Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
01:35 (GMT +7)

Du lịch văn minh và văn minh du lịch

VNTN - Văn minh du lịch chính là tiêu chí đánh giá hình ảnh, vị thế quốc gia trong hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh du lịch được xác định trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, vấn đề ứng xử văn minh khi tham gia du lịch đối với du khách càng trở nên quan trọng. Nhưng xem ra để thực hiện văn minh du lịch cũng còn nhiều vấn đề tồn tại “nóng”. 


Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú với nhiều thế mạnh: Hơn 40.000 di tích và thắng cảnh, trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tính đến nay, nước ta đã có tám di sản được UNESCO công nhận: Di tích Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hội An, quần thể danh thắng Tràng An, cố đô Huế, thành nhà Hồ, thánh địa Mỹ Sơn, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, vịnh Hạ Long. Văn hóa và ẩm thực chính là hai trong các tiềm năng du lịch Việt Nam nhất định cần được giữ gìn và phát triển.

Văn minh du lịch không những là yếu tố giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh tích cực cho du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Vì thấy rõ vấn đề nên năm 2017, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã ra Quyết định số 718/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch. Đây là lần đầu tiên ban hành Bộ quy tắc Ứng xử văn minh du lịch trên quy mô cả nước. Nhưng qua hơn một năm thực hiện, ứng xử văn minh trong du lịch vẫn còn xảy ra nhiều điều “trông thấy mà đau đớn lòng”.

Du khách vào thăm động ở Hạ Long               Ảnh: PV

Đau lòng khách đến, phiền lòng chủ nhà

Mặc dù, những hành vi và ứng xử thiếu văn hóa có giảm, nhưng không có nghĩa là không còn. Gần đây vẫn xuất hiện những “hạt sạn” làm méo mó hình ảnh du lịch Việt Nam. Không chỉ cách hành xử của địa phương nơi có địa điểm du lịch, không “chặt chém” du khách thì cũng cư xử thiếu văn minh với khách từ chuyện chèo kéo mua hàng lưu niệm, đến việc ép buộc khách phải trả tiền dịch vụ cao vượt quy định như trong giới taxi, nhà hàng ăn, thuê khách sạn…

Đỉnh điểm và gây xôn xao không chỉ giới du lịch trong nước mà còn làm cho truyền thông nước ngoài nhìn du lịch Việt Nam với con mắt nghi ngại, là vụ nữ du khách Australia bị lừa đi du lịch Vịnh Hạ Long nhưng là đi Cát Bà với những dịch vụ kém chất lượng vào tháng 5/2018. Sau chuyến đi, Lynne Ryan, nữ du khách Australia chia sẻ bài viết trên Facebook với tựa đề Chuyến đi kinh dị, vịnh Hạ Long, kèm hình ảnh quảng cáo và thực tế của tàu du lịch, chuyến du lịch mơ ước của cô và nhóm bạn tại nơi được cho là Vịnh Hạ Long đã biến thành trải nghiệm kinh dị, sau khi bước lên tàu du lịch “sang trọng” có chuột, gián, cùng nhà vệ sinh bẩn thỉu, máy lạnh hỏng cùng nhiều dịch vụ tệ hại khác.

Vụ việc chỉ được làm dịu đi khi đích thân ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam gửi thư cho bà Lynne Ryan. “Tôi đã đọc thông tin của bà về trải nghiệm tồi tệ trên Vinh Hạ Long thông qua web 9news.com.au và trực tiếp trên trang facebook của bà. Tôi rất lấy làm tiếc về sự việc đã xảy ra với bà và những người bạn của bà”… Việc du khách được cung cấp dịch vụ kém chất lượng, không giống như quảng cáo vừa qua, không chỉ là cá biệt, mà còn rất nhiều cơ sở du lịch khác cũng thường “treo đâu dê bán thịt chó”, quảng cáo và thực tế khác xa một trời một vực, du khách lỡ mua tour chỉ biết “ngậm đắng nuốt cay”. Đây cũng là thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về “kẽ hở” quản lý kinh doanh dịch vụ du lịch, nhất là các tour giá rẻ tại Việt Nam. Và đó cũng là một cách hành xử thiếu văn minh trong du lịch đứng về phía chủ nhà gây đau lòng khách đến.

Nhưng khách đến cũng làm phiền lòng cho chủ nhà không ít bởi cách ứng xử kém văn minh của du khách. Từ những chuyện “trong nhà” như hành động phản cảm của hai thanh niên khi chụp ảnh khỏa thân trên đỉnh Pha Luông (Sơn La) hay hành vi xả rác bừa bãi của du khách ở quảng trường Lâm Viên (Đà Lạt); việc ăn mặc hớ hênh của du khách khi đến các điểm du lịch tâm linh; viết, vẽ bậy lên Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ (TP Huế)... Gần hơn nữa là những hành vi du lịch đáng lên án như tại Lễ hội hoa Tam giác mạch Hà Giang hay trang trại hoa hướng dương Nghệ An, du khách đến thưởng lãm chụp hình với hoa nhưng lại vô cùng thiếu ý thức khiến các cánh đồng hoa hư hỏng nặng. Đặc biệt là sau mỗi một sự kiện văn hóa vừa diễn ra thường để lại một “chiến địa” kinh hoàng của rác. Riêng với việc xả rác ở các địa điểm du lịch thì gần như là chuyện được “bình thường” hóa. Chẳng đâu như ở Việt Nam, biển báo hướng dẫn du khách tham quan ít hơn rất nhiều những biển báo “Cấm xả rác”, “Cấm vứt rác”…

Đến chuyện “ngoài ngõ”, du khách nhập cảnh Việt Nam cũng gây phiền lòng chủ nhà không ít. Đã có chuyện du khách mang hộ chiếu in hình bản đồ vi phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam nhập cảnh, và đặc biệt vụ việc xảy ra đêm 13/5/2018 tại sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa. Một nhóm du khách gồm 14 người đi trên chuyến bay mang số hiệu QJ 8889 đáp xuống sân bay quốc tế Cam Ranh lúc 20 giờ 35 phút đêm 13/5, sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh mới cởi áo khoác, để lộ rõ áo pull mặc trong in bản đồ có "đường lưỡi bò" sau lưng áo. Chưa kể thời gian vừa qua, hiện tượng hướng dẫn viên du lịch trá hình vào Việt Nam theo các tour du lịch đã xảy ra ở một số địa phương như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng... gây nhức nhối trong xã hội. Ở Đà Nẵng một số hướng dẫn viên du lịch người nước ngoài hành nghề trái phép, hướng dẫn chui, không dùng tiền Việt Nam khi mua hàng hóa, một số hướng dẫn viên nước ngoài còn ngang nhiên xuyên tạc lịch sử Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận.

Những chiếc xe bán hàng rong "cơ động" rất khó quản lý là nỗi kinh hoàng

của các điểm du lịch                  Ảnh: PV

Thực hiện văn minh du lịch không dễ

Ở Việt Nam chỉ gọi nhẹ nhàng là quy tắc ứng xử, còn ở các nước khác được quy định cụ thể bằng luật và chế tài. Năm 2016 đã chính thức mở màn cho chiến dịch xây dựng và nâng cao hình ảnh khách du lịch Việt Nam, tạo dựng ý thức và cách ứng xử văn minh ở các điểm đến khi tham quan. Hàng loạt địa phương đã hưởng ứng, tung ra những thông điệp riêng nhằm nâng cao nhận thức về ứng xử văn minh trong môi trường du lịch. Như tỉnh Quảng Ninh với cuộc vận động thực hiện “Nụ cười Hạ Long”; TP Đà Nẵng với bộ quy định được cụ thể hóa bằng hình ảnh về “Những điều nên và không nên” khi du lịch; Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Đồng Tháp, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận... cũng đưa ra những bộ quy tắc ứng xử riêng. Một số doanh nghiệp lữ hành như TransViet, Viettravel... đã chủ động xây dựng những thông điệp ứng xử văn minh và trực tiếp tuyên truyền, phổ biến tới những du khách sử dụng dịch vụ của mình.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia du lịch, những phản ứng mang tính nhỏ lẻ của từng đơn vị sẽ chỉ mang lại hiệu quả theo thời điểm. Để tạo sự chuyển biến sâu sắc về ứng xử cho du khách, cần sự vào cuộc của cả hệ thống xã hội với nhiều giải pháp đồng bộ.

Mỗi vùng miền, dân tộc, quốc gia đều có những nét văn hóa riêng, có những tục lệ và điều kiêng kỵ riêng của họ. Du khách đến thăm quan trải nghiệm văn hóa phải hết sức lưu ý những tục lệ đó. Đến bất cứ nơi đâu, để thể hiện là một người văn minh lịch sự thì bất cứ ai cũng phải tôn trọng những quy tắc chung của xã hội. Đặc biệt khi với vai trò là một du khách đi đến khám phá những nơi xa xôi, tiếp xúc với nền văn hóa khác, giao lưu với những con người xa lạ thì ý thức công cộng phải được đặt lên cao. Từ những chuyện nhỏ như xếp hàng khi mua bán, nhường ghế cho người già trẻ nhỏ, chấp hành luật giao thông cho đến những ứng xử việc như giữ trật tự nơi công cộng, không ăn mặc phản cảm, vứt rác đúng nơi quy định…

Với khách du lịch ngoại quốc, cần nhấn mạnh để du khách hiểu đất nước, con người Việt Nam luôn thân thiện, mến khách nhưng không có nghĩa sẽ chấp nhận cả những vị khách thiếu tôn trọng luật pháp, văn hóa, phong tục tập quán Việt Nam. Trong trường hợp đã được giải thích rõ ràng, cam kết thực hiện mà du khách vẫn cố tình vi phạm, tất yếu cần tới chế tài đủ mạnh, có sức răn đe để bảo đảm những vi phạm tương tự không lặp lại, như: không cho nhập cảnh, thực hiện lệnh trục xuất hoặc cấm nhập cảnh vĩnh viễn...

Văn hóa của khách du lịch phản ánh trình độ dân trí và mức sống của địa phương nơi sinh sống của du khách. Để xây dựng hình ảnh khách du lịch Việt Nam văn minh thân thiện, tôn trọng văn hóa pháp luật trước tiên phải giúp du khách nâng cao nhận thức bản thân thông qua tuyên truyền rộng rãi, phổ cập những nét văn minh văn hóa bằng quy tắc ứng xử văn mình và cả sự thân thiện của chủ nhà để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, để khách thêm một lần quay trở lại.

 

- Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch với thông điệp được gửi gắm, đó là du lịch văn minh - tự trọng - trách nhiệm, bao gồm hai Chương, 12 điều, nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử cho mười đối tượng liên quan, gồm: khách du lịch; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ, du lịch; doanh nghiệp lữ hành; hướng dẫn viên du lịch; cơ sở lưu trú du lịch; đơn vị vận chuyển khách du lịch; nhà hàng, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống; điểm mua sắm phục vụ khách du lịch; điểm tham quan, điểm du lịch và cộng đồng dân cư. Bộ quy tắc cũng đưa ra những thông điệp, quy tắc riêng cho từng đối tượng.

- Khoản 1 Điều 12 Luật Du lịch năm 2017 nước ta quy định nghĩa vụ của khách du lịch là phải “Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đến du lịch; ứng xử văn minh, tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương, bảo vệ và giữ gìn tài nguyên du lịch, môi trường du lịch; không gây phương hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam”. Điều này có nghĩa, bất kể du khách nào nhập cảnh Việt Nam phải tuân thủ Luật của Việt Nam, phải biết ứng xử văn minh không làm phiền lòng chủ nhà.

 

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy