Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
00:37 (GMT +7)

Dọc đường đón Tết

Một năm kinh tế nhiều biến động

Trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới: lạm phát tăng, khủng hoảng năng lượng, chiến tranh, dịch bệnh - kinh tế đất nước ta cũng gặp không ít khó khăn. Những tháng cuối năm, nhiều nhà đầu tư bất động sản, chứng khoán bất lực đứng nhìn tài sản bốc hơi hàng ngày mà không có cách nào cứu vãn. Ngành bất động sản khó khăn kéo theo ngành xây dựng, thép và hiệu ứng lan dần sang các nhóm ngành sản xuất. Nhan nhản trên các phương tiện truyền thông nhiều doanh nghiệp sa thải nhân sự, cho nhân viên nghỉ luân phiên, nghỉ Tết sớm do đơn hàng yếu.

Bitmap in 70-71.cdr

Nền kinh tế vừa khôi phục sản xuất sau đại dịch lại gặp phải quá nhiều áp lực xấu từ nền kinh tế thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi doanh nghiệp và người dân. Chiến tranh cứ ngỡ ở đâu xa xôi nhưng lại ảnh hưởng đến mỗi nhà từ miếng cơm manh áo. Một người bạn của tôi thở dài ngao ngán: nhìn bên ngoài cười nói vậy thôi chứ bên trong nhiều người héo hết rồi, sóng lớn thì thuyền lớn.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nên sự vận động của nền kinh tế thường ảnh hưởng đến nơi đây đầu tiên. Mảnh đất này được gọi bằng cái tên thân thương là thành phố bao dung bởi nơi đây người dân khắp mọi miền Tổ quốc quy tụ về sinh sống, lập nghiệp, xây dựng cơ ngơi. Sau dịch bệnh nền kinh tế có nhiều biến chuyển lớn, ở nhiều tỉnh thành khác nhiều khu công nghiệp cũng dần mọc lên, nhiều lao động bắt đầu nghĩ đến việc trở lại quê nhà.

 Năm nay, nhiều người đã trả lại nhà trọ để về quê rất sớm vì ở lại thành phố không có việc làm. Trong chúng ta hẳn nhiều người còn nhớ những cuộc hành hương đầy nước mắt của người dân năm ngoái trong đại dịch COVID-19. Năm nay, cuộc sống đã trở lại bình thường nhưng kinh tế toàn cầu khó khăn đã đặt ra trước mắt người dân bài toán mưu sinh.

Kinh tế thế giới luôn có những chu kỳ, người có lúc có thì, như sông khi vơi khi cạn. Nhiều người nhận ra mình và gia đình thật may mắn vì sau đại dịch gia đình vẫn bình an. Những lúc kinh tế suy thoái là khi người ta nhận ra sức mạnh nội tại, khởi động chất xám, là lúc sống chậm lại cho người trẻ trưởng thành, lúc tích lũy kinh nghiệm để tiến lên phía trước.

Với nhiều người quê nhà là nơi ra đồng xúc mớ tép, bẻ đọt rau là đủ bữa, là phiên chợ ở quê thức gì cũng rẻ, là tình quê hương chòm xóm đùm bọc quây quần. Dẫu thế nào về quê cũng không bị đói.

Rồi sẽ ổn cả thôi, bằng cách nào đó mọi sự vận động đều có lý do và sự tích cực nhất định. Thách thức luôn đi cùng cơ hội.

Mọi năm, cứ độ trước Tết khoảng một tháng, hàng quán, siêu thị đã đỏ rực cả lên, hàng hóa được trang trí trưng bày bắt mắt. Nhưng năm nay hầu hết các trung tâm thương mại đều thưa vắng, nhiều nhãn hàng không trụ lại được phải trả mặt bằng. Đợt sale Black Friday lớn nhất trong năm cũng không nhận được sự hào hứng của khách hàng. Ngay cả tỷ phú Jeff Bezos nhà sáng lập của Amazon cũng khuyên người tiêu dùng tiết kiệm tiền và tránh chi tiêu cho những khoản không cần thiết trong kỳ nghỉ lễ.

Nhiều người chợt nhận ra rằng đã rất nhiều năm họ lãng phí tiền bạc vào ngày Tết. Ngay cả món tiền lì xì, nó vốn là niềm vui của con trẻ mà nhiều năm nay nó trở thành thông lệ có qua có lại, trả ơn, nhờ giúp đỡ…

Dọc đường đón Tết

Năm nay cả nhà về quê ăn Tết sớm – đó là câu nói tôi được nghe nhiều nhất từ bạn bè mình. Về quê ăn Tết sớm nghĩa là vợ chồng con cái có thể cùng với bố mẹ già ra đồng thu hoạch vụ đông, cùng nhau gieo thóc hay đi cấy lúa vụ chiêm, là sẽ thong thả đi thăm nhà nội nhà ngoại lâu hơn một chút. Về sớm dạy con trẻ sàng gạo gói bánh, chăm cây, cùng đi chợ Tết. Một cành đào be bé, một chậu mai nhỏ, vài đóa cúc vàng hay đơn sơ hơn chỉ là mấy cành hoa nhựa rực rỡ thì vẫn đủ không khí cho ngày Tết.

Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm - có phải khi đã có tích lũy người ta bắt đầu quên mất điều cha ông dạy bảo đó không. Có phải khi kinh tế chững lại người ta thôi không đuổi theo giá trị ảo nữa mà dành nhiều thời gian cho người thân, nhà cửa, gia đình?

Dọc đường đón Tết, gặp một nụ cười thật tươi của ông chủ bán mai, năm nay ai cũng khó, mai bán được ít, người ta thuê nhiều hơn. Nhưng không sao, cơm không ăn gạo còn đó. Đem về chăm, năm sau cây lớn đẹp hơn sẽ có giá hơn. Nhiều hội nhóm đã bàn tính đến chuyện mua hoa những chiều cuối năm để làm từ thiện. Những người nghèo cũng mong có không khí mùa xuân, người nông dân không phải đau lòng nhìn công lao chăm sóc cả năm trời tả tơi ngày cuối năm nơi phố xá, bán hoa bán kèm cả niềm vui.

Người bán dưa hấu đánh cả xe dưa từ vùng quê nào đó lên thành phố, dưa bày ở khoảng đất trống rộng bên lề đường, chiếc võng dù mắc trong thùng xe, dưa hấu bán từ sáng sớm đến tận khuya. Tết là phải có trái dưa đỏ tươi, dưa là dư đấy. Mâm ngũ quả truyền thống có: cầu, sung, dừa, đủ, xoài thì vài năm nay có thêm dưa hấu, nghĩa là cầu dư xài, có chút chút vốn lận lưng.

Tết này không có tiền rủng rỉnh đi du lịch nhưng lại được quây quần bên gia đình. Hai năm dịch bệnh nhiều người chưa được về quê đón Tết, chắc hẳn năm nay sẽ là cái Tết đằng đẵng nhớ mong của nhiều người già đón con cháu trở về. Ngày Tết ở quê, gạo sẵn trong bồ, đậu sẵn trong phi, trong chuồng đã nhốt con gà làm lễ giao thừa, vài nhánh hoa thược dược cắt trong vườn, thêm vào đó tấm lòng thơm thảo dâng lên tổ tiên trời đất là mâm cỗ đón xuân đủ đầy, trọn vẹn.

Đã lâu lắm rồi, nhiều người chưa được sum vầy bên mâm cơm tất niên chiều ba mươi, chưa xông đất bà con hàng xóm ngày đầu năm mới. Tết - dẫu có thế nào cũng là dịp tổng kết, dịp quây quần, dịp bỏ qua chuyện cũ không hay, là khởi đầu cho một năm đầy hy vọng. Đâu phải cứ dư dả thì Tết mới vui.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 5 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước