Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
10:13 (GMT +7)

Đồi Két Nước

VNTN - Thị xã Thái Nguyên xưa có một dãy núi hình cánh cung từ đền thờ Đội Cấn phía tây chạy về phía đông ra trung tâm thị xã, vòng lên phía bắc qua đầu cầu Gia Bẩy, thuộc Làng Sắn xã Đồng Quang trước kia, nay là tổ 16 phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên. Chót phía bắc có một quả núi, ngọn thấp hơn cả nên nhiều người gọi là đồi. Đứng trên đỉnh đồi cao nhìn ra dòng sông Cầu trong xanh. Bên kia sông cả một cánh đồng rộng lớn của xã Đồng Bẩm trù phú đẹp như tranh.

Khuôn viên trước khu tưởng niệm là nơi chờ khách của xe ôm và Taxi.

Đầu thế kỷ XIX, Pháp sang chiếm đóng, quả đồi này được đặt một nhà máy nước thủ công cung cấp nước cho các cơ sở công cộng trong thị xã. Trên quả đồi đặt một phễu lọc nước lớn và một bể chứa. Nước được dẫn từ mấy giếng khoan bên kia cầu Gia Bẩy bằng máy bơm rồi dẫn nước lên phễu lọc, từ phễu lọc nước sang bể chứa. Từ bể chứa cao trên đồi, nước được máy ép với áp suất lớn xuống hệ thống ống chảy đến các cơ sở như nhà công sứ, chợ, trại lính… Két Nước được vận hành bằng điện dẫn từ Hà Nội lên. Dân lúc  đó chưa được dùng nước lọc này, quả đồi được dân gọi tên “đồi Két Nước”. Cách mạng thành công, thị xã Thái Nguyên được giải phóng, nhà máy bơm nước này bị bỏ không sử dụng.

Đồi Két Nước là một vị trí quân sự trọng yếu gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã được các cuốn lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, lịch sử quân sự thành phố Thái Nguyên ghi nhận. Tiêu biểu là trận đánh đầu tháng 10/1950 góp phần đánh tan cuộc hành quân Pho que (chó biển) của thực dân Pháp. Ngày 01/10/1950, quân địch huy động 27 máy bay các loại ném bom, bắn phá và thả 200 lính dù xuống sân bay Đồng Bẩm. Sau đó địch vượt qua cầu Gia Bẩy, ngầm Bến Tượng vào thị xã Thái Nguyên. Địch chốt giữ các vị trí trọng yếu như núi Kô Kê, đồi Yên Ngựa, chùa Phủ Liễn, đồi Két Nước. Tại đồi Két Nước dựa vào các thiết bị của nhà máy nước và cây cối rậm rạp, địch hòng chốt chặn quân ta từ phía bắc vào từ bên kia cầu Gia Bẩy sang. Địch trang bị vũ khí đầy đủ và làm công sự vững chắc hòng chiếm giữ lâu dài.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến, quân dân thị xã Thái Nguyên thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống” kết hợp lực lượng bộ đội chủ lực và quân dân du kích của thị xã và xã Đồng Quang đánh địch dữ dội nhất là ở xung quanh dãy núi và đánh bật chúng ra khỏi đồi Két Nước. Chỉ trong chưa đầy 10 ngày địch đã phải rút chạy khỏi thị xã Thái Nguyên.

Năm 1953, giặc Pháp cho máy bay ném bom đầu cầu Gia Bẩy và nhằm vào đồi Két Nước. Ba quả bom tấn ném xuống nhưng không trúng đồi mà rơi vào nhà dân bên cạnh đó gây thiệt hại về người và của. Đồi Két Nước như một biểu tượng kiên cường của người dân thị xã Thái Nguyên quyết bảo vệ cầu và bảo vệ vùng tự do, đẩy mạnh kháng chiến cho đến ngày thắng lợi.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Đồi Két Nước là biểu tượng anh hùng trong cuộc chiến đấu bảo vệ huyết mạch giao thông, bảo vệ hậu phương lớn, tiếp viện cho miền Nam. Sự kiện ngày 17/10/1965 cách đây 50 năm như là mộc mốc son về công lao của quân và dân thành phố.

Ông Vũ Đình Đức, 85 tuổi, hiện cư trú tại tổ dân phố số 36 phường Quang Trung thành phố Thái Nguyên, nguyên là Đại đội phó, trực tiếp chỉ huy Trung đội II thuộc Đại đội tự vệ khu phố Hoàng Văn Thụ trên đồi Két Nước, xúc động kể lại:

Ngay từ sáng ngày 05/8/1964 đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Ban chỉ huy quân sự thành phố và Chi bộ Khu phố Hoàng Văn Thụ đã giao nhiệm vụ phải xây dựng trận địa trên đồi Két Nước. Từ tháng 5 năm 1965 Trung đội tự vệ 2 hợp tác xã Cờ Hồng vì có nhân lực tại chỗ nên được giao làm chủ công xây dựng công sự, trận địa. Trận địa gồm một ụ thượng liên, một hầm chứa đạn, một đài quan sát, một đài chỉ huy và một hầm cứu thương. Trên trận địa, tổ thượng liên và một tổ súng trường k44 luôn tổ chức trực chiến 24/24h.

Ngày 17/10/1965 cấp trên nhắc nhở và nhận định khả năng địch sẽ bắn phá thành phố Thái Nguyên. Vì ngày 23 âm là ngày chủ nhật và là phiên chợ nên bà con đi lại khá đông ở chợ trung tâm. Khoảng 10h sáng máy bay địch bay ở tầm cao từ hướng đông bắc bất ngờ bổ xuống ném bom. Trong khói bom mù mịt các đồng chí chỉ huy động viên các chiến sỹ bình tĩnh trước đòn phủ đầu của địch và kêu gọi tinh thần dũng cảm chiến đấu. Ở vị trí chỉ huy quan sát chiến đấu, đồng chí Trần Văn Đương vào vị trí, đồng chí Hợp là B trưởng B1 nhà ở xã Đồng Bẩm cũng vượt qua cầu lên trận địa nhận nhiệm vụ chiến đấu. Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Dung nữ y tá đơn vị Hợp tác xã Cờ Hồng cũng vượt qua cầu vào cấp cứu người bị nạn.

Đài quan sát phát hiện tiếng động cơ hướng đông bắc theo trục đường 1B. Một chiếc đi đầu bay rất thấp. Đúng cự ly ngắm bắn của xạ thủ Nông Quốc Khánh và các tay súng trường K44 đồng loạt nã đạn vào đầu máy bay Mỹ và lần lượt các chiếc tiếp theo của tốp F105. Chỉ mấy phút sau, đài quan sát đã phát hiện một tốp F105 hướng đông bắc theo trục đường 1B bay hạ thấp độ cao, ném bom vào cầu Gia Bẩy. Chiếc đi đầu bổ nhào, khẩu thượng liên và các tay súng trường K44 đúng cự ly và tầm bắn chính diện, cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt.

Cỏ mọc hoang phế như không có bàn tay chăm sóc

Tại hướng đông nam một tốp Fl05 bay cao đánh lạc hướng bất ngờ, bổ nhào thẳng vào trận địa cắt bom rơi đúng trận địa. Khẩu thượng liên của xạ thủ Nông Quốc Khánh bị tê liệt, số tay súng trường K44 của cán bộ và chiến sỹ tự vệ Trung đội II đã kiên cường chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ, quyết tâm bám sát trận địa nên đã anh dũng hy sinh 15 đồng chí. Còn lại một số bị thương nặng đưa đi cấp cứu, nữ tự vệ Trần Thị Kim Dung bị thương mất một cánh tay. Người dân Thái Nguyên mãi không quên cuộc chiến đấu ngày 17/10/1965 đó.

Ngày nay do nhu cầu nhà ở, đồi Két Nước  đã bị san phẳng làm khu dân cư tổ 16 phường Hoàng Văn Thụ với những nhà cao tầng, cửa hàng cửa hiệu sầm uất. Để tưởng nhớ công ơn 15 liệt sĩ đã hi sinh trên đồi Két Nước, năm 2008 Đảng bộ phường Hoàng Văn Thụ đã cho xây bia tưởng niệm, khánh thành vào ngày 15/10. Bia nằm trên một khuôn viên xanh mát bóng cây rộng khoảng trên 200m2 thuộc tổ 14 phường Hoàng Văn Thụ, ngay sát đầu cầu Gia Bẩy, bên trái trên đường từ thành phố lên cầu. Bia đứng soi mình bên dòng sông Cầu, toàn bộ khuôn viên nhìn ra hướng đông nam - đồi Két Nước cũ. Bia lát bằng đá cẩm thạch nằm nghiêng hưởng trọn ánh nắng trời ấm áp, phía trên khắc đầy đủ họ tên 15 liệt sĩ đã hi sinh trên đồi Két Nước bảo vệ cầu Gia Bẩy. Đặt khuôn viên bia ở đây, Đảng bộ và nhân dân phường Hoàng Văn Thụ đã gửi gắm lòng biết ơn với tinh thần chiến đấu dũng cảm, sự hi sinh cao cả và tôn vinh công lao của những người con yêu quí đã đóng góp không nhỏ vào thành tích lập nên danh hiệu tập thể anh hùng các lực lượng vũ trang mà Nhà nước đã trao tặng cho phường.

Đã hơn 50 năm các anh ra đi về cõi vĩnh hằng nhưng hình ảnh các anh vẫn mãi mãi xanh thắm trong lòng nhân dân thành phố. Tuy nhiên, tâm sự với những nhân chứng lịch sử và một số người dân ở xung quanh bia tưởng niệm ai cũng có một tâm trạng chung rằng: Với tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện lịch sử và sự hi sinh oanh liệt của các liệt sĩ trên đồi Két Nước thì cấu trúc của bia tưởng niệm chưa xứng tầm. Có thể do xây dựng trong thời điểm điều kiện kinh phí còn hạn hẹp nên khuôn viên cũng sát nhà dân và chưa có hàng rào, cổng… vì vậy, người đi đường vẫn tự do ra vào và là nơi cho những người đi xe ôm ngồi chờ khách. Có lẽ đã đến lúc tỉnh, thành phố và phường Hoàng Văn Thụ nên đầu tư, nâng cấp để cho việc tôn vinh sự cống hiến và hi sinh của 15 liệt sĩ đúng với tầm vóc lịch sử.

Nguyễn Đình Tân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy