Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
16:29 (GMT +7)

Độc đáo trang phục truyền thống của người Dao Tiền

Trang phục không chỉ mang giá trị vật chất mà nó thể hiện văn hoá, cá tính, là nguồn sử liệu quan trọng để đánh giá quá trình vận hành và phát triển trong lịch sử và hiện tại của cả một tộc người. Trang phục truyền thống của người Dao Tiền nổi bật với những bộ trang phục đặc sắc được thêu, in tay với các họa tiết tinh xảo, thể hiện tài năng và tính nghệ thuật của người phụ nữ… đã làm nổi bật lên những nét văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của tộc người này.

Trang phục dân tộc Dao Tiền ở xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn
Trang phục dân tộc Dao Tiền ở xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn

Dải đất hình chữ S với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, cộng đồng dân tộc Dao là dân tộc có nhiều nhóm người nhất, với những tên gọi khác nhau. Một trong những tiêu chí cơ bản để phân biệt các nhóm là căn cứ vào đặc điểm văn hóa mà nét chủ yếu dựa vào tính chất và giá trị của trang phục nữ giới để xác định: nhóm Dao sử dụng nhiều màu đỏ trên trang phục nên được gọi là Dao đỏ, nhóm Dao có phụ nữ mặc quần theo lối bó sát vào chân gọi là Dao quần chẹt, nhóm Dao dùng đồng tiền trang trí gọi là Dao Tiền…  

Với nhóm Dao quần trắng hay Dao quần chẹt hay Dao đỏ… đồng bào thường mặc trang phục truyền thống mà không có váy, thì nhóm Dao Tiền lại nổi bật với những bộ trang phục đặc sắc, trong đó váy là biểu tượng chính, được thêu, in tay với các họa tiết tinh xảo, thể hiện tài năng và tính nghệ thuật của người phụ nữ.

Mỗi bộ trang phục đều là một tác phẩm nghệ thuật, phản ánh sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người. Những hoa văn tinh tế không chỉ để trang trí mà còn chứa đựng những câu chuyện, tín ngưỡng và biểu tượng văn hóa của cộng đồng. Trong các dịp lễ hội, trang phục trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết và bản sắc của dân tộc. Hình ảnh chị em phụ nữ mặc trang phục truyền thống tỏa sáng giữa núi rừng như những cánh bướm thật sự đẹp và ý nghĩa.

Trang phục dân tộc Dao Tiền, xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình
Trang phục dân tộc Dao Tiền, xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình

Trang phục cổ truyền của người Dao Tiền điểm nổi bật có thể kể tới những chiếc khăn đội đầu. Khăn dài nhuộm màu chàm, đầu khăn có trang trí hoa văn và đính nhiều tua rua màu đỏ. Nối giữa tua và khăn là những hạt cườm trang trí những đồng tiền nhỏ. Hoa văn trang trí trên khăn thường gắn với các yếu tố tự nhiên: hình tròn, tam giác, trăng lưỡi liềm… được thêu thủ công, tạo nên sự tinh xảo và công phu, đảm bảo rằng mỗi chiếc khăn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân.

Khi đội khăn, người phụ nữ Dao Tiền thường gấp khăn sao cho tạo thành một dải vải vừa đủ rộng để quấn quanh đầu. Tùy vào từng vùng và từng đối tượng, cách gấp khăn có thể khác nhau đôi chút đảm bảo cho chiếc khăn ôm sát và tôn lên dáng đầu.

Đối với phụ nữ, cách đội khăn thể hiện sự trang trọng và duyên dáng, đồng thời còn là một phần của bản sắc văn hóa dân tộc. Màu sắc và hoa văn của khăn cũng có thể phản ánh tình trạng hôn nhân hoặc tuổi tác của người đội khăn. Phụ nữ đã lập gia đình thường đội khăn kín đáo, đơn giản, mang lại cảm giác nghiêm túc và trưởng thành trong khi các cô gái chưa lập gia đình có thể đội khăn nhẹ nhàng, thanh thoát hơn với các họa tiết nổi bật và rực rỡ.

Theo chia sẻ của bà Lý Thị Nhất, một nghệ nhân dân tộc Dao Tiền tại xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, người Dao Tiền khi vào Việt Nam họ đã phân chia thành hai nhóm sống cách xa nhau: Một nhóm định cư ở phía Bắc (Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng) và nhóm còn lại ở phía Tây Nam (Vĩnh Yên, Phú Thọ, Hòa Bình).

Chuyện kể rằng trong hành trình di cư của người Dao Tiền, không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra thuận lợi. Trong quá trình di chuyển, một số người cao tuổi mắc bệnh nặng và qua đời. Điều này dẫn đến sự chia rẽ trong gia đình thành hai nhóm: một nhóm theo cha vượt núi đến Cao Bằng, còn nhóm còn lại ở lại cùng mẹ. Sau khi mãn tang, nhóm này tiếp tục xuôi dòng sông Đà để tìm cha, tìm chồng, cuối cùng dừng chân tại các tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ.

Đối với nhóm người Dao Tiền ở phía Đông Bắc, do di chuyển trước và trong thời gian chịu tang tổ tiên, nên đồng bào vẫn duy trì khăn đội đầu màu trắng để thể hiện sự tôn kính tổ tiên và thần linh. Trong khi đó, nhóm người Dao Tiền ở phía Tây Nam, sau khi mãn tang, đã chuyển từ khăn trắng sang khăn đen thể hiện sự tôn trọng đối với tổ tiên đã qua đời, mà còn là dấu hiệu của sự chuyển giao, bắt đầu một chu kỳ mới trong cuộc sống của gia đình.

Người Dao Tiền ở Nguyên Bình, Cao Bằng từng thử bỏ không đội khăn trắng, nhưng khi đó bản thân luôn thấy đau ốm và mệt mỏi. Điều này cho thấy khăn trắng như một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh: người Dao Tiền tin rằng đội khăn trắng, có vai trò bảo vệ không chỉ về mặt tinh thần mà còn cả về mặt thể chất. Khăn trắng trở thành bùa hộ mệnh, biểu tượng của sự bảo vệ và gìn giữ sức khỏe, giúp người Dao Tiền duy trì được sự liên kết với tổ tiên, với thế giới tâm linh, qua đó được bảo vệ khỏi các tác động tiêu cực từ môi trường và cuộc sống. Nếu không thực hiện đúng truyền thống, sẽ gặp phải những điều không may mắn. Và mỗi người phụ nữ Dao Tiền vùng Đông Bắc thường xuyên đội khăn kể cả lúc đi ngủ, đêm bị tuột thì sáng dậy phải đội lại ngay. Họ không để đầu trần, mỗi người thường có ít nhất từ 2 -3 chiếc khăn để thay đổi.

Cùng với chiếc khăn trắng, khăn của bé gái Dao Tiền ở vùng Đông Bắc thường có màu đỏ và cũng là một phần đặc biệt trong trang phục truyền thống của người Dao Tiền.

Màu đỏ là một màu sắc đặc biệt có ý nghĩa may mắn, bảo vệ và phát tài trong văn hóa dân gian của nhiều dân tộc ở Việt Nam, trong đó có dân tộc Dao. Đối với người Dao Tiền, màu đỏ còn có một ý nghĩa đặc biệt liên quan đến sức khỏe, bình an và sự bảo vệ khỏi tà ma, dịch bệnh. Khăn đỏ được dùng cho bé gái ngay từ khi còn nhỏ, là một phần trong nghi thức chào đời của trẻ em, nhằm thể hiện sự chức phúc và bảo vệ của cộng đồng, có thể được coi như một bùa hộ mệnh, giúp bảo vệ trẻ nhỏ khỏi tai ương, bệnh tật và mang lại sự may mắn trong những năm đầu đời. Khăn đỏ cũng có thể biểu trưng cho sự kết nối với tổ tiên và thế giới tâm linh, nhắc nhở bé gái về cội nguồn và bản sắc dân tộc của mình.

Các bé gái Dao Tiền vùng Đông Bắc nổi bật với khăn đội đầu màu đỏ
Các bé gái Dao Tiền vùng Đông Bắc nổi bật với khăn đội đầu màu đỏ

Về áo của nhóm Dao Tiền vùng Đông Bắc, mặc áo dài màu chàm, khi mặc áo dài ngang ống chân, cổ áo liên với nẹp ngực và phía sau gáy có đính 7 đồng tiền xu. Áo thường được thêu nhiều hoa văn ở vạt trước, vạt sau và hai bả vai với hình con chó hay hình khối, biểu tượng cho sự bảo vệ và may mắn. Mỗi bên nẹp ngực có đính đồng tiền xu bằng bạc hình tròn, tượng trưng cho sự thịnh vượng vào bảo vệ tài lộc.

Để hoàn thiện chiếc áo, người phụ nữ phải thêu từng mảnh hoa văn rồi khâu ghép lại. Một chiếc áo nữ giới của người Dao Tiền cần có 10 mảnh thêu, gồm hai thân trước, hai thân sau, bốn mảnh tay, thể hiện sự tỉ mỉ, khéo léo trong công việc thủ công truyền thống.

Nghề thêu dân tộc Dao Tiền Bắc Kạn
Nghề thêu dân tộc Dao Tiền Bắc Kạn

Trước đây, người Dao Tiền vùng Tây Nam thường mặc áo kép, nhưng do điều kiện tự nhiên và sự giao thoa văn hoá, hiện nay họ sử dụng áo đơn trong sinh hoạt hàng ngày, còn áo kép chỉ được dùng trong các dịp lễ hội.

Áo kép của người Dao Tiền mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc và liên quan đến các nghi thức tôn thờ tổ tiên. Áo kép được may từ hai lớp vải, biểu trưng cho sự bảo vệ và liên kết giữa hai thế giới: thế giới trần tục và thế giới linh thiêng. Lớp vải thứ hai giúp bảo vệ người mặc khỏi những yếu tố xấu, tà ma, và mang lại sự bình an cho người mặc. Những hoa văn thêu trên áo cũng có thể phản ánh các niềm tin tâm linh, như sự bảo vệ khỏi bệnh tật, sự may mắn và sự gắn kết với thiên nhiên.

Người Dao Tiền đặc biệt coi trọng sự trưởng thành và trách nhiệm trong xã hội, khi người phụ nữ Dao Tiền lập gia đình, họ thường mặc áo kép, với hai lớp vải để thể hiện rằng mình đã bước qua một giai đoạn trưởng thành, đã gánh vác những trách nhiệm của gia đình và xã hội, tượng trưng cho sự trọn vẹn và hoàn thiện trong đời sống gia đình.

Áo kép của người Dao Tiền không chỉ có ý nghĩa văn hóa mà còn rất thực dụng. Với đặc điểm là có hai lớp vải, áo kép vừa giúp người mặc giữ ấm trong những ngày lạnh giá, lớp vải bên trong thường được làm từ chất liệu mềm mại, dễ chịu, trong khi lớp ngoài có thể làm bằng vải dày, bền hơn, giúp cách ly và bảo vệ cơ thể khỏi những tác động tiêu cực từ môi trường xung quanh, là một sản phẩm thể hiện tính nghệ thuật cao của người Dao Tiền.

Khác với áo của nhóm Dao Tiền vùng Đông Bắc sử dụng đồng bạc trang trí phía trước áo, nhóm Dao Tiền vùng Tây Nam chỉ đeo một vài đồng xu nhỏ phía sau của cổ áo và trang trí trên khăn.

Bên cạnh khăn, áo những chiếc váy, xà cạp trong trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Tiền cũng rất đặc biệt, váy được làm từ vải nhuộm chàm và vẽ hoa văn bằng sáp ong thì hoa văn trang trí trên xà cạp toàn bộ được thêu bằng tay.

Váy được may ghép từ 6 khổ vải nhuộm chàm. Việc nhuộm chàm cũng kéo dài trong nhiều tháng, bắt đầu từ tháng 6 tháng 7 khi chàm vào mùa thu hoạch và nhờ sự khéo léo, dịu dàng của người phụ nữ Dao Tiền mà việc nuôi chàm có thể kéo dài đến năm sau.

Bà con dân tộc Dao Tiền, xã Cao Sơn, Hoà Bình phơi vải sau khi nhuộm chàm
Bà con dân tộc Dao Tiền, xã Cao Sơn, Hoà Bình phơi vải sau khi nhuộm chàm

Cây chàm được lấy về, ngâm trong nước đá núi. Khi bã chàm được loại bỏ, phần nước đánh cùng vôi để lắng được phần bột chàm. Bột chàm được pha cùng nước tro sẽ được cao chàm. Cao chàm mang ngâm vải, mỗi ngày vải được ngâm 2 lượt. Việc nhuộm vải lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi đạt được màu ưng ý, có thể kéo dài 20-30 ngày. Sau lần mỗi lần ngâm vải, nước chàm vẫn được giữ lại và hằng ngày bà con thêm lá chàm tươi, cao chàm và rượu - gọi là “nuôi chàm”.

Với vải in hoa văn sáp ong, công đoạn sẽ cầu kì hơn khi các tấm vải trắng được mài mịn bằng những chiếc nanh lợn trước khi sử dụng bộ dụng cụ vẽ họa tiết. Công việc khó khăn, đòi hỏi tính cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác, không được phép sai một ly, vì nếu sai một nét là phải làm lại cả khổ vải. Để in một khổ vải 60 - 80cm, phải mất 7 - 8 giờ đồng hồ. Vải in sáp ong xong, đem nhuộm chàm, sau đó luộc trong nồi nước nóng để sáp ong chảy ra. Những chỗ vải đã được in sáp ong vẫn giữ được màu vải, không bị thấm màu xanh đen của chàm, hoặc hơi lơ xanh hài hoà và đẹp mắt.

Váy của nữ giới ở phía Tây Nam và phía Đông Bắc về kiểu dáng cũng như phong cách trang trí hoa văn là giống nhau, may xếp ly, có dây buộc ở hai đầu với vòng cạp rộng vừa eo người sử dụng.

Hiện nay, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Dao, đặc biệt là nhóm Dao Tiền không còn phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Phần lớn người dân đã chuyển sang sử dụng trang phục hiện đại, chỉ còn một số ít người cao tuổi vẫn giữ thói quen mặc trang phục truyền thống. Đồng thời, nghề dệt truyền thống cũng đang mai một, khi vải may trang phục chủ yếu là vải công nghiệp, và các kỹ thuật như nhuộm chàm, in hoa văn sáp ong, thêu vẫn được duy trì nhưng có thể là chưa đủ để bảo tồn hoàn toàn nét văn hóa này. Việc mất đi các nghệ nhân dệt vải, sự thiếu đam mê của thế hệ trẻ và sự thay đổi trong đời sống cộng đồng đã khiến trang phục truyền thống và văn hóa dân tộc Dao Tiền dần phai nhạt. Câu chuyện về trang phục không chỉ là về thẩm mỹ mà còn là một phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ từ cộng đồng mà còn từ từng cá nhân.

Kim Thoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy