Đốm lửa trong khu vườn cũ
Theo tôi bước vào tháng Tư bao giờ cũng là một đốm lựu bung phun sắc đỏ. Sắc màu ấy lúc hiển hiện ngay trước mắt, cũng có khi nhập nhòa trong tâm tưởng. Tôi thấy hồn mình là một tấm toan xanh ngát và bông lựu đỏ cháy lên như lửa, rực rỡ, đầy kiêu hãnh. Đốm lửa ấy tựa hồ đang reo vui, gọi cái rạng ngời, gắt gao của những ngày hè, lại như có gì luyến nhớ, nuối tiếc một mùa xuân huy hoàng đã trôi qua.
Đốm lửa lựu dẫn dụ tôi vào những phút giây bâng khuâng, hoài niệm...
Làng Gạo xa cách của tôi, ngân lên một tiếng vọng, yêu thương và buồn.
Làng xanh ngát, rậm rì bởi những khu vườn mùa hè, nhưng hoang vắng. Người làng đã kéo nhau ra thành phố, hoặc vào miền Nam buôn bán, hoặc đi Tây Nguyên để trồng tiêu, điều. Làng đói những bóng người như dòng sông đói tôm cá. Trong làng, có dăm ngôi nhà đã bị bỏ hoang, tường loang rêu phủ, cây cối cũng như chìm vào giấc mộng ngàn năm cổ tích. Lũ trẻ con chúng tôi ngày ấy thường thơ thẩn giữa những khu vườn có dây leo quấn nhằng nhịt và kể cho nhau nghe những câu chuyện của nhiều năm trước, của nhiều đời trước. Có rất nhiều bí mật về ngôi làng mà người già đã truyền lại cho con cháu mình vào những đêm hè hoặc những ngày mưa.
Ngôi nhà của bà Nhan không phải nhà hoang nhưng cũng chẳng khác gì nhà hoang. Bởi trong ngôi nhà cổ rộng rênh ấy chỉ có mình bà. Cả hai, bà Nhan và ngôi nhà, cùng lặng lẽ, già nua và đầy bí ẩn. Bà không làm ruộng như những người đàn bà khác trong làng. Bà sống bằng việc thu hoa lợi từ mấy sào vườn và có thể cả từ những của chìm mà đời trước để lại. Nghe kể, gia đình chồng bà vốn dòng dõi danh gia, nhân gian biến cải, người trong nhà phiêu tán khắp nơi. Bà có một người con gái duy nhất nhưng cũng đã theo chồng sang nước Pháp từ những năm 1960.
Bọn trẻ chúng tôi thường nấp sau khóm cúc tần để quan sát bà. Lúc nào bà cũng lặng lẽ như người cõi khác. Hay bà là người ở hành tinh nào đó bị một cơn cuồng phong cuốn về làng tôi, đặt giữa ngôi nhà đó? Đã có lúc tôi từng nghĩ thế. Thảng hoặc có một vài người mua hoa quả hay người họ hàng xa đến với bà. Bà nói với họ khẽ hơn cả một hơi thở, thường chúng tôi không nghe thấy gì cả, và họ cũng nói với bà rất khẽ. Cứ như bà Nhan và họ đang muốn giữ những bí mật, hoặc giả họ nói to lên thì mọi thứ sẽ tan biến. Với người làng, ngôi nhà cổ và bà Nhan còn chứa đựng thật nhiều bí ẩn... Đó là cuộc thiên di của hơn hai mươi con người trong đêm tối trời một mùa đông đã xa. Là căn hầm chứa toàn đồ cổ giữa ngôi nhà. Hay một con quạ đậu trên cây muỗm cao nhất khu vườn thường kêu vào những đêm sương,...
Chúng tôi chỉ tò mò nhìn qua hàng giậu, chứ chả đứa nào dám vào khu vườn đó.
Trong khuôn viên nhà bà Nhan, mỗi dịp hè, tôi luôn bị sắc đỏ của những bông lựu hút lấy. Những bông hoa dường như không thể rực rạng, căng mãn hơn, có vẻ đang xóa đi nét trầm mặc, u buồn thường thấy của ngôi nhà, của cả khu vườn. Và hẳn nhiên là cả nét lành lạnh của bà Nhan. Đã đôi lần, tôi bắt gặp bà ngồi xõa mái tóc dài, xanh mướt bên thềm nhà, ngay dưới gốc cây lựu. Cho đến tận bây giờ, mỗi dịp nhớ bà Nhan, tôi cứ tự hỏi sao một người đàn bà gần 70 tuổi lại có mái tóc xuân sắc đến vậy? Sắc hoa lựu làm gương mặt bà như giãn ra, hồng hào, tôi ngỡ người con gái tên Uyển của bà từ nước Pháp đã trở về, chứ không phải bà Nhan ngồi đấy.
Tôi không biết bà đang nghĩ gì? Có thể là thời vàng son của gia tộc chồng bà, có thể là thời thanh nữ kiêu sa của bà? Hay về những ngày thắm duyên mặn nồng “vợ mới chồng mới” của bà với người chồng quá cố? Gương mặt bà toát lên vẻ hạnh phúc và kiêu hãnh. Nhưng rất nhanh, khi bà đứng dậy, vấn lại tóc, nét mặt bà lại trở nên phẳng lặng, như mặt hồ thu lạnh lẽo và buồn. Người già thường hay sống bằng kí ức, dù nó vui hay buồn. Bà nội tôi, người hơn bà Nhan chừng dăm tuổi, thường bảo với tôi như vậy. Nên dù cuộc đời của bà, đói nhiều hơn no, buồn nhiều hơn vui, nước mắt trên mi thường thấy hơn nụ cười nơi khóe miệng, thì bà vẫn hay kể bằng những lời khi bình thản, khi thống thiết. Sau này, tôi cho rằng những ngày tháng sống bên bà, được tắm đẫm trong những câu chuyện của bà, đó là một trong vài quãng đời đẹp nhất của tôi.
Tôi nhập ngũ vài năm thì bà Nhan mất. Chưa khi nào tôi về quê đúng độ tháng Tư. Nhưng mỗi dịp xuân qua, giữa nhịp vần xoay của trời đất, bông lựu đỏ trong khu vườn nhà bà Nhan, cái đốm lửa nhỏ bé mà chói nhói ấy, cứ bừng lên, dẫn dụ những kí ức trở về. Tháng Tư năm trước, tôi về quê dự đám hỉ, bà thím họ khoe: “Người họ Nguyễn Quang mới xây nhà tổ. To lắm”. Khi đi qua nhà bà Nhan, tôi đứng lại thật lâu, cố kiếm tìm cây lựu ngày trước, nhưng tuyệt nhiên không còn một dấu vết nào cho thấy phía sau hàng rào hoa sắt án ngữ trước mặt tôi từng có một ngôi nhà cổ và bên thềm lập lòe những bông lựu đỏ.
Tôi lặng lẽ bước đi, trong sâu thẳm bỗng ngân vọng tiếng kèn saxophone giai điệu bài “Tháng Tư về”, bản nhạc mà tôi không thể không nghe khi chạm vào tháng Tư. Từng giọt thanh âm như tống biệt những hình ảnh tôi vừa thâu nhận và phục sinh trong tôi bóng dáng người đàn bà lặng lẽ ngồi xõa mái tóc xanh tràn.
Và cây lựu bên thềm thắp lên những đốm lửa, những đốm lửa đầy bí ẩn.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...