Thứ ba, ngày 17 tháng 12 năm 2024
04:04 (GMT +7)

Đủ đủ đực

Từ một cái kẽ tường nứt, cây đủ đủ hăm hở mọc lên. Rồi cái tường xiêu, đổ dần thành một đống gạch. Vữa trôi theo những trận mưa. Đống gạch nằm vung vãi như một thành phố bị bỏ quên của các loài côn trùng. Thành biết cây đủ đủ ấy từ lâu rồi nhưng với căn bệnh của anh, chẳng có thứ thuốc nào hiệu nghiệm hơn là sự bỏ mặc và lãng quên.

Đủ đủ đực

Bệnh xuất ra từ tâm, có khi tâm nhàn nhã bệnh cũng đến. Đã có những ngày anh nhóm củi nấu một bữa cơm. Chỉ với những thanh củi chẻ ra từ những cánh cửa sổ sơn màu xanh của thời bao cấp. Văn phòng, nhà xưởng, trường học đều in một màu xanh ấy. Thành chậm rãi chẻ nhỏ hơn, đun cái nồi ấy sôi rồi rút củi cho lớp than ủ chín nồi cơm từ từ.

Những buổi tối, gió thông thốc cả xí nghiệp, anh lấy cây sáo ra thổi. Cái ống trúc như được sống dậy, rít lên những tiếng gió từ một buồng phổi vẫn còn đầm đậm mùi thuốc lá sợi. Ở quê anh, những thân tre già cả đời lấn bấn với đồng chiêm. Lúc trẻ, chúng ngoi lên từ bùn để nghển cao ngó bầu trời xanh mướt, thứ duy nhất không bị những cái đuôi trâu vấy bùn. Được non quãng đời, lại cắm phập xuống bùn làm nền, làm móng. Có chăng, may mắn hơn thì cả đời cũng ngập khói thuốc lào.  

Thành tập thổi sáo từ khi về sống ở khu tập thể này. Tiếng sáo của anh ban đầu như một trò ti toe của con trẻ. Những tiếng không ra kêu cứu, không ra gào thét, không thành sự hào hứng mà cứ cứa rách từng đêm yên tĩnh. Nhưng rồi, anh bắt đầu thấy cảm giác đứt gãy trong ý nghĩ. Thành quên những gì đã xa, rồi gần hơn. Thay vì nói là thế này, là thế kia, anh nói nhiều hơn những câu “hình như”: Hình như mình đang thèm thuốc. Đó là khi anh đang tan vào làn khói trắng lơ lửng trên những cây dương xỉ ngổ ngáo mọc sau hè.

Thế rồi, dần dần, từ những cặp vợ chồng trẻ đến những người sống độc thân trong dãy tập thể chuyển đi khi tiếng sáo của Thành bắt đầu thanh thoát. Chủ trương thanh lý khu nhà của xí nghiệp sau khi khánh thành công trình vẫn chỉ nằm trong tờ công văn nằm ẩm mốc trên mặt bàn. Thành là người ở lại, anh đóng chiếc cổng sắt sau khi chào tạm biệt một anh chàng thợ điện chuyển về quê Ba Vì. Anh quay lại, nhìn những căn phòng không khóa, những thứ rác rưởi còn sót lại lưu giữ một phần hơi ấm. Anh nhặt về phòng một cái bật lửa đã hết xăng, phần đựng bông tẩm xăng bị méo. Có thể sau một cuộc cãi vã của hai vợ chồng hay đứa con của họ nghịch ngợm dùng gạch gè. Một cái túi da mua từ chợ Đồng Xuân của anh chàng gốc Hà Nội đã rách. Cậu ta vẫn luôn lau chùi nó bóng loáng, treo ở góc phòng như biểu tượng chứng thực chất thị thành. Một cái bút bi ba ngòi đã hết mực nhưng vẫn còn xoay khá tốt... Từ hôm đó, dẫu anh có năng quét dọn, mọi thứ cũng cũ dần, mục ra và xa xăm.

Trước cái mông lung như rơi tự do của nhàn nhã ấy, ban đầu, Thành thu mình trong căn phỏng nhỏ đọc sách. Anh đọc trong khi rêu lên xanh những bức tường, rêu lên tới mái nhà làm cho lớp ngói thành cổ kính. Những hạt cỏ từ hiên bắt đầu len lỏi vào, mọc trong cả những chiếc bát vỡ lấm bún đất. Nắng lên, Thành đưa tất cả trở về vị trí ban đầu, nắng sấy khô những loại thực vật bé nhỏ ấy. Nhưng, đêm nằm một mình trong căn phòng chừng hai mươi mét vuông, Thành nghe rõ tiếng côn trùng kêu thảm. Tiếng kêu mang mùi nhựa cỏ hăng và gây gây như một thứ máu của những loài nguyên sơ. Anh ghê rợn những tiếng kêu trong vẻ thanh bình ấy.

Khi những cuốn sách anh đã đọc đến lần... nát nhàu gáy và nhớp mồ hôi tay, anh nghĩ đến những công việc cần phải làm để khuấy động cái không gian vắng hơi người này. Anh hì hục mất ba hôm để ghép những mảnh gỗ lại thành một cái chuồng chim câu xinh xắn, cẩn thận trèo lên, gắn một cái cột vào đầu hồi rồi đặt chiếc chuồng trên đó. Anh mua một đôi bồ câu, nhốt và chờ thời gian để chúng làm quen. Đôi vợ chồng trẻ quấn quýt, ngó nghiêng thích thú. Anh hồi hộp chờ đợi trong cái buổi đầu tiên chúng bay lượn khắp khu tập thể rồi xa hơn, xa hơn.

Sau này, anh không còn thấy ấm ức hay oán tránh chúng như các đôi vợ chồng trẻ đã dứt áo ra đi khỏi khu nhà này. Anh bắt gặp những tiếng vỗ cánh, những bóng chim bay lượn bên mặt hồ cũng tựa như những chiếc lá rụng, tất cả đều quen thuộc rồi mờ nhòe xa xăm...

Anh nhớ mình còn trồng một luống hoa, nhưng dù anh có gia sức chăm bẵm, cũng vẫn thấy những hạt cỏ lạc vào. Hoa và cỏ cùng chung sống. Hoa cũng ườn mình, vươn những cái cành lêu nghêu, nụ thưa dần, như thể chúng đang hoan ca. Rồi anh từng nuôi một con chó con. Anh dành tất cả những gì ngon nhất cho nó. Anh làm cho nó một cái ổ thật sạch sẽ và ấm áp, cao ráo so với mặt đất. Một sớm thức dậy, chú chó nhỏ đã nằm lạnh cứng. Nỏ đã bỏ ăn từ mấy hôm nay và nằm ở góc nhà với đôi mắt như một sự cầu khẩn xin được tha thứ, nó đã không thể ở bên anh lâu hơn.

***

Lần đầu đi qua mầm sống ấy, Thành thấy nó loay hoay những chiếc lá về phía ánh mặt trời ở vào cái độ tuổi mà nếu là một cây cỏ dại thì đã rất thuần thục. Anh đã rút được một bài học nhỏ, không vội vã thêm cho nó chút nước như mọi lần. Rồi, anh lại đi qua cái cây ấy, nó chững lại, cọc cằn trên cái nền bê tông nứt nẻ và vắng lặng. Hình như, cây cũng cần cả những thanh âm náo nức. Ít ra, thì cũng phải loãng hơn những u ám đặc quánh ở nơi đây. Thành mang cây sáo trúc ra thổi. Luồng khí chạy dọc thân thể thon dài, cây sáo như động cựa rồi khẽ rùng mình, âm thanh bay ra không trung.

Tiếng sáo đã thổi đến khi tiếng sấm vang lên thì im bặt. Cây đu đủ choàng cái bóng nó xuống một góc sân bằng những tàu lá to như những bàn tay. Sự khác biệt giữa nó với cỏ dại làm Thành phải nán lại. Đã có một thứ gì, vốn cũng hoang dã mọc ven những bờ ao nơi làng quê đất chật người đông của anh. Nhưng, ở chốn này, nó thuộc về ánh sáng.

Cái cây bắt đầu không mọc thẳng, nó cong vẹo sau một lần bị gió giật. Cái rễ vẫn bám chắc lấy phần đất dưới nền xi măng, thân bị trầy xước khi đập vào những viên gạch. Rõ ràng, cái cây đã vươn lên từ đống vỡ vụn ấy. Thứ vữa được trộn từ vôi và cát đã không thể bám trụ được lâu. Nhưng sớm muộn gì, cái cây vẫn phải vượt qua được sự thật ấy. Giờ thì nó đã tựa trên cái mảnh sắc của hòn gạch vỡ cạnh. Càng lớn lên, vết cứa của nó càng sâu hơn. Nhưng đổi lại, bão gió có thổi mạnh đến mấy nó cũng mặc. Vết sẹo trên thân thể là thứ miễn dịch cao nhất trước mọi biến động của cuộc đời. Nhiều lúc Thành lại lần mò sang những căn phòng bỏ trống, anh muốn tìm thứ bột màu còn sót lại trong căn phòng nào đó của một tay công nhân có máu mê vẽ vời hơn cả một sinh viên trường Mỹ thuật bỏ dở như mình. Anh đã tìm thấy nó, những màu vẽ còn sót lại cùng thứ ẩm mốc, anh vẽ thân hình của cái cây. Bình thường sẽ không ai đi vẽ một thân thẳng hay những cái cành xiên ngang. Người ta vẽ khi bị ám ảnh. Anh nhận ra cái cây đang lớn lên bằng dáng hình của gió. Gió mang nó tới, nó làm bạn với anh trên những hoang dại và khô cằn.

Căn phòng ở bên kia bức tường có một người phụ nữ dọn đến ở. Anh nghe loáng thoáng hình như là những người quản lý cho người này thuê tạm. Những ngày sau, có mảnh vườn lấm tấm rau cải, một cái tủ được đóng vội bằng gỗ keo bày xà phòng, kem đánh răng, mấy chai bia... Rồi những tiếng cười cũng như tàn thuốc vứt đầy lối đi.

Đó là mùa hè nhiều nắng hơn mưa, Thành đã kiếm cho mình một công việc mới. Anh gác lại bức tranh sơn dầu vẽ dở, cánh cửa phòng luôn khóa. Thành cũng bỏ đi vẻ lãng tử thường thấy với chiếc áo nhàu nhĩ, mái tóc búi dài, chiếc dép tông đứt quai... Anh tươm tất mỗi sáng chỉ để đến làm việc cho một xưởng khắc bia mộ. Có những khuôn mặt hiện ra, “Ồ, là ông sao! Hình như tôi biết ông...”. Anh đặt khuôn mặt đó ngay trước mặt, trên cái bàn anh làm đến nửa ngày rồi mới sực nhớ, người đó giờ đã không còn trên thế gian. Anh càng làm thì họ càng lùi xa hơn như để ngắm anh đầy hồ nghi. Kệ, anh có một món tiền đủ sinh hoạt và dư ra một ít.

Chưa khi nào, Thành ghé vào cái quán đầu dãy, cũng chưa tường mặt bà chủ. Tối nay, đã khuya, thèm một điếu thuốc, nhìn qua kẽ tường nứt, bên cạnh là cánh cổng sắt rỉ đen khép lại như một thói quen, anh vẫn thấy bên ấy sáng đèn. Anh đứng dậy, như thể anh vừa nhận được một phép màu để có thể lọt qua kẽ nứt ấy. Nhưng rồi, có mẩu thuốc cháy dở từ lúc nào đó, anh đã nhét vào cãi kẽ ấy, thói quen khi không có hứng thú hút. Châm lại, khói dật dờ nhả ra, những ý nghĩ lại nằm vắt ngang trán khi anh nhìn lên trần nhà.

Nửa đêm, giông gió giật tung, cánh cổng sắt đã già như mọi thứ ở đây. Những tấm ngói, những cái kèo cũng run lên theo. Một khung cảnh thật lạ được cảm hiện ra qua âm thanh, tiếng gió đêm này thật lạ. Nó như một con thú hoang dính vết thương từ muôn năm trước từ cánh rừng già đã lùi xa tìm về trả mối thù kẻ đã gieo oán thù đang náu ở chốn thị thành. Gió như túm gáy, xách cổ từng tấm bạt, tấm tôn để tra hỏi, để thị uy. Những “cư dân” đã tự ủ mục vì thiếu hơi người rên xiết bất lực trước câu trả lời của gió.

Sáng, nắng lên, trời quang quẻ, mặt sân la liệt lá, cành mục đất cát... như sau một trận chiến bí ẩn của màn đêm. Vươn tay để những khớp xương kêu khô khốc trên tấm thân mệt mỏi sau giấc ngủ đến quên cả trở mình. Ở cái khe tường nứt đêm qua, có một đầu dây thép đang ngo ngoe như một con rắn cạp nong. Bên kia tường, một tiếng nói vọng sang:

- Cầm hộ cái đầu dây cái.

Thành vừa giúp cô chủ quán bên kia buộc ghì cái dây thép vào tường vừa nói bâng quơ: “Mưa to quá, ghì vào đây cho chắc. Ờ”. Từ cái đầu dây, rồi cái bật lửa, bao thuốc... cái khe nứt trên tường chẳng biết từ khi nào rộng mãi thành cái cửa sổ nhỏ bằng cái cặp học sinh thì dừng lại. Chắc ai cũng muốn nó chỉ bằng tầm đó, đủ lọt những thứ có thể nhờ vả, mua hộ. Hiềm nỗi, cái khe nứt ấy là cao so với bên mặt đường ngoài kia nhưng lại quá thấp so với gian trong này. Thành chỉ được nhìn thấy đôi chân bên kia, những đôi dép liên tục thay đổi. Còn khuôn mặt, thật ra, anh đâu có tường. Ngay cả tiếng nói, cũng ngày càng ít đi, thay vào đó là tiếng chân, anh nghe tiếng chân quen quen.

***

Có một con đường mới mở phía sau khu tập thể. Con đường tuy chưa rải nhựa nhưng đã khá phẳng phiu. Giờ, những lúc đi làm về, anh mới để ý, từ khi mở ra cánh cửa sau nhà, có bao nhiều điều khác lạ. Những người đi chợ bây giờ thường đi chợ muộn hơn nhưng về sớm hơn. Một gia đình hay dắt theo chú chó nhỏ, anh chưa từng thấy chú chó nào nhỏ đến thế. Nhưng nghe nói, nó có giá đắt gấp mười lần con cho to tướng béo mẫm hay sủa ở đầu phố. Mà rõ là, cái gia đình ấy ngày trước chỉ có một chiếc xe đạp cũ nát. Có hôm người vợ phải đi mót từng ngọn rau dại mọc ở vệ đường bụi bặm. Những đứa con mùa hè đến thường mọc đầy mụn nhọn lở loét. Giờ anh không nhìn thấy những cái mụn ấy nữa vì chúng đang mặc những chiếc áo phông có in dòng chữ “Du lịch Sầm Sơn”, “Du lịch Huế”. Ngày đi, đêm về, anh nằm bên này bức tường lắng nghe những tiếng động bên kia. Hình như, lâu nay nhạc mở nhỏ và ít hơn. Mùi mực nhạt dần, tiếng cười nói cũng thưa, chỉ còn thấy tiếng lạch cạch của người đang dọn dẹp đồ đạc. Cánh cổng sắt cũng đã từ lâu không mở, ổ khóa rỉ sét, rêu mọc cả lên hai bên cột trị xi măng. Chắc hẳn con đường “tập hậu” phía này đã hút hết người qua làm lối đi của xí nghiệp một thời giờ thưa vắng.

Mỗi ngày như thế, ý nghĩ về người phụ nữ bên kia bức tường lại càng lớn lên trong anh. Khốn nỗi, mưa nắng thế mà bức tường trần trụi không được trát lớp áo vẫn cong cớn không chịu đổ sụp hay rạn nứt. Một lần, vào ngày mưa, anh nghỉ ở nhà vì ông chủ xưởng chế tác về quê ăn giỗ. Mưa lâm thâm, đấy là một ngày cuối tháng, càng buồn. Anh vét số gạo dưới đáy thùng, chỉ còn non một miệng bát, chợt có tiếng gọi từ bên kia bức tường:

- Anh sang đây giúp em.

Thành bước ra, như cả một bầu trời mới bừng lên, tất cả những âm thanh anh thường nghe dường như không thể lý giải nổi tất cả những gì đang vỡ òa trước mắt. Chỉ có ngần ấy thời gian anh không mở cánh cổng ra, bên kia bức tường, những ồn ào đã xóa sạch dấu vết của một xí nghiệp quốc doanh. Con đường to tướng mở ra trên khu đất từng là bếp ăn tập thể. Những cái ô to tướng che bóng mát cho những hàng quán. Bao mái ngói đỏ Hương Canh đã biến mất. Bên này đường, hóa ra chỉ còn đúng cái quán đầu hồi dãy nhà anh là còn tuềnh toàng. Từ bữa đó, mỗi tối, anh và Hoa – giờ anh mới biết tên - lại cụm ly. Mỗi lần, họ lôi ra một chai bia bụi bặm, lau sạch và chia đều vào hai chiếc ly. Ban đầu còn mấy con mực khô trong tủ. Hoa nheo mắt mỗi khi mực khét thơm ngọn lửa xanh. Rồi đến gói lạc trong hòm gạo cũng hết. Hoa thổi đám vỏ lạc bay theo gió xuống lòng đường. Một bà đi thể dục buổi tối về nhìn đám vỏ lạc rồi nhìn họ vẻ khinh khỉnh. Hoa bật cười, lần đầu tiên cô cười với chiếc răng khểnh:

- Răng nanh đấy – Hoa tự khoe rồi im bặt.

Hết lạc, rồi đến cả cá khô và cháy cơm nấu nồi gang. Hình như, hai người không còn những bữa sáng, bữa trưa mà chỉ còn nhưng bữa tối cụm ly. Bia vẫn còn nhiều nhiều, những cái chai như nấm mọc lên trong cái kho tối om đầy muỗi và gián, cóc của Hoa. Bia đắng và cồn cào hơn, Thành càng uống chậm và lắng, dưới cái cột đèn không sáng vì chắc chẳng bõ bật lên cho ngôi nhà duy nhất, mỗi buổi tối như dài thêm mãi ra cho đến khi cánh cổng sắt cọt kẹt lần cuối cùng.

Một sáng, sau đêm mưa, Thành mở cửa và giật minh khi thấy Hoa đã đứng ngay trước mắt. Anh lúng túng không phải vì căn phòng không gọn gàng nhưng rồi đôi mắt Hoa đã chọn đúng cuốn sách a vừa kịp giở đêm qua rồi ngủ thiếp đi.

- Đêm qua, có một mình, em uống một cốc cafe rồi thức luôn đến sáng. Giờ vẫn thế. Em phải đọc gì mới ngủ được...

Thành định buột miệng nói là đã gần tám giờ sáng nhưng thấy điệu bộ Hoa đang cố tìm lại giấc ngủ. Một cái trán cao, sống mũi thẳng. Hoa cố chấp, cả khi dùng răng cậy đến bật máu, cái nắp bia cóc két.

Những ngày sau, mưa lại về tầm tã trên mái nhà. Tháng Sáu, mưa kể chuyện, mưa thở than rồi tự tuôn lời. Những cánh bằng lăng nhạt dần rồi tan trong mưa như những con chữ mục ra trong cuốn vở học trò. Thành nhặt một cánh hoa như con chữ vụn, anh ném nó vào suy tư. Mấy tuần nay, lão chủ cơ sở chế tác đá biến đâu mất. Có người bảo lão thua độ trong trận chung kết Word Cup vừa rồi, lại có người kể thấy nhà hắn dưới quê cũng treo biển bán. Thực ra, Thành cũng đã nhận lương và cũng chán ngán cái công việc bóc từng lớp sức vóc của anh, chán những khuôn mặt người chết hiện ra dần dần mỗi ngày. Bao nhiêu hoài bão đã khô cóc két trong lọ bột màu, anh cầm cọ hứng dòng nước mưa từ mái ngói, chấm vào kí ức nhạt nhòa để lướt trên toan giấy ẩm mốc. Đó là một chân dung không buồn nhưng vỡ từng nét như tiếng từng giọt mưa cuối hạ. Đêm ấy, Thành và Hoa lại cụm ly. Lâu rồi, từ hôm cô nói là đám mồi nhậu không còn, anh cũng quen dần nhưng câu chuyện phiếm. Hoa sang, nách kẹp hai chai bia, miệng nhanh nhảu:

- Anh đưa em mượn cái ghế.

Cái ghế dựa có một chân lung lay, dáng người Hoa chập chờn trên ba chân còn lại. Nhưng dẫu thế nào, nét xuân thì vẫn không thể mờ đi. Đời người cũng chỉ có một lần phụ bạc hay khốn đốn vì sức xuân ấy. Thành đem niềm bâng khuâng ấy gửi vào cây cọ cũ. Màu nhòe trên toan ố, anh đưa nét đi qua những ngượng ngùng chạm đến từng sâu thẳm. Những lúc ấy, máu trong người anh như được đun sôi lên trong chiếc siêu nhỏ. Những tiếng reo chỉ mình anh nghe được.

Sau này, ngồi nhớ lại bữa bia có món hoa đủ đủ đực do Hoa xào, anh nhìn cái cây ngơ ngác. Những bông hoa mãi là những bông hoa, nếu không có sáng kiến của Hoa, chắc anh sẽ không bao giờ để ý đến chúng. Cái vị ngậm đắng giúp anh dần nhớ ra, từ khi nó mọc lên, khi nó bị gió xô đẩy phải uốn mình... đã có một thời anh bị vây hãm bởi cây cỏ, chỉ có nó là ánh sáng duy nhất giúp anh không bị hoảng loạn trong màn đêm của ý nghĩ.

Đêm ấy, Hoa không về căn phòng bên kia tường nữa. Thành cũng có lý do để níu chân cô lại. Khi một người đàn ông biết tìm kiếm cho mình một cái cớ như thế cũng là khi họ không còn biết lo sợ những gì phía trước. Cái quán nhỏ vắng khách từ lâu, những gian nhà mà người ta đang lãng quên, trừ khi phải đi thu những khoản tiền đóng góp. Họ cứ sống như thế một đêm, rồi hai đêm. Đêm sinh ra ngày từ những ấp ủ dự định, những ngày ngắn ngủi gói lại ánh nắng bên khung cửa sổ. Thành như chìm vào một giấc mơ hồ khác, cũng mông lung giữa những ngôi nhà bỏ hoang, cũng dưới tán lá ngày một cao của cây đủ đủ. Nó bắt đầu nhô lên, đâu biết phải nhún nhường giữa chốn phố xá mọi thứ phải nhìn trước ngó sau này. Nếu như không đắm say với những nụ hôn cháy bỏng cùng anh, Hoa đã nhìn thấy điều đó sớm hơn. Một cô gái sinh ra ở miền châu thổ đất chật, người đông rất khéo vun vén, lo toan. Có thể cái ngọn cây đủ đủ sẽ bị chặt, cô sẽ úp lên đó cái hộp hay chiếc nồi nhỏ để thân cây không bị thối rữa mà cây sẽ không cao thêm.

Nhưng rồi, đến một ngày, cái ngọn của nó đã vươn cao hơn bức tường cũ kĩ. Một thời khu đất này còn nhiều cây xanh đã qua mau, giờ mái hiên nào ngoài kia cũng cao để thoáng khí, ro ro tiếng máy điều hòa. Con người với thiên nhiên từ dung hòa, dựa vào nhau giờ đã phần nào xung khắc và đối nghịch. Cái cây đủ đủ đâu biết thế, nó cứ vươn lên, vươn đến khi có những tiếng xì xào ngoài bờ tường. Lúc đầu là mấy bà đi chợ, đi thể dục, rồi cánh đàn ông nhàn rỗi tụm năm, tụm ba. Cái cây lại vươn lá ra phía có những tiếng nói. Nếu là loại cây thân gỗ, hẳn nó đã vươn cành, nó nghe ngóng cả khi có những người mặc áo cổ cồn trắng đứng chỉ chỏ, khoát tay mạnh mẽ...

Rồi, cái khu tập thể ấy cũng bị đập bỏ. Tiếng cánh cổng sắt rơi xuống lạnh gáy như chấm hết cho một tòa thành thất thủ. Thành là người cuối cùng rời khỏi dãy nhà. Không có một chiếc máy ảnh để ghi lại nhưng trong đáy mắt anh đã ầng ậc nước. Những người hàng xóm xưa cũ đã trôi dạt về phương trời nào? Anh không biết, những ô vuông thân quen dần vỡ vụn trước cái gầu máy xúc hung hãn. Một thế giới dường như đổ xụp. Nơi những bức họa mãi bị chôn vùi dưới lớp đất kia. Hôm qua, Hoa đã ra đi khi có những người dẫn cô đi. Thành nhìn thấy một người đàn ông đứng tuổi, nghe nói đó là chú ruột cô. Ông ta đã xin để cô không phải đi cải tạo phục hồi nhân phẩm, họ nói cô là gái làng chơi làm mất trật tự khu vực này.

Giờ thì, bản thân anh sẽ được đưa đến một bệnh viện để chữa trị tâm lý, anh ngoái nhìn qua cửa kính xe, chiếc máy xúc tiến lại gần, hình như cái cây không hề run sợ, đến khi nó gục xuống, nó gãy nát, Thành vẫn nghĩ đó là một ảo ảnh...

Nắng, bắt đầu ngày mới ở một thành phố xa lạ. Hành lang bệnh viện có những ô thoáng, nắng xiên vào thành từng chiếc răng lược. Thành ngồi đợi như bao người khác. Anh đã đến bao nhiêu bệnh viện, nghe bác sĩ nói với anh trai anh rằng anh bị một chứng bệnh rất lạ. Lần này là lần thứ bao nhiêu anh không thể nhớ nổi, anh bước đi dọc hành lang. Bỗng dưng, ở một điểm giao cắt với một lối đi khác, anh bắt gặp một người rất quen, anh nhắm mắt lại, cố hình dung, cơ thể anh run lên, đó là Hoa, anh vội chạy theo. Nhưng khi còn vài bước chân nữa thì anh đi thật chậm. Chiếc giày đế mềm giúp anh có thể đi chậm mà không phát ra một tiếng động nhỏ. Hoa đang đi bên cạnh một người đàn ông, anh ta đỡ cô ngồi xuống một chiếc ghế. Hoa lấy từ trong túi ra một tờ giấy, Thành không hiểu trong đó ghi gì, chỉ thấy người đàn ông bên cạnh nói nhỏ:

- Thôi em ạ, dù không thể thụ thai được thì mình lại cố thêm lần nữa. Có thể em gặp người chưa hợp.

Hoa không nói gì, lát sau anh nghe rõ tiếng cô khô lạnh như thể hơi thở đã vượt qua cả biển nước mắt mặn mòi như muối:

- Em vẫn mãi như một cái cây đu đủ đực, không bao giờ đậu quả dẫu có mọc lên ở cuộc đời nào.

Thành quay lại, anh đi dọc hành lang, hành lang dài theo nắng, anh không thể nhớ mình đã ngồi đợi ở chiếc ghế chờ nào. Anh vẫn mang trong mình căn bệnh lãng quên từ chứng nhàn rỗi. Cũng chẳng cần thiết nữa, không có một điều gì khiến anh phải đợi, kí ức cứ thênh thang dài xa xăm...

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Trải nghiệm… giàu sang

Văn xuôi 3 ngày trước

Chiếc khuyên bạc của mẹ

Văn xuôi 2 tuần trước

Đêm huyền minh

Văn xuôi 2 tuần trước

Đi về miền thương

Văn xuôi 3 tuần trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 4 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 4 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tháng trước