Đôi điều trao đổi về vấn đề địa danh trong tác phẩm văn học
Là người sáng tác, ai cũng biết rằng, những vật liệu đầu tiên gom nhặt để làm nên câu chuyện - nó chẳng xa lạ ở đâu, mà ở chính quanh mình, ở chính mảnh đất quê hương mình.
Xin nêu một vài ví dụ về các nhà văn nổi tiếng mà mảnh đất quê hương và tác phẩm đã làm nên một thương hiệu của họ.
Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Mạc Ngôn đã từng giành giải thưởng Nobel văn học. Vùng Cao Mật quê ông là một vùng đất nhỏ bé, nghèo khó thuộc tỉnh Sơn Đông. Vậy mà tất cả các tác phẩm của Mạc Ngôn về đề tài nông thôn, dù viết về quá khứ hay hiện tại đều về vùng đất Cao Mật. Tác giả Nguyễn Văn Hùng khi nghiên cứu về điều này đã viết (trên tạp chí Văn nghệ quân đội): “Ông có quan niệm nhà văn phải có mảnh đất của riêng mình, nơi họ gieo những con chữ để gặt những phận người”. “Nó không chỉ là một chỉ dẫn địa lý mà là một khái niệm văn học, một hoàn cảnh văn học”. Từ cảnh thật, sự việc thật ở Cao Mật, ông đã “huyền thoại hóa những cảnh thật thành những miền không gian vừa thực, vừa ảo, vừa gần gũi, vừa linh thiêng. Tiểu thuyết hóa những con người bằng xương bằng thịt nơi đây thành các nhân vật giàu sức sống và ám ảnh”.
Đã có giai thoại rằng khi tác phẩm “Cao lương đỏ” của ông ra đời và được dựng thành phim, người ta đã lũ lượt kéo nhau về chiêm ngưỡng vùng quê Cao Mật. Rất nhiều người thất vọng vì không tìm đâu ra cảm xúc như quang cảnh họ đọc trong tiểu thuyết của ông. Đấy phải chăng chính là sự gắn bó máu thịt, sự giàu có về trí tưởng tượng và tài hư cấu để mảnh đất Cao Mật của ông có một dấu ấn đậm sâu, linh thiêng như thế?
Với các nhà văn Việt Nam cũng có những điển hình này. Nhà văn Cao Duy Sơn và nhà thơ Y Phương là một ví dụ. Mảnh đất Cô Sầu ở Trùng Khánh - Cao Bằng là quê hương sống và cũng là quê hương văn học trong tác phẩm của các ông. Các tác phẩm làm nên tên tuổi hai ông đều gắn bó với nơi này.
Tôi chỉ xin nêu hai tập sách xuất sắc nhất giành nhiều giải cao của hai ông. Nhà thơ Y Phương nổi tiếng với tập tản văn “Tháng giêng, tháng giêng - một vòng dao quắm”, nhà văn Cao Duy Sơn với tập truyện ngắn “Ngôi nhà xưa bên suối”. Hai tập sách đều gắn chung với mảnh đất Cô Sầu, tất nhiên cảm xúc và sự thể hiện khác nhau. Mảnh đất Cô Sầu trong tản văn của nhà thơ Y Phương ăm ắp những hình ảnh qua cách dùng từ đầy mê hoặc, sáng tạo mà nó được bật ra từ tình yêu thương, gắn bó máu thịt với mảnh đất này của ông. Cả một miền văn hóa đặc sắc, riêng biệt hiện lên lung linh với một cách thể hiện cũng rất riêng biệt. Những tác phẩm của nhà văn Cao Duy Sơn như Người lang thang, Người săn gấu, Cực lạc, Ngôi nhà xưa bên suối, Đàn trời, Hoa bay cuối trời… dù ở thể loại nào, viết ở đâu, với tình huống nào thì người ta vẫn nhận ra không gian và hồn vía ở miền đất Cô Sầu. Như vậy, tuy ở các thể loại khác nhau nhưng hai nhà văn đều có chung quê hương văn học cho tác phẩm của mình và điều đó góp phần làm nên tên tuổi hai ông.
Trở về với những người viết ở Thái Nguyên.
Tôi là người viết mới nên chỉ có vài tập truyện ngắn ra đời. Điểm lại mấy chục truyện mà chẳng có truyện nào có tên thật một địa danh ở Thái Nguyên. Nhìn lại những người có hàng trăm tác phẩm như nhà văn Hồ Thủy Giang, nhà văn Phạm Đức, Bùi Thị Như Lan, Nguyễn Văn hay một số người viết đã quá cố như bác Trần Quang Toàn, Ngọ Quang Tôn cũng thế. Rồi những bạn viết thân thiết hiện giờ như Bùi Nhật Lai, Minh Hằng, Phan Thái cũng vậy.
Vậy vì sao lại có hiện tượng này?
Điều đầu tiên tôi cho là nguyên nhân chủ quan của người viết. Họ muốn không gian truyện mang tính phổ quát rộng rãi chứ không bị bó hẹp ở một địa phương. Một điều nữa là tác giả tránh sự nhạy cảm, phiền hà khi tác phẩm được công bố. Còn điều này tôi cho là yếu tố chủ yếu nhất, đó là người viết chưa đủ yêu, đủ ngấm, đủ ám ảnh, đau đáu, đủ tài năng để xây nên một quê hương văn học cho riêng mình. Không phải cứ muốn ghi tên địa danh thật vào tác phẩm nào cũng được. Địa danh chỉ có trong truyện khi nó là xuất phát điểm của cảm hứng để mọi tứ truyện được hiện lên từ đó. Hay nói cách khác, tứ truyện cứ phải quay về mảnh đất ấy thì cảm xúc người viết mới thăng hoa, phát triển. Việc này nó còn liên quan đến cả đề tài được viết. Đề tài ấy đã gắn bó sâu nặng với cuộc đời tác giả. Mọi hư cấu trong truyện đã có một đời sống thực ăn sâu vào tiềm thức tác giả cả một quá trình. Nên có tên địa danh trong vài tác phẩm không phải đã là có quê hương văn học. Quê hương văn học chỉ có khi hồn vía, không gian, đặc điểm cuộc sống con người nơi đó luôn hiện hữu với mọi góc độ của tác giả.
Có người cho rằng nhà văn Bùi Thị Như Lan đã có quê hương văn học trong tác phẩm. Tôi lại cho là các tác phẩm của chị chuyên về đề tài miền núi chứ chưa phải có quê hương văn học. Đọc truyện của chị ta có thể nhận ra không gian, tâm lý nhân vật của cả miền núi vùng Đông Bắc chứ không riêng cho một địa danh nào.
Vừa qua tôi thấy xuất hiện nhà văn Nguyễn Đức Hạnh đã có nhiều dấu ấn địa danh ở Thái Nguyên trong các tác phẩm của anh. Có truyện ngắn anh đưa đích danh tên địa phương như Dốc Lim (Âm dương), Phố Đán (Thăm thẳm bóng người, Nhìn theo giông gió), Nhâu - Võ Nhai (Năm canh bên bờ vực), Thịnh Đức (Tiếng chuông chùa Tử Đằng), Sông Cầu (Bến Tượng nghiêng trôi). Có truyện có bóng dáng, đời sống của một địa danh dù tác giả không ghi rõ trong tác phẩm, nhưng người đọc vẫn nhận ra ngay đó là Chợ Chu (Phố phiêu bạt), Hồ Núi Cốc (Dưới đáy hồ, Gào thét). Địa danh được anh đưa vào truyện nhiều nhất là Thịnh Đức và Thịnh Đán - “Dốc Lim, Phố Đán”.
Bàn về vấn đề tìm lối dẫn vào mảnh đất quê hương văn học, có người cho rằng quê hương văn học phải là nơi sinh ra tác giả bởi nơi ấy chứa đựng và nuôi dưỡng tất cả cảm xúc, tâm hồn của người viết. Điều đó đúng và cũng không hoàn toàn đúng. Bởi có tác giả không sinh ra ở Tây Nguyên, nhưng các tác phẩm để đời lại toàn viết về nơi đó. Hay hàng trăm nhà văn đều có quê hương máu thịt cả, nhưng tác phẩm vẫn không có quê hương cho riêng mình. Có người cho rằng chỉ những tác giả viết tiểu thuyết mới dễ bộc lộ một quê hương văn học vì nó có một không gian rộng dài, nó ôm một tư tưởng lớn hơn nên nó dễ khắc họa lên một miền đất riêng. Vậy nhưng truyện ngắn của nhà văn Cao Duy Sơn hay tản văn và thơ của nhà thơ Y Phương vẫn chứng minh không hẳn điều đó đúng.
Theo thiển nghĩ cá nhân tôi, dù là thể loại nào, nhưng những chất liệu về tính cách nhân vật, không gian, bối cảnh xã hội được tác giả dựng lên đều được chiêm nghiệm từ một miền đất thấm đẫm cảm xúc của tác giả. Mảnh đất ấy đã có những buồn vui, yêu ghét ám ảnh tác giả một cách mãnh liệt trong vô thức suốt một quá trình, để rồi khi có sự thúc bách về ý thức phải viết, nó bỗng sống động, lôi cuốn nhà văn không thể tách rời nơi ấy. Cảm xúc ấy luôn chi phối bất cứ tác phẩm nào của tác giả. Nó chỉ thăng hoa khi người viết bắt đầu gây dựng ý tưởng từ mảnh đất này.
Xin quay lại trường hợp của nhà văn Nguyễn Đức Hạnh, tôi đã có lần trao đổi với nhà văn về vấn đề này. Nhà văn cho biết anh sinh ra ở Bến Tượng sát con sông Cầu. Sau chuyển vào xóm Na Ranh thuộc xã Thịnh Đức. Hai nơi ấy có quá nhiều sự gắn bó, ám ảnh anh từ thuở còn thơ. Nhà anh ở phía sau khu nghĩa địa Dốc Lim. Đối diện là nhà của một tướng cướp thời Pháp bị cắt gân. Đời con ông cũng phải vào tù vì tội cướp giật. Một thời anh hái sim chín, bắt ếch, cá quanh khu nghĩa địa đem bán mua sách, mua truyện đọc. Có thể những câu chuyện ma chỉ trong trí nhớ của anh một thời. Có thể dòng sông Cầu trong xanh chỉ là nơi anh bơi lội hay ngắm nhìn mơ mộng lúc tuổi thơ. Nhưng chỉ khi có những trăn trở suy tư về một kiếp người; khi cái ác, cái thiện, cái sướng cái khổ đan xen và hiện hữu hàng ngày; khi anh bị thôi thúc phải viết lên một điều gì trước những hiện thực ấy… thì những ám ảnh trong vô thức ngày xưa bỗng hiện lên. Nó gợi cho anh trong sự tìm tòi một cách viết mới. Và những truyện ngắn ma mị viết theo dạng hiện thực huyền ảo đã ra đời, đem đến một phong cách riêng Nguyễn Đức Hạnh. Rất có thể những câu chuyện ma nghe được thời thơ ấu, rồi những điều thất đức phơi ra ở khu nghĩa địa gần nhà anh đã khơi gợi anh tìm đến với lối viết hiện thực huyền ảo đầy hình ảnh ma mị này.
Vừa qua anh vừa cho in tập truyện ngắn đầu tay “Tiếng chuông chùa Tử Đằng” với 18 truyện mà phần lớn có địa danh ở Thái Nguyên. Như vậy, trong các nhà văn ở Thái Nguyên, có lẽ Nguyễn Đức Hạnh là người đầu tiên ở Thái Nguyên đưa địa danh thật vào hầu hết các truyện ngắn đã xuất bản của mình. Liệu nhà văn đã khẳng định được quê hương văn học cho mình chưa thì còn phải đợi các tác phẩm tiếp theo của nhà văn trả lời. Nhưng tôi nghĩ làm được như vừa qua cũng là người đi đầu ở Thái Nguyên đưa địa danh thực vào tác phẩm. Tôi đã nhận ra trong tác phẩm của anh một không gian, một đời sống, lối nghĩ đầy phàm tục và ám ảnh ở quanh khu nghĩa địa Dốc Lim. Nhưng sâu sắc hơn là nhận ra nỗi đau của con người khi nhẫn tâm làm những điều ác. Tôi cũng nhận ra đặc điểm một vùng hồ Núi Cốc cùng những mối quan hệ đểu giả, thực dụng và nỗi lo về hệ lụy mà con người đang phải gánh chịu về sinh thái. Ngay cả những tứ truyện nói về sự thay đổi trong tư duy văn học của mỗi thời đại tưởng không liên quan gì đến con sông Cầu. Vậy mà nó vẫn được đặt trong không gian đầy chất thơ ấy để anh có được bao điều lóe lên trong sự chiêm nghiệm này.
Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh đã nhìn thấy những điều đang diễn ra ngay trên mảnh đất mình đã và đang sống để tìm tứ truyện cho mình. Chính vì thế mà không gian của truyện, nhân vật của truyện vẫn rất chân thực, vẫn vẽ lên bức tranh một miền quê ở Thái Nguyên rõ nét dù được viết dưới dạng hiện thực huyền ảo. Sau khởi đầu này, tôi tin những miền đất thân quen của Thái Nguyên sẽ làm nền tảng cho nguồn cảm hứng để chuyển tải những thông điệp mà anh đang trăn trở. Và rất có thể, anh sẽ khẳng định được một quê hương văn học cho tác phẩm của mình.
Vậy để người viết có một quê hương văn học trong tác phẩm của mình thì cần có những yếu tố nào và điều ấy có quan trọng với người sáng tác?
Theo cá nhân tôi yếu tố cơ bản phải xuất phát từ tình yêu máu thịt của tác giả với miền đất đó. Những buồn vui, khát vọng. Niềm hạnh phúc và cả sự đớn đau đã thấm đẫm tâm hồn tác giả. Những cảm xúc ấy cùng năng khiếu trời cho đã thúc giục tác giả phải trăn trở, phải cắt nghĩa về những chuyển động đầy phức tạp, éo le, đầy nhân văn và cũng đầy tội lỗi của một xã hội, của mỗi phận người trong một không gian riêng biệt của mình. Con người, cảnh vật nơi đó ăn sâu vào trong vô thức tác giả đến mức nó luôn là khởi nguồn cho mọi ý tưởng sáng tác của tác giả trong không gian ấy. Cứ đặt nhân vật vào không gian ấy, mọi diễn biến sẽ lôi tác giả đi theo. Ta không có tình yêu máu thịt với một mảnh đất nào, lấy đâu ra sự mắc nợ luôn dằn vặt, đòi nợ ta quyết liệt, cho ta sự dũng cảm để dấn thân. Sự “ăn xổi” có thể vẫn có tác phẩm hay, nhưng chỉ khi dấn thân như một sự trả nợ cho mảnh đất ta yêu, may ra tác giả mới có mảnh đất quê hương cho tác phẩm mình.
Trên đây cũng chỉ là những trao đổi mang thiển nghĩ cá nhân. Rất mong các bạn viết cùng trao đổi.
Phạm Quý
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...