Độc đáo thơ Xuân năm Mão của Hoàng đế Minh Mệnh
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, vua Minh Mệnh lại làm thơ về năm ấy, một là để ghi lại tâm tư tình cảm của mình đối với năm mới. Hai là để khuyên mình trong năm mới phải gắng sức hơn. Mỗi bài thơ về ngày cuối năm thường là cảm xúc dâng trào trước thời khắc của năm mới sắp đến. Đó là niềm hớn hở vui tươi trên khuôn mặt của mỗi người.
Thánh Tổ Nhân Hoàng đế (Minh Mệnh, 1791 - 1841) tên húy là Nguyễn Phúc Kiểu阮福皎, lại có tên húy là Đảm (lúc nhỏ tên là Đảm, khi lập làm Thái tử được đặt tên là Kiểu) là người con thứ tư của Thế Tổ Cao Hoàng đế, sinh ra khi đất nước đã dần ổn định, nên thời niên thiếu của Minh Mệnh đỡ cơ cực hơn các anh của mình phải bôn tẩu theo cha. Do đó, Minh Mệnh có điều kiện thuận lợi để học hành đến nơi đến chốn. Hơn nữa, những thầy dạy cho Minh Mệnh đều là những thầy nổi tiếng về học vấn, như Đặng Đức Siêu.
Về việc này, sách Đại Nam thực lục có ghi: Vua nghĩ nhớ công sư bảo, dụ bộ Lễ rằng: “Đặng Đức Siêu xưa từng phụng mệnh Hoàng khảo Thế Tổ Cao Hoàng đế ta dạy ta đọc sách mấy năm, chỉ bảo cho ta được nhiều, lại giữ tính công bằng trung chính, không thẹn chức phận. Nguyễn Đức Thịnh cũng vâng mệnh Hoàng khảo ta giúp đỡ ta trong 5 năm, là người hiền hoà nên khuyên ta nhiều việc thiện, đến 84 tuổi mới cáo lão về hưu, thực là người từ thiện thì sống lâu vậy. Nay nên gia tặng để tỏ lòng báo đáp tôn kính [Đại Nam thực lục, tập 2, tr 442].
Năm Gia Long thứ 15 [1816], mùa hạ, tháng 6, ngày Kỷ Mùi, sách phong lập làm Hoàng thái tử, ở điện Thanh Hoà. Kể từ đây, Minh Mệnh luôn hiểu rõ trách nhiệm của mình không ngừng học tập, dùi mài kinh sử, bồi dưỡng tài năng để sẵn sàng gánh vác trách nhiệm lớn lao. Minh Mệnh chăm chỉ tham khảo nhiều sách về trị quốc, yên dân, đã cùng với vua cha Gia Long bàn về đạo trị nước “Vua từng cùng Hoàng thái tử bàn về đạo trị nước xưa nay. Hoàng thái tử nhân đưa sách Đại Thanh hội điển tiến vua xem. Vua dụ rằng: “Ngô Đình Giới tính nết nghiêm trang đứng đắn, hoàng tử hoàng tôn kính trọng lắm, lòng trẫm rất khen. Chức trách dạy bảo thật không thể không chọn cẩn thận được” [Đại Nam thực lục, tập 1, tr 978].
Vua Minh Mệnh nối ngôi vào tháng Giêng năm Canh Thìn (1820), bấy giờ đã 30 tuổi. Vua là người rất siêng năng, thức khuya dậy sớm chăm lo việc nước. Giai đoạn trị vì đã có rất nhiều cải tổ sửa sang từ nội trị đến ngoại giao, khiến đất nước trải qua một thời kỳ thịnh trị và có ưu thế vượt trội đối với các lân bang. Vua chịu khó học hỏi, trọng dụng người tài, khiến các chính sách cải tổ đề ra đều đạt đến thành công, tạo được giềng mối kỷ cương cho nước nhà kéo dài đến cả trăm năm sau. Vốn học rộng, có tài thơ văn nên vua rất chú trọng đến việc truyền bá đạo học của Thánh hiền đời trước. Thơ văn của vua sáng tác từ thuở thiếu thời cho đến thời gian trị vì kể ra không xiết.
Không chỉ là một vị vua giỏi, Minh Mệnh còn là một tác gia văn học lớn, sáng tác bằng nhiều thể loại (biểu, dụ, tự, minh, luận, đối liên, dụ, tế văn, điền từ, bạt, biện, thư hậu, thi...). Thơ của ông tập trung chủ yếu trong Ngự chế thi (6 tập) và Ngự chế văn (2 tập), ngoài ra, thơ của ông còn được in rải rác ở nhiều sách khác.
Về văn, có khoảng 700 bài, chủ yếu là những văn bản hành chính chỉ đạo của vua đối với các Bộ, các quan... vì vậy, nếu so với thơ thì số lượng văn ít hơn nhiều. Song tuy sáng tác một số lượng lớn tác phẩm Ngự thi nhưng về quan niệm văn chương của Minh Mệnh lại có phần khác với nhiều văn sĩ đương thời.
Đối với Minh Mệnh, văn chương phải xếp sau công việc chính trị. Thơ chỉ được ông làm vào những thời gian rảnh rỗi hay trong những giờ phút nghỉ ngơi ngắn ngủi. Có lẽ vì ông là một vị hoàng đế đứng đầu đất nước, biết bao công việc cần phải giải quyết. Hơn nữa, từ thời Minh Mệnh, việc tự vua phê bản tấu chương, chăm chăm cần chính, do đó mà văn chương đối với Minh Mệnh chỉ là sau chính sự.
Thơ của Minh Mệnh cũng có phần khác với nhiều thi sĩ đương thời, quan điểm làm thơ của ông là không cần hoa mĩ, chau chuốt, gọt rũa công phu. Hơn nữa, ông làm thơ không muốn tỏ cái ý tranh hay, tranh giỏi với các văn sĩ đương thời, điều này đã được vua Minh Mệnh khẳng định rất nhiều lần trong Ngự chế thi. Song không phải vì vậy mà Minh Mệnh lại xem nhẹ thơ, bởi lẽ, mặc dù văn chương với ông chỉ là thứ yếu sau việc triều chính, nhưng ông coi việc sáng tác thơ văn của mình xuất phát từ chí mà ra. Minh Mệnh cho rằng các văn bản hành chính thì có thể do từ thần thay vua soạn ra, nhưng thơ thì không thể được. Thơ văn vốn có gốc ở tâm, phát ra ở chí, nếu như để người khác thay mình làm ra thì đâu có gọi là chí nữa” [Lời tựa Ngự chế thi sơ tập].
Vả lại lúc vạn cơ thong thả, lưu ý về việc văn chương; Ngự chế 5 tập thơ (1), 2 tập văn và các bài Thiên cơ dự triệu, Cổ khí minh văn, đều phát minh đạo mầu, mở rộng phép học. Ngài thật là bậc Đại thánh chế tác khác xa tầm thường, đổi hết những thói quê mùa từ Lê, Lý trở về trước, mở lối trị văn mình ngàn muôn đời cho nước Đại Nam ta. [Quốc triều chính biên toát yếu, bản dịch năm 1994, tr 321].
Sinh thời vua Minh Mệnh làm thơ rất nhiều, hơn 3500 bài, được tập hợp in trong 6 tập Ngự chế thi. Những bài thơ mà theo quan niệm của vua Minh Mệnh cốt để luyện tính tình, chăm việc nước, kính trời, yêu dân, xét lúc tạnh lúc mưa là chính khi làm thơ. Như lời nhận xét của đại thần Phan Bá Đạt rằng: Thơ vua Thánh Tông phần nhiều chỉ cốt điêu luyện; còn như thơ của thánh thượng làm, thì lấy ngay tình cảnh mà tả ra, cốt để phát minh đạo trị nước, lời lẽ thể cách lại thấy hùng hồn”. Vua nói: “Vua tôi rỗi rãi, cùng nhau làm thơ không những để cùng mua vui, mà có khi cũng để ngụ ý khuyên răn nữa, chứ chẳng phải lấy thơ để làm khí cụ chính trị đâu”. [Đại Nam thực lục, Bản dịch năm 2002, tập 4, tr 771].
Nhân dịp năm mới, xin được giới thiệu 4 bài thơ do Hoàng đế Minh Mệnh viết vào năm Tân Mão, một là để ca ngợi cảnh đẹp của đất trời khi Xuân về Tết đến. Hai là để nói lên nỗi lòng của mình đối với lê dân bách tính. Từ đó mà nhà vua có những nỗi đau đáu trăn trở về cuộc sống của dân, mong muốn Tết đến Xuân về để người dân no đủ, sông ngòi thuận dòng, không còn sóng to nổi lên. Lại mong cho bĩ cực thái lai để người dân chín châu cùng vui với tiếng đàn tiếng sáo.
辛卯立春帖子三首Tân Mão lập xuân thiếp tử (tam thủ)
年初年底始終春 (本年正月十三日立春. 茲十二月十二日又立春)
三百有零餘八旬 (四月值閏故一年而三百八十四日)
荏苒光陰將臘盡
佇看明歲物華新
暑往寒來又遇春
否歸年舊泰年新
韶光九十從頭數
萬綠千紅次第陳
臘月先欣已立春
深思何以慰黎民
桃紅柳綠非吾好
河順年豐是我珍
Phiên âm:
Niên sơ niên để thủy chung xuân, (bản niên chính nguyệt thập tam nhật lập xuân. Tư thập nhị nguyệt thập nhị nhật hựu lập xuân)
Tam bách hữu linh dư bát tuần. (tứ nguyệt trị nhuận cố nhất niên nhi tam bách bát thập tứ nhật)
Nhẫm nhiễm quang âm tương lạp tận,
Trữ khan minh tuế vật hoa tân.
Thư vãng hàn lai hựu ngộ xuân,
Bĩ quy niên cựu thái niên tân.
Thiều quang cửu thập tòng đầu số,
Vạn lục thiên hồng thứ đệ trần.
Lạp nguyệt tiên hân dĩ lập xuân,
Thâm tư hà dĩ uỷ lê dân.
Đào hồng liễu lục phi ngô hảo,
Hà thuận niên phong thị ngã trân.
Dịch nghĩa:
Viết thiệp lập xuân năm Tân Mão (3 bài)
Đầu năm cuối năm đầu xuân cuối xuân, (năm nay lập xuân vào ngày 13 tháng Giêng. Năm nay lập xuân vào ngày 12 tháng 12)
Trải qua hơn ba trăm linh tám tuần. (tháng 4 gặp tháng nhuận, cho nên 1 năm mà có 384 ngày)
Thời gian năm tháng sắp hết tháng Chạp,
Đứng trông năm mới sự vật nở hoa mới.
Nóng qua lạnh tới lại gặp mùa xuân,
Bĩ cực thái lai năm mới về.
Thiều quang chín chục theo đứng đầu,
Muôn sắc xanh ngàn sắc đỏ lần lượt phô ra.
Tháng Chạp vui mừng vì trời đã lập xuân,
Trong lòng đau đáu suy nghĩ lấy gì để an ủi dân.
Đào buông sắc đỏ liễu rủ sắc xanh chẳng phải là điều trẫm yêu thích,
Sông ngòi thuận dòng được mùa đó là điều trẫm coi là quý.
(Ngự chế thi Sơ tập, quyển 10, trang 31)
辛卯元旦Tân Mão nguyên đán
履端集祉喜暄和
元旦有祥吉事多
宇宙融怡繁庶物
雨暘時若長嘉禾
虔祈氛靜寧洪海
籲懇波恬順大河
萬姓同欣垂福祜
九州共樂管絃歌.
Phiên âm:
Lí đoan tập chỉ hỉ huyên hoà,
Nguyên đán hữu tường cát sự đa.
Vũ trụ dung di phồn thứ vật,
Vũ dương thời nhược trường gia hoà.
Kiền kì phân tĩnh ninh hồng hải,
Dụ khẩn ba điềm thuận đại hà.
Vạn tính đồng hân thuỳ phúc hỗ,
Cửu châu cộng nhạc quản huyền ca.
Dịch nghĩa:
Ngày Tết năm Tân Mão
Đầu năm gom phúc vui mừng vì tiết trời ấm áp,
Tết nguyên đán có nhiều điềm lành nhiều việc tốt.
Vũ trụ ấm áp vạn vật phát triển,
Bốn mùa mưa nắng thuận hòa cây lúa tốt tươi.
Khẩn cầu cho khí xấu lặng xuống để sóng to biển cả lặng yên,
Nguyện mong sóng lặng sông lớn thuận dòng.
Trăm họ cùng hân hưởng phúc bền,
Chín châu cùng ca hát vang tiếng đàn tiếng sáo.
(Ngự chế thi Nhị tập, quyển 1, trang 1)
Mùa xuân vua Minh Mệnh làm thơ với mong muốn nói lên cái nghĩ của mình đối với nhân dân trăm họ, sau một năm làm việc, tổng kết lại những sự được và chưa được để cho lòng gắng sức hơn. Thông qua lời bài thơ trên nhà vua như muốn thành tâm cầu đảo trời cao ban phước lành cho nhân dân. Lại nguyện cầu cho bốn mùa mưa nắng thuận hòa mùa màng bội thu, tết đến mang theo nhiều điềm lành, việc tốt, khiến cho nhà an vui hưởng phúc, đó cũng là tâm nguyện vì dân vì nước của vua Minh Mệnh vậy.
-------------
(1) Lúc này Ngự chế thi của vua Minh Mệnh mới khắc in được 5 tập, còn tập thứ 6 thì mãi đến năm 1841 vua Thiệu Trị mới cho tập hợp và khắc in cho vua cha.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, (tập 1), Bản dịch của Viện Sử học (2002), Nxb. Giáo dục.
2.Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, (tập 2), Bản dịch của Viện Sử học (2002), Nxb. Giáo dục.
3.Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, (tập 4), Bản dịch của Viện Sử học (2007), Nxb. Giáo dục
- Minh Mệnh Ngự chế thi A.134A 御 制 詩 VNCHN.
5.Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên toát yếu, bản dịch (1994), Nxb. Thuận Hóa, Huế.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...