Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
17:51 (GMT +7)

Du lịch Thái Nguyên, vì sao phát triển chưa xứng tầm?

VNTN - Du lịch - ngành công nghiệp không khói ở Thái Nguyên được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng”, chờ người đến đánh thức. Ví như vậy vì từ rất nhiều năm nay, các cơ quan chức năng của tỉnh luôn coi ngành du lịch là một loại hình kinh tế có nhiều tiềm năng, nhưng chưa mạnh và phát triển chưa xứng tầm.


Một lần lên Thái Nguyên công tác, khi bàn về phát triển ngành công nghiệp không khói, Tiến sĩ Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đúc kết: Thái Nguyên có 4 nhóm sản phẩm du lịch cơ bản là: Du lịch lịch sử về nguồn; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; du lịch qua những vùng chè và du lịch tín ngưỡng. Nhưng để khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch, ngoài việc tăng cường các hoạt động truyền thông, đẩy mạnh xúc tiến thị trường quốc tế, Thái Nguyên cần tăng cường hơn nữa các giải pháp kích cầu du lịch.

Nhiều chuyên gia kinh tế trong, ngoài nước khi đến làm việc tại Thái Nguyên cũng cho rằng: Thái Nguyên - vùng đất mang trên nó nhiều phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, với những phong tục tập quán truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, chẳng khác một “mỏ vàng lộ thiên”, nhưng người dân bản địa chưa biết khai thác, làm giàu.

Du khách đến thăm mái lán Bác ở, tại đồi Khuôn Tát (Phú Đình, Định Hóa).

“Mỏ vàng lộ thiên” ấy là các điểm danh thắng tham quan du lịch được trải dài, rộng trên khắp địa bàn tỉnh. Kể từ cầu Đa Phúc (T.X Phổ Yên) đoạn tiếp giáp Thủ đô Hà Nội; đèo Khế (Đại Từ) tiếp giáp tỉnh Tuyên Quang; cầu Mỏ Gà (Võ Nhai) tiếp giáp tỉnh Lạng Sơn… Trên quê hương Thái Nguyên, đi đến đâu cũng gặp di tích lịch sử hoặc những địa điểm có phong cảnh thiên nhiên lạ lẫm, hấp dẫn và có thể xây dựng thành điểm du lịch hấp dẫn. Qua kiểm đếm của cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn của tỉnh có 910 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Nhiều nhất là di tích lịch sử với 510 điểm; di tích tín ngưỡng có 233 điểm và 39 di tích danh thắng, 12 di tích khảo cổ học, 16 di tích kiến trúc nghệ thuật. Song hầu hết các điểm du lịch đều chưa thật sự bắt mắt đối với du khách.

Nhìn trên bản đồ hành chính, Thái Nguyên tiếp giáp với thủ đô Hà Nội và các tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Cạn và một số tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ.... Hơn thế, Thái Nguyên được coi là trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Việt Bắc. Từ Thái Nguyên, du khách có thể lên các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc hoặc về thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền xuôi. Với ngành công nghiệp không khói, giữa các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh và thủ đô Hà Nội tạo thành thế chân kiềng, có thể xây dựng nên các tua (tour), tuyến du lịch hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thăm quan, khám phá, thưởng ngoạn của du khách trong nước và quốc tế.

Dù từ nhiều năm gần đây, lãnh đạo các cấp, ngành của tỉnh đã có nhận thức sâu sắc, rõ ràng về vai trò to lớn của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó được minh chứng thông qua các văn bản chính sách của tỉnh liên quan đến lĩnh vực du lịch, khai thác du lịch, như Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2009-2015; Quy hoạch phát triển tổng thể du lịch Thái Nguyên giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2015 và tầm nhìn chiến lược đến năm 2020; Đề án bảo tồn và phát huy giá trị vật thể - phi vật thể sản phẩm trà Thái Nguyên vv… và các hội thảo liên quan đến du lịch. Sự quan tâm của tỉnh đã trực tiếp thúc đẩy ngành du lịch phát triển, khẳng định được một phần không nhỏ về vai trò, tầm quan trọng của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, chưa năm nào số lượt du khách đến Thái Nguyên chạm ngưỡng 1,9 triệu lượt người/năm, chứ chưa dám mơ tới 2 triệu lượt người/năm.

Bà Ma Thị Nguyệt, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch tỉnh cho rằng: Ngành du lịch của Thái Nguyên phát triển còn hạn chế là do công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch đã triển khai nhưng còn thiếu hệ thống, chưa thường xuyên; việc kết nối tour, tuyến, hợp tác giữa cơ quan chức năng và giữa các doanh nghiệp làm du lịch trong vùng chưa được đẩy mạnh. Đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch. Chất lượng sản phẩm du lịch thấp. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người làm du lịch còn hạn chế, dẫn đến việc chưa khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch.

Điều đáng nói là trong những năm gần đây, nguồn tài nguyên phục vụ ngành công nghiệp không khói đã được các doanh nghiệp, doanh nhân trong lĩnh vực du lịch đầu tư khai thác, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa đáng kể. Thực tế trong 3 năm gần đây, lượng du khách trong, ngoài nước đến Thái Nguyên tăng cao hơn so với những năm 2010 về trước. Nhưng lượng du khách quốc tế đến Thái Nguyên giảm hơn. Năm 2013 có 32.700 lượt khách quốc tế; năm 2014 có 70.000 lượt du khách quốc tế; năm 2015 giảm còn khoảng 60.000 lượt du khách quốc tế, trong đó có nhiều người nước ngoài đến Thái Nguyên làm việc cũng được tính là du khách. Theo đó, tổng doanh thu toàn xã hội về các dịch vụ của ngành du lịch chưa đạt như mong muốn, trung bình trong 3 năm gần đây chỉ đạt hơn, hoặc thấp hơn 1.000 tỷ đồng/năm.

Đây là những số liệu minh chứng các cơ quan, doanh nghiệp, doanh nhân trong lĩnh vực du lịch Thái Nguyên còn lúng túng trong cách tổ chức phục vụ du khách, dẫn đến việc lãng phí nguồn tài nguyên phục vụ cho ngành công nghiệp không khói. Nhiều di tích lịch sử, điểm tham quan hấp dẫn nhưng du khách không được hưởng thụ. Hầu hết khi du khách đến Thái Nguyên tham quan, vãn cảnh theo cách đi cho nhanh rồi về. Du khách thường “đi lướt” qua các điểm Hồ Núi Cốc (Đại Từ), Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đèo De (Định Hóa); Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và Không gian Văn hóa Trà Tân Cương (T.P Thái Nguyên). Thậm chí nhiều du khách từ Hà Nội và các tỉnh miền xuôi qua đường Thái Nguyên, đi thẳng lên hồ Ba Bể (Bắc Cạn); lên Cao Bằng thăm thác Bản Giốc, hoặc sang Tuyên Quang tắm suối khoáng Mỹ Lâm; lên Hà Giang thăm cao nguyên đá…

Du khách “một đi không trở lại” là dấu hiệu buồn đối với bất cứ địa phương nào. Nhân kỳ nghỉ lễ 2-9 năm nay, chúng tôi lên thăm Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa, chứng kiến các đoàn khách gióng chuông, dâng hương tại Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm di tích lán Tỉn Keo, thác Khuôn Tát rồi trở ra thăm đồi Khau Tí (Điềm Mặc), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở. Hầu hết du khách có chung cảm nhận xúc động khi về ATK, nhiều du khách thấy mãn nhãn trước cảnh vật thiên nhiên nhưng không hứa hẹn ngày trở lại.

 Bà Ma Thị Lan, xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc, một trong những hộ dân tại địa phương tham gia lĩnh vực du lịch cho biết: Vào các dịp lễ, tết, du khách về thăm ATK đông, họ rất thích thú khi được vào thăm những ngôi nhà sàn, nghe hát ví bằng tiếng dân tộc, nhưng hiếm lắm mới có khách lưu trú qua đêm.

Chuyện làm du lịch, ông Đỗ Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty Du lịch - Khách sạn Dạ Hương; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên cho rằng: Du khách chưa mặn mà vì Thái Nguyên chưa xây dựng được những địa điểm vui chơi giải trí, khu ẩm thực đêm cũng như các khu ăn, uống, mua sắm, nên chưa thể giữ được chân du khách ở lại… Ông Hiệp nhấn mạnh: Có nhiều du khách đã nói với chúng tôi rằng: Đi du lịch là đi tiêu tiền, nhưng đến Thái Nguyên thường phải mang tiền về vì chẳng biết tiêu gì, mua sắm gì.

Lý do nhiều du khách không mặn mà với Thái Nguyên còn bởi một lẽ đơn giản: Thái Nguyên chưa có sản phẩm du lịch chất lượng cao, nhất là trong hoạt động phục vụ du khách; các đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân liên quan tới du lịch chưa có sự liên kết chặt chẽ, không tạo được chuỗi trong các hoạt động du lịch, nên gây cho du khách cảm giác chưa thật thoải mái khi bỏ tiền cho một số dịch vụ du lịch tại Thái Nguyên. Điển hình như Khách sạn Đông Á 2, số 38, tổ 2, phường Đồng Quang và Khách sạn Đông Á III, xóm Cao Khánh, xã Phúc Xuân. Cả 2 khách sạn 3 sao này đều mới bị Tổng cục Du lịch quyết định thu hồi hạng sao vào ngày 2-8 vừa qua.

Do không đạt các tiêu chí về cơ sở vật chất tương xứng, ngày 2-8, Tổng cục Du lịch đã quyết định thu hồi hạng 3 sao đối với Khách sạn Đông Á 2, số 38, tổ 2, phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên)

Ngành công nghiệp không khói của Thái Nguyên còn sơ đẳng, hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên lĩnh vực này chưa thật sự có nghề, còn vừa làm, vừa thăm dò, rút kinh nghiệm. Một hạn chế nữa còn bởi công tác tuyên truyền chưa sâu, rộng và mang tính hình thức; nhân viên làm du lịch chưa có nghiệp vụ cao, đặc biệt là giữa các “ông chủ” làm du lịch trên địa bàn chưa có sự liên kết hợp tác chặt chẽ, mạnh ai nấy làm, gây thiệt thòi cho du khách khi bỏ ra một khoản tiền nhưng không được hưởng thụ các sản phẩm tương xứng.

Mong sao, du lịch - ngành công nghiệp không khói của Thái Nguyên sớm thật sự trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Và mong hình ảnh về mảnh đất, quê hương, con người Thái Nguyên được đẹp hơn trong mắt du khách.

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy