Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
06:05 (GMT +7)
Tác phẩm tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về Đại đội Thanh niên xung phong 915

Đồng đội tôi thời “Ba sẵn sàng”

Trời đã gần sang buổi trưa, tôi cùng ông Phạm Văn Thắng, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên tìm tới nhà bà Đỗ Thị Hoàn ở xóm Bến Đò.

Nắng đã bắt đầu chói chang dát vàng con ngõ uốn lượn vòng lên triền dốc. Căn nhà của bà Hoàn nằm lọt giữa vườn cây trái sum suê, cửa đóng im ắng. Đang băn khoăn không biết hỏi thăm ai thì may mắn ông hàng xóm thấy người lạ nên chạy sang. Biết chúng tôi tìm gặp bà, ông niềm nở:

- Bà ấy hôm nay đi cấy. Để tôi ra đồng gọi.

Trong khi chờ đợi, tôi tranh thủ xem lại bản danh sách hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong xã Linh Sơn của ông Chủ tịch Hội và ghi vào sổ tay: “Đỗ Thị Hoàn, sinh năm 1953 tại Tân Thái - Đại Từ - Thái Nguyên. Ngày tham gia TNXP: 01/2/1972, ngày xuất ngũ: 01/5/1975, phiên hiệu đơn vị: C915”.

Cựu Thanh niên xung phong Đỗ Thị Hoàn (thứ hai, từ phải sang) kể lại những kỷ niệm về đồng đội
Cựu Thanh niên xung phong Đỗ Thị Hoàn (thứ hai, từ phải sang) kể lại những kỷ niệm về đồng đội

 

Khác với các nhân chứng trong các đơn vị TNXP thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tôi đã gặp, dù có dáng vẻ lam lũ trong bộ quần áo cũ đi làm đồng, bà Đỗ Thị Hoàn trông còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và phần nào vẫn giữ được nét xinh đẹp của thời xuân sắc.

Tiếp chúng tôi trong căn phòng giản dị nhưng được bài trí khá gọn gàng. Nghe chúng tôi nhắc đến Đại đội 915 - Đội Thanh niên xung phong 91 Bắc Thái, bà lặng người, mắt dõi xa xăm, dường như nỗi đau xưa lại dội về.

Biết bà đang rất xúc động, tôi ý tứ:

- Năm tháng trôi qua, mọi thứ đã có nhiều thay đổi, nhưng tình cảm với lực lượng Thanh niên xung phong, nhất là đối với 60 cán bộ đội viên hy sinh đêm 24/12/1972, luôn được các thế hệ trân trọng và thể hiện bằng nhiều hoạt động tri ân. Tuy nhiên, do nhân chứng còn lại rất ít, nên việc tái hiện cuộc sống sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ của các đội viên, hầu như còn chưa nhiều. Làm sống lại hình ảnh của những người ngã xuống, âu cũng là việc nên làm trước khi quá muộn… Cuộc gặp này của chúng tôi chính là bởi lẽ ấy. Rất mong chị kể lại những gì đã trải qua khi còn là đội viên của Đại đội 915.

Trong không gian sâu thẳm của những hồi ức, câu chuyện của bà Đỗ Thị Hoàn đã để lại cho tôi ấn tượng khó quên.

             ***

Ngày ấy chúng tôi trẻ lắm. Đại đội 915 hầu hết là đội viên nữ dân tộc thiểu số, tuổi mới 17-18, quê quán đa số ở Bắc Kạn, một số ở Thái Nguyên (khi đó là tỉnh Bắc Thái). Đại đội được biên chế thành các tiểu đội giống như một đơn vị quân đội. Chúng tôi được giao nhiệm vụ sửa chữa đường Quốc lộ 1B, Quốc lộ 16A (nay là Quốc lộ 17). Đây là hai tuyến giao thông huyết mạch vận chuyển hàng viện trợ của các nước bạn ra tiền tuyến, vì tất cả cảng biển và cửa sông khi ấy bị ngư lôi Mỹ phong tỏa. Đội viên thanh niên xung phong chúng tôi là quân tập trung được trang bị quần áo đồng phục, giầy và mũ cứng gắn phù hiệu.

Trong điều kiện chiến tranh, mặc dù được quan tâm về nhiều mặt, song cuộc sống vẫn hết sức khó khăn, thiếu thốn. Cả Đại đội được trang bị một chiếc đài Orionton do Hungary sản xuất. Các đại đội cũng được cấp phát báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Tiền phong, nhưng số người biết đọc ít nên chỉ khi sinh hoạt văn hóa mới đọc để nghe chung. Hàng tháng các đội viên được lĩnh 5 đồng phụ cấp, riêng đội viên nữ còn được thêm 5 hào tiền vệ sinh, đủ để mua xà phòng, thuốc đánh răng và mấy thứ lặt vặt khác. Tối đến mọi sinh hoạt đều diễn ra quanh ngọn đèn dầu. Mùa hè nóng nực, ai cũng tự trang bị cho mình chiếc quạt nan. Đóng quân ở nhà dân, bà con thường nhường giường, nhưng chủ yếu chúng tôi trải chiếu nằm trên nền đất.

Do phần lớn đội viên đều mù chữ, nhiều người nói tiếng Kinh chưa sõi, nên Ủy ban Hành chính tỉnh bố trí giáo viên dạy bổ túc văn hóa. Tôi từng làm kế toán cho hợp tác xã tại địa phương nên thời gian đầu được phân công dạy bổ túc. Sau đó, ban chỉ huy Đội 91 điều động anh Hà Văn Ly về làm giáo viên.

Quen sống thoải mái bên gia đình, lại đều ở độ tuổi mới lớn, ban chỉ huy phải rất vất vả đốc thúc, đội viên mới từng bước thích nghi với nền nếp sinh hoạt, làm việc và ăn ngủ theo giờ giấc của đơn vị. Dù ở tập trung hay nhờ nhà dân, các hoạt động văn hóa văn nghệ luôn diễn ra sôi nổi. Đại đội thành lập được cả đội văn nghệ thường xuyên luyện tập và biểu diễn trong các buổi sinh hoạt với nhiều hạt nhân hát hay, đàn giỏi. Đội viên người dân tộc hát then, người Kinh hát chèo, chầu văn. Hồi đó, chúng tôi thích hát nhất là các bài như “Cô gái mở đường”, “Chào em cô gái Lam Hồng”, “Giải phóng miền Nam…”.

Các buổi học bổ túc văn hóa thường diễn ra dưới vườn cây, hoặc trên bãi cỏ. Chỉ có duy nhất một tấm bảng cho giáo viên, còn học viên trải chiếu ngồi, kê sách vở lên đùi học… Làm việc bất kể giờ giấc, vất vả gian khổ trong điều kiện sống thời chiến. Đêm ngủ phân công nhau gác đêm, nhưng tất cả vẫn vui vẻ vô tư không một lời ca thán. Chúng tôi chỉ nằm lòng khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Hiểu như thế để cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đôi lúc vất vả quá, thêm nỗi nhớ nhà cũng lén lút khóc dấm dứt, nhưng khi có việc lại quên hết, cười đùa ngay được. Tôi không thể nào quên những tình cảm chân thành trong những năm tháng sống cùng đồng đội. Chúng tôi gắn bó, chia sẻ giúp đỡ nhau như chị em một nhà.

Hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” của tuổi trẻ cả nước, đội viên TNXP Đại đội 915 đã thể hiện quyết tâm và ý chí của mình bằng những hành động thiết thực, tình nguyện cống hiến tuổi thanh xuân và sức trẻ cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Địch nắm được tuyến Quốc lộ 1B và 16A là hai tuyến giao thông huyết mạch, lại gần Quân khu Việt Bắc, nên máy bay địch thường xuyên ném bom đánh phá với cường độ cao. Để đảm bảo giao thông thông suốt, Đại đội phải căng mình làm việc cật lực trong mọi thời tiết.

Hàng ngày, các trung đội mang vác dụng cụ di chuyển bộ vài cây số đến các vị trí. Đường sá hư hỏng, luân phiên nhau liên tục làm việc không tính thời gian để các đoàn xe có thể qua lại. Hố bom sâu giữa mặt đường cũng chỉ dùng sức người san lấp, không hề có các phương tiên cơ giới nào. Khổ nhất là vào mùa mưa, hố bom vừa lấp xong, xe tải qua mấy chuyến đất đã nhão ra thành bùn, xe “ba ti nê” phải huy động sức người kéo đẩy.

Từ các cung đường, ngày đêm nhìn những đoàn xe nối nhau ra tiền tuyến, chúng tôi càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình, những người ở hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Mỗi chuyến hàng ra chiến trường sẽ góp phần làm cho bộ đội cơm no hơn, áo lành hơn, đầy đủ vũ khí hơn để chiến đấu. “Chị em mình vất vả gian khổ một chút, nhưng cũng không thấm vào đâu so với những hy sinh của bộ đội ngoài mặt trận”. Chúng tôi thường động viên nhau như vậy và bất chấp hiểm nguy vẫn không chùn bước.

Mùa hè năm 1972, máy bay Mỹ đánh phá dữ dội hòng cắt đứt tuyến đường huyết mạch 16A của ta. Khi Đại đội đang sửa chữa đường và đào hầm cá nhân cho bộ đội và nhân dân qua lại trú ẩn ven quốc lộ thì máy bay Mỹ bất ngờ lao đến ném bom. Chị Hoàng Thị Cát bị trúng bom hy sinh, 8 chị em khác bị thương rất nặng. Đơn vị đưa chị Cát đi an táng tại Dốc Lim. Lúc ấy, khu vực này còn ít mộ. Sau chiến tranh, tôi được triệu tập đi cất bốc hài cốt chị Cát vào nghĩa trang liệt sĩ. Nhưng thật đau lòng, nơi đó đã có rất nhiều mộ chí. Chúng tôi không thể tìm ra mộ chị Cát.

Chân dung Liệt sĩ Hoàng Thị Cát
Chân dung Liệt sĩ Hoàng Thị Cát

Giữa bom đạn khốc liệt, các đội viên thanh niên xung phong vẫn bám đường bám cầu để sửa chữa, san lấp, không hề nhụt chí khi được điều động tới làm việc tại các vị trí trọng điểm.

12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, thành phố Thái Nguyên và các vùng phụ cận bị ném bom dữ dội.

Sáng 24/12/1972, Đại đội 915 được lệnh tổ chức lực lượng đến ga Lưu Xá, phối hợp với các đơn vị bạn bốc dỡ giải tỏa hàng hóa quân sự do đồng chí Đại đội trưởng Triệu Đức Việt trực tiếp chỉ huy. Số cán bộ đội viên còn lại vẫn triển khai công việc sửa chữa đường phục vụ vận tải hàng hóa chi viện cho chiến trường.

Tối hôm đó, vòm trời như bị băm nát vì máy bay địch gầm rú quần thảo. Nhiều trận bom liên tiếp dội xuống khắp nơi làm rung chuyển mặt đất. Các góc trời đỏ rực chớp bom nổ và lửa cháy. Tôi không biết có chuyện gì xảy ra, chỉ thấy ruột gan nóng như lửa đốt.

Nửa đêm tin dữ làm tôi bàng hoàng, đầu óc quay cuồng chao đảo và khụy xuống: Đại đội 915 đã chìm trong vệt bom B52…

Giờ đây, tôi mong ước bên cạnh Nhà Tưởng niệm liệt sĩ Đại đội TNXP 915, phần mộ các anh các chị được chuyển về an táng tại nơi hy sinh, để mỗi lần về Nhà Tưởng niệm, chúng tôi được thắp hương cho họ. Như vậy khu vực Nhà Tưởng niệm không những thêm tôn nghiêm, mà giúp những đội viên năm xưa đang ngày một già cả, không phải đi đến cả hai nơi.

              ***

Chia tay bà, tôi chợt cảm thấy mình thật nhỏ bé trước bao điều mà suốt một thời máu lửa dân tộc ta đã trải qua, trong đó có những người đội viên thanh niên xung phong tuổi đời còn rất trẻ.

Thời gian đã lùi xa. Dấu tích chiến tranh đã dần mai một nhường chỗ cho sự đổi thay của cuộc sống mới. Nỗi đau của những gia đình có người thân ngã xuống cũng đã dần nguôi ngoai, nhưng sự kiện của các đội viên Đại đội 915 - Đội 91 hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại khu vực ga Lưu Xá vẫn luôn làm cho tôi và những người cầm bút trăn trở day dứt, bởi ngoài một số bài báo viết về sự kiện hy sinh anh dũng của Đại đội, có rất ít các tác phẩm văn học nói về họ.

Tôi thầm hẹn sẽ có dịp quay trở lại căn nhà nhỏ bé này, để được cùng bà trở lại một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết giữa bom đạn kẻ thù, cho dù mình không thể làm được điều gì đó để tri ân các liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915.

Với tất cả tình cảm và sự trân trọng của những người đang sống hôm nay, chắc chắn giá trị cống hiến của những người đã ngã xuống vì sự trường tồn của dân tộc, sẽ mãi được truyền lại cho các thế hệ mai sau với đầy đủ ý nghĩa cao đẹp nhất.

Ghi chép. Minh Thư

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 2)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 1)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Phối hợp triển khai sáng tác văn học về Đại đội 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 2 năm trước

Tiếp tục tuyên truyền có điểm nhấn về Đại đội TNXP 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Những nụ cười vẫn sáng lên

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Họ đã tham gia cuộc chiến như thế

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Nhật ký cô văn thư

Xem tin nổi bật 5 năm trước