Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
13:39 (GMT +7)

Đôi điều về rượu và Methanol

VNTN - Ở đây ta mặc định gọi rượu uống, chính là cái thứ có công thức hóa học: C2H5OH, còn Methanol nó là: CH3OH. Trong bộ môn hóa, nó đều được gọi là Alcol, hay rượu... Nhưng ta không cần đi sâu vào cái môn hóa học rậm rì rắc rối làm gì, ta nhìn hai thứ kể trên ở góc độ đời sống thường thức thôi.

Rượu thường được cất từ ngũ cốc lên men, thành phần biến thành rượu là tinh bột có công thức chung:(C6H10O5)n. Methanol thường được chưng cất từ gỗ - thế nên nó mới còn có tên là cồn gỗ. Nó được sản xuất từ Xenluloza có công thức chung cũng là: (C6H10O5)n!

Đến đây các bạn đã thấy “thủ giống thủ, xôi giống xôi” chưa?

Nhưng mà thực ra chúng khác nhau về cấu tạo, về cái chỉ số khá mơ hồ: n trong công thức. Tinh bột thì chỉ số đó là những số khiêm tốn thôi, nhưng Xenluloza thì nhiều khi là một con số khổng lồ! Thế nên Xenluloza mới dài dằng dặc và tinh bột thì ngắn ngủn (sợi và bột mà!).

Rượu, khi chúng ta uống vào cơ thể với liều vừa đủ sẽ làm cho con người ta hưng phấn, yêu đời, thăng hoa và kích thích hệ tiêu hóa, ăn ngon cơm! Thế nên nó được mệnh danh là thứ nước thần của loài người!

Methanol cũng xêm xêm rượu, thậm chí nó còn ngọt và êm dịu hơn uống rượu! Thế nhưng uống vào với một lượng kha khá là nó sẽ tàn phá hết các tế bào nội tạng trong cơ thể dẫn đến cái chết vô phương cứu chữa! Bởi khi vào trong cơ thể Methanol lập tức biến thành các chất kịch độc với tế bào. Những chất này phá tan gan, thận, thần kinh thính giác, thị giác…

Nhưng trong ngũ cốc mà chúng ta hay cất rượu đương nhiên cũng có Xenluloza, vậy nên trong quá trình nấu ủ cất rượu sẽ phải hình thành ít nhiều Methanol. Rất may là do dùng men sinh học nên trong quá trình ủ, nó không sinh ra nhiều Methanol và cũng còn một điều may nữa là chất này rất dễ chuyển hóa dưới tác động của oxi trong không khí thành hai chất vô hại là CO2 và H2O.

Ảnh minh họa        Nguồn: Internet

Thế nên sau khi nấu rượu người ta thường để một thời gian sẽ thấy độ rượu giảm đi ít nhiều: thủ phạm Methanol đã bị phân hủy thành nước và khí các bon níc như trên đã nói. Tiện đây xin mách các bạn là bên Tây họ bao giờ cũng để rượu sau khi nấu trong hầm rượu ít nhất 5 năm rồi mới đem ra uống và đóng chai bán, thế nên rượu của họ mới ngon! Còn nước ta, nhiều khi rượu đang nóng hôi hổi, vừa chảy ở vòi ra đã gọi nhau dzô dzô rồi! Thế là các bác xơi cả Methanol đấy nhé, bảo sao không xơ gan, suy thận mới lạ...

Vì Methanol là sản phẩm chưng cất từ Xenluloza (gỗ, rơm rạ, mùn cưa...) và được tổ chức sản xuất ở qui mô công nghiệp nên nó rẻ! Nhiều kẻ ngu dốt và nhẫn tâm đã mua cái thứ cồn công nghiệp ấy về pha vào rượu để bán cho đồng bào ta. Mà như đã nói, Methanol nó còn dịu ngọt êm hơn rượu khi uống cơ! Nên có thấy ai đó khoe rượu cửa hàng nhà em ngọt êm thì... cũng chả lấy gì làm đảm bảo cả. Cái đảm bảo vẫn phải là nguồn gốc xuất xứ của thứ rượu đem bán có đáng tin cậy không? Các bạn ở làng xóm chỉ cần đơn giản tìm hiểu xem nhà ông X, bà Y hành nghề nấu rượu có dùng men cổ truyền không hay là dùng chất hóa học hoặc mua cồn về pha với nước lã thành rượu? Cái động tác này trong thương trường hiện đại gọi là tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đó! Thôi, lấy ví dụ thế thôi, chứ điều này mà nói thì hết cả ngày mới tỏ, cái xuất xứ hàng hóa ấy xin để một dịp khác!

Bản thân tôi đã từng nói với rất nhiều người là cái món rượu lừng danh của đồng bào như rượu cần, rượu thóc là cực kỳ nguy hại! Mặc dù uống ngọt, êm, nhẹ... nhưng chắc chắn nó sẽ có cả ti tỉ các phân tử Methanol ngấm đẹp vào lục phủ ngũ tạng người uống để rồi nó âm thầm phá nát các cơ quan đoàn thể trong cơ thể ra. Vỏ thóc là cả một thành trì làm bằng Xenluloza thế nên khi ngâm ủ, kiểu gì chả có một số kha khá Methanol được hình thành từ đó, nên ngọt lắm ... Thế nhưng dường như chả ai bỏ vào tai câu nào, vẫn cứ khen rượu thóc, rượu cần ngon ngọt và tu ừng ực! Kinh hãi!

Gần đây trong dân gian lại còn lưu hành cái men của Tàu nó bán sang ta cho dân mình ủ rượu! Rất hiệu quả, chả phải nấu cơm, ủ ê gì cho mất công... Cứ trộn vào gạo, ủ nhanh, và nấu luôn. Được rất nhiều rượu! Nhanh và nhiều như vậy, chắc chắn là chất hoá học, không phải men rượu truyền thống, và chắc chắn nó sẽ biến hết tinh bột thành rượu nên hiệu suất rất cao và tiện thể cũng sẽ biến Xenluloza trong gạo, ngô, sắn thành ra Methanol cho ta uống luôn... Ôi trời! Làm sao đây??? Thôi đành ở làng quê thì các bạn kiểm soát xem các nhà nấu rượu nhan nhản trong làng xem họ dùng men gì nhé! Nếu của Tàu thì bảo nhau tẩy chay ngay, kẻo mang vạ nhãn tiền!

Say rượu ở chợ Quản Bạ - Hà Giang                Ảnh: Q.K

Như trên đã nói, rượu là thứ nước thần của loài người, nên nói bỏ nó là không tưởng. Có điều chúng ta nên có sự hiểu biết để uống cho nó văn minh mà thôi!

Có bạn sẽ bảo là thế thì từ giờ ta sẽ chỉ uống rượu Tây cho an toàn. Xin thưa là thị trường rượu Tây của Việt Nam thì Tàu “xử đẹp” xong cách đây độ 20 năm rồi! Bây giờ có tới 90% rượu Tây có xuất xứ Trung Quốc! Em xin vái cả nón! Tha cho em món rượu Tây hoành tráng! Thế nên những chai rượu “xách tay” từ Châu Âu, Châu Mỹ về thường được người ta biếu tặng một cách cung kính vì chúng mới được coi là “hàng xịn”. Bản thân mình mỗi lần đi nước ngoài đều ít nhất xách tay về một chai rượu “xịn” từ bên đó, sau đó gọi bạn bè đến thưởng thức "Để cho chúng mày biết thế nào là rượu Tây xịn!".

Thật ra ở Việt Nam ta cũng có khá nhiều thương hiệu rượu xịn. Ví như rượu của nhà máy rượu Hà Nội, chỗ ngã tư Nguyễn Công Trứ - Lò Đúc mà người Pháp xây từ xa xưa, có nhiều thương hiệu rượu uống khá hay. Ví như Lúa Mới là một nhãn hiệu đã từng vang danh trời Tây. Thế nhưng mà không hiểu sao dịp này họ ở đâu mà cứ để cho rượu lậu, rượu đểu, rượu độc tàn phá sức khỏe tính mạng của dân ta nhỉ? Giá mà làm được như bia Hà Nội, bia Sài Gòn đã từng “xử đẹp” thằng bia Tàu Vạn Lực năm xưa thì có phải ích dân lợi doanh nghiệp không! Sao thế nhỉ? Cái này chắc phải các nhà quản lý, các nhà làm chính sách mới trả lời rõ ràng được. Cả một thị trường rượu mênh mông của trên chín mươi triệu dân bỏ ngỏ! Hầu như không có bất cứ một sự giám sát điều chỉnh nào. Các lò rượu thủ công trong từng làng xóm thôn bản vô tư nấu, vô tư bán! Các cửa hàng tạp hóa, quán nước trên mọi miền cũng vô tư cất về bán lại cho người dân, rồi mua cồn (không ai biết là cồn thực phẩm hay cồn công nghiệp) về pha phách lung tung, bán loạn lên, nhưng cũng chả có ai kiểm tra giám sát chi hết… Để rồi đến khi xảy ra cái vụ ngộ độc Methanol như trên Lai Châu thì mọi sự đã muộn.

Mà đấy là còn nhìn thấy, còn biết. Nhưng còn bao nhiêu lít rượu chứa Methanol nhưng chưa đến mức ngộ độc cấp như trên Lai Châu, âm thầm tích luỹ, âm thầm tàn phá cơ thể đồng bào ta, gây ra cái chết dần dần, từ từ thì chỉ có trời mới biết.

Lan man vài dòng về rượu và Methanol để bạn bè có bỏ công đọc thì hy vọng ít nhiều có bổ ích. Vì thực lòng xem tin thấy vụ ngộ độc Methanol trên Lai Châu mà đau đớn quá. Những cái chết vì sự thiếu hiểu biết, vì sự thờ ơ của các cơ quan chức năng, vì sự hám lợi của những ai đó gây ra cho đồng bào mình...

Nhưng trong khi chờ đợi các cơ quan nhà nước ra tay kiểm soát tình hình thì chúng ta hãy tự tiết chế mình. Hãy uống một cách văn minh và chừng mực. Chúng ta hãy thưởng thức rượu như một thú vui lành mạnh của cuộc đời, bên bạn bè, chứ quyết không để rượu nó xơi tái mình!

Hãy làm người uống rượu một cách thông minh, các bạn nhé!

 

Trần Thanh Cảnh 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy