiệt, phát động nhân dân đứng lên khởi nghĩa, giành chiến thắng vang dội, quét sạch quân giặc nhà Lương ra khỏi bờ cõi nước ta.
Năm Giáp Tý (544), Lý Bí lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Nam Việt Đế (còn gọi là Lý Nam Đế), đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, niên hiệu là Thiên Đức; đặt ban Văn, Võ; định đô tại đất Đại La (nay là Hà Nội). Vương triều Tiền Lý được khởi nghiệp từ đây. Lý Nam Đế cho đúc tiền mang tên Thiên Đức, xây dựng chùa Khai Quốc.
Trong 2 năm (545 và 546), nhà Lương cho quân sang đàn áp. Sau trận thất bại ở hồ Điển Triệt (thuộc Vĩnh Phúc ngày nay), Lý Nam Đế giao quyền bính cho Triệu Quang Phục rồi tạm lánh vào động Khuất Lão (thuộc Phú Thọ ngày nay) và mất ở đó vào năm 548.
Trong hơn 1.000 năm Bắc thuộc, cuộc khởi nghĩa Lý Bí giành được thắng lợi vang dội nhất, xác lập được quyền độc lập, tự chủ lâu dài nhất. Trong lịch sử nước ta, Lý Bí là người đầu tiên xưng hoàng đế; người đầu tiên đặt niên hiệu và cũng là người đầu tiên nhận ra vị trí trung tâm đất nước của vùng đất Hà Nội cổ.
Việc Lý Bí đặt tên nước là Vạn Xuân, tự xưng là hoàng đế, định niên hiệu, lập một triều đình riêng ngang hàng với nước lớn phương Bắc (Trung Hoa) là sự khẳng định chủ quyền, độc lập dân tộc, sự bền vững muôn đời của nhà nước phương Nam.
Sinh thời, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đã từng nhận định về sự kiện xưng đế của Lý Bí như sau: “Lý Bí xưng đế, định niên hiệu riêng, đúc tiền riêng, lấy Nam đối chọi với Bắc, lấy Việt đối chọi với Hoa, những điều đó nói tự mình trưởng thành của ý thức dân tộc, lòng tự tin vững chắc ở khả năng tự mình vươn lên, phát triển một cách độc lập. Đó là sự ngang nhiên phủ định quyền bá chủ thiên hạ của Hoàng đế phương Bắc, vạch rõ sơn hà, cương vực là sự khẳng định dứt khoát rằng nòi giống Việt phương Nam là một thực thể độc lập, là chủ nhân cả đất nước và nhất quyết giành quyền làm chủ vận mệnh của mình”.
Sau hơn một ngàn năm, tại quê của Vua Lý Nam Đế, những người con cháu, hậu duệ của Người đã đúc tượng, tu bổ tôn tạo di tích, kính dâng lên Người những nén nhang thơm tỏ bày lòng thành sự biết ơn vô hạn về công lao, đức độ của Người. Đồng thời, quyết một lòng đoàn kết, noi gương Đức Vua gìn giữ non sông, gấm vóc, cũng như gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nền văn hoá của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Đình Hưng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...