Độc đáo nghi lễ Then “Trả lễ học trò”
VNTN - Trong lịch sử, Bắc Sơn (Lạng Sơn) là nơi có nhiều cuộc di cư của người Kinh từ miền xuôi lên làm quan, lính thú, chạy nạn và làm ăn sinh sống. Và điều này khiến nơi đây đã diễn ra sự giao thoa văn hóa Tày - Kinh rất mạnh mẽ. Then của người Tày ở Bắc Sơn cũng mang màu sắc của văn hóa người Việt rất đậm nét và có nhiều khác biệt so với Then ở các địa phương khác trong tỉnh. Trong Then Bắc Sơn không chỉ có yếu tố Tày đơn thuần mà còn có cả yếu tố Kinh hiện diện. Yếu tố ấy thể hiện trong cách trang trí không gian thờ tự, thể hiện trong lời ca với hơn một nửa tiếng Kinh pha lẫn trong câu hát và thể hiện trong phương thức hành lễ với những động tác múa Tẩy uế gần giống với múa Sái tịnh của người Kinh. Trong nghi lễ Then “Trả lễ học trò” cũng có đặc điểm như vậy.
Mô phỏng trường lớp và 36 học trò
Nghi lễ Then “Trả lễ học trò”, là một cuộc lễ được các nghệ nhân dân gian mô tả trường học, học trò, thi cử như một cuộc thi Hương, thi Hội thời xưa. Cuộc lễ Then “Trả lễ học trò” kéo dài khoảng 8 tiếng, chặng đường đi của Then chỉ đi qua 5 cửa hay còn gọi là 5 chương.
Theo quan niệm người Tày, những gia đình có người sinh vào Cung Đốc học là học trò của Vua Đốc học hay còn gọi là mệnh hạn học trò của Vua Đốc học cần giải hạn Học trò, khi đến tuổi thi đỗ đạt để làm quan tương đương với tuổi học hết phổ thông, nếu không giải hạn thì sẽ thi đỗ và buộc phải về trường âm nhập học gọi là Cung Đốc học. Mục đích làm lễ để cầu xin Vua đốc học để không phải thi đỗ đạt vào Cung Đốc học mà nhờ hình nhân thay thế. Do tính chất của cuộc lễ không lớn, nên nội dung của cuộc Then thường được gia chủ yêu cầu thêm việc giải sao, giải hạn cho các thành viên khác trong gia đình (thường là bố, mẹ, ông, bà) là những người có liên quan đến số mệnh của gia chủ. Trình tự của buổi lễ cũng như các cuộc lễ Then khác như: Soi hương sặp mạ tức là triệu tập binh quân để chuẩn bị lên đường. Trước khi lên đường Nhà Then phải làm lễ trình báo chư vị thần linh và tổ tiên; tiến hành tẩy uế làm sạch đàn tràng; múa Quang cầu để kiểm tra lễ vật chuẩn bị lên đường tiến vào các cửa.
Lễ vật ngoài các cây hoa, cây hương, oản, thóc gạo, lợn đã thịt, tiền vàng được sắp xếp xung quanh Cầu hào quang như những cuộc Then giải hạn khác thì trong Then “Trả lễ học trò” còn có các lễ vật đặc biệt được chia thành các nhóm trong đó có các lễ vật như: gà và cá rán còn gọi là “Lý ngư, Hồng kê”, cây bỏng gạo, mâm chè kho; trường học, hình nhân 36 học trò, bàn, ghế, bảng, trống, chiêng, hòm sách, hòm bút, ngựa vàng, mèo bạc, cây chuối, cây cau, cây nến...
Sau khi đã kiểm tra lễ vật xong, đoàn quân Then bắt đầu lên đường để tiến lễ vào các cửa. Trong nghi lễ Then “Trả lễ học trò” Then chỉ đi qua 5 cửa như: Vào cửa Vua Chang Há (Trung giới), đây là chương dài nhất trong cả cuộc lễ gồm nhiều đoạn đường, cửa ải khó khăn mà đoàn quân Then phải vượt qua; Vào cửa Mẹ sinh; Vào cửa Năm vua; Vào cửa Vua Đốc học.
Vào cửa Vua Đốc học là nghi lễ chính của cuộc Then, có thời lượng kéo dài gần bằng với đoạn vào cửa Vua Chang Há, nội dung của các đoạn được mô tả chi tiết tỉ mỉ từ khi đoàn quân Then mang lễ đến dừng chân trước cửa dinh thự của Vua Đốc học đến việc trình lễ, được Vua Đốc học cho phép mở cửa trường, cửa lớp để khai giảng, vào lớp học, làm bài thi, chấm thi, thông báo kết quả, khóa cửa trường, cửa lớp để bế giảng. Nghệ nhân Then đã sử dụng nghệ thuật đàn hát một cách tài tình hợp lý cho từng hoạt động của một trường học vừa mang dáng dấp của một trường học thời xưa, vừa có yếu tố thời hiện đại. Lời ca và giai điệu âm nhạc lúc thì mang tính mô tả, lúc lại chuyển sang không gian của một lớp học thầy giáo với học trò; thầy giảng bài, trò “vâng, dạ” vô cùng sinh động. Thực tế đây là cuộc giao lưu lớn giữa nghệ nhân Then và khán giả đến nghe hát. Nghệ nhân Then hát, khán giả đế theo “Dạ” giống như trong lớp học, nghệ nhân là thầy giáo, khán giả đến nghe Then là học trò. Điều đặc biệt là mỗi lớp học ở âm gian chỉ có 36 học trò, trong nội dung của cả nghi lễ được nghệ nhân Then nhắc đi nhắc lại nhiều lần “36 học trò”. Có thể mô tả vắn tắt nội dung của từng phần như sau:
- Phần Trình lễ: Sau khi đã đi qua cửa 5 vị vua, đoàn quân Then tiếp tục lên đường mang theo toàn bộ đồ lễ học trò trong tiếng đàn, hát rộn ràng, sôi nổi. Lời Then mô tả một không gian vô cùng sinh động, mặt trời rực rỡ, mây bay, chim hót vang trời. Đoàn quân Then kéo đi nườm nượp theo nhịp trống, vừa đi vừa ca hát vui vẻ, vừa chia nhau miếng trầu điếu thuốc. Dinh Vua Đốc học đã hiện ra trước mặt rực rỡ, tráng lệ; đoàn quân Then dừng lại trước cửa dinh Vua Đốc học, chỉnh lại hàng ngũ, để chuẩn bị trình lễ.
Đoạn Then mô tả Vua Đốc học sai quân quyền quét dọn nhà cửa, mở cửa dinh để đón lễ của Tu thế dương gian với những lời trình lễ về nguyên nhân, lý do gia chủ nộp lễ thỉnh cầu. Ngày trước Tu thế gia chủ sinh vào cung Vua Đốc học, được Vua Đốc học bảo ban, che chở, ngày nay Tu thế gia chủ ở dương gian không quên công ơn nên đã sắm sanh đồ lễ trầu cau, kim ngân, vàng bạc mang lên hoàn ơn trả nghĩa, để Vua Đốc học tổ chức cho 36 học trò thi đỗ đạt thay cho Tu thế dương gian. Vua Đốc học chân phải xỏ giày hoa, chân trái xỏ giày vàng trực tiếp đi kiểm lễ và hài lòng mới cho phép triều thần văn võ mang lễ vào trong dinh.
- Phần Khai trường: Bắt đầu từ phần này cho đến phần bế giảng khóa cửa trường, cửa lớp, phần diễn xướng có sự tham gia đắc lực của khán giả, là những người đến dự lễ Then cùng trình diễn.
Sau khi đã chấp nhận lễ vật của Tu thế gia chủ, Vua Đốc học thông báo cho tất cả các quan Nhà Hoàng về nguyên nhân và thỉnh nguyên của Tu thế dương gian và sai triều thần văn võ đánh trống, chiêng 3 hồi 3 tiếng cho phép mở cửa trường, cửa lớp. Trống chiêng tiếp tục rung một hồi 3 tiếng để thông báo cho 36 học trò kéo đến tập trung đến trường chuẩn bị khai giảng đầu năm.
Lễ vật dâng cúng “Lý ngư, Hồng kê”
8 tiếng còi được cất lên để học trò tập trung vào lớp, xếp hàng ngay ngắn nghiêm minh để buổi khai giảng đầu năm được bắt đầu. Các học trò lắng tai nghe lời phổ biến việc học hành, thi cử từ đầu năm đến cuối năm. 36 học trò phải chăm chỉ học hành để cuối năm thi đỗ đạt cả. Buổi khai giảng đầu năm để soi xét cuối năm việc đỗ đạt của 36 học trò. Buổi khai giảng kết thúc bằng 3 hồi trống, 3 hồi chiêng.
- Phần Vào lớp học: Sau buổi khai giảng Vua Đốc học sai triều thần văn võ mở cửa lớp để học trò vào lớp học. Mỗi học trò ngồi một bàn, mở hòm sách, bút, nghiêm mực để lắng nghe, ghi chép học tập cuối năm thi đỗ. Để mô tả quá trình học tập, lời Then sử dụng cụm từ “Tắc tở phân vân”. Sau khi kết thúc một hoạt động trong quá trình Then dùng từ “Đã qua” nên toàn bộ phần này được Then mô tả rất ngắn nhưng người nghe có thể hiểu được cả quá trình học tập từ đầu năm đến cuối năm.
- Phần Làm bài thi: Trong phần này, Then mô tả một cuộc thi như thi Hương thời phong kiến ngày xưa, ngôn từ phần này chủ yếu là tiếng Kinh (tiếng Việt) thỉnh thoảng mới pha lẫn vài câu tiếng Tày như: “Lớp nào vào lớp đấy, mỗi bàn một học trò/ Không được quay cóp bàn trước bàn sau/ Bàn nhất, bàn nhị, bàn tam, bàn tứ/ Để te, trống, chiêng rung một tiếng…/ 36 học trò phải khấu khái thi công, phải khấu không thi đỗ…”.
- Phần Chấm thi, thông báo kết quả: Vua Đốc học mở cửa dinh đón tiếp ban giám khảo để vào chấm thi. Trong phần này, Then mô tả chi tiết việc pha mài mực. Mài mực, pha mực cho đen, không được pha mài mực loảng thành màu tím, mực sơn son thật đen xếp bút, xếp nghiêm ngay ngắn trên thư án để các giám khảo chấm bài thi cho học trò đỗ đạt.
Vua Đốc học sai triều thần văn võ đánh trống, đánh chiêng thông báo kết quả thi của 36 học trò. Cả 36 học trò đều đỗ đạt làm quan.
- Nhận lễ của Tu thế dương gian và khóa cửa trường, cửa lớp: Sau khi học trò đều đỗ đạt, Vua Đốc học sai triều thần văn võ đánh chiêng, trống, kèn thông báo việc học hành, thi cử đã xong và khóa cửa trường, cửa lớp để bế giảng.
Vua Đốc học trực tiếp khám lễ của Tu thế dương gian và giải quyết những thỉnh cầu của gia chủ. Toàn bộ mô hình trường, lớp, bàn ghế, trống, chiêng, hòm sách, hòm bút, cờ vuông, cờ chéo… đều được hóa. Tu thế dương gian ngày trước sinh vào cung Vua Đốc học, nay đã có 36 học trò thi đỗ đạt thế vào. Vua Đốc học mừng lòng, mừng dạ đón lễ vào dinh và “Cầm quạt gió ngoài trạm tống xung, cầm quạt hoa ngoài dinh tống hạn” cho Tu thế dương gian. Vua Đốc học bước chân đi vào trong dinh, kết thúc nghi lễ bằng vảy quạt 3 lần.
Mọi nghi lễ đã xong xuôi, quan quân Then mời Nam Tào, Bắc Đẩu chứng kiến chấp nhận mọi thỉnh cầu của gia chủ, chúc cho gia chủ mọi bình an “Bách niên giai lão, khỏe như cây đa, già bằng cây thông”.
Có thể nói Then “Trả lễ học trò” là một nghi lễ Then độc đáo chỉ có ở vùng Then Bắc Sơn. Toàn bộ cuộc lễ diễn ra nhẹ nhàng không nặng nề về những phép vu thuật, không khí cuộc Then sôi nổi đôi lúc còn pha tính hài hước vui vẻ không nhàm chán, âm nhạc và lời ca rộn ràng pha nhiều tiếng Kinh (tiếng Việt) người nghe dễ hiểu. Tuy nhiên, Then “Trả lễ học trò” không diễn ra thường xuyên như các hình thức Then khác mà chỉ diễn ra khi có gia chủ yêu cầu, vậy nên ngày nay rất ít thầy Then làm được nghi lễ này. Theo nghệ nhân dân gian Dương Đình Danh ở làng Quỳnh Sơn - Bắc Sơn thì đã hơn chục năm nay mới lại có người mời thầy làm nghi lễ này. Then “Trả lễ học trò” là nghi lễ độc đáo trong kho tàng văn hóa tộc người Tày - Nùng rất cần gìn giữ bảo tồn.
Dương Thị Lâm
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...