Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
21:34 (GMT +7)

Độc đáo mỹ nghệ thủ công một số nước trên thế giới

Nghệ thuật thủ công đã có từ lâu đời, song hành cùng các quốc gia và dân tộc. Chúng cho thấy những nét đẹp tinh tế của nền văn hóa cùng những giá trị nhân văn giải trí cao, giúp mọi người hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp. Dường như nước nào cũng có một hay nhiều loại hình nghệ thuật thủ công riêng với những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, vừa mang tới những thông điệp, câu chuyện thú vị vừa nuôi dưỡng nền kinh tế địa phương, gìn giữ các nghệ nhân và làng nghề cổ truyền.

Nhờ sự rực rỡ, cầu kỳ, đa dạng, mỗi sản phẩm đều hấp dẫn du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên mà ví dụ là tranh Thangka của Nepal và Tây Tạng, thủy tinh Murano của Italy, đồ da của Ma Rốc, Alebrije của Mexico và Korowai của New Zealand…

Muôn sắc Thangka, họa phẩm Phật giáo Kim Cang Thừa

Xuất hiện từ thế kỷ VII ở châu Á, loại hình nghệ thuật Thangka được coi là một phần của Vi diệu pháp hay nghệ thuật Giác ngộ khi khắc họa mọi mặt của vũ trụ, tiểu thiên - đại thiên thế giới theo cách nhìn của đạo Phật, giải thích mọi sự từ sinh tử, luân hồn, giải thoát đến nghiệp báo. Tranh thường được vẽ dưới bố cục của những vòng tròn, hình vuông, tam giác đan xen hoặc bố trí tứ phía và trung tâm, sau đó buông dài để treo và khi cần có thể cuộn lại như một cuốn thư. Nội dung tường thuật Phật thoại, kinh văn cùng những lời chỉ dạy của các vị Phật, Bồ Tát, Lama với mục đích khuyến thiện, trừng ác, khuyên ai nấy đi vào chính đạo.

Vì là những lời lý giải, răn dạy cặn kẽ của bậc đại thánh nên Thangka cực kỳ chi tiết, trong một hình có thể chứa cả chục hình, màu sắc, biểu tượng sặc sỡ, sinh động. Trong hình có hình, trong màu có màu, trong tròn có vuông, trong vuông có tròn… Tranh thường bằng vải hoặc lụa pha loãng trong mỡ bò yak, ngoài vẽ còn thấy thêu, sơn mài, khảm trai, in dập, khắc nổi và có khổ rất lớn nhiều khi phủ kín mặt tường. Là một phát minh của Nepal trong việc đặc tả thật nhiều những câu chuyện và nhân vật Phật giáo, khi sang Tây Tạng nó tiếp tục được thăng hoa để ngày càng trang trọng hơn nhằm hoằng dương Phật Pháp do cả Nepal và Tây Tạng  - đều là trung tâm của đạo Phật.

Độc đáo mỹ nghệ thủ công một số nước trên thế giới
Một tác phẩm Thangka

Tạo tác Thangka đòi hỏi người làm phải hết sức chính xác để các hình vẽ được sắc nét, hòa quyện, liên kết một cách diệu kỳ. Tranh mới nhìn là 2D song nhìn kỹ thành 3D nếu phân tích, bóc tách từng lớp và nhờ thế trở thành một thể loại hội họa phức tạp nâng cao thị giác ở bất cứ không gian nào. Để thành thạo nghệ thuật này, một nghệ sĩ phải có hiểu biết sâu rộng về tôn giáo và văn hóa Nepal.

Không phải ai cũng vẽ được tranh, thứ nhất vì nó tỷ mỉ - công phu, cả tháng ra một bức, thứ hai vì là tranh thờ linh thiêng, mỗi đường nét, hoa văn đều chứa đựng sắc màu tâm linh, có tin vào Phật giáo mới vẽ được các hình và nội dung ấy. Vì thế, các nhà sư thường là người đầu tiên vẽ tranh, kế tiếp là Phật tử, các nghệ nhân trong vùng và dùng sự tịnh tâm, chậm rãi để sáng tác. Nhờ gấp gọn, cuộn chặt, mỗi họa phẩm Thangka luôn có mặt ở khắp nơi từ tu viện tới nhà dân.

Độc đáo mỹ nghệ thủ công một số nước trên thế giới
Quá trình tạo tác ra Thangka

Trong suốt thủy tinh Murano, ngọc quý vùng Veneto

Được biết chính thức từ thế kỷ VIII, thủy tinh Murano là những đồ vật vô cùng bắt mắt, được làm từ cát nung chảy, rồi dùng ống thổi, tay nắn tạo hình phong phú. Chưa hết, trong khi những nơi khác chỉ có một thứ thủy tinh màu trắng thì ở đảo Murano - Venice đã sớm có nhiều thủy tinh sặc sỡ và là chu trình phức tạp của sự pha trộn đa dạng chất liệu như lá vàng, lá bạc cho gân đốm bằng vàng hay bạc lóng lánh hoặc kẽm cho màu trắng sáng, măng gan tím thẫm, cô ban xanh lơ, đồng và se len đỏ hồng, sắt và crom xanh lá cây… cùng những thiết kế mới lạ. Cho tới nay đã có hàng trăm kiểu dáng thủy tinh, gồm những vòng hạt, khuy áo, ly vại, bình bát, đèn chùm, tranh tượng. Trong một xưởng thổi thủy tinh và đổ khuôn, cứ 15 phút bằng hai phương pháp cổ đại trên sẽ cho ra một sản phẩm to nhỏ khác nhau và từ chỗ không có gì ngoại trừ một chút dịch nóng trên đầu que sắt sẽ hiện lên vô vàn hoa lá, chim muông, tàu thuyền… tựa như một phép lạ.

Các tác phẩm thủy tinh Murano
Các tác phẩm thủy tinh Murano

Để làm một sản phẩm thủy tinh nhiều màu, cần phải đun cát ở nhiệt độ tới 1.400 độ C giúp tất cả các chất liệu đều tan chảy, hòa quyện và cần hai người thợ nhanh nhẹn, khéo tay, biết trước về các màu sắc. Một người là thợ cả chuyên tạo hình - chỉnh sửa, người kia là thợ phụ canh lửa, nhấc thủy tinh ra khỏi lò và cùng thợ cả thổi bóng, dùng kìm, kéo, bay để cắt tỉa hình dạng. Trước khi thành phẩm, một cục thủy tinh nóng có thể được hâm mềm tới mấy lần cho đến khi đạt kết quả ưng ý và được trữ trong lò mát cho nguội dần. Khi đang làm, nó thường có màu đỏ rực của lửa, chạm mảnh giấy vào, mảnh giấy cháy ngay, song khi nguội hẳn sẽ lộng lẫy, sặc sỡ dưới nhiều sắc thái và còn tỏa sáng lấp lánh tựa ngọc.

Dai dẻo đồ da, vẻ đẹp không tuổi Ma Rốc

Chí ít từ thế kỷ XII, cái tên Maroquin hay đồ da Ma Rốc đã nổi tiếng châu Phi do những sản phẩm thiết yếu bền đẹp, mềm mại, sang trọng, phù hợp với mọi lứa tuổi, gồm những giày dép, túi ví, dây lưng, yên cương, đệm, gối… Phần lớn các thành phố của Ma Rốc đều có nghề thuộc, đóng da, như Fez, Tangiers, Marrakech, Tetouan, Rabat và Meknes. Tại đó sẽ gặp những xưởng thuộc da nằm la liệt ở ngoài trời và chứa nhiều bồn lớn đổ đầy chất lỏng màu trắng, vàng hoặc nâu đỏ. Chất lỏng ấy chính là thuốc làm mềm da, như đá vôi và phân bồ câu.

Sau khi da mềm, nó sẽ được cạo và nhuộm bằng phẩm tự nhiên, như nghệ tây được tẩm để cho màu vàng, lá móng màu cam, anh túc màu đỏ. Một sản phẩm thường có nhiều màu song đều phản ánh màu của sa mạc mênh mông. Về hình dáng, họa tiết trên sản phẩm cũng đặc tả những đụn cát bồng bềnh, các ốc đảo, thế giới động thực vật của sa mạc, cùng đó là các mô típ truyền thống Ả Rập, kim cương nhân tạo, làm nên vẻ đẹp huyền bí không tuổi tác, diện lúc nào cũng được. Khác với đồ da của phương Tây thường trơn nhẵn, đồ da Ma Rốc mang rất nhiều họa tiết được đục đẽo, chạm khắc cũng như có nhiều màu sắc tươi thắm. Có khá nhiều thứ da được dùng để tạo tác mà phổ biến nhất là da dê, cừu, bê và lạc đà.

Đồ da Ma Rốc dai dẻo, mang vẻ đẹp không tuổi
Đồ da Ma Rốc dai dẻo, mang vẻ đẹp không tuổi

Sống động Alebrije, linh thú Mexico

Không có định nghĩa nào cụ thể về Alebrije, song đại thể đây là những sinh vật tưởng tượng trong văn hóa dân gian và đời sống tinh thần Mexico. Chúng có thể là bất cứ thứ gì song đều là một con vật lai, mảnh ghép của nhiều loài chim thú, cá tôm với nhau và chứa đựng những đặc tính của bốn nguyên tố: đất, nước, lửa và không khí. Mỗi con vật thường có cánh, sừng, vây, giáp và một cái lưỡi dài của rồng. Tựu chung, Alebrijes là những pho tượng bằng gỗ sặc sỡ. Gỗ làm tượng là thân cây copal, một loài cây đặc hữu của Trung Mỹ có hương thơm như trầm được dùng trong điêu khắc và nghi lễ của người Aztec và Maya xưa.

Alebrijes là những pho tượng bằng gỗ sặc sỡ
Alebrijes là những pho tượng bằng gỗ sặc sỡ

Bắt nguồn từ thần thoại châu Mỹ, nhưng Alebrije được hiện thực hóa sinh động từ thập niên 50 của thế kỷ trước nhờ nghệ sĩ Pedro Linares tại Mexico City khi ông làm những con rối giấy bồi và bán tại chợ. Kể từ đó, Alebrije đã trở thành một hình tượng quen thuộc, biểu tượng của văn hóa folklore và sự sáng tạo. Nhiều nơi học theo ông tự tác những sinh vật lai, có ý nghĩa như là những con rồng, phượng, kỳ lân Trung Hoa song đậm màu totem Mỹ. Alebrije thường có mặt trong tất cả những lễ hội, sự kiện vui, giải trí thậm chí là việc trang hoàng nhà cửa của người dân thủ đô, nhất là trong ngày của người quá cố, cho phép người ta hóa trang và khoe diễn muôn thứ kỳ dị. Tùy theo trí tưởng tượng, ai nấy có thể vẽ ra một linh thú của riêng mình, góp chung vào thế giới Alebrijes.

Một tác phẩm Alebrijes
Một tác phẩm Alebrijes

Ấm áp áo choàng Korowai - hiện thân của sự lãnh đạo và tình thương

Khi người Maori đến Aotearoa, New Zealand, châu Đại dương 1.000 năm trước, trời bỗng lạnh giá đến nỗi họ phải đan áo và là những tấm áo choàng dày Korowai, về hình dáng giống như một chiếc áo tơi ra đồng, có trang trí tua rua bằng những sợi lanh lao xao, bay bổng. Korowai lấy từ chữ Korokoro - lỏng lẻo và chữ wai - nước chảy, ý chỉ một vật có thể chống mưa. Và những chiếc tua rua hukahuka này cũng có tác dụng dẫn nước đi xuống khỏi thấm vào người, ngoài ra nhờ gợn sóng, đu đưa theo từng chuyển động của người mặc cực kỳ gợi cảm.

Áo choàng Korowai
Áo choàng Korowai

Mới đầu, phụ nữ là những người dệt áo Korowai để tặng chồng con bày tỏ sự quan tâm, yêu thương, sau đó nó đã trở thành một biểu tượng về sự uy nghiêm, bao bọc và tài lãnh đạo của người thủ lĩnh, cũng tượng trưng cho sự hòa nhập vào thiên nhiên - môi trường khi mặc để làm lễ cúng tế và xã giao.

Có khá nhiều loại Korowai, đa số phụ thuộc vào những trang trí trên áo như Karure là áo có tua rua làm từ ba sợi lanh bện xoắn, Ngore - áo đính những quả len xù sặc sỡ, nhất là màu đỏ, Kakahu - áo gắn lông chim và Pihepihe - áo đính ống lanh khô… Áo Ngore là áo mà người mặc thích điệu đà, sang chảnh một chút trong khi áo Kakahu vì chắp lông vũ thể hiện cho hoàng tộc, quyền uy, danh dự còn Pihepihe do gắn ống lanh có thể phát ra những âm thanh vui tai khi chúng cọ xát vào nhau. Người Maori thường mặc Korowai trong nhiều dịp gồm lễ trưởng thành - tốt nghiệp như một ý thức về bản sắc tộc người, một món quà chúc mừng, sự kết nối với di sản quốc gia và truyền thống gia đình.

Ảnh: Theo World Travel

Chu Mạnh Cường (Sưu tầm và biên dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy