Đôi mắt giữa rừng thông
VNTN - Khang ngồi gõ phím lạch cạch giữa màn đêm khi mọi thứ chìm dần trong yên tĩnh. Phía xa xa, ngọn đèn đường vàng vọt tỏa thứ ánh sáng cô đơn đến rũ lòng người. Nhưng mà gã chỉ đợi có thế. Khi mọi thứ dường như đã ngủ thì gã thức. Thức để làm bạn với bóng đêm, thức để viết và cho ra một tác phẩm để đời, theo ý niệm của gã.
Khang nghe một câu nói của một nhà văn nổi tiếng mà gã không còn nhớ rõ: "Trước khi thành công hãy học cách làm bạn với cô đơn..." . Gã cần phải học cách sống cô đơn trước khi nghĩ đến chuyện thành công. Khi cô đơn, người ta chỉ tập trung cho một điều duy nhất mà không bị chi phối bởi những thứ ở xung quanh. Không bạn bè, không người thân thích hóa ra cũng không phải điều gì đáng sợ lắm. Ít ra, gã không phải mệt nhoài với một mớ quan hệ hỗn độn mà gã không hề mong muốn.
Chiếc laptop cũ kĩ có niên đại từ năm hai ngàn không trăm... hồi đó, mà hôm lên đây gã mua trong một tiệm bán đồ cũ lại giở chứng. Khang đang gõ thì bỗng nhiên tối sầm. Gã lầm bầm trong miệng một cách bực dọc trước khi đứng dậy bước ra bên ngoài. Vậy là ý tưởng vừa nhen nhóm vụt trôi qua mất. Phải chi Khang có một chiếc laptop mới thì có lẽ gã đã viết được chương đầu của cuốn tiểu thuyết rồi.
Nhớ cách đây vài hôm, khi đứa bạn lên thăm đề nghị tặng cho Khang cái laptop mới, gã gạt phăng khi nó còn chưa kịp nói xong. Văn nhân thường có tính sĩ và văn nhân nửa mùa như gã, tính sĩ diện còn cao hơn vài bậc. Gã không muốn đón nhận món quà từ bạn để rồi nghe đâu đó tiếng xì xầm không lấy gì tốt đẹp phía sau lưng; "Thứ hâm hâm dở dở, đang sung túc lại thích sống nghèo khổ", "Lúc tỉnh mộng thì nó cũng vứt bỏ văn chương rẻ rúng mà trở về",... vân vân và vân vân. Thực tế, có ai thật lòng với gã ngoại trừ việc cố gắng lấy lòng gã.
Hút xong điếu thuốc thứ hai, Khang vẫn đứng tần ngần trên cái ban công bé xíu nhìn về phía bên kia đường. Căn nhà đối diện vẫn còn sáng đèn. Người đàn bà hay thằng bé còn thức? Chắc cả hai.
Sương rơi mỗi lúc một dày. Khang cảm thấy lạnh. Gã đành bước vào nhà, miệng không quên lẩm bẩm một câu an ủi chính mình: "Thôi đành để ngày mai rồi viết..."
***
"Cuộc đời có nhiều thứ oái oăm mà chỉ những người trong cuộc mới có thể hiểu thấu", Khang từng buông một câu cảm thán như vậy khi đám bạn trầm trồ trước gia thế của gã; cha là chủ tịch một tập đoàn lớn, mẹ là chuyên gia kinh tế hàng đầu. Nói như câu nói của giới trẻ bây giờ, gã sinh ra đã ở vạch đích. Ở vạch đích rồi nên không cần phấn đấu cũng sẽ thành công. Nhưng sẽ thành công như thế nào nếu nó không phải là con đường mình lựa chọn? Thành công không thể cho người ta niềm vui và hạnh phúc thì liệu thành công đó có còn ý nghĩa? Cuộc đời không do mình làm chủ giống một kẻ tật nguyền không thể tự đứng trên đôi chân thì có gì mà kiêu hãnh, nếu không muốn nói là đau khổ? Gã thích văn chương lại bị bắt buộc phải bước vào trường kinh tế để mai này nối tiếp sự nghiệp của cha. Gã yêu Hà lại bị buộc phải cưới Hải Anh làm vợ. Gã muốn chân thành thì đổi lại toàn là giả tạo, ngay cả trong gia đình. Nơi mà song thân gã cố tình tạo ra một vỏ bọc về gia đình hạnh phúc cho dù nó mục ruỗng tự bao giờ. Họ lên mặt báo ca tụng về nhau, về đứa con ngoan ngoãn của mình. Trong khi ở nhà, họ không nói với nhau câu nào từ rất lâu rồi. Họ yêu cái vẻ hào nhoáng bên ngoài thì mặc họ. Còn với gã là ghê tởm, là bất lực, là phó mặc, là buông xuôi...
Mãi đến hơn ba mươi tuổi đầu, gã mới dám làm một cái việc mà trước đây chưa từng dám làm; cãi lại lời song thân gã, hai con người yêu tiền và ánh hào quang hơn hạnh phúc con trai mình. Họ chỉ biết ném những đồng tiền vào mặt gã mà chưa từng nghĩ: Gã vui hay buồn, cần gì, muốn gì,...? "Ba mẹ biết là mỗi ngày với con giống như đang sống trong địa ngục hay không?", Khang hét lên trong sự ngạc nhiên đến tột độ của ba mẹ gã trước khi rời khỏi nhà. Hành lý mang theo chỉ vài bộ quần áo và ít tiền riêng làm lộ phí. Nhẹ tênh. Gã muốn rũ bỏ tất cả thứ hào nhoáng đó ở lại phía sau lưng mình.
Gã đi. Gã sẽ sống mà không cần đến thẻ tín dụng, xe ôtô, biệt thự và cả người đàn bà mang danh nghĩa là vợ mà ba mẹ chọn cho gã. Người đàn bà mà cảm thấy việc có hay không có gã trong căn nhà cũng không thành vấn đề. Niềm vui của cô ta là những bữa tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, là những lần shopping với mớ đồ hiệu trên tay hơn là ngày ngày chăm sóc gã. Cô ta không cần gã và gã cũng không cần cô ta nhưng không thể giải thoát cho nhau. Mối quan hệ cộng sinh của người lớn trói buộc cuộc đời gã và cô ta bằng một tờ giấy hôn thú không hơn không kém.
"Hạnh phúc không phải là có thật nhiều tiền hay nhà cao cửa rộng mà được làm điều mình thích. Dẫu cho việc mình làm có thất bại đi nữa thì cũng không có gì hối tiếc...". Đó là lý do đầu tiên của gã khi quyết định chọn chui rúc trong căn nhà hai mươi mét vuông kể cả gác lửng này để theo đuổi niềm đam mê viết lách. Còn lý do thứ hai là... căn nhà đối diện, nơi hai mẹ con người đàn bà đang sống.
Tính ra, Khang đến đây cũng đã được hơn một tháng rồi...
***
Gió thổi qua chiếc chuông gió treo trên đầu cửa sổ kêu leng keng. Hình như lúc tối gã quên đóng cửa sổ thì phải? Khang khẽ rùng mình trước cơn gió lạnh từ bên ngoài thổi vào. Gã ngồi bật dậy tiến về phía cửa sổ.
Ngôi nhà đối diện vẫn sáng ánh đèn. Người đàn bà còn thức? Gã lặp lại câu hỏi đó trước khi tự mình tìm câu trả lời. Chắc bà ta đang làm gì đó.
Từ khi dọn về căn nhà này sống, mỗi ngày ít nhất vài lần gã nhìn về phía căn nhà đối diện, rồi tự mình hỏi, tự mình trả lời. Gã chưa từng sang căn nhà đó bao giờ, cũng chưa từng nói chuyện với người đàn bà. Chỉ trừ cái lần gã vô tình chạm mặt người đàn bà ở bến xe, cái hôm gã mới lên đây. Người đàn bà mang đôi mắt rất quen, rất giống Hà.
Có bóng người đứng trước cửa sổ căn nhà đối diện nhìn về phía gã. Cái dáng. Khuôn mặt. Mái tóc chấm ngang lưng. Quen quá. Không lẽ là Hà? Không thể. Hà đã mất cách đây bảy năm rồi còn đâu? Vậy là ai? Ai giống Hà đến vậy? Gã không kiềm lòng được nữa.
Phóng xuống dưới nhà, gã băng ngang qua đường nhanh như một cơn lốc. Dường như tất cả sức lực của gã bây giờ đều tập trung vào đôi chân để mau chóng nhìn rõ người đàn bà đang đứng bên cửa sổ. Gã giật nảy mình. Rõ ràng Hà đang đứng trước mặt. Hà vẫn trẻ và không có gì thay đổi so với bảy năm về trước. Gã bật lên từng tiếng một cách khó khăn:
- Là... em... em... phải... không... Hà?
Hà nhìn gã mỉm cười không đáp. Nụ cười ai oán, thê lương. Gã nhìn Hà không chớp mắt, môi mấp máy muốn nói nhưng có gì đó chặn ngang cuống họng. Đột nhiên Hà biến mất, không một dấu vết. Khang hoảng hốt gọi to:
- Hà... chờ anh với...
Khang giật mình. Mồ hôi trên trán lấm tấm. Gã đưa mắt nhìn về căn nhà đối diện, đèn đã tắt tự bao giờ. Với tay lấy điện thoại đặt trên đầu giường, gã bấm lên cho sáng. Đồng hồ báo; 12h20 AM ngày 3 tháng 8 (1 tháng 7 AL). Gã cảm thấy luồng hơi lạnh chạy dọc theo sống lưng lên tới đỉnh đầu. Lẽ nào...
Khang ngồi dậy, bước đến hộc bàn làm việc lục tìm chai dầu bạc hà, hi vọng có thể giúp cho mình tỉnh táo. Gã ném cuốn sổ tay sang một bên. Tấm ảnh cũ đâu đó từ cuốn sổ tay bị rơi xuống đất như một sự sắp đặt. Tấm ảnh chụp chung của gã và Hà hơn bảy năm về trước đã ố vàng. Một vài chỗ bong tróc nham nhở. Trong bức ảnh, gã và Hà chụm tay lại với nhau thành hình trái tim. Phía sau trái tim bằng tay người là một rừng thông.
Gã cầm tấm ảnh lên ngắm. Giọt nước mắt từ cánh mũi gã rơi xuống, đúng vào giữa trái tim, chạm vào rừng thông. Vỡ toang. Loang loáng dưới ánh đèn. Gã lẩm bẩm:
- Rừng thông... rừng thông... anh xin lỗi...
***
Rừng thông nằm thoai thoải trên một triền dốc, có tuổi đời hàng trăm năm. Muốn đi đến rừng thông phải vượt qua ngọn đèo quanh co, khúc khuỷu rất khó đi. Nhất là những hôm thời tiết xấu. Chính vì vậy mà so với những cánh rừng thông khác ở thành phố du lịch này thì nơi đây vẫn còn khá hoang sơ, chưa có sự xâm lấn nhiều của bàn tay con người khi cố biến nó thành khu du lịch sinh thái hay khu nghỉ dưỡng. Thông ở đây mọc khá dày, thân cây xù xì, cành lá đan xen lẫn nhau chỉ đủ để một vài tia nắng mặt trời chiếu rọi làm cho khung cảnh huyền bí.
Rừng thông này là nơi gã đã gặp Hà trong một lần tới đây. Gã đi tìm yên tĩnh tránh xa cái ngột ngạt nơi thành phố mình đang sống, còn Hà đi đến nơi này chỉ để... làm bạn với thông. Năm đó, gã hai mươi ba tuổi còn Hà hai mốt.
Hà sinh ra đã không biết cha mẹ mình là ai. Có thể người đàn bà nào đó lỡ dại đành đem con đến đặt trước cổng cô nhi viện, hy vọng rằng nó sẽ được cưu mang. Vậy là Hà cứ lớn lên trong cô nhi viện bên cạnh rừng thông này. "Mở mắt đã nhìn thấy thông. Nhắm mắt cũng nhìn thấy thông. Từ nhỏ đến lớn thông như người bạn. Có chuyện buồn vui cũng chỉ biết chạy ra nơi này mà tâm sự với thông. Em xem nó như một phần cuộc sống của mình", Hà đã từng nói như vậy khi gã thắc mắc tại sao cô hay đến nơi này.
Ấn tượng đầu tiên của gã về Hà, cô gái bán hàng lưu niệm cho khách du lịch ở thành phố này là vóc dáng mảnh dẻ, làn da trắng và đôi mắt đẹp. Con gái ở thành phố này ai không trắng, điều ấy không có gì lạ nhưng còn đôi mắt... Hẳn gã không tìm được người thứ hai có đôi mắt như Hà. Gã bị cuốn hút bởi đôi mắt đó. Một đôi mắt rất đẹp, rất lạ và rất riêng mà gã không biết dùng từ gì để diễn tả.
Khang bắt đầu lên thành phố này dày hơn, tháng nào cũng đi rồi tuần nào cũng đi. Đám bạn chơi chung nhìn gã thắc mắc: "Ở đó có gì vui mà mày lên suốt. Hay là phải lòng ai trên đó rồi?". Gã cười không đáp. Bọn nó nói đúng. Gã phải lòng Hà mất rồi, hay chính xác hơn gã trúng tiếng sét ái tình khi lần đầu tiên nhìn vào đôi mắt Hà.
Cũng không có một cô gái mới lớn nào có thể không rung động trước một thiếu gia cứ cuối tuần lại lên đây chỉ vì mình. Tình yêu đến như một lẽ tất yếu ở đời.
Khi người ta còn trẻ, người ta có quyền yêu và mơ mộng. Khang và Hà mơ về một đám cưới như trong truyện cổ tích giữa chàng hoàng tử và nàng lọ lem. Một đám cưới được tổ chức trong rừng thông này mà chưa từng nghĩ: "Làm gì có cổ tích thời nay?"...
***
...Tia nắng xuyên qua cửa sổ, đậu ngay trên mắt làm gã thức giấc. Đêm hôm qua, gã gục luôn lên bàn mà ngủ quên. Phía trước mặt gã vẫn là tấm ảnh. Gã trầm tư giây lát rồi quyết định: Hôm nay, gã sẽ không viết mà sẽ tới rừng thông.
Con đường từ chỗ Khang tới rừng thông cũng khá xa do đường dốc ngoằn ngoèo, trong khi nhìn sang thì chỉ thấy cách có một khoảng ngắn. Gã gọi grap trước khi khóa trái cửa nhà mà gã đang thuê trọ, mắt không quên liếc về căn nhà đối diện. Căn nhà đó cũng khóa cửa. Người đàn bà và thằng bé đã ra khỏi nhà? Chắc người đàn bà đi làm, còn thằng bé đi học. Gã lại nghĩ vẩn vơ.
Khang đặt chân đến rừng thông thì trời đã trưa. Con đường xuyên qua cánh rừng thông làm gã liên tưởng đến con rắn khổng lồ đang cố chui vào bên trong tìm nơi ẩn nấp tránh cái xô bồ, hỗn tạp của thế giới loài người. Con đường cũng giống như gã...
Trả tiền xe, Khang lững thững đi bộ sâu vào bên trong. Rừng thông sau bảy năm vẫn giống như trước, ngoại trừ rác nhiều hơn. Gã lầm bầm tính chửi rủa những ai đó vô ý thức nhưng chợt giật mình. Gã cũng từng như vậy, có khác gì họ đâu.
Hồi đó, hai đứa hay vào rừng thông này mỗi khi gã đến thăm Hà. Gã và Hà đều thích yên tĩnh nên chọn nơi này để hẹn hò thay vì chốn ăn chơi ồn ào, náo nhiệt. Hai đứa nằm trên bãi cỏ, nghe gió vi vu trên từng tán thông. Gã có tật hay vứt rác bừa bãi. Có thể do thói quen từ nhỏ, gã chưa bao giờ tự mình dọn dẹp mà mọi chuyện đã có người giúp việc làm thay. Tiện tay, gã lại vứt rác vào gốc thông. Hà nhìn thấy lại cằn nhằn. Gã lại cười hềnh hệch:
- Mình không vứt thì người khác cũng vứt thôi. Em nhìn xem...
- Cây cũng có linh hồn như người đó. Không phải mỗi lần mình vào đây đều nghe tiếng vi vu à? Thông đang hát đấy. Anh vứt rác vào nó thì thông sẽ buồn, không còn hát nữa. - Ai có thể vui nổi khi xung quanh mình toàn là rác bẩn.
Gã bật cười với suy nghĩ của Hà: "Cây cũng có linh hồn. Có ai từng nghĩ như Hà không nhỉ?".
Vậy là gã lật đật ngồi dậy cùng dọn rác với Hà. Riết thành quen. Để rồi những lần hẹn hò sau đó của gã và Hà thành ra chiến dịch làm sạch môi trường mà cả hai đều cảm thấy vui và hào hứng.
Từ khi gã lấy vợ và nhất là nghe tin Hà gặp nạn. Gã không còn đến nơi này nữa. Bảy năm...
Khang bước đến quán nước nhỏ nằm giữa rừng thông. Một quán nước bán cho khách du lịch muốn tận hưởng không khí mát mẻ ở nơi này nên tìm đến. Tất nhiên loại trừ gã. Khang đến không phải để thưởng ngoạn. Gã đến như hành động vô thức của bản thân.
- Cậu uống gì?
Nghe tiếng gọi, Khang quay lại ngước mặt lên nhìn. Hóa ra người đàn bà đối diện nhà Khang bán nước ở nơi này. Lần thứ hai, gã lại nhìn vào đôi mắt của người đàn bà sau lần gặp trước.
- Cậu muốn uống gì? - Người đàn bà hỏi lại lần nữa khi thấy gã không ư hử trả lời.
Khang như người sực tỉnh cơn mê:
- Chị cho tôi ly cà phê đá.
- Cậu chờ tôi chút.
Khang nhìn theo bóng người đàn bà bước đến quầy. Nhất định gã phải làm sáng tỏ chuyện này. Người đàn bà và Hà có quan hệ như thế nào? Họ là chị em? Không thể. Hà là trẻ mồ côi, lớn lên trong cô nhi viện cơ mà. Vậy thì... tại sao...?
***
Khang ngồi dậy, thấy cơ thể mình nhẹ hẫng. Phía trên cao, ánh trăng lờ mờ đang soi đường cho gã bước đi. Chỉ trong khoảnh khắc, gã đã thấy mình ở trong rừng thông. Rừng thông ban đêm lại càng thêm huyền bí. Những tia sáng lành lạnh từ trên cao xuyên qua tán thông không đủ để thấy rõ mặt người. Gã dừng lại trước quán nước lúc trưa mình đã từng ngồi. Quán vắng đến rợn người. Chẳng có ai ngoài mấy chiếc bàn ghế ẩm ướt bởi sương đêm. "Mình ra đây làm gì nhỉ?".
Có bóng người loáng thoáng phía quầy. Gã định thần lại nhìn cho rõ. Lẽ nào người đàn bà còn ở lại đây đến giờ này? Khách chẳng còn ai ngoài côn trùng kêu rỉ rả cùng vài chiếc lều cắm trại phía xa xa. Vậy thì ai? Gã bước đến gần...
Hà. Không sai được. Gã lên tiếng hỏi:
- Là em phải không Hà?
Cô gái quay mặt lại nhìn gã mỉm cười. Cũng nụ cười thê lương và ai oán đó, rồi khẽ gật đầu.
- Phải linh hồn em chưa siêu thoát được nên mới quay lại tìm anh? Tại sao... tại sao...?
- Em vẫn ở trong rừng thông này chờ anh.
Gã nhớ lại lần cuối cùng gã gặp Hà ở cánh rừng thông này. Hôm đó, gã nắm chặt lấy tay Hà buông lời hứa hẹn: "Chờ anh, anh về giải quyết mọi chuyện rồi sẽ đưa em về ra mắt gia đình". Gã về nhưng không trở lại. Bởi vì ở nhà ba mẹ gã đã sắp xếp cho gã cưới Hải Anh, con gái một người bạn làm ăn của ba gã. Lẽ nào vì câu nói của gã mà Hà vẫn ở đây chờ gã, dù thân xác đã về với cát bụi?
Nếu ngày đó gã kiên quyết và mạnh mẽ hơn thì có lẽ Hà đã không chết. Bất lực. Hối hận. Dằn vặt. Gã trốn tránh suốt suốt bảy năm không dám trở lại nơi này.
Khang bước tới gần hơn. Gã đưa tay định nắm lấy tay Hà. Nhưng lại thêm lần nữa, Hà biến mất trước mặt gã.
Khang giật mình. Gã lại nằm mơ.
***
Khang quyết định đến gặp người đàn bà ở giữa rừng thông vào giữa trưa ngày thứ tư trong tuần. Rừng thông chỉ đông vào dịp cuối tuần nên hôm nay khá vắng. Gã ngồi đối diện với người đàn bà, ngăn cách bởi một chiếc bàn nhỏ. Không gian trở nên ngột ngạt đến đáng sợ. Với gã lúc này mỗi thời khắc trôi qua quá dài. Trên bàn, ly nước trước mặt đã tan hết đá, gã không buồn đụng đến. Người đàn bà dõi đôi mắt về hướng xa xăm bắt đầu kể:
- Tôi được sáng mắt là nhờ cô gái đã mất cách đây bảy năm ngay tại rừng thông này.
- Là sao... chị có thể nói rõ hơn?- Khang hỏi dồn.
- Hồi đó, đôi mắt tôi mờ dần và có nguy cơ bị mù vĩnh viễn. Đi khám, bác sĩ đề nghị cần phải thay giác mạc gấp. Mà cậu biết đó... hơn bảy năm trước, giác mạc nhân tạo chưa có, còn chờ người hiến tặng cũng rất khó khăn... Bởi quan niệm của ông bà mình là khi chết phải được nguyên vẹn nên mấy ai làm việc hiến mô, hiến tạng bao giờ. Vậy là tôi phải chờ đợi vào một phép màu. Thế rồi...
Người đàn bà hít một hơi dài rồi bắt đầu kể tiếp:
- Một ngày, bác sĩ gọi cho tôi thông báo có một cô gái vừa bị tai nạn muốn hiến mô, hiến tạng. Vậy là... tôi mang trên đôi mắt mình ánh sáng của cô ấy...
Bàn tay Khang run run chừng như không giữ được bình tĩnh khi nhớ lại chuyện cũ. Hà mất đúng vào lúc gã và Hải Anh đang hưởng tuần trăng mật tại châu Âu. Hà ơi..! Gã suýt bật lên thành tiếng.
- Sau khi đôi mắt được chữa lành, tôi muốn tìm đến gia đình cô gái để tạ ơn thì mới hay cô ấy không có ai thân thích. Từ nhỏ đã sống trong cô nhi viện bên cạnh rừng thông này. Nghe nói hôm đó cô ấy chạy xe đến rừng thông giữa lúc trời mưa lớn. Ngọn đèo bình thường vốn đã khó đi gặp trời mưa càng trở nên trơn trợt. Chiếc xe máy sau khi lách xe tải chạy ngược chiều đã lao xuống vực. Lúc người ta đưa được cô ấy đến bệnh viện thì đã yếu lắm rồi. Theo nguyện vọng của cô ấy từ trước đó, muốn được hiến mô, hiến tạng để dành cho những người khác được hồi sinh. Bác sĩ đã lấy những bộ phận còn nguyên vẹn trong cơ thể cô ấy. Và giác mạc này là do cô ấy đã tặng lại cho tôi.
Khang nhìn thấy từ khóe chảy ra vài giọt nước mắt. Người đàn bà khóc hay Hà đang khóc?
Dừng lại giây lát, người đàn bà kể tiếp:
- Tôi trở về với công việc bán nước thường ngày nhưng không hiểu có gì đó níu buộc tôi với cánh rừng thông này không thể dứt ra. Thế là tôi chọn cánh rừng thông này làm nơi để tiếp tục mưu sinh. Vừa bán nước vừa giúp thu dọn cho rác bẩn trong rừng thông.
Khang mím môi lại để khỏi bật ra tiếng nấc. Gã đứng lên gật đầu chào người đàn bà để ra về. Gã không còn đủ sức để tiếp tục lắng nghe câu chuyện.
Nếu gã không sợ hãi, không trốn chạy. Nếu gã đến nơi này sớm hơn thì gã đã không mất bảy năm vô nghĩa.
Hà không chết. Hà vẫn đang tiếp tục sống, sống trong cơ thể những người khác. Hà vốn sớm đã buông bỏ chấp niệm thì làm gì có nụ cười ai oán và bi thương, làm gì còn ở trong rừng thông mà đợi gã. Tất cả đều do gã tự mình huyễn hoặc mà ra.
***
Đêm nay rằm tháng Bảy. Cơn mưa đầu giờ chiều hình như cuốn trôi tất cả bụi bẩn để lại bầu trời tươi mới. Ánh trăng sáng hơn mọi ngày. Dòng người đổ xuống đường đến chùa cầu an, cầu siêu cho những người thân yêu dấu của mình. Chắc hẳn bây giờ không còn ai ở nhà ngoại trừ Khang? Gã đứng trên ban công nhìn sang căn nhà đối diện. Cửa khóa trái. Chắc người đàn bà đưa thằng bé đi đến một ngôi chùa nào đó rồi? Gã dõi mắt nhìn về phía rừng thông. Trong đầu Khang bỗng nhiên lóe lên ý tưởng về tác phẩm mà mình đang tìm kiếm.
Khang lật đật bước vào nhà, ngồi xuống bàn làm việc. Gã lấy cuốn sổ tay bên trong có bức ảnh của gã và Hà. Gã lật trang đầu tiên viết những dòng chữ đầu tiên về một tác phẩm để đời của mình. Gã sẽ viết cuốn tiểu thuyết dành riêng cho gã và Hà, trước khi trở về nhà mà giải quyết mọi chuyện. "Sống không đơn thuần chỉ là sống mà sống sao cho có ý nghĩa mới là điều đáng sống", gã đã nghĩ khi nhìn lại những gì Hà đã làm, gã cũng nên làm một điều gì đó.
Gió lại thổi qua chiếc chuông gió phát ra tiếng kêu leng keng. Có đôi mắt đang nhìn về phía gã. Mỉm cười...
Quốc Việt
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...