Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
12:49 (GMT +7)

Đôi điều về di sản văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam

VNTN - Xin được khẳng định rằng, 75 năm qua từ Cách mạng Tháng Tám đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm, có những việc làm thiết thực để lưu giữ, làm sống lại văn hóa văn nghệ của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Văn hóa văn nghệ các dân tộc thiểu số đã có những bước phát triển không ngừng, như vườn hoa rực rỡ nhiều màu sắc, đa dạng và độc đáo. Chính những thành tựu to lớn của văn hóa văn nghệ các dân tộc thiểu số đã góp phần làm phong phú thêm, giàu đẹp thêm nền văn hóa văn nghệ Việt Nam đa sắc màu và đậm đà bản sắc dân tộc. Bài viết này xin được trình bày một phần rất nhỏ về di sản văn hóa trình diễn của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam.

 

Nghệ sĩ ưu tú Nông Văn Khang, một trong những nghệ nhân tâm huyết với việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát then Tày ở Việt Bắc

Tính đến tháng 4/2016, cả nước có 43 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thuộc nghệ thuật trình diễn dân gian. Trong đó các dân tộc thiểu số Việt Nam có 24/43 di sản. Có thể nói di sản nghệ thuật trình diễn dân gian là một phần hồn cốt văn hóa của các dân tộc thiểu số, và nó phát triển theo sự phát triển không ngừng của từng dân tộc. Tuy được sinh ra từ lâu nhưng còn sơ khai, đơn giản cho nên những loại hình này khó có thể trở thành di sản văn hóa cấp quốc gia; để làm được điều này phải cần có sự nuôi dưỡng, bồi đắp thêm và sự nỗ lực của cả dân tộc đó. Từ Cách mạng Tháng Tám đến nay, chính các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, các nghệ sĩ nghệ nhân cách mạng đã đóng góp công sức to lớn cho sự phát triển của từng di sản; chính họ là những hạt nhân tiêu biểu, quan trọng nhất của di sản. Và chúng ta có thể khẳng định rằng, chỉ từ sau Cách mạng Tháng Tám cùng hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đến xây dựng đất nước thì nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số mới được quan tâm, mới có bước phát triển to lớn và mới được định hình trọn vẹn để trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và quốc tế.

Ngày 25/11/2005 tổ chức UNESCO đã chọn “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là kiệt tác truyền khẩu và văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là nghệ thuật trình diễn tổng hợp, nó được trình diễn ở hội làng hay trên sân khấu, được trình diễn tại lễ hội các địa phương và quốc gia. Và nó cũng là nghệ thuật trình diễn của nhiều dân tộc Tây Nguyên, trải rộng khắp các tỉnh như: Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng. “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được tôn vinh bởi những yếu tố như: Cồng chiêng - vật thiêng của nhiều dân tộc vùng Tây Nguyên - Nhạc cụ đặc sắc độc đáo và đa dạng - Di sản văn hóa mang dấu ấn không gian và thời gian, trong đó có chiêng của người Ê Đê, cồng và chiêng của người M'Nông. Muốn làm được điều trên ta thấy ở đây vai trò của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, vai trò của các nhà nghiên cứu văn nghệ và các nghệ sĩ, nghệ nhân ngày nay là vô cùng to lớn.

Ngày 22/12/2019, Tổ chức UNESCO cũng ghi danh: “Thực hành then Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nếu nhìn vào lịch sử ta cũng thấy, thực sự thì từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay then đã có những bước phát triển quan trọng. Không chỉ là thực hành then mà đã phát triển hát then đàn tính thành một loại hình nghệ thuật biểu diễn tổng hợp. Trong cuốn sách: “Mấy vấn đề về Then Việt Bắc” do nhà xuất bản văn hóa dân tộc phát hành năm 1978. Nhiều nhà nghiên cứu như Nông Văn Hoàn, Nông Đình Tuấn, Triệu Đường, Dương Kim Bội, nhà văn Vi Hồng, biên đạo múa Lê Khình đã có nhiều nghiên cứu về then. Đặc biệt nhà thơ Nông Quốc Chấn có bài: “Then, một hình thức nghệ thuật biểu diễn tổng hợp của dân tộc Tày Nùng”. Theo ông, “Then có văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật trang trí và nhạc cụ là cây đàn tính, chùm nhạc và quạt hoa. Không gian, thời gian biểu của then thật đa dạng. Trong gia đình có then kỳ yên, then cầu phúc, cầu may, giải hạn, cấp sắc”. Ngoài ra, trong cộng đồng có lễ hội, có hội thi, hội diễn, liên hoan hát then đàn tính địa phương, vùng miền và quốc gia. Trên sân khấu có hát then, múa then, độc tấu hòa tấu then. Như vậy qua phân tích trên ta càng thấy rõ vai trò của các nghệ sĩ, nghệ nhân thật vô cùng to lớn, chính họ là linh hồn của hát then đàn tính, chính họ đã giữ cho ngọn lửa hát then đàn tính sáng mãi, vì hát then đàn tính không chỉ là tín ngưỡng, mà còn là nghệ thuật biểu diễn tổng hợp, độc đáo của dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam.

 

Tái hiện " Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" trong Lễ hội đâm trâu ở Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Q.K

24 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia về nghệ thuật trình diễn dân gian của cộng đồng các dân tộc thiểu số là 24 viên ngọc quý, nó rực rỡ sắc mầu, nó khẳng định sức sống mãnh liệt của các dân tộc thiểu số. Nó phản ánh tính đa dạng, tính độc đáo, đặc sắc về bản sắc văn hóa nghệ thuật trình diễn của từng dân tộc thiểu số. Đặc biệt, ngày nay các di sản đó đã được các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, nghệ nhân lưu giữ, sáng tạo, thực hành, biểu diễn nâng cao làm cho những di sản quý giá đó càng hoàn chỉnh hơn. Xin được điểm lại một số di sản của các dân tộc thiểu số đã được công nhận như: “Xòe Thái” ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái; “Lượn SLương” của người Tày Bắc Kạn; “Múa Tắc Xình” của người Sán Chay Thái Nguyên; “Nghệ thuật múa Khèn” của người Mông ở vùng Tây Bắc, Việt Bắc; “Nghệ thuật Trầm Riêng - Trà Pây” của người Khơme ở Trà Vinh; “Hát Páo Dung” của người Dao Tuyên Quang, Thái Nguyên; “Nghệ thuật The” (múa) của người Tày ở Lào Cai; “Hát Soọng Cô” của người Sán Dìu ở Tuyên Quang, Thái Nguyên; “Hát Sấng Cọ” của người Sán Chay ở Thái Nguyên; “Rối cạn” của người Tày Thẩm Rộc và Du nghệ ở huyện Định Hóa, Thái Nguyên...

Như đã trình bày, trong phạm vi bài viết chỉ xin phác thảo những nét khái quát nhất, đơn giản nhất về tổng quan nghệ thuật biểu diễn của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Tuy nhiên, ta cũng thấy được sự phong phú, đặc sắc của nghệ thuật biểu diễn của các dân tộc thiểu số. Nó rực rỡ lên như một vườn hoa lớn, nhiều sắc mầu và mỗi tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo múa, nghệ sĩ biểu diễn là những bông hoa quý, bông hoa đẹp; mỗi người mỗi vẻ được tạo hóa cho họ tài năng, sự may mắn khác nhau nhưng họ giống nhau là quá trình nghiên cứu, lao động nghệ thuật cần mẫn, nghiêm túc.

Mông Đông Vũ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy