Độc đáo tục cúng làng của người Dao áo dài Hà Giang
VNTN - Âm thanh của tiếng trống, tiếng thanh la và tiếng người huyên náo trong ngôi nhà sàn đơn sơ giữa lưng núi Tây Côn Lĩnh, khiến bản làng bừng sáng lên sau những ngày đầu xuân. Bước chân lên cầu thang, sẽ thấy ở giữa nhà thầy cúng đang vừa nhảy vừa đọc văn tế xin phép thần linh làm lễ cúng làng. Cảnh tượng đậm tính trang nghiêm và hoang sơ của núi rừng, không quá thần bí. Tập tục này để người Dao áo dài tạ ơn thiên nhiên, thể hiện sự trân quý của người dân với đất đai.
Người Dao ở Hà Giang chia thành các nhóm Dao Tiền, Dao đỏ, Dao quần trắng và Dao áo dài, trong đó nhóm Dao áo dài chiếm đa số (tới 15% dân số toàn tỉnh). Người Dao áo dài cư trú trên địa bàn các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Bắc Mê, Bắc Quang... Đây là một trong những dân tộc còn giữ được nhiều nét riêng, những đặc trưng văn hóa của tổ tiên truyền lại, từ lễ cấp sắc, lễ cúng rừng, lễ ma khô…
Ở gần thành phố Hà Giang, xã Phương Độ là nơi định cư lâu dài của người Dao áo dài. Phương Độ chia làm ba thôn là: Nà Thác, Khuổi Mi, Lùng Vài và những thôn này đều ở giữa lưng núi Tây Côn Lĩnh. Người Dao ở đây sống cần cù, hòa hợp với thiên nhiên.
Được biết, từ xa xưa cuộc sống của người Dao vốn chủ yếu dựa vào núi rừng. Tuy vậy, lối canh tác phát nương làm rẫy ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường nên họ đã chọn ngày làm lễ cúng làng để cúng thần và trồng cây bù đắp lại những vạt rừng mình đã phát. Qua nhiều năm, dần dần đồng bào người Dao không còn giữ lối canh tác lạc hậu đó nữa nhưng tục cúng làng vẫn được lưu giữ. Tục cúng làng có từ thời Bàn Vương truyền lại con cháu người Dao áo dài và đến nay người Dao áo dài vẫn giữ nguyên vẹn tập tục độc đáo này. Hàng năm, khi mùa xuân đến, vào ngày mùng 2 tháng 2, dân bản lại góp tiền, gạo, gà và cùng đến một nhà được chọn để tổ chức lễ cúng làng, trả lễ các “thần” cầu mong yên ổn và sức khỏe cho cả năm.
Thôn Nà Thác có 70 hộ dân. Lễ cúng năm nay bắt đầu từ sáng sớm, với 12 bài cúng, cùng các nghi thức gắn với tự nhiên như lấy đất từ đỉnh núi cao nhất về và trồng cây trả lễ rừng. Được biết, ngày xa xưa, thầy cúng cao tay trong làng chọn một chỗ đất tốt trong bản để bát hương thờ thổ địa và Bàn Vương, mỗi lần cử hành xong một bài cúng thầy cúng (người chủ lễ) sẽ ra đó để thắp hương. Thầy cúng Lý Văn Thăn được dân làng ủy nhiệm là chủ lễ cúng làng năm nay giải thích: Trước đây chỉ làm ở một gia đình cố định, ngày nay bà con thay nhau tổ chức lễ cúng, mỗi năm lễ cúng sẽ được làm ở một hộ. Trong nghi lễ này, thầy cúng giữ vai trò như người cha của bản, còn gia đình được chọn làm điểm tổ chức lễ giữ vai trò người mẹ. Âm - dương kết hợp, vào đúng ngày mới của tháng 2 sẽ thay mặt cả bản báo công đến Địa Vương, Bàn Vương và các vị thần rừng, thần sấm, thần nước…
Lễ cúng làng năm nay được tổ chức tại nhà anh Lý Văn Nhuậy, từ sáng sớm mọi người trong bản mang đồ lễ cần thiết đến góp. Trưởng bản chọn ra 7 thanh niên khỏe mạnh giúp lễ cho thầy. Giữa buổi lễ thầy cúng sẽ cử hai người trong 7 thanh niên này lên hai đỉnh núi cao nhất của bản để lấy ba gói đất mang về. Chỗ đất ấy sẽ được giao cho ba người có uy tín trong làng mang ra ba nơi của cửa rừng để trồng ba mầm cây mới trả cho thần rừng. Nghi thức tiếp theo chủ lễ cử người của bản mang cuốc xẻng đi san lấp lại các mảnh rừng, vạt đất bị sạt lở trong năm. Cùng lúc này thầy chủ lễ sẽ viết một tấm sớ cuốn lại bằng thanh tre. Nội dung tấm sớ hứa với các thần và Bàn Vương, sang ngày mùng 6 tháng 6 dân bản sẽ làm lễ cảm tạ các thần đã ban phát mùa màng tốt tươi, mưa nắng thuận hòa, ban sức khỏe cho bà con dân bản trong năm.
Lễ cúng làng kết thúc khi bài cúng tiễn các thần đã xong, thầy cúng và dân làng dâng lễ vật gồm đầu lợn, gà, xôi... Sau cùng mọi người sẽ từ khắp các ngôi nhà trong bản kéo về nơi tổ chức đám lễ, mỗi người mang góp một ít rượu và gạo để cùng nhau chung vui, hưởng cỗ cúng làng.
Nguyễn Văn Toan
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...