Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
13:24 (GMT +7)
Tác phẩm tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về Đại đội Thanh niên xung phong 915

Đôi mắt mẹ giấu những niềm đau

Mẹ Tẹo ngồi yên lặng bên hiên, mái tóc bạc trắng, từng vết đồi mồi hiện rõ trên khuôn mặt nhăn nheo. Nghe chúng tôi chào, Mẹ ngước lên đáp lời, giọng như tiếng rên khe khẽ. Dạo này Mẹ hay ốm lắm, trái gió trở trời là ho, đau nhức mình mẩy. Người Mẹ gầy gò chưa đầy 30kg, mỗi lần ho là người rúm lại như một đứa trẻ. Nói chuyện về hai con trai là liệt sĩ, Mẹ xúc động nghẹn lời...

Mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Tẹo
Mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Tẹo

Mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Tẹo, ở tổ dân phố Ao Ngo, phường Cải Đan (thành phố Sông Công) có 3 người con trai, 1 con gái thì 2 người là liệt sĩ gồm Lưu Văn Minh và Lưu Xuân Thanh. Trong đó, anh Lưu Xuân Thanh là liệt sĩ Đại đội Thanh niên xung phong (TNXP) 915.

Đã 46 năm trôi qua kể từ ngày các con hy sinh, không ngày nào Mẹ không nhớ đến các anh. Trong ký ức của Mẹ, anh Thanh, anh Minh vẫn còn sống mãi ở tuổi đôi mươi. Những lúc nhớ con, Mẹ lại mang di ảnh các con ra ngắm và lặng lẽ khóc.Nheo đôi mắt đầy vết chân chim dõi về phía xa xa, Mẹ Tẹo hồi tưởng lại thời điểm năm 1971, 1972, Mẹ lần lượt tiễn hai con nhập ngũ.

Ngày đó, bộ đội tập trung đông ở gần chợ Cầu của huyện Phú Bình, theo lệnh di chuyển sang ga tàu Phổ Yên để lên đường. Một năm sau đó, Mẹ như chết đi sống lại khi chỉ trong vòng 10 ngày biết tin hai con trai đã mãi mãi không về nữa. Đôi mắt Mẹ mờ đi sau bao đêm dài khóc con. Nhưng Mẹ luôn tự nhủ mình không thể gục ngã. Mẹ hiểu, đã có biết bao gia đình, bao người mẹ phải chịu nỗi đau mất mát để đổi lại nền độc lập dân tộc và Mẹ tự hào khi con mình góp phần thực hiện nhiệm vụ cao cả ấy.

Nén nỗi đau, nuốt nước mắt vào trong, Mẹ vẫn ra đồng làm lụng quần quật, về nhà lại lăn vào đủ thứ việc. “Thương lắm, đau xót lắm nhưng nhìn Mẹ như thế, những người thân trong gia đình tôi chả ai dám bi lụy nữa” - Ông Lưu Văn Vinh, sinh năm 1963, là em trai của liệt sĩ Lưu Xuân Thanh nói với chúng tôi. Năm nay 99 tuổi nhưng Mẹ Tẹo vẫn minh mẫn. Thật khó khăn khi chúng tôi gợi lại câu chuyện về liệt sĩ Lưu Xuân Thanh mà như đang khơi nỗi đau trong lòng Mẹ. Nghe Mẹ nói, tôi thấy trong đôi mắt đùng đục nay đã mờ của Mẹ ẩn giấu những niềm đau. Ký ức gãy vụn vỡ òa cùng dòng cảm xúc không thể kìm nén.

Mân mê tấm ảnh chụp chung của hai con trai, mẹ nghẹn ngào: “Tôi vẫn nhớ từng bước chân mình tiễn con đi ở chợ Cầu Phú Bình, ra đến ga Phổ Yên... Tôi trông thấy hai con của mình, chúng nó ngồi chụp ảnh chung bức hình đây, miệng cười tươi tắn đấy mà giờ chẳng thể ôm chúng trong tay, nghĩ mà đứt ruột”. Tôi không nghe rõ nữa, giữa những tiếng nức nở của Mẹ Tẹo, chỉ thấy trước mặt mình hiển hiện khung trời ký ức đau thương.

Trong mường tượng của Mẹ, con trai cả là anh Lưu Xuân Thanh, sinh năm 1953 có dáng người gầy dong dỏng, giọng nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát. Năm 1971, anh Thanh viết đơn xung phong đi bộ đội nhưng vì không đủ cân nặng nên phải ở nhà, đi làm công nhân ở xí nghiệp gạch ngói Thanh Xuyên, xã Trung Thành. Đến tháng 8/1972, anh thực hiện nghĩa vụ TNXP, vào Đại đội 915. “Nó mới làm nhiệm vụ ở Đại đội 915 được mấy tháng, đến đêm Noel, lúc bốc xếp hàng ở ga Lưu Xá thì hy sinh” - Mẹ tiếp tục câu chuyện về anh Thanh.

Ngày 24/12/1972 là đám cưới em họ một người cùng đơn vị với anh Thanh ở gần nhà, mọi người nghĩ tối 23 hoặc sáng 24 anh Thanh sẽ cùng bạn về dự và ghé qua thăm gia đình. Vậy nhưng lên đám cưới không thấy anh, ai cũng đoán chắc đơn vị bận việc nên các anh không sắp xếp được thời gian. Rồi đêm Noel ấy, khi cả nhà xuống hầm trú ẩn, nghe tiếng máy bay Mỹ gầm rú điên đảo bầu trời thành phố, không ai bảo ai đều thấy sốt ruột. Đến ngày 26/12, cả nhà biết được thông tin trên ga Lưu Xá có nhiều TNXP hy sinh khi đang làm nhiệm vụ bốc hàng. Ăn ngủ, đứng ngồi không yên, linh tính người mẹ mách bảo khiến Mẹ Tẹo giục giã vợ anh Thanh sang hàng xóm mượn chiếc xe đạp chở bà lên đơn vị anh để tìm hiểu.

Quãng đường đi hôm ấy với Mẹ sao mà dài thế. Mẹ lên khu vực Lưu Xá - nơi đánh bom để hỏi thăm nhưng đến nơi chỉ thấy thóc gạo vung vãi khắp nơi. Mẹ Tẹo không được chứng kiến, chỉ nghe kể lại, nhiều đội viên TNXP trong Đại đội 915 cùng đơn vị con mình thực hiện nhiệm vụ bốc xếp hàng hóa và hy sinh đêm ấy. “Tôi tìm thằng Thanh khắp nơi nhưng chẳng thấy con đâu. Mãi sau này vào nghĩa trang Dốc Lim, thấy một loạt mộ TNXP trong đó có ghi tên con mình, tôi thấy trời đất như đổ sụp” - Mẹ Tẹo nước mắt rưng rưng. Rồi không kìm giữ nổi, Mẹ khóc nấc lên.Anh Chiến là người ở gần xã tham gia bộ đội địa phương đã mang về cho gia đình kỷ vật còn lại của anh Thanh gồm: Chiếc chăn bông, ba lô và chiếc xe đạp phượng hoàng, giờ gia đình chỉ còn giữ lại chiếc xe đạp.

Liệt sĩ Lưu Xuân Thanh (trái) và em trai, Liệt sĩ Lưu Văn Minh
Liệt sĩ Lưu Xuân Thanh (trái) và em trai, Liệt sĩ Lưu Văn Minh

 

Mỗi lần nhìn chiếc xe, Mẹ lại nhớ đến con, nhớ anh Thanh còng lưng đạp xe về nhà, đỗ phịch xe xuống sân rồi chạy vào ôm chầm lấy mẹ.- Hồi ấy ông nhà tôi làm Đội trưởng đội sản xuất được phân phối chiếc xe đạp. Tôi bán 1,5 sào cà chua mới mua được. Bom đánh phá ác liệt quá, tôi phải đi chợ Mỏ Chè bao nhiêu phiên mới tìm được đôi lốp 660 cho Thanh nó mang lên đơn vị để thỉnh thoảng về thăm nhà. Hắt hơi thở nặng nhọc, tay Mẹ Tẹo lần sờ vào chiếc xe đạp như mong tìm thấy bàn tay ấm của đứa con trai. Ông Lưu Văn Vinh tiếp lời Mẹ: Từ khi đi TNXP cho đến lúc hy sinh, anh Thanh tranh thủ về nhà được một lần duy nhất. Mẹ tôi vội vã đi chợ nấu nhiều đồ ăn ngon cho anh. Còn tôi cứ quanh quẩn suốt bên anh nghe kể chuyện sửa đường, lấp hố bom. Tôi còn được anh dạy đi xe đạp. Lúc nhận kỷ vật là chiếc xe của anh, tôi cứ bần thần mãi. Về sau, tôi dùng chiếc xe ấy mà cảm thấy như chính anh đã theo tôi suốt những năm học cấp 3, rồi đi công tác sau này.

Nâng niu tấm Bằng Mẹ Việt Nam Anh hùng do Nhà nước trao tặng trên đôi bàn tay gầy guộc, Mẹ Tẹo xúc động bảo: Được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, Mẹ biết ơn lắm. Mẹ thấy mình được bù đắp, nỗi đau như vơi đi và luôn tự hào khi các con mình đã cống hiến xương máu cho nền độc lập dân tộc. Chắc giờ này ở dưới suối vàng thằng Thanh, thằng Minh cũng thấy ấm lòng.Mộ phần anh Thanh tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Lim, mỗi năm, vào ngày giỗ, Mẹ lại bảo các con đưa lên thắp nhang cho anh cùng các đội viên TNXP 915. Còn người con thứ hai là Lưu Văn Minh, Mẹ chỉ biết anh được đồng đội chôn cất tại tỉnh Quảng Trị.

Mong mỏi lớn nhất của Mẹ bây giờ là sớm đưa hài cốt của anh ra an táng ở quê nhà. Chúng tôi cũng thầm mong nguyện vọng của mẹ sẽ sớm được thực hiện.

Ghi chép. Mai Linh Lan

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 2)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 1)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Phối hợp triển khai sáng tác văn học về Đại đội 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 2 năm trước

Tiếp tục tuyên truyền có điểm nhấn về Đại đội TNXP 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Những nụ cười vẫn sáng lên

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Họ đã tham gia cuộc chiến như thế

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Nhật ký cô văn thư

Xem tin nổi bật 5 năm trước